“Skintellectual” – Người tiêu dùng đang trở thành chuyên gia làm đẹp
Ngày đăng: 31/03/25
Người tiêu dùng Việt Nam đang trở thành những “Skintellectuals” – thay vì tin vào quảng cáo, họ tìm hiểu kỹ lưỡng, tự xây dựng chu trình chăm sóc làm đẹp phù hợp, buộc các thương hiệu phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
Trong những năm gần đây, thị trường làm đẹp Việt đã có những thay đổi đáng kể. Khác với trước đây, khi người tiêu dùng thường chọn mỹ phẩm dựa vào các quảng cáo hào nhoáng hay sự lăng xê từ các KOL, giờ đây, họ đang dần trở thành những “Skintellectuals” – tức là những người tiêu dùng thông minh, có hiểu biết sâu về thành phần và cơ chế hoạt động của mỹ phẩm.
Thay vì tin tưởng tuyệt đối vào những lời quảng cáo hoa mỹ, người tiêu dùng hiện đại có xu hướng tìm hiểu kĩ về từng thành phần, phân tích cách hoạt động của chúng trên da, từ đó tự thiết lập chu trình chăm sóc phù hợp với bản thân. Xu hướng tiêu dùng này được gọi là Skintellectual. Không chỉ thói quen tiêu dùng, các thương hiệu mỹ phẩm cũng phải thích nghi để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe từ người dùng Việt. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm nội địa đang ngày càng phát triển, xu hướng này tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho các thương hiệu.
Người tiêu dùng Việt am hiểu mỹ phẩm
Quan tâm bảng thành phần
Trong quá trình khám phá về chăm sóc da & làm đẹp, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng kỹ lưỡng hơn trong việc chọn lựa sản phẩm. Không chỉ dựa vào thương hiệu hay quảng cáo, họ tìm hiểu sâu về từng hoạt chất, đánh giá công dụng thực sự để đảm bảo sản phẩm phù hợp với làn da của mình. Điều này xuất phát từ việc ngày càng nhiều người nhận thức rõ hơn về các vấn đề da liễu như kích ứng, dị ứng hoặc tình trạng mụn tăng lên do sử dụng sản phẩm không phù hợp. Ngoài ra, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội với nhiều thông tin làm đẹp chuyên sâu cũng giúp người dùng có thêm kiến thức và kỹ năng phân tích thành phần mỹ phẩm.
Những thành phần nhận được nhiều sự quan tâm nhất như:
- Niacinamide: Giúp giảm thâm, tăng sáng da và giảm viêm.
- Peptides: Hỗ trợ tổng hợp collagen, chống lão hoá.
- BHA/AHA: Loại bỏ tế bào chết, làm sáng và giảm mụn.
- Retinol: Giúp tái tạo da, giảm nhăn, hạn chế mụn.
- Ceramide: Tạo lớp hàng rào bảo vệ da, giữ ẩm.
Song song đó, những thành phần gây tranh cãi như Paraben, hương liệu nhân tạo, cồn khô đang dần bị tẩy chay bởi cộng đồng làm đẹp có hiểu biết.
Ảnh hưởng từ beauty bloggers, TikTok và mạng xã hội
Beauty bloggers, TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác đóng vai trò quan trọng để định hình thói quen làm đẹp của người tiêu dùng Việt. Với hàng loạt video reviews, hướng dẫn skincare và makeup từ các KOLs, giới trẻ và đặc biệt là Gen Z Việt Nam không chỉ tìm được nguồn cảm hứng làm đẹp mà còn tiếp cận với các khái niệm chăm sóc da mới nhất.

Một ví dụ tiêu biểu là phong trào “Skin Cycling” (quy trình thay đổi các hoạt chất chăm sóc da theo ngày) đã nhanh chóng lan truyền trên TikTok và được nhiều beauty blogger tại Việt Nam áp dụng. Thông qua việc giải thích cách sử dụng AHA, BHA, retinol một cách khoa học, phong trào này đã giúp nhiều người cải thiện làn da mà không gặp phải tình trạng kích ứng.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các kênh truyền thông và thương mại điện tử cũng cho phép bất cứ ai cũng có thể đưa ra các quan điểm và quảng cáo sản phẩm bán hàng. Đôi khi, có nhiều trường hợp các nhà sáng tạo nội dung không có kiến thức chuyên môn nhưng vẫn đưa ra lời khuyên thiếu chính xác, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, việc các thương hiệu liên tục đẩy mạnh hình thức tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) khiến các sản phẩm trong top xu hướng đôi khi phần lớn là kết quả của truyền thông. Điều này đặt ra thách thức cho người tiêu dùng khi phải chọn lọc thông tin đáng tin cậy từ mạng xã hội.
Ví dụ như trào lưu “Slugging” (đắp một lớp Vaseline dày trên da trước khi ngủ) không phải phù hợp với tất cả mọi người và mọi khí hậu, đặc biệt tại Việt Nam khi khí hậu nóng ẩm có thể kích thích lên mụn do bí da.
Tác động đến ngành mỹ phẩm Việt
Các thương hiệu nội địa thích nghi
Các thương hiệu Việt như Cocoon, Emmié, G-Garden hay Skinlosophy đang dẫn đầu với các sản phẩm “clean beauty“, công khai bảng thành phần và cam kết không chứa các chất gây tranh cãi. Bên cạnh đó, các thương hiệu Việt cũng đang hướng đến phát triển mỹ phẩm theo hướng khoa học, dựa trên nghiên cứu về làn da châu Á thay vì chỉ sao chép xu hướng nước ngoài. Một số dòng sản phẩm chứa hoạt chất đặc trị (active ingredients) được nghiên cứu riêng để phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam.
“Less is More” trở thành xu hướng chăm da evergreen
Người tiêu dùng đang chọn routine gồm 3 bước chính: Làm sạch – Dưỡng ẩm – Bảo vệ (chống nắng) thay vì sử dụng chồng quá nhiều sản phẩm.
Sự thay đổi này phản ánh nhu cầu chăm sóc da một cách khoa học, thay vì chạy theo xu hướng quá phức tạp. Người tiêu dùng tập trung vào việc tìm hiểu làn da của mình đang trong tình trạng nào và đang mong muốn gì, từ đó mang lại hiểu quả cao. Đồng thời, chăm sóc tối giản cũng giúp giảm rủi ro kích ứng khi sử dụng quá nhiều sản phẩm cùng lúc.
Các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam cũng thay đổi
Không chỉ thương hiệu nội địa, các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế tại Việt Nam cũng buộc phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Các chiến dịch quảng cáo giờ đây không chỉ tập trung vào hình ảnh mà còn phải cung cấp thông tin chi tiết về thành phần, công dụng và nghiên cứu khoa học phía sau sản phẩm.
Dự đoán ảnh hưởng “Skintellectual” đến tương lai ngành
Sự phát triển của mỹ phẩm cá nhân hóa
Công nghệ AI và dữ liệu sinh trắc học đang giúp phát triển các sản phẩm mỹ phẩm cá nhân hóa, phù hợp với từng loại da cụ thể. Ví dụ, các ứng dụng như Proven Skincare và Atolla đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu da và tạo ra sản phẩm phù hợp với từng cá nhân. Tại Việt Nam, các thương hiệu đã bắt đầu ứng dụng công nghệ AI bằng cách cung cấp các bài kiểm tra phân tích da trực tuyến, từ đó đề xuất liệu trình chăm sóc da cá nhân hóa. Khách hàng có thể nhập thông tin về tình trạng da và nhận được gợi ý sản phẩm phù hợp.
Trong đó, hay thấy nhất là chatbot trên nền tảng trực tuyến, giúp khách hàng nhanh chóng tìm hiểu thông tin sản phẩm cũng như nhận tư vấn cá nhân hóa. Bên cạnh đó, việc livestream tư vấn làm đẹp đã trở thành công cụ mạnh mẽ để thương hiệu tương tác trực tiếp với khách hàng, xây dựng lòng tin và tạo ra không gian giao lưu gần gũi. Đây là một bước tiến lớn, giúp người tiêu dùng Việt Nam có trải nghiệm làm đẹp mang tính cá nhân cao.
Hybrid Beauty – Kết hợp giữa làm đẹp và chăm sóc sức khỏe
Xu hướng chăm sóc da kết hợp giữa làm đẹp và sức khỏe đang ngày càng phổ biến. Các sản phẩm vừa trang điểm vừa dưỡng da như kem nền chứa thành phần chống lão hóa, son dưỡng có SPF ngày càng được ưa chuộng. Một ví dụ điển hình là các dòng sản phẩm BB cream hoặc CC cream, không chỉ giúp che phủ khuyết điểm mà còn cung cấp dưỡng chất giúp nuôi dưỡng da từ bên trong. Ngoài ra, cushion tích hợp chống nắng cũng là lựa chọn phổ biến, đáp ứng nhu cầu làm đẹp nhanh chóng và bảo vệ da trước tác động từ môi trường.
Công nghệ xanh và mỹ phẩm bền vững
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến yếu tố bền vững trong việc lựa chọn mỹ phẩm. Điều này đòi hỏi các thương hiệu không chỉ tập trung vào công thức sạch hơn mà còn phải đảm bảo quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Ví dụ, nhiều thương hiệu như Cocoon đã tiên phong trong việc sử dụng bao bì có thể tái chế và nguyên liệu có nguồn gốc bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, việc công khai thông tin về nguồn gốc và quy trình sản xuất cũng giúp người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng hơn vào sản phẩm.
Xu hướng “Skintellectual” tại Việt Nam không chỉ là xu thế tạm thời mà đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành làm đẹp. Người tiêu dùng thông minh hơn, yêu cầu khắt khe hơn, đồng thời cũng có những kỳ vọng cao về tính minh bạch và hiệu quả của sản phẩm.
Điều này đặt ra cả thách thức và cơ hội cho các thương hiệu mỹ phẩm tại Việt Nam. Những thương hiệu nào có thể thích nghi và đáp ứng được nhu cầu này sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Thực hiện: Avril Tr