Chúng ta có đang tiếp tay cho quần áo secondhand trở thành làn sóng fast fashion mới?

Ngày đăng: 23/09/22

Dường như chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của thời trang khi khái niệm “secondhand” dần trở nên quen thuộc với công chúng.

Đi “thrifting” hay còn gọi là “đi săn” quần áo secondhand được xem như một liều thuốc giải độc mới cho nền văn hoá chủ nghĩa tiêu dùng thiếu kiềm chế ở thời đại này. Trên hết, hầu hết mọi người đồng ý rằng kéo dài chu kỳ sử dụng của quần áo bằng cách mua và bán lại diễn ra trên khắp thế giới là điều nên làm cho ngành thời trang. 

Những kỳ vọng này có thể nói đã hoàn thành được “một nửa”. Người tiêu dùng thận trọng hơn, có trách nhiệm hơn khi mua sắm quần áo cũ. Thế nhưng, việc sở hữu đồ cũ với giá rẻ hơn ban đầu một cách dễ dàng cũng là một tiền đề nghiêm trọng không kém thúc đẩy sự gia tăng của chủ nghĩa tiêu dùng. Theo một báo cáo gần đây của ThredUp, thị trường đồ secondhand đang phát triển với tốc độ gấp ba lần thị trường quần áo thông thường, với doanh thu hiện tại tăng từ 35 tỷ USD lên 81 tỷ USD trong 4 năm. Bên cạnh đó, trong 10 năm tới, thị trường này có thể tăng gấp đôi doanh thu, cuối cùng “chiếm lĩnh” phần còn lại của thị trường thời trang trong khi mảng quần áo cho thuê và thời trang nhanh vẫn sẽ ổn định, ngược lại các cửa hàng bách hoá và các nhà bán lẻ tầm trung đến bình dân dần mất chỗ đứng.

Theo một báo cáo tương tự của The Real Real, ngoài lý do về giá cả, sự thành công của các nền tảng secondhand dựa trên một lời hứa được ví là “viên kẹo kích thích hoóc môn hạnh phúc của con người trong mỗi cuộc đi săn đồ secondhand đầy hồi hộp”. Nói theo một cách khác, nhờ vào các nền tảng kỹ thuật số, đi mua sắm đồ secondhand là một thú vui dễ nghiện như việc bạn chơi trò Candy crush vậy. Mỗi lần bạn vượt qua một level, bạn cứ muốn tiếp tục mãi mà không bao giờ dừng lại.

Sự thành công của các nền tảng secondhand dựa trên một lời hứa được ví là “viên kẹo kích thích hoóc môn hạnh phúc của con người trong mỗi cuộc đi săn đồ secondhand đầy hồi hộp”.

Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo của The Real Real: “Kể từ khi đại dịch bắt đầu, số lượng sản phẩm được mua và được bán lại một lần nữa trên nền tảng này tăng lên 2 lần.” Chứng tỏ rằng việc mua sắm để bán (và bán để mua sắm lại lần nữa) đang trở nên phổ biến. Mặc dù việc này là dấu hiệu tích cực nhưng việc mua bán quần áo secondhand online giờ đây đã vượt xa ranh giới đáp ứng nhu cầu bình thường, nó đã trở thành một hình thức tiêu dùng mới.

“Bạn không thể tuần hoàn lại thời trang nhanh kém chất lượng. Lợi ích của việc bán lại hàng xa xỉ là các mặt hàng này được tạo ra với sự công phu của con người và từ vật liệu chất lượng tốt, giúp cho những món đồ này có tuổi thọ cao hơn. Nhiều người mua sắm không chỉ nhận ra điều đó mà còn ngày càng bán lại nhiều hơn, điều này chứng tỏ tuổi thọ lâu dài là chìa khóa để kéo dài chu kỳ của những mặt hàng này.” –

Giám đốc bền vững của The Real Real, James Rogers đã nhận định một dấu hiệu tích cực của thị trường secondhand.

Mặc dù nhiều báo cáo đưa ra những mặt tốt tác động đến môi trường của hàng hoá secondhand như giúp tiết kiệm nước thải và khí thải carbon, nhưng khi phân tích sự liên quan đến thói quen mua sắm của thế hệ gen Z, nhiều chuyên gia đã có những nghi ngờ nhất định.

“Thế hệ gen Z được biết đến là thế hệ quan tâm đến hành tinh sống hơn bất kì thế hệ nào trước đây, tuy nhiên bao quanh họ là vô vàn những chọn lựa mua sắm khiến họ dễ rơi vào trạng thái mua sắm không ý thức. Điều này đặt ra thử thách với thế hệ gen Z. Cứ mỗi một trong ba người tiêu dùng Gen Z cho rằng họ cảm thấy nghiện thời trang nhanh.”

Neil Saunders, Giám đốc điều hành GlobalData Retail chia sẻ với Forbes.

Do đó vấn đề tăng gấp đôi. Một mặt, với lượng mua bán hàng hoá thời trang khổng lồ, chúng ta thấy rằng thế hệ người tiêu dùng mới hiện nay đã ý thức hơn trong việc tiêu dùng quá mức. Mặt khác, các công ty bất chấp những chính sách bền vững, vẫn bị ràng buộc bởi lợi nhuận và sản xuất dư thừa. 

Nhà báo Rachel Cernansky trong một bài viết cho Vogue Business đã viết: “Dù việc kinh doanh secondhand mở ra một con đường mới kéo dài tuổi thọ của quần áo đã qua sử dụng, nhưng mô hình này vốn dĩ không lường trước đến những gì sẽ xảy ra với quần áo khi chúng bị loại bỏ hoặc đảm bảo rằng quần áo được sản xuất bền vững hơn ngay từ đầu. Đồng thời, thị trường secondhand vẫn chưa có ảnh hưởng đáng kể nào khối lượng quần áo mới được sản xuất hoặc bán trên thị trường thông thường.”

Chuyển ngữ: Như Quỳnh

Theo NSS Magazine