Sở thích giày sneakers của bạn có đang đi ngược lại với tôn chỉ của thời trang bền vững không?

Ngày đăng: 21/12/20

Khi nghĩ về thời trang bền vững, hầu như chúng ta đang muốn ám chỉ hay liên tưởng về quần áo, sản phẩm thời trang nhanh và tất cả những vấn đề về ô nhiễm môi trường bởi nó gây ra. Sau mọi nỗ lực của các nhà hoạt động và các thương hiệu có trách nhiệm, người tiêu dùng nhận thức rõ hơn bao giờ hết, rằng thói quen mua sắm của họ sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến hành tinh.

Những nỗ lực hiện tại là một bước tiến lớn, nhưng vẫn có một danh mục thường bị bỏ qua khi chúng ta nói về sở thích thời trang gây ảnh hưởng tới môi trường, và đó chính là giày thể thao – sneakers.

Tại sao giày sneakers có tác động nguy hại tới môi trường, nhiều hơn là bạn có thể tưởng tượng?

Tansy Hoskins, tác giả cuốn sách Foot Work – What Your Shoes Are Doing To The World, đã viết trong cuốn sách của mình rằng “giày thể thao là một thảm họa môi trường”, bởi những tác động tiêu cực tới hành tinh của quá trình sản xuất giày dép.

So với áo phông hoặc váy có xu hướng cấu tạo tương đối đơn giản, giày thể thao được làm từ 40 chi tiết, bộ phận khác nhau, nhiều bộ phận trong số đó làm từ chất liệu tổng hợp, được liên kết với nhau bằng chất kết dính hóa học và kỹ thuật công nghệ cao. Sản phẩm giày càng có nhiều chi tiết thiết kế, hình trang trí cầu kỳ thì sẽ càng đòi hỏi nhiều thủ pháp chế tạo hơn nữa.

Điều đó có nghĩa là chúng gần như không thể tái chế và không giống như những đôi giày truyền thống khác – các loại giày mà thế hệ trước (ông bà, bố mẹ bạn…) đã mang để đi làm, giày thể thao không được thiết kế để sửa chữa, tái chế và không có ai làm phụ tùng thay thế cho chúng cả.

Vì vậy, khi các đôi giày của bạn đã cũ nát, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng được đưa vào bãi rác hoặc lò đốt.giày sneakers

Có rất nhiều thực tế phũ phàng trong cuốn sách của Tansy: hóa chất độc hại được sử dụng để nhuộm da, khai thác động vật trên quy mô lớn, các nhà máy có môi trường làm việc bị nhiễm hóa chất – khiến tuổi thọ của công nhân khó có thể đạt đến hơn 50. Nhưng có lẽ sự thật đáng “hãi hùng” nhất từ ​​Foot Work là quy mô sản xuất giày dép của ngành công nghiệp này. Chỉ riêng trong năm 2018, 66,3 triệu đôi giày được sản xuất mỗi ngày – đó là 24,2 tỷ cặp mỗi năm.

Mặc dù thực tế là những đôi giày thể thao chắc chắn sẽ bị hao mòn sau quá trình sử dụng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, giày sneakers không chỉ đơn thuần mang tính công năng thuần túy, thay vào đó, nó được nhìn nhận là một món đồ thời trang giúp làm tăng cường địa vị xã hội.

Các mẫu thiết kế mới được giới thiệu theo chu kỳ tính bằng tuần và sự tác hợp, bắt tay (collab) giữa nhiều cá nhân, thương hiệu, đã trở thành một thủ pháp phổ biến. Ngành công nghiệp trang phục thể thao đã phát triển một hệ sinh thái mới – một nơi liên tục kích thích khách hàng sở hữu các đôi giày phiên bản giới hạn và được xem như một phong cách sống.

Trong khi đó, các nhà mốt thời trang cao cấp đã định hình cho những đôi giày thể thao cộp mác của họ cũng có được đẳng cấp và giá trị xã hội chẳng kém gì túi xách, khăn quàng cổ và mặt hàng xa xỉ phẩm – vốn đã mang lại rất nhiều lợi nhuận cho họ. Hiện tượng văn hóa này đã tạo ra sự phát triển vượt bậc cho ngành công nghiệp trang phục thể thao nói chung và giày sneakers nói riêng. Kể từ năm 2005, chi tiêu cho giày dép ở Anh đã tăng hơn gấp đôi từ 4,9 tỷ bảng lên 10,9 tỷ bảng (theo thống kê của Statista).

Hơn nữa, giày thể thao đi kèm với hạn sử dụng ngắn hạn bởi tần suất được sử dụng của chúng hằng ngày. Bởi vì mang mặc dưới chân và dễ bị bẩn khó xử lý, chúng có hạn sử dụng có khi còn ngắn hơn cả áo thun hoặc áo hoodie; chưa kể đến việc chúng sẽ lỗi mốt nhanh chóng, ngay khi giày mới được ra mắt trên kệ, những đôi giày không lâu trước đó sẽ giảm giá bán, và ngay lập tức những thứ được tạo ra trước đó nữa sẽ trở thành lỗi mốt.

Phần lớn sự để tâm ở trong ngành công nghiệp giày thể thao chỉ là muối bỏ bể. Chúng ta thậm chí còn không tính đến hệ lụy như vật liệu sản xuất dư thừa, chất độc, chất thải – hoặc nếu bất kỳ thứ gì trong số đó có khả năng gây nguy hại cho trái đất nếu không thể tái chế hoặc xử lý triệt để. Và đó là chưa kể đến tác động của chính chất liệu da – một thành phần luôn có trong giày thể thao – loại chất liệu có liên đới đến vấn nạn phá rừng và lượng khí carbon khổng lồ được tạo ra bởi chúng.

Một mặt chúng ta có một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận và mặt khác là tác động môi trường to lớn của nó mà dường như không được xem trọng. Liệu chúng ta có thể làm gì về thực trạng này?

Những gì mà tín đồ yêu giày sneakers có thể làm để giảm thiểu tác động nguy hại tới môi trường của ngành công nghiệp này

Yêu cầu nhà sản xuất đi tìm được phương án cụ thể

Thực chất, có nhiều nhà sản xuất đã có hành động thiết thực để giảm thiểu tác hại của quá trình sản xuất tới môi trường. Sự hợp tác liên tục của Adidas với tổ chức Parley For The Oceans đã sản xuất hàng triệu đôi giày bằng chất liệu nhựa tái chế được trục vớt từ đại dương.

giày sneakers
Adidas x Parley For The Oceans

Trong khi đó, giày “Space Hippie” của Nike được dệt kim từ sợi được chế tạo từ chất thải dệt tái chế. Mặc dù suy nghĩ cho rằng những sản phẩm đến từ những nhà mốt hàng đầu như thế này là dấu hiệu tích cực, nhưng thị phần sản xuất của những đôi giày kiểu trên đang bị sụt giảm so với những thị phần của những chiếc Air Force 1 hay Stan Smith trong ngành công nghiệp sneakers.

Đáng khích lệ là các thương hiệu mới nổi như Veja, chuyên sử dụng cao su tự nhiên từ các nguồn thu hoạch được bảo vệ ở Amazon hoặc thương hiệu VIRÓN, chuyên sử dụng cao su tái chế và da tổng hợp. Những thương hiệu này đã được xác định ngay từ đầu là tạo dựng ra những sản phẩm giày dép bền vững hơn. Tuy nhiên, tất cả các loại da thuần chay và chai nhựa tái chế trên thế giới sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản khiến giày dép trở thành mối đe dọa đối với môi trường.

Thực tế vẫn nằm ở việc giày thể thao là một sản phẩm có hạn sử dụng ngắn (về mặt vật lý, nhưng cũng về mặt văn hóa) và chúng không có khả năng tái chế. Hàng triệu đôi giày được sản xuất hàng ngày tạo ra một lượng lớn khí thải carbon và ô nhiễm hóa chất, và một khi chúng bị hao mòn, chúng sẽ được đưa thẳng vào bãi rác hoặc lò đốt (dĩ nhiên, cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn cho hành tinh).

Góp công tạo ra sự tuần hoàn

Bất kỳ ai đã có nghiên cứu về tính bền vững của thời trang, rất có thể đã bắt gặp cụm từ “tuần hoàn”, hoặc nền kinh tế “xoay vòng”. Ý tưởng là thay vì sử dụng tất cả những tài nguyên đó chỉ để tạo ra một thứ gì đó và cuối cùng bị chôn vùi trong bãi rác, các sản phẩm nên được thiết kế ngay từ đầu với mục tiêu là có thể tái chế.

Trong một hệ thống tuần hoàn, các doanh nghiệp có thể tiếp tục tái chế các vật liệu theo chu kỳ lặp đi lặp lại, tạo ra các sản phẩm mới từ những gì chúng ta đã sử dụng – như các hệ thống mà chúng ta đã có để sử dụng cho việc tái chế giấy, thủy tinh và nhôm, nhưng ở quy mô lớn và phù hợp hơn.

Hiện tại nó chỉ là lý thuyết, nhưng nhiều thương hiệu đang theo đuổi và nghiên cứu nó, với hy vọng một ngày nào đó họ có thể tìm ra giải pháp tối ưu cho phép họ tiếp tục bán ra hàng triệu đôi giày mà không bị lãng phí và ô nhiễm môi trường như hiện tại.

Thương hiệu On Running đang là một trong những đơn vị gắng sức để đạt được điều này trong thời gian sớm nhất. Nỗ lực của thương hiệu được thể hiện thông qua sản phẩm giày sneakers “tuần hoàn” Cyclon. Đây là một đôi giày chạy bộ có thể tái chế được, do làm từ polyamide có nguồn gốc từ hạt caster. Bên cạnh chất liệu tạo dựng thân thiện, tính tuần hoàn của việc sử dụng sản phẩm còn được thông khai rõ ràng hơn. Khi Cyclon được ra mắt vào cuối năm 2021, người dùng sẽ chỉ phải trả một khoản phí hàng tháng để sử dụng giày Cyclon và trả lại khi chúng quá mòn và đổi lại sẽ nhận được một đôi thay thế khác, với mức giá duy trì không đổi.

giày sneakers
Giày của On Running

Mô hình đăng ký này hoàn toàn hợp lý. Thay vì người dùng phải tốn 100 bảng Anh cho một thứ gì đó sẽ bị vứt đi khi nó quá cũ, giờ đây, họ có thể trả một khoản phí hàng tháng để có giày đi, biết rằng chúng sẽ được tái chế ngay khi người dùng không còn cảm thấy quyến luyến với chúng. Và đối với ngành công nghiệp sản xuất giày dép, điều này cho phép các thương hiệu giữ lại tất cả những nguyên liệu quý giá thường bị mất đi khi sản phẩm bị vứt hay đốt bỏ.

Một sáng kiến ​​tuần hoàn khác cũng như vậy đến từ Thousand Fell – một công ty khởi nghiệp ở New York được thành lập bởi hai chuyên gia của ngành giày dép là Chloe Songer và Stuart Ahlum. Ngoài việc thiết kế giày của họ bằng polyester tái chế, cao su tự nhiên và chất thải thực phẩm đã qua xử lý, Thousand Fell cũng xây dựng một chuỗi cung ứng ngược để thu hồi giày của họ. Sau đó, doanh nghiệp sẽ tách chúng thành các thành phần tương ứng và đưa chúng vào hệ thống tái chế sẵn có của Hoa Kỳ.

Để đảm bảo rằng giày của họ được gửi lại, Thousand Fell tặng khách hàng một phiếu mua hàng trị giá 20 đô la để trả lại những đôi giày đã sờn cũ của họ. Người đồng sáng lập thương hiệu, Chloe, giải thích: “Giày là một danh mục sản phẩm có tác động lớn tới môi trường. Do đó, đối với chúng tôi, giày dép là một sản phẩm cần nằm trong vòng sản xuất tuần hoàn.

Thương hiệu Adidas cũng đã tung ra khái niệm tuần hoàn của riêng mình, gọi là Futurecraft LOOP. Đây là một đôi giày được làm hoàn toàn từ nhựa TPU. Thương hiệu đã sản xuất lô giày đầu tiên vào năm 2019, và thí nghiệm với một nhóm người trẻ năng sinh hoạt với giày sneakers do Adidas chọn lọc. Những đối tượng thí nghiệm này đã được yêu cầu chỉ mang FutureCraft Loop trước khi hoàn trả lại cho Adidas. Sau khi tiếp nhận những sản phẩm đã qua sử dụng, thương hiệu tiếp tục tái chế để chúng trở lại thành TPU thô và sản xuất thêm sản phẩm mới từ đó. Sản phẩm giày Futurecraft Loop được dự kiến ​​ra mắt vào năm 2021.

Cũng phải nói thêm rằng, người phát ngôn của Adidas đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Quartz rằng khi đôi giày hao mòn được hoàn trả lại, chỉ có 10% vật liệu cấu thành của chúng thực sự phù hợp để tái chế.

Có thể thấy, tạo ra sản phẩm giày sneakers mang tính tuần hoàn là một quá trình lâu dài, mà ở thời điểm hiện tại chúng ta chỉ đang mới bắt đầu rời vạch xuất phát. Người tiêu dùng nên cần liên tục đòi hỏi nhà sản xuất tạo ra những đôi giày sneakers thế này, để họ có thêm động lực nghiên cứu hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Góp phần thay đổi hệ thống vận hành hiện tại của ngành công nghiệp giày sneakers

Về lý thuyết, ngành công nghiệp giày dép có tính tuần hoàn nghe có vẻ khả quan, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Bất chấp tất cả những ý tưởng đổi mới và phát kiến sáng tạo, chúng ta buộc phải nhìn nhận vấn đề theo góc độ từ người tiêu dùng. Hiện nay có rất ít hành động mà chúng ta cần phải cam kết thực hiện để làm cho việc tiêu thụ giày dép vô độ như hiện tại phải chậm lại.

Tansy Hoskins, người đã chỉ trích ngành công nghiệp thời trang kể từ năm 2014 trong tài liệu Stitched Up: The Anti-Capitalist Book of Fashion, tin rằng vấn đề hiện tại của giày sneakers là do hệ thống.

“Vấn đề mấu chốt là các tập đoàn đa quốc gia sản xuất ra chúng hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với chúng khi đã hết giá trị sử dụng. Ngay khi khách hàng bước ra khỏi cửa hàng cùng sản phẩm của tập đoàn, họ sẽ xem gánh nợ trách nhiệm xã hội đó đã không còn thuộc thẩm quyền của họ nữa, và họ không có nhiệm vụ gì thêm hơn với sản phẩm làm ra của mình”.

Ngành công nghiệp này khẳng định rằng họ có thể tự cải tổ, đưa ra cam kết công khai để giảm tác động của sản phẩm do mình làm ra tới môi trường, ngay khi họ gặp phải chỉ trích. Nhưng vì chính phủ không quy định rõ ràng về hậu quả cho những doanh nghiệp không tuân thủ các cam kết của họ, nên mọi thứ họ nói nhưng không làm chẳng khác nào là một lời bào chữa sáo rỗng.

Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi thời trang lại là một ngành công nghiệp gây ô nhiễm và lãng phí đến vậy. “Sự tự điều chỉnh đã không thực sự hiệu quả,” Tansy nói thêm. “Chúng ta cần tới luật pháp toàn cầu với quy định ràng buộc, buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chuỗi cung ứng của họ – đó là cách duy nhất.” Ngoài việc đặt ra điều khoản truy tố các thương hiệu vô trách nhiệm, thay đổi chính trị cũng có thể giúp thúc đẩy ngành công nghiệp giày dép phát triển theo tuyến tính bền vững hơn.

Đối với từng cá nhân – trong vai trò là khách hàng mua sắm, thì có những điều mà mỗi chúng ta có thể làm hằng ngày để tạo ra sự thay đổi. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách xem xét kỹ lưỡng hơn thói quen mua sắm của mình. Chúng ta phải tránh xa văn hóa đua đòi, theo đuổi địa vị xã hội ảo, và nhìn nhận thực tế rằng giày dép nên được nhìn nhận bởi tính công năng của nó. Hãy duy trì sử dụng nó tận cùng, đến khi nó không còn có thể tiếp tục sử dụng được nữa thì hãy vứt bỏ nó, thay vì chỉ mua nó để khoe mẽ trên mạng xã hội hay các nhóm, cộng đồng có cùng chung sở thích.

giày sneakers

Là người tiêu dùng, chúng ta cần suy nghĩ kỹ hơn về những gì chúng ta đang mua, tại sao chúng ta mua nó và chúng ta sẽ thực sự thích nó trong bao lâu. Chúng ta cũng cần loại bỏ ý nghĩ rằng mua sắm là giải pháp cho các vấn đề thuộc về tinh thần của chúng ta (như stress chẳng hạn), và chấp nhận rằng mọi thứ chúng ta mua đều có tác động đến hành tinh.

Và dĩ nhiên, quan trọng nhất là sự thật về ngành công nghiệp sneakers và những tác hại của nó tới môi trường cần được nhìn nhận đúng đắn, được chia sẻ rộng rãi để trở thành một thiên kiến nhận thức đúng đắn tới nhiều người, nhóm người, cộng đồng… Chúng ta không nên xem đây chỉ là trách nhiệm đơn thuần của các nhà sản xuất, của chính trị, của những người có quyền lực liên đới, mà chính chúng ta – sẽ là tác nhân lớn nhất góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực cho hành tinh này.

*Bài viết được chuyển ngữ từ chuyên đề này trên trang I-d Vice.

Thực hiện: Fellini Rose