Social Fabric – Một Vải Nghìn Vóc: Sự đồng điệu giữa người và người được phản ánh qua thời trang

Ngày đăng: 18/08/22

Là một chương trong câu truyện văn hóa thời trang –  ARCHIVISM Voyage, Social Fabric là một chuyến hành trình “kể” về ảnh hưởng của văn hoá, thời trang Mỹ lên thế giới và cả Việt Nam.

Cả tuần qua, cộng đồng thời trang Việt lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết với các triển lãm thời trang. ARCHIVISM 2022 – Social Fabric của Hidden Archive là một trong những sự kiện thời trang ấn tượng và thú vị.

Trước đại dịch COVID-19, cụ thể là trong hai năm 2018 và 2019, ARCHIVISM được biết đến với tư cách là một triển lãm thời trang thường niên tọa lạc tại Sài Gòn. Là tụ điểm của những cá nhân yêu thời trang, mến văn hoá và đam mê trải nghiệm, ARCHIVISM đóng vai trò như một nhịp cầu kết nối những cá thể lại với nhau, đem đến cơ hội để gặp gỡ và chiêm ngưỡng những thiết kế mang tính tiêu biểu trên khắp thế giới, rút ngắn khoảng cách văn hoá và địa lý giữa nước mình với nước bạn.

Nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong quá khứ, ARCHIVISM 2018 là cái bắt tay giữa Hidden Archive và Shinesium, nơi mà các tín đồ thời trang tại Việt nam có cơ hội được đắm mình trong những thiết kế mang tính biểu tượng đã tồn tại hàng chục năm, những thiết kế đã thay đổi dòng chảy của thời trang. Tiếp nối những thành công của năm trước, ARCHIVISM 2019 đào sâu hơn về sức ảnh hưởng của những nhà thiết kế lỗi lạc của Nhật Bản. Với sự hợp tác của Grailed, Môi Điên và những gương mặt quen thuộc khác của cộng đồng thời trang, sự kiện năm ấy đã ghi dấu tên tuổi của Hidden Archive nói riêng và ARCHIVISM nói chung.

Sau 2 năm vắng bóng, lần này trở lại Hidden Archive mang lại ARCHIVISM với một diện ạo hoàn toàn mới, được thực hiện dưới một lăng kính mới, táo bạo và trọn vẹn hơn. Hidden Archive được ra đời từ mục đích gắn kết con người và các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là trong thời trang và nghệ thuật. Hidden Archive chưa bao giờ là những người đi đầu hay những chuyên gia mà chỉ đơn thuần là “một đám nhóc” đến từ khắp nơi, lượm nhặt những câu chuyện về văn hóa và đem nó kể với mọi người. 

Với định hướng mới – tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh văn hóa đằng sau những thiết kế thời trang,  ARCHIVISM mới là một hành trình nhiều chặng, một quyển truyện nhiều chương, một sự kiện lớn lồng ghép nhiều sự kiện nhỏ, để có thể truyền tải hết những chủ đề, văn hóa rộng lớn.   ARCHIVISM ‘22 bao gồm ba phần: documentary Series “Chất Fade” –  Triển lãm “Social Fabric” – “Mỹ vị” food party.

Trong đó, “Social Fabric: Một Vải Nghìn Vóc” là sự kiện chính – một buổi trưng bày kể về Americana thông qua các bộ quần áo, những bộ trang phục đại diện cho lịch sử, văn hóa và các cộng đồng khác nhau. Social Fabric là sự kiện trưng bày, giao lưu và trao đổi góc nhìn về phong cách sống lấy cảm hứng từ sự đồng điệu giữa mối quan hệ giữa con người và vải vóc. Cách mà sợi chỉ dệt nên một tấm vải bền cũng giống như cách xã hội của chúng ta được củng cố bởi mối liên kết dệt lên từ từng cá thể. “Một vải nghìn vóc” là cách bộ quần áo làm nên vẻ ngoài của một người và một người làm nên một phong cách. Tất cả cấu thành lên xã hội – một sợi dệt vững chắc nối liền văn hoá và cuộc sống.

Từ những thiết kế lâu đời mang nặng giá trị lịch sử, cho đến các workshop thời trang với người có kinh nghiệm trong ngành, tất cả đều có mặt tại Social Fabric nhằm đưa người xem một góc nhìn đa dạng về chủ đề chính – Americana của các thương hiệu thời trang và nhà thiết kế nổi tiếng. Hơn cả, sự kiện còn là cơ hội để từng cá thể hiện thực hóa chính góc nhìn về văn hoá Americana của bản thân. Triển lãm lần này còn tôn vinh những cuộc trò chuyện, chia sẻ kiến thức và niềm vui mà niềm đam mê thời trang đưa đến cộng đồng chúng ta.

“Tại sao người Việt ai cũng mặc áo thun, quần bò? Và tại sao từ quần áo, Coca, Hip Hop hay văn hóa Mỹ nói chung đã luôn là 1 phần trong cộng đồng người Việt?” Chủ đề Americana sẽ trả lời cho câu hỏi đấy. 

“Americana: từ ngữ chỉ những thứ liên quan đến văn hoá và lịch sử châu Mỹ, hay đặc biệt hơn là đất nước Mỹ.” Khi nói về chuyện ăn mặc, số đông chắc hẳn sẽ không biết rằng những chiếc quần jeans nằm trong tủ quần áo của những ông bố Việt Nam lại có xuất thân gắn liền với thợ mỏ Mỹ từ hơn 150 năm trước. Theo dòng lịch sử đến ngày nay, denim (loại vải may quần jeans) đã không ngừng được cải tiến và len lỏi đến hầu như tất cả các vùng miền trên thế giới, đồng thời để lại dấu ấn sâu sắc mỗi nơi nó đi qua. 

Quả thật, ở những nơi lối sống Mỹ ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành nên văn hoá của một quốc gia, phong cách Americana (đặc biệt là denim) cũng dần trở thành tiền đề cho hàng nghìn bộ sưu tập thời trang, các phát kiến khoa học, những cuộc vận động vì quyền con người và hơn thế nữa. Đó chính là phong cách của xã hội, của sự bình đẳng và tân tiến, của tất cả mọi người.

Vậy ở Việt Nam thì sao? Trong thời đại mới, nhờ vào tính đa dạng và đa dụng, Americana xuất hiện trên thường phục của mọi tầng lớp xã hội: từ thợ xây, vũ công đến học sinh tiểu học và còn hơn thế nữa. Dần dà, nó trở thành một điều thường nhật, một điều quen thuộc trong cuộc sống mà chúng ta thường bỏ quên. Song Song đó, vẫn tồn tại một cộng đồng nhỏ đầy tiềm năng của những kẻ mê Mỹ, những con chiên của Americana, những con người luôn tìm về gốc rễ và thúc đẩy những giá trị nguyên bản của văn hoá này phát triển. 

Vì vậy, chuyến hành trình này, người xem sẽ khám phá sự hình thành của phong cách ấy cũng như ảnh hưởng của nó đến văn hoá Việt Nam, để cuối cùng tìm lời giải đáp cho dấu chấm hỏi: Có hay không sự ngó lơ những ảnh hưởng của văn hoá Mỹ trong cuộc sống hằng ngày của người Việt?

Bước vào không gian triển lãm –  De la Sól, tinh thần mạnh mẽ và sự chân thực của American được thể hiện rõ ràng trên những khối bê tông, viên gạch, tảng đá và sắt thép. Đặt triển lãm trong một không gian đang trong quá trình thi công, những người tới sự kiện sẽ chứng kiến không gian liên tục đổi mới, liên tục hoàn thiện. Chiếc xe Honda Cub đang chở một chồng denim chắc chắn là một biểu tượng gây ấn tượng và truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa nhất trong Social Fabric. Với biểu trưng này người xem chắc hẳn sẽ nhận ra nút giao thoa giữa phương Tây và phương Đông. Dù là một trong những nền văn hóa rộng lớn và phổ biến nhất toàn thế giới trong suốt hàng thế kỷ, con người Việt đã tiếp nhận văn hóa Mỹ, một nền văn hóa xa lạ một cách bản địa nhất có thể. Chiếc xe gắn máy từ lâu là một sản phẩm từ Nhật Bản, được tiếp thị rộng rãi ở Mỹ và lại trứ danh tại Việt Nam – một trong những phương tiện chính trong nước, cũng là một hình ảnh thân thuộc, gần gũi, một phần giá trị trong văn hóa của chúng ta, nhất là những khoảnh khắc cả một gia đình đông đúc, hay khối hàng nặng được chồng chất trên chiếc xe máy nhỏ bé.

Và hình ảnh “gây thương nhớ” đấy, được Hidden Archive tái hiện lại ngay tại triển lãm – một chiếc Honda Cub đang chở một tháp denim – qua đây tri ân cho tinh thần sáng tạo cũng như sức chịu đựng bền bỉ của con người Việt. 

“Social Fabric” còn tạo điểm nhấn đặc sắc với khu trưng bày 5 bộ đồ đặc biệt mang trên người những chủ đề khác nhau: mỹ nghệ, mô-tô, cao bồi, nông dân, và sinh viên. Dễ dàng nhận ra, những cái tên của năm bộ đồ tương ứng với tính cách chủ nhân cùng công năng nguyên bản của chúng. Những bộ đồ “đời thường” này dần được trao từ tay người này qua người khác, từ văn hóa này qua văn hóa khác, từ thời đại này qua thời đại khác. Trải qua nhiều biến đổi với nhiều thế hệ, nhiều vị chủ nhân khác năng, công năng nguyên bản của chúng cũng dần biến đổi, từ từ trở thành tiếng nói cộng đồng và bây giờ được trưng bày trong không gian bày trí như một tác phẩm nghệ thuật.

Việc một vật thể hay cá nhân chuyển giao mục đích để thích nghi vào một môi trường mới đồng nghĩa với một tác phẩm đang chuyển động. Một phom dáng, vẻ ngoài thoạt đầu nhìn có lẽ “tầm thường” nhưng đằng sau lại là một bề dày lịch sử sâu sắc. Đây cũng chính là lý do vì sao con người cũng được coi là một bảo tàng sống. Những món đồ nghệ thuật đời thường cũng bỗng trở thành một yếu tố thúc đẩy những cuộc đối thoại mới về nghệ thuật, cuộc trò chuyện giữa mỹ nghệ thủ công và nghệ thuật đương đại, giữa người làm nghệ thuật với người chiêm nghiệm, người tiêu dùng và người sản xuất.

ARCHVISM ‘22 – Social Fabric sẽ có sự góp mặt của những bộ sưu tập “nhất định phải có” khi nhắc về Americana như bộ sưu tập đến từ Denimister – những người sưu tầm và đam mê Vintage Americana tại Sài Gòn và Findhi.n. 

Denimister hiện đang kinh doanh các món đồ có tuổi đời cao, với độ thủ công tinh tế và những câu chuyện lịch sử thú vị. Trong triển lãm lần này, Denimister đã giao phó bộ sưu tập cá nhân để chúng tôi truyền tải đến công chúng. Những thiết kế đã cách mạng hóa và phần nào củng cố lối ăn mặc hiện đại của chúng ta ngày nay. Một số từng được mặc bởi những cao bồi, chịu đựng cái nóng của miền tây hoang dã những năm 60s, 70s. Số khác thuộc sở hữu bởi những con người đã góp phần xây dựng nước Mỹ ta biết ngày nay – thợ đào mỏ, thợ đường sắt hay thậm chí cả những người lính. Ở sự kiện này, Findhi.n mang đến những bộ đồ tái diễn giải Vintage Americana của các thương hiệu nổi tiếng. Findhi.n hy vọng rằng, qua những món đồ này, khán giả có thể nhìn Americana với con mắt đương đại, từ đó khơi dậy những cuộc trò chuyện ý nghĩa.

Triển lãm thời trang Social Fabric không đơn thuần chỉ là nơi đến để xem, để checkin thông thường mà còn là không gian thưởng thức sáng tạo, thời trang và nghệ thuật bằng đủ giác quan. Vào triển lãm, người tham gia sẽ được dẫn dắt bởi một bạn hướng dẫn viên để  “kể” những câu chuyện văn hóa thú vị đằng sau những thiết kế vải vóc. Đồng thời, Social Fabric còn có buổi workshop hữu ích được chủ trì bởi những cá nhân có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng thời trang. Trong buổi workshop được dẫn dắt Perfect Vintage Stuff, người tham gia sẽ được giới thiệu từ A đến Z kĩ thuật may sashiko tiêu biểu của nền văn hoá Nhật Bản qua những câu chuyện thú vị và mang đậm giá trị lịch sử. Với workshop BACK TO BARE MINIMUM của Thanh Hoàng, bạn sẽ có thể mang đến một cuộc sống mới cho những món đồ đã cũ, biến chúng thành những tác phẩm độc nhất vô nhị. Đến với workshop RED ONION STENCIL do anh Đặng Nhật chủ trì, người tham gia sẽ được trải nghiệm kỹ thuật Stencil – kỹ thuật in ấn gắn liền với hình ảnh “KHOAN CẮT BÊ TÔNG” trên bờ tường hay cột điện tại Việt Nam. Sau khi được đáp giải cặn kẽ lịch sử cũng như ảnh hưởng của kỹ thuật này tới Americana, các bạn sẽ được trực tiếp thực hành in Stencil lên một số bề mặt, thậm chí là quần áo của mình. Đến với ARCHIVISM lần này, fashion blogger Trí Minh Lê sẽ cho ta một cái nhìn toàn cảnh với workshop VĂN – THỂ – MỸ, và chắc chắn rồi, “Mỹ miều” mà cô đọng nhất có thể về văn hoá Americana. 

Không mở ra một thế giới thời trang xa hoa, lộng lẫy như các sàn diễn chuẩn chỉnh của các nhà mốt lớn hay các chiến dịch xa xỉ, Social Fabric đem đến một không gian thời trang, nghệ thuật vô cùng gần gũi, bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt, bình dị hằng ngày và mang theo cả giá trị Việt, để người thưởng thức có thể tiếp cận thời trang một cách dễ dàng và thấy được sự liên kết ẩn sâu trong bản thể của mình. Từ đó, để chúng ta tôn vinh thời trang từ những giá trị cốt lõi, vô giá mà không dễ dàng bị thay thế. Không ồn ào, không cần lăng xê “vô tội vạ” của những drama, thay vào đó là sự đầu tư, bài bản và chuẩn chỉnh từ nội dung, không gian đến cách thức trình bày, những sự kiện thời trang như ARCHIVISM – Social Fabric xứng đáng được phát triển, mở rộng và ủng hộ nhiều hơn nữa trong tương lai.