SR Fashion Career Talk Episode 05: “Fashion Retail – How To Manage A Fashion Business?” – Làm sao sở hữu được “bức tranh lợi nhuận” như mong muốn?

Ngày đăng: 10/09/22

Vào sáng thứ 7 ngày 10.09.2022, SR Fashion Career Talk Episode 05 đã chính thức quay trở lại và diễn ra thành công tại The Edu House. Với chủ đề hấp dẫn, thực tế cùng những lời giải đáp hữu ích của những vị khách mời đặc biệt, có nhiều kinh nghiệm thực tế trong ngành kinh doanh thời trang, và với những phần quà hấp dẫn từ thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam được nhiều bạn trẻ yêu thích – NauNau, buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tham gia.

Tóm tắt nội dung

Trong vài năm trở lại đây, thị trường thời trang Việt ghi nhận sự đổ bộ của hàng loạt các thương hiệu thời trang quốc tế với những con số đáng kinh ngạc. Bên cạnh đó, các thương hiệu nội địa Việt cũng đồng thời gây tiếng vang mạnh mẽ cùng vô số chiến lược kinh doanh xuất sắc, mẫu mã hàng hoá đa dạng lẫn loạt cách tiếp cận khách hàng khách hàng đầy sáng tạo. Chính những điều này đã khiến thị trường thời trang Việt Nam trở nên tiềm năng hơn bao giờ hết, thu hút nhiều bạn trẻ với mong ước khởi nghiệp được ấp ủ từ lâu.

Đối với tất cả các bạn trẻ đã và đang mong muốn thử sức trong ngành thời trang nhưng vẫn còn loay hoay, chưa biết bắt đầu từ đâu, làm sao để giải đáp những câu hỏi như: Tự startup thương hiệu hay làm việc cho những chuỗi bán lẻ thời trang hàng đầu thế giới? Cơ hội và con đường thăng tiến trong ngành công nghiệp tỷ đô? Tại sao thời trang luôn là giấc mơ đối với các bạn trẻ? Quản lý cả một doanh nghiệp, cần chuẩn bị gì để không vấp ngã và thất bại? Với tài chính ít ỏi, đâu là những bước thực tiễn để biến ước mơ kinh doanh thời trang thành hiện thực?…thì SR Fashion Career Talk tập 05 với chủ đề “Fashion Retail – How To Manage A Fashion Business?” sẽ giúp các bạn tìm ra câu trả lời với cuộc trò chuyện gần gũi cùng các vị khách mời sở hữu bề dày kinh nghiệm thâm niên. 

SR Fashion Career Talk tập 05 đặc biệt được tổ chức vào hai lần, tại hai địa điểm và với tương ứng 4 vị khách mời khác nhau để có thể nhân rộng khả năng truyền tải những kinh nghiệm, bài học quý giá mà không dễ dàng có được. SR Fashion Career Talk ngày 10/09 được dẫn dắt bởi đại diện Style Republik và hai vị khách mời đặc biệt: Ms Yến Vũ – Founder của COCOSIN, thương hiệu mang tinh thần tôn vinh sự tự tin của phụ nữ thông qua ngôn ngữ thời trang, từng hợp tác với nhiều người nổi tiếng. Từ năm 2012 đến nay, COCOSIN vẫn luôn thu hút các tín đồ thời trang với các items đẹp mắt và chất lượng; Ms Kim Tuyết – Giảng viên tại SR Fashion Business School, đồng thời là cựu General Manager của H&M Việt Nam. Với kinh nghiệm làm việc cùng các thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới, những chia sẻ từ chị sẽ giúp người xem có những nhìn nhận tổng quan về việc vận hành một doanh nghiệp lớn, hiểu được các khó khăn và thách thức để tối ưu hóa cách tiếp cận người tiêu dùng.

Không chỉ mang đến những kinh nghiệm tổ chức, vận hành một thương hiệu thời trang nội địa mà còn là chìa khóa thành công của những công ty bán lẻ thời trang hàng đầu thế giới. Tại đây, tất tần tất về ngành công nghiệp hào nhoáng này sẽ được khai thác bởi hai vị khách mời với hai góc nhìn cũng như quan điểm khác nhau, nhằm mang đến những kiến thức thực tế nhất về hoạt động trong lĩnh vực thời trang.

Những ngày đầu khó quên trong cả chặng đường kinh doanh thời trang

Chị Yến Vũ: 10 năm trước, trước khi thành lập Cocosin, Yến đã từng thực tập tại một ecommerce đời đầu của Việt Nam – với vị trí marketing, chuyên về Digital Marketing. Tuy nhiên, với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, yêu thích sự tự do và muốn trải nghiệm nhiều thử thách mới thay vì cuộc sống văn phòng chán nản, Yến đã tự hỏi bản thân: “Tại sao chúng ta không start-up một thứ gì đó mới mẻ?” và đã rủ rê người bạn của mình thành lập một mô hình kinh doanh thời trang với những kinh nghiệm marketing sẵn có. Đối với bản thân Yến, thời trang như một mối cơ duyên rất lớn, dù đã 10 năm rồi, trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng mối cơ duyên vẫn còn, Cocosin vẫn còn tồn tại và phát triển. 

Ở thời của Yến, local brands vẫn chưa xuất hiện nhiều ở thị trường thời trang Việt. Đa số các thương hiệu chỉ nhập hàng từ nhiều nơi khác nhau như Trung Quốc và Thái Lan để về bán. Vì thế, khởi điểm đầu tiên của Cocosin cũng không thuần là một local brands, thương hiệu đã trải qua ít nhất một năm rưỡi đầu tiên, đi theo hướng giống như mọi thương hiệu ngày đó làm, cũng nhập hàng từ bên ngoài về bán. Tuy nhiên, thương hiệu hoạt động một cách bài bản, chuyên môn hơn, không đơn giản là chỉ nhập hàng về bán kiếm doanh thu, mà Cocosin phải tạo ra câu chuyện riêng của mình, sáng tạo và khác biệt hơn.  May mắn là thời điểm đó khách hàng của mình rất ấn tượng và yêu thích sự sáng tạo đó, những câu chuyện và tinh thần mà Cocosin đã truyền tải trong từng lookbook, bộ sưu tập.

Dần dà, nhận thấy được rằng trên thị trường thời trang Việt ngày càng có nhiều thương hiệu “kể” câu chuyện tương tự mình từ mặt hàng đến sự sáng tạo bên trong. Tính cạnh tranh ngày càng cao, bắt buộc sự sáng tạo và khác biệt cần được đầu tư nhiều hơn nữa, và muốn Cocosin ngày càng tiến xa, thì định hướng của thương hiệu phải thay đổi từ một thương hiệu thực thi mô hình kinh doanh online với các sản phẩm nhập khẩu, thành thương hiệu tự thiết kế. Từ một người không có background về thời trang, Yến đã phải đi trau dồi kiến thức và kinh nghiệm thời trang, từ chất liệu đến quy trình sản xuất sản phẩm. Từ một thương hiệu hoạt động trực tuyến, Cocosin đã dần tiến xa hơn với nhiều cửa hàng offline cùng những câu chuyện thương hiệu thú vị và dần biến mình thành một local brand thực thụ.

Chị Kim Tuyết: Trước khi làm bán lẻ thời trang (Fashion Retail), thì Tuyết đã từng có 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong sản xuất may mặc. Đây cũng là một nền tảng hữu ích cho bản thân mình khi bắt đầu vào những lĩnh vực khác của thời trang. Bản thân Tuyết cũng là người rất yêu thích thời trang và mối cơ duyên này đến với Tuyết cũng rất tự nhiên. Những năm làm sản xuất may mặc cũng là một khởi điểm tốt cho Tuyết, để mình hiểu được từ cái cội nguồn của ngành bán lẻ, vì nếu không biết về sản phẩm, quy trình sản xuất thì chắc chắn sau này khi làm nghề thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Sau đó, Tuyết cũng có cơ hội làm lĩnh vực bán lẻ tại các công ty, tập đoàn lớn như H&M. Khi làm việc tại các tập đoàn lớn thì điểm quan trọng và cốt lõi chính là quy trình – tất cả mọi việc, mọi khâu từ hình ảnh, marketing, sản phẩm trưng bày,… phải được lên quy trình một cách bài bản để đảm bảo được tính thống nhất. 

Mô hình kinh doanh bán lẻ có gì khác biệt với các mô hình kinh doanh khác?

Chị Kim Tuyết: Khái niệm bán lẻ chắc hẳn đã quá quen thuộc với mọi người. Tuyết sẽ giải thích ngắn gọn lại, theo như chúng ta biết được bán lẻ chỉ đơn giản là bán trực tiếp với người tiêu dùng, ngoài bán sản phẩm thì chúng ta cũng phải bày biện những trải nghiệm mua sắm trực tiếp cho khách hàng. Còn bán sỉ thì chúng ta bán hàng qua các trung gian phân phối thay vì tương tác với khách hàng. Vì thế thử thách của bán lẻ ở đây chính là làm sao để thỏa mãn được khách hàng bằng những câu chuyện của thương hiệu và tinh thần được truyền tải qua từng bộ sưu tập – điều này không chỉ giúp thương hiệu truyền cảm hứng cho khách hàng bằng thời trang mà còn duy trì được lòng trung thành của khách hàng. 

Chị Yến Vũ: Khi bán sỉ cho đối tượng trung gian thì chúng ta phải quan sát và biết được rằng đối tượng mua hàng của bên trung gian là ai để từ đó có thể tăng được số hàng bán ra ngoài.

Thương hiệu có thể thực thi cả hai mô hình bán sỉ và bán lẻ cùng một lúc hay không?

Chị Kim Tuyết: Trên thị trường bán sỉ và lẻ thời trang đa dạng như hiện tại, chắc chắn có rất nhiều đơn vị thành công với khi thực thi cả hai mô hình này cùng một lúc. Chẳng hạn như một thương hiệu thời trang công sở quen thuộc với đa số người tiêu dùng Việt – Việt Tiến. Việt Tiến phát triển từ xuất phát điểm là một đơn vị may mặc, sau đó mới đặt tên cho thương hiệu cùng thành lập các cửa hàng bán lẻ cho mình. Dần sau nữa, Việt Tiến cũng tìm nhiều nguồn đại lý để mở rộng chuỗi cửa hàng cùng sản phẩm của thương hiệu.

Chị Yến Vũ: Ngoài các thương hiệu Việt Nam ra thì cũng có nhiều thương hiệu quốc tế như Charles & Keith nhảy vào thị trường Việt tìm các bên trung gian, phân phối lớn như DAFC,… để phân phối nguồn hàng và mở rộng thương hiệu. 

Mô hình kinh doanh thời trang nào đang phổ biến tại Việt Nam?

Chị Yến Vũ: Mô hình kinh doanh Direct-To-Consumer, ắt hẳn là mô hình được sử dụng phổ biến tại các thương hiệu thời trang Việt hiện nay – đặc biệt là việc tập trung kinh doanh và mua bán tại website, online thay vì cửa hàng trực tiếp hay dựa vào nhà phân phối. Sau hai năm đại dịch thì hành vi mua sắm của khách hàng cũng đã thay đổi rất nhiều, việc mua & bán trên các nền tảng trực tuyến cũng trở thành thói quen và một xu hướng hiện đại. Xu hướng này cũng giúp các thương hiệu tiết kiệm được nhiều chi phí đồng thời đảm bảo được mức doanh thu hiệu quả hơn kinh doanh tại các cửa hàng vật lý. Tuy nhiên, online không là chưa đủ, vì cửa hàng vật lý không đơn thuần là mức doanh thu nữa mà còn là một hình thức branding thương hiệu và cung cấp những trải nghiệm mua sắm cần thiết cho khách hàng. 

Gen Z đang là thế hệ lao động sôi nổi, tuy nhiên, các bạn trẻ Gen Z thường thiếu kỹ năng/ thiếu sót trong việc quản lý. Vậy các bạn trẻ cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năng gì để có để quản lý tốt một doanh nghiệp?

Chị Yến Vũ: Các bạn trẻ thường cho rằng thời trang là một thế giới gì đó rất hào nhoàng và lộng lẫy với những giá trị ngoạn mục. Và thế hệ mai sau với sức trẻ và tư duy sáng tạo vượt bậc luôn muốn tạo sự khác biệt cho thương hiệu của mình. Điều này là điều tốt nhưng các bạn đừng quên rằng thời trang cũng giống như những lĩnh vực, các ngành nghề kinh doanh khác, vì thế để thương hiệu của mình đi xa, đi lâu và đi dài hơn trong tương lai thì các bạn nên nhìn nhận sản phẩm của mình một cách logic, phân tích nhiều hơn, nhìn vào những con số nhiều hơn nữa,… ngoài giá trị sáng tạo để từ đó đưa ra những định hướng phát triển phù hợp và đúng đắn.

Trong một đơn vị, thương hiệu thời trang thì bao gồm bao nhiêu bộ phận?

Chị Kim Tuyết: Thương hiệu thời trang cũng giống như các doanh nghiệp kinh doanh khác, cũng bao gồm những bộ phận nòng cốt như: bộ phận sản xuất, sản phẩm, bộ phận marketing, bộ phận thiết kế, bộ phận tài chính, bộ phận nhân sự,…

Chị Yến Vũ: Ngoài những bộ phận nòng cốt như chị Tuyết đã chia sẻ, thì Yến nghĩ bộ phận kiểm kho hay logistics cũng là một trong những bộ phận quan trọng đối với một thương hiệu thời trang hay bất cứ doanh nghiệp kinh doanh nào.

Những lời khuyên cho cách vận hành thương hiệu của các bạn trẻ ngày nay

Chị Yến Vũ: Mình nghĩ rằng các bạn trẻ cần phân tích số liệu, dựa vào dữ liệu đó để đào sâu nguyên nhân hay cách phát triển mới cho doanh số trong tháng hoặc trong năm, phải biết được rằng bộ sưu tập hay lần ra mắt mới có bao nhiêu items thì phù hợp. Các bạn nên lập ra một bảng report hàng tháng để rút ra được các dữ liệu về mỗi lần bán của mình, từ đó sẽ biết được mẫu thiết kế nào đẹp, thiết kế nào được yêu thích, lý do tại sao mẫu này đẹp nhưng bán lại không được cũng như sản phẩm được bán ra nhiều nhất. Quy chung lại các bạn phải nên xem thời trang là những con số và làm sao để chúng ta phân tích được những con số đó, từ đó bản thân sẽ rút ra được những kinh nghiệm để có thể dự đoán mà đầu tư hơn vào lần sau.

Đâu là những chỉ số quan trọng đối với các đơn vị kinh doanh thời trang online, offline và cả hai?

Chị Yến Vũ: Đối với các bạn mới khởi nghiệp được 1-2 năm đầu, thì Yến nghĩ chỉ số quan trọng nhất đó là doanh số. Với những năm đầu, các bạn không nên đặt nặng quá nhiều về mặt lợi nhuận, thay vào đó hãy xem sản phẩm mình tung ra thị trường được khách hàng đón nhận như thế nào, doanh số của sản phẩm có tăng hay không? Nếu đã tăng, thương hiệu đi đúng hướng, sản phẩm cũng đáp ứng được thị hiếu của thị trường thì sau đó hãy nghĩ đến việc làm sao có thể tối ưu tất cả các chi phí vận hành, nhân sự, marketing,… để đảm bảo lợi nhuận cũng như đảm bảo sự phát triển lâu dài của thương hiệu trong tương lai. 

Đối với việc vận hàng offline, lấy ví dụ từ Cocosin, thì thương hiệu sẽ thường phân tích rõ ràng về performance của cửa hàng offline lẫn online. Chỉ số đánh giá performance của cửa hàng offline cũng liên quan đến nhiều chỉ số khác nhau như doanh số, chi phí vận hành, lương của nhân sự, tiền thuê mặt bằng (chi phí chiếm nhiều nhất), chi phí đầu tư cơ sở vật chất, chi phí thương hiệu bỏ ra ban đầu khi set up và cả thời gian hoàn lại vốn. Còn đối với cửa hàng online thì chỉ phụ thuộc vào doanh số, chi phí marketing, chi phí nhân sự chăm sóc khách hàng trực tuyến. Với xu hướng mua bán trên ecommerce phổ biến như hiện nay, thì các bạn nên suy nghĩ về cách định hướng cho các cửa hàng offline để đây là nơi không chỉ đem lại doanh số mà còn khẳng định giá trị của thương hiệu. Đồng thời, không phải lúc nào có cửa hàng offline thật đẹp, thật hoành tráng thì cũng hiệu quả, cũng có rất nhiều đơn vị thành công với mô hình kinh doanh online từ doanh số đến câu chuyện branding thương hiệu, ví dụ như Coolmate – một trong những brand thực thi mô hình kinh doanh online thành công nhất hiện tại, dù không có cửa hàng offline nhưng doanh số bán hàng vẫn rất cao, cách branding cũng như cách chăm sóc khách hàng trực tuyến cũng vô cùng hiệu quả. Coolmate cũng là một trường hợp thú vị đáng để mọi người tham khảo và học hỏi về cách vận hành doanh nghiệp – đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm hơn vì cửa hàng offline. 

Kinh doanh trên website có thật sự hiệu quả?

Chị Yến Vũ: Với công nghệ tiên tiến và nhu cầu khách hàng ngày nay, có rất nhiều nền tảng trực tuyến để các thương hiệu kinh doanh, TikTok cũng dần trở thành một trong những xu hướng mua và bán phổ biến. Việc đầu tư cho một website cũng không phải quá đắt hay quá khó khăn, tuy nhiên theo bản thân Yến cảm thấy rằng việc mua bán trên website ở Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều bất cập, dường như người tiêu dùng Việt chưa thể tin tưởng việc mua hàng trên website vì vấn đề bảo mật thông tin. Vì thế nếu một thương hiệu đang hoạt động kinh doanh tốt trên các nền tảng social khác thì hãy cứ tập trung vào chúng vì việc thuyết phục được độ tin tưởng của người tiêu dùng trên website không hề dễ dàng và tốn khá nhiều thời gian.

Chị Kim Tuyết: Bổ sung cho ý của Yến, mặc dù website có thể là một nơi mua bán chuyên nghiệp được các thương hiệu đầu tư chỉnh chu nhưng so với các nền tảng mua bán social khác thì độ tương tác của khách hàng trên website rất thấp. Vì trên các nền tảng social, khách hàng có thể cảm nhận được tinh thần của thương hiệu nhiều hơn thông qua các bài viết cập nhật thông tin liên tục về sản phẩm,… và tại đây khách hàng cũng có thể dễ dàng trò chuyện với thương hiệu và tìm kiếm để tư vấn. 

Trong quá trình kinh doanh, ắt hẳn sẽ có lúc doanh số thương hiệu bị chững lại. Làm sao để tìm ra được nguyên nhân vì sao khách hàng không “ghé thăm” thương hiệu nữa?

Chị Kim Tuyết: Chúng ta phải phân tích sâu mức độ trung thành của khách hàng, mức độ ghé thăm của họ, mỗi lần mua bao nhiêu sản phẩm, giá trị bao nhiêu, khách hàng ở lại là bao nhiêu,… từ đó tìm ra được nguyên nhân và giải pháp phù hợp để giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn. Ngoài ra chúng ta còn phải xây dựng các chương trình chăm sóc khách hàng, sự kiện chiêu đãi khách hàng,… để khách hàng thấy được rằng thương hiệu luôn tôn trọng và lắng nghe họ.

Chị Yến Vũ: Yến chia sẻ, khi thương hiệu của mình Cocosin bị chững lại về doanh số thì mình phải quay lại đặt câu hỏi trực tiếp vào sản phẩm, vì có thể nguyên nhân không nằm ở khách hàng mà nằm ở chính sản phẩm của thương hiệu, chẳng hạn chất lượng hay mẫu mã của thiết kế không còn đẹp như xưa. Ngoài ra, sự thay đổi về nhân sự của thương hiệu cũng khiến khách hàng cảm thấy không còn phù hợp với thương hiệu nữa

Nhân sự là 1 yếu tố quan trọng trong việc hình thành con đường phát triển bền vững cho thương hiệu. Những khó khăn về nhân sự trong thời gian đầu và hiện tại mà 2 chị gặp phải?

Chị Kim Tuyết: Đặc tính của môi trường thời trang là làm việc rất nhiều với các bạn trẻ – nguồn nhân lực đầy nhiệt huyết, năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, những bạn trẻ vẫn chưa thể định hướng rõ ràng về con đường mà mình đang chọn, chưa biết thật sự đam mê của mình là gì,…- những yếu tố ảnh hưởng đến công việc, vì thế các bạn thường có tỉ lệ nhảy việc rất cao. Đây là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp thời trang và cả các thương hiệu nhỏ. Vì thế để đảm bảo được một đội ngũ làm việc hiệu quả và trung thành thì các đơn vị cũng nên hiểu rõ nhân lực của mình muốn gì, đồng thời tạo cảm hứng trong công việc. Bên cạnh đó, phải hướng nghiệp cho nhân lực trẻ một cách phù hợp 

Giải pháp nào để giảm thiểu tỷ lệ xói mòn nhân lực cao trong ngành kinh doanh thời trang?

Chị Kim Tuyết: Ngoài việc xây dựng một văn hóa công ty bền vững thì để giữ chân cũng như giảm thiểu tỷ lệ xói mòn nhân lực thì chúng ta cũng nên đào tạo các bạn một cách bài bản để hướng các bạn đến các vị trí cao hơn, giúp các bạn thăng tiến, nói cách khác là xây dựng chiến lược thừa kế. Đồng thời các thương hiệu cũng nên chuẩn bị tinh thần với sự biến đổi mạnh mẽ về nhân lực vào các dịp đặc biệt, để tìm ra cách xử lý phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến thương hiệu. 

Chị Yến Vũ: Ngoài những ý kiến trên của chị Tuyết, Yến nghĩ sự tương tác giữa người và người, giữa nhân viên và sếp, văn hóa của công ty là yếu tố quan trọng để giữ chân được nguồn nhân lực cũng như tránh được các cuộc xung đột. 

Tầm quan trọng của Visual Merchandising đối với kinh doanh

Chị Yến Vũ: Visual Merchandising hiểu đơn giản là bộ phận nhân sự phụ trách việc sắp xếp hàng hóa, sản phẩm trong cửa hàng làm sao để thu hút và hấp dẫn được khách hàng và khiến họ mua mặt hàng đó. Ngoài nhân sự bộ phận sale ra thì Visual Merchandising cũng góp phần làm tăng doanh số thương hiệu. Vì thế tầm quan trọng của Visual Merchandising chính là giúp thương hiệu tăng doanh số – một phần nhân sự đáng để đầu tư.

Chị Kim Tuyết: Cho dù là thương hiệu nội địa hay thương hiệu quốc tế đi chăng nữa thì Visual Merchandising là một yếu tố rất quan trọng. Người đảm nhiệm bộ phận này phải đảm bảo đem lại trải nghiệm mua sắm tốt cho khách hàng, làm cho họ muốn đến cửa hàng để mua và trải nghiệm thay vì mua sắm online. Bộ phận này cũng phải phối hợp chặt chẽ với bộ phận bán hàng và bộ phận marketing để đảm bảo hiệu quả bán hàng tốt nhất. 

Với tư cách là một nhà quản lý thương hiệu thời trang, chuỗi thương hiệu thời trang bán lẻ, có thể nói, các chị cũng như những chủ thương hiệu khác đã “ăn, ngủ và sống” với doanh nghiệp của chính mình. Mọi người đã trải qua vô vàn những khó khăn, thách thức. Vậy động lực nào hoặc điều gì giúp cho các chị vẫn tiếp tục cố gắng với đam mê của chính mình?

Chị Yến Vũ: Yến tin rằng khi chúng ta làm một công việc nào đó bằng đam mê thì dù có vấp ngã hay thử thách, khó khăn ra sao thì chúng ta vẫn luôn có thể kiên trì theo đuổi, luôn có động lực để đứng lên và học hỏi tiếp tục.

Chị Kim Tuyết: Mỗi chúng ta khi kinh doanh hay làm bất cứ gì đi nữa thì nên chuẩn bị cho bản thân một tinh thần thép, vì mọi chuyện sẽ chẳng bao giờ suôn sẻ và theo ý muốn, có những lúc bắt buộc bạn phải đương đầu với những thử thách. Ngoài ra, ngoài năng lực hay đam mê của bản thân, quá trình làm việc với nhiều cộng sự cũng đem lại cho ta nhiều bài học quý giá. 

SR Fashion Career Talk Episode 05: “Fashion Retail – How To Manage A Fashion Business?” – Làm sao sở hữu được “bức tranh lợi nhuận” như mong muốn? tạm khép lại. Cảm ơn các khách mời đã chia sẻ cùng chương trình. Chương trình còn có nhiều chia sẻ ngoài lề thú vị và những lời giải đáp hữu ích từ khách mời cho người nghe. Bên cạnh đó, cảm ơn đơn vị tài trợ Naunau – Thương hiệu mỹ phẩm và nước hoa thiên nhiên với những phần quà vô cùng hấp dẫn.

Hẹn gặp lại các bạn trong SR Fashion Career Talk Episode 05 ngày 17.09 với hai vị khách mời mới cùng góc nhìn mới cho những khúc mắc trong  “Fashion Retail – How To Manage A Fashion Business?” – Làm sao sở hữu được “bức tranh lợi nhuận” như mong muốn? 


Đăng ký tham gia miễn phí ngày // tại: https://bit.ly/FashionRetailDay02
Thời gian: 09:30 AM – 11:30 AM⁠
Địa điểm: SR Fashion Business School, 292/15 Đường Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh 

Thực hiện: Huỳnh Trân