Show trình diễn thực tế ảo: Bước chuyển mình của ngành thời trang giữa tâm bão đại dịch

Ngày đăng: 21/06/21

Đại dịch và những biện pháp bảo vệ sức khỏe đã gây ra sự trì hoãn không-biết-ngày-trở-lại đối với các sự kiện được tổ chức trực tiếp. Điều này buộc các thương hiệu xa xỉ phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp, thay thế cho những hình thức giới thiệu và trình diễn bộ sưu tập truyền thống. Trong một kỷ nguyên của công nghệ và kỹ thuật số, các chương trình/show diễn thực tế ảo, không nghi ngờ gì, đang là biện pháp thành công nhất cho đến giờ của làng mốt thế giới.

Trong bài viết này, FashionNetwork kết hợp cùng với Division (một công ty sản xuất quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc và quảng cáo), tổng hợp lại những thước phim công nghệ đẹp đẽ nhất của các thương hiệu nổi tiếng như Saint Laurent, Balmain, Chanel….

Những viên gạch đầu tiên…

Trong vòng chưa đầy một năm, chúng ta đã được chứng kiến sự dịch chuyển của các thương hiệu trong văn hóa tiếp cận với người dùng, từ ảnh tĩnh sang phim ảnh, tối ưu hóa các nội dung trên website và những hình thức trưng bày thực tế ảo đề cao sự thời trang và sang trọng. Công nghệ kỹ thuật số thực sự là một nhân tố thay đổi cuộc chơi, góp phần không nhỏ đằng sau cuộc dịch chuyển này. Nhưng vấn đề là, cho đến cách đây không lâu, các công ty sản xuất và các thương hiệu thời trang vẫn không tìm được tiếng nói chung” – Arno Moria, đồng sáng lập Division cho biết.

Không ít các thương hiệu tự đẩy mình vào thế bí do đặt nặng việc sáng tạo video như là con đường duy nhất để có một suất trong tuần lễ thời trang “thực tế ảo”. Các thương hiệu vội vã thực hiện mà không có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ càng, họ chỉ cố gắng làm thật nhanh để không “trễ hạn” so với các thương hiệu khác. Một số lựa chọn sử dụng lại các nhiếp ảnh hoặc các agency quen thuộc đã từng cộng tác, số khác chuyển sang những công ty tổ chức sự kiện đã từng sản xuất các show trình diễn của mình, hoặc thảm họa hơn là quyết định tự mình sản xuất những nội dung thực tế ảo, hạng mục công việc mà hầu như họ chưa từng trải qua trước đây. Rất ít thương hiệu chịu tìm kiếm và quyết định hợp tác với các đơn vị có đủ chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất video thực tế ảo này.

Một trong số ít thương hiệu đáng được nhắc đến là Saint Laurent, với bộ sưu tập mùa hè 2021 dành cho nam giới được ra mắt vào ngày 9 tháng 9 năm 2020. Bên lề Tuần lễ Thời trang Paris – một đoạn phim ngắn tuyệt đẹp của Nathalie Canguilhem được công chiếu đến giới mộ điệu. Đoạn phim ghi lại những khoảnh khắc nhào lộn ngẫu hứng của các người mẫu dưới bầu trời Paris, trong một cuộc dạo chơi trên không đầy ngoạn mục.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là làm thế nào để tạo ra được bầu không khí thực sự của một sàn diễn, kể cả khi không có sự tham gia của khán giả. Có quá nhiều cảm xúc và chi tiết trong một buổi trình diễn mà một video đơn thuần có thể dễ dàng bỏ sót do những hiệu ứng cắt ghép và chỉnh sửa…

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là làm thế nào để tạo ra được bầu không khí thực sự của một sàn diễn, kể cả khi không có sự tham gia của khán giả. Có quá nhiều cảm xúc và chi tiết trong một buổi trình diễn mà một video đơn thuần có thể dễ dàng bỏ sót do những hiệu ứng cắt ghép và chỉnh sửa. Nó trống rỗng và vô nghĩa như một buổi hòa nhạc mà không có thính giả. Hơn nữa, một video với nội dung đơn giản là những người mẫu sải bước liên tục có thể nhàm chán và “ru ngủ” người xem. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là phải mang lại bầu không khí chân thật của một show thời trang. Bằng cách sử dụng những tình tiết có thật trên sàn diễn và một chút hư cấu để tạo ra sự hấp dẫn, định dạng nội dung của chúng tôi mang lại sự kết hợp cả hai cảm giác: đang xem tường thuật nhưng cũng đồng thời là xem trực tiếp” Moria nói.

Với Anthony Vaccarello (giám đốc sáng tạo của Saint Laurent), chúng tôi đã quyết định sẽ làm một điều gì đó mà không bao giờ có thể thực hiện được trong điều kiện trình diễn bình thường. Chúng tôi thực sự đã đưa một nhóm người mẫu – diễn viên đóng thế lên các mái nhà ở Paris” – Moria chia sẻ thêm. 

Đây là bộ phim đã mở đầu cho xu hướng của các chương trình kỹ thuật số. Bí quyết nằm trong tay đạo diễn sản xuất, những người có khả năng truyền cảm hứng đến khán giả thông qua việc thỏa mãn những “ảo mộng” của họ” – Gwendoline Victoria, chịu trách nhiệm nội dung và sản xuất phim thời trang của Division cho biết.

Victoria chia sẻ thêm: “Dù là lần đầu tiên tiếp cận với thể loại video này, các thương hiệu vẫn muốn tạo ra một tuyên ngôn sáng tạo và di sản thông qua nó”. Sau 3 bộ phim, Saint Laurent đã tìm thấy “chất liệu” phù hợp với mình. Sau Paris, thương hiệu này đã đưa người hâm mộ của mình đến những vùng đất ngày càng xa và ngoạn mục, đơn cử như bộ sưu tập mùa hè năm 2021 dành cho nữ giới được quay ở sa mạc Maroc, hay bộ sưu tập Thu/Đông 2021-2022 được thực hiện ở Iceland với bối cảnh Dantesque chân thực đến nghẹt thở. 

Saint Laurent – Women’s Summer 2021

Saint Laurent – Women’s Winter 2021

Sự đầu tư nghiêm túc và chỉnh chu trong cách tiếp cận mới đã mang về cho Saint Laurent những con số khổng lồ trên YouTube: từ 3,7 triệu lên 5 triệu, và cuối cùng là 10 triệu qua từng video.

“Đó có thể là một cách diễn đạt đơn thuần, nhưng lại khơi gợi tuyệt đối sức mạnh của một thương hiệu” – Moria nhận định.

… của một kỷ nguyên mới

Tiếp bước Saint Laurent, các thương hiệu thời trang cũng sử dụng nhiều phong cách và định dạng khác nhau để kể những câu chuyện của riêng mình: từ phim tài liệu đến những series, từ video quay lại cho đến những buổi biểu diễn được phát trực tiếp. “Thành quả có được là sự tập hợp từ những mảnh ghép chân thực ngoài kia. Những đoạn phim cho phép thương hiệu được kể về câu chuyện của mình một cách cởi mở hơn, tận dụng những chuyển động của máy quay, những shot hình cận cảnh và những thước phim quay chậm để làm nổi bật sản phẩm.” – Victoria nhận định.

Một chuyến bay-vòng-quanh-thế-giới của Balmain

Trước đây, những bức ảnh tĩnh luôn chiếm thế thượng phong với những nhiếp ảnh gia thời trang vĩ đại. Nhưng với cuộc khủng hoảng và sự ra đời của Instagram sau đó, người dùng dần trở nên nhàm chán và mong đợi những gì đột phá hơn. Việc sử dụng video và công nghệ kỹ thuật số đã tạo ra một bước ngoặt, một cuộc cách mạng trong ngôn ngữ giao tiếp của các thương hiệu, thay đổi cách họ tiếp cận và giới thiệu các sản phẩm của mình” – Victoria nhận xét.

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu lâu đời với nền tảng vững chắc đang thử nghiệm với một công thức lý tưởng – tự sản xuất nội dung dưới nhiều hình thức đa dạng. Dẫn đầu trong danh sách này là Chanel, với bộ sưu tập Cruise 2022 tổ chức tại Carrières de Lumières được trình làng qua một buổi phát sóng trực tiếp. Trong khi bộ sưu tập Thu/Đông 2021-2022 trước đó được ghi lại dưới hình thức một bộ phim tài liệu, tái hiện lại bầu không khí đặc trưng của những cô gái tại câu lạc bộ đêm Castel ở Paris.

Chanel Cruise 2021/2022 Show

Chanel Fall-Winter 2021/2022

Theo Division, việc sản xuất một bộ phim không thực sự tốn nhiều chi phí hơn tổ chức một show trình diễn trực tiếp. Chi phí trung bình cho một buổi biểu diễn của một thương hiệu nhỏ hơn là khoảng 50.000 euro, trong khi với những thương hiệu có tên tuổi hơn, con số sẽ dao động từ 800.000 đến 3 triệu euro. Cùng với đó, sản xuất một video ngắn sẽ tốn khoảng 60.000 euro đến 600.000 euro. Victoria nói: “Việc sản xuất một video sẽ ít tốn kém hơn và đồng thời tiếp cận được lượng khán giả lớn hơn nhiều so với show trình diễn trực tiếp”.

Tóm lại, thách thức đặt ra dành cho thương hiệu và các công ty sản xuất là phải tìm được tiếng nói chung và tạo ra được một ngôn ngữ riêng cho video, thứ ngôn ngữ sáng tạo và không bị giới hạn như quảng cáo đơn thuần.Cần phải có người chịu trách nhiệm cho những nội dung tầm thường và nhàm chán, từ đó thúc đẩy thương hiệu luôn phải sáng tạo và đổi mới những giá trị truyền tải đến khách hàng. Mặt khác, một kịch bản thời trang chất lượng với những ý tưởng độc đáo, mới lạ và hình thức phù hợp là một khoản đầu tư tiềm năng sinh ra lợi nhuận. Nội dung chất lượng có thể giúp các thương hiệu tiết kiệm chi phí cho các hoạt động quảng bá” – Moria kết luận.

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo FashionNetwork