Seawool – Loại vải tái chế từ vỏ hàu và chai nhựa, bạn có biết? 

Ngày đăng: 16/03/23

Từ tên gọi, ắt hẳn chúng ta cũng có thể biết được Seawool là gì – một loại chất liệu mới của thời trang, một câu giải pháp mới “cứu rỗi” môi trường khỏi những tác hại mà thời trang gây ra cho môi trường, một loại vải được làm từ “tinh hoa của biển”

Sau những khó khăn và thử thách mà trái đất, cuộc sống và con người đã trải qua những năm gần đây, lẫn những gì mà chúng ta đang đối mặt hiện tại, có lẽ đã đến lúc (có thể đã muộn) để nhân loại nhìn nhận lại, nhìn lại những gì mình đã gây ra cho môi trường để có thể tìm ra những biện pháp thích ứng. Bắt đầu từ đâu? Ăn uống, sinh hoạt, lối sống, từ những chuyện lớn đến nhỏ nhất,… và đối với những “con chiên ngoan đạo” của thời trang thì chúng ta phải xem lại cách chúng ta “sử dụng” thời trang.

Thời trang vốn là một trong những ngành công nghiệp thiết yếu trong cuộc sống của con người, cũng chính vì thế đây cũng là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm đến môi trường. Khi chúng ta dần đối mặt với những biến đổi bất ngờ của môi trường, môi trường cũng bắt đầu “phản kháng” lại thì thời trang cũng đã nhận ra “vấn đề” của mình bằng các biện pháp cụ thể. Chẳng hạn, sự lên ngôi của thời trang bền vững, sự tẩy chay thời trang nhanh, sự ra đời của hàng loạt chất liệu thay thế, sự xuất hiện của các loại vải/da/… thuần chay, hay làm bằng các chất liệu có thể phân hủy sinh học dễ dàng,… Là một tín đồ thời trang chính hiệu thì ắt hẳn các loại da được làm vỏ táo, vỏ thơm, xương rồng, nấm,… cũng chẳng là những cái tên quá mới. Tuy nhiên, bạn đã nghe qua chưa loại vải được làm từ vỏ hàu?

Tinh hoa của Đại dương

Đài Loan vốn là quốc gia nổi tiếng với nghề nuôi hàu lâu đời, đã tồn tại hơn 300 năm. Vì thế, hàu cũng là một trong những món ngon nổi tiếng nhất Đài Loan. Từ những nhà hàng sang trọng đến hàng quán đường phố, từ người địa phương đến khách du lịch, ai cũng mê đắm những thớ thịt hào ngọt lịm, ngào ngạt hương vị biển cả. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đang lãng phí nguồn thực phẩm biển cả này, bởi lẽ không chỉ phần thịt mà phần vỏ cứng như đá bên ngoài của hàu cũng là một loại “báu vật” quý giá, đặc biệt là cực kỳ lợi ích cho thời trang. 

Theo ước tính, mỗi năm, khoảng 6 đến 8 triệu tấn vỏ hàu được đổ xuống thẳng đại dương – gây ra “áp lực” đáng kể cho hệ sinh thái biển. Riêng ở Đài Loan, khoảng 160.000 tấn vỏ hàu được thải ra môi trường biển mỗi năm. Đứng trước tình hình đáng báo động đó, sau nhiều năm tháng nghiên cứu miệt mài, tổ chức Hans Global Textile ở Đài Loan đã nghiên cứu và tạo ra vải làm từ vỏ hàu hay Seawool, đã được áp dụng và cấp bằng sáng chế từ năm 2017 – một bước ngoặt mới trong sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang.

Từ chất thải đến báu vật

“Sau nhiều năm nghiên cứu và học hỏi, chúng tôi đã thành công trong việc tìm ra phương pháp khai thác tiềm năng từ những chiếc vỏ sò bị bỏ đi này, cùng với việc tái chế chai nhựa PET, chúng tôi đã tạo ra một loại chất liệu mới có thể ứng dụng trong dệt may.” – Hans Global Textile chia sẻ. Cái tên Seawool bắt đầu từ đâu? Được biết, tên gọi này được lấy cảm hứng từ kết cấu giống như len cũng như cảm giác mà chúng đem lại khi chúng ta cầm trên tay. Bên cạnh đó, hàu vốn là loài sinh vật được nuôi dưỡng bởi bờ biển, làm giàu khoáng chất từ đại dương. Vì thế “Seawool” – một loại len được “dệt” từ tinh hoa của biển. 

Seawool hay vải Oyster Shell được sản xuất như thế nào?

Vỏ hàu sau khi thu hoạch được làm sạch, sau đó nghiền thành bột, tiếp tục kết hợp với sợi PET được tái chế từ chai nhựa. Hỗn hợp sẽ thông qua quá trình xử lý công nghệ cao, sau đó có thể pha thêm Cotton để tăng thêm đồ mềm mịn cho chất liệu, đem đến sự thoải mái, mềm mượt như len. 

Ưu điểm tuyệt vời từ Seawool

Seawool được tạo ra như một sự thay thế vô cùng thân thiện với môi trường, đem lại cho thời trang một loại chất liệu mới, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, giúp mọi người có trải nghiệm mặc tốt hơn. Nói cách khác, vải Oyster Shell không chỉ bền vững về mặt sinh thái, mà còn đem lại vô số lợi ích cho người mặc. Như đã đề cập, bởi vì được làm với kết cấu mềm như len nên Seawool mang đến một cảm giác thoải mái cho người mặc. Đây cũng là loại chất liệu gây ấn tượng với độ giữ ấm vô cùng tốt. Seawool có khả năng kháng khuẩn hiệu quả, chống tĩnh điện, không mùi và cách nhiệt một cách tự nhiên. Seawool cũng có thể chống tia cực tím và tia hồng ngoại. Loại chất liệu được làm từ vỏ hàu và chai nhựa này cũng có khả năng khô nhanh một cách tự nhiên, vì các sợi được dệt rất chặt, cùng đó là lỗ chân lông thông gió được thiết kế để sấy khô nhanh hơn, vô cùng thuận tiện trong việc giặt giũ. Bên cạnh đó, Seawool cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho làn da nhạy cảm vì khả năng không thu hút côn trùng, chống thấm nước hiệu quả, ít co giãn khi giặt,… Với những đặc tính này, Seawool chắc chắn là một loại chất liệu thay thế hoàn mỹ cho tủ quần áo ngày hè lẫn ngày đông của các tín đồ thời trang. 

Cách chăm sóc và bảo quản vải Seawool

Để Seawool có thể đảm bảo được những tính năng lợi ích đấy trong một khoảng thời gian dài, người tiêu dùng nên: tránh sử dụng máy giặt để tránh mất màu và mất kết cấu của vải, không nên dùng các dung dịch dịch tẩy rửa mạnh, khi ủi nên sử dụng nhiệt độ thấp.

Hiện nay, đã có không ít thương hiệu thời trang ứng dụng và đem Seawool vào các dòng sản phẩm của họ. Chẳng hạn, thương hiệu Frank and Oak có trụ sở tại Montreal, chất liệu này đã được đưa vào những chiếc áo len được tạo ra bằng cách sử dụng hỗn hợp Seawool, len và polyester tái chế vài năm trước. Seawool cũng xuất hiện trong các bộ sưu tập của thương hiệu menswear bán lẻ trực tuyến Huckberry ở San Francisco và nhãn hiệu thời trang bền vững SiiZu tại New York, hay bộ sưu tập SeaWell của Long Wharf Supply Co.,… hầu hết Seawool đều được khai thác trong các chiếc áo len. Huckberry tự hào giới thiệu những lợi ích tuyệt vời từ loại chất liệu bền vững này trên trang web chính thức của thương hiệu “Thay vì chất đống, vỏ sò bị ngành công nghiệp thực phẩm xem là ‘vô dụng’, được khai thác và được thời trang phát triển thành các lớp đan mềm, bảo vệ chúng ta khỏi thời tiết lạnh giá và những cơn gió mạnh ven biển. Hút ẩm, khử mùi, chống tĩnh điện, Seawool sẽ ‘phục vụ’ bạn trong suốt nhiều năm đồng thời hướng tới một tương lai sạch hơn cho vùng biển và cả môi trường của chúng ta.”

Seawool
Frank and Oak
Huckberry
Long Wharf Supply Co.

 

Thực hiện Huỳnh Trân

Theo WWD, Davonne và Hans Global Textile