Founder DirtyCoins – Khoa Xian: Xây dựng thương hiệu cá nhân song hành cùng thương hiệu kinh doanh là một rủi ro nhưng hiệu quả
Ngày đăng: 10/10/22
DirtyCoins dường như không phải là một cái tên quá xa lạ trong cộng đồng streetwear, người trẻ thích ăn mặc, hay fan hâm mộ của dòng nhạc HipHop. Khi mà nhiều thương hiệu nội địa đang nỗ lực để tìm ra những chiến lược tăng sức ảnh hưởng, nhận diện của thương hiệu, thì có thể gọi là một “kỳ tích” khi các kênh trực tuyến của DirtyCoins đã sớm cán mốc hơn 1 triệu lượt theo dõi, cùng với đó một cộng đồng người trẻ thuộc lớp GEN-Z đang mến mộ thương hiệu nhiệt thành.
Khoa Xian – tên đầy đủ là Sen Liên Khoa, cũng là một người trẻ thuộc thế hệ Gen-Z. Anh là người đã sáng lập nên thương hiệu DirtyCoins. Câu chuyện xây dựng thương hiệu của DirtyCoins rất đỗi thú vị, khi bản thân Khoa là một người trẻ tay ngang nhưng đam mê kinh doanh thời trang mãnh liệt.
Tay ngang khởi nghiệp thì thất bại là không thể tránh khỏi
Khoa, trong cuộc đối thoại với Style-republik, nhiều lần lặp lại lời của bản thân như một cách để bản thân phải tự mình ghi nhớ bài học “xương máu” (theo đúng nghĩa đen của DirtyCoins là đồng tiền xương máu), đó là “Khởi nghiệp không quan trọng số vốn là bao nhiêu, mà ý chí của bản thân mới là điều tiên quyết”, và “Nếu mà bản thân đã biết, đã dạn dày kinh nghiệm thì lại trở nên quá cầu toàn, hoặc có tâm lý cẩn thận quá mức, không dám làm”. Đã có nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ Khoa, đặt câu hỏi là cần bao nhiêu vốn để khởi nghiệp như Khoa, thì đó là câu trả lời.
“Khởi nghiệp không quan trọng số vốn là bao nhiêu, mà ý chí của bản thân mới là điều tiên quyết”
Khoa có mẹ thích may vá. Từ nhỏ, dù gia đình không dư dả điều kiện, nhưng Khoa vẫn mê đắm thời trang và mặc đẹp. Lần chạm ngõ kinh doanh thời trang đầu tiên của Khoa là khi anh xây dựng The Yars Shop – chuyên kinh doanh trang phục thể thao dành cho nam giới. The Yars Shop không có nhận diện hay bản sắc thương hiệu rõ ràng, sớm trở thành một nỗ lực kinh doanh không mấy thành công của Khoa. Bù lại, kinh nghiệm và sự cầu tiến vẫn khiến cho Khoa không nản chí. Khoa lấy doanh thu khiêm tốn của The Yars Shop để bắt đầu xây dựng thương hiệu DirtyCoins kể từ 2017. Lần này, Khoa đã chú trọng hơn đến câu chuyện xây dựng thương hiệu.
Thương hiệu mới lấy tên DirtyCoins – một cái tên tượng trưng cho tôn chỉ “đồng tiền xương máu” hàm ẩn nhiều tầng ý nghĩa, nhưng ý tưởng đằng sau vẫn là một sự đại diện cho tinh thần trẻ trung, một điểm dung hòa giữa ngôn ngữ mạnh mẽ của HipHop thế giới và văn hóa đương đại bản địa. DirtyCoins được hình thành với ý niệm là Khoa muốn truyền cảm hứng mặc đẹp tới người trẻ – những người cũng đang chịu ảnh hưởng bởi văn hóa giới trẻ, bởi nghệ thuật đường phố, và cụ thể hơn là HipHop.
Sản phẩm của DirtyCoins đa dạng từ T-shirt, hoodie, sweater, trang phục mặc ngoài, cho tới những món phụ kiện khác nhau, bao gồm cả nón, mặt nạ, túi xách. Sự đa dạng về sản phẩm của DirtyCoins là cả một quá trình dài để nghiên cứu và tìm ra thế mạnh sản xuất lẫn thiết kế dựa trên nguồn nguyên liệu cung ứng và khả năng sáng tạo bởi đội ngũ thương hiệu.
Ba năm đi vào hoạt động, bệnh dịch COVID-19 tràn tới khiến cho ngành thời trang chao đảo. DirtyCoins trong tình thế khó khăn cũng phải đóng đi một số cửa hàng của mình, và cắt giảm nhân sự. Đối với Khoa, điều này là một khó khăn lớn, bởi bản thân anh luôn chú trọng vào việc tạo ra những trải nghiệm chăm sóc khách hàng tốt nhất, mà phần lớn thành quả đó tới từ đội ngũ nhân sự tại cửa hàng – những người tiếp cận trực tiếp với khách hàng.
“Mình nhớ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, bản thân đã phải ra đó để ở một thời gian chỉ để tìm hiểu về thị trường, văn hóa, con người Hà Nội. Mình cũng đã phải nán lại chỉ để tận tay chỉ bảo thêm kinh nghiệm giao tiếp và bán hàng cho các bạn nhân viên mới tuyển cho cửa hàng. Tất cả những tâm sức như vậy, đến khi bị buộc phải để các bạn rời đi vì tình hình dịch bệnh quả thật rất tiếc nuối”.
Tư duy của Khoa là luôn cố gắng học hỏi và trau dồi thêm nhiều hơn những kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu, bởi ở độ tuổi của Khoa, trải nghiệm và thất bại là những điều quý giá nhất mà bản thân phải trải qua để rút ra được kinh nghiệm kinh doanh. “Những thứ như trải nghiệm, kinh nghiệm được tích lũy thông qua những thất bại là vốn quý giá nhất của một người làm chủ thương hiệu, chứ không phải là số vốn mà họ có khi bắt đầu”, Khoa tự mình nhận định.
Khách hàng bỏ tiền để mua giá trị hữu hình lẫn vô hình của một thương hiệu
Hai năm dịch bệnh, mô hình kinh doanh được cân đối lại và bị buộc phải đóng cửa một vài cửa hàng, Khoa chia sẻ rằng anh có dự định sẽ sớm mở rộng số lượng cửa hàng của DirtyCoins, với mục tiêu là 15 cửa hàng toàn quốc. Hậu dịch, những kế hoạch được ủ mưu từ trước đó được hết tốc lực tái thực hiện. Một trong số những dự án lớn là “One Piece” – một BST giới hạn do Dirty Coins mua bản quyền hình ảnh để hợp tác sản xuất. BST hiện được đón nhận nhiệt thành bởi các fan của tựa truyện tranh và anime đình đám này của Nhật.
BST “One Piece” này là một bước tiến dài trong việc xây dựng một thương hiệu có sức ảnh hưởng đối với người trẻ tại các thành phố lớn – những người cũng cùng lớn lên trong bối cảnh văn hóa giải trí, nghệ thuật được lan rộng, sẻ chia ở phạm vi toàn cầu. Khoa nói rằng, để một thương hiệu trở nên có sức ảnh hưởng, thì giá trị hữu hình lẫn chất lượng sản phẩm phải đảm bảo và tạo sự thu hút, còn giá trị vô hình, là những yếu tố tác động (không thể quy đổi được bằng tiền), sẽ khiến cho hành trình với khách hàng của thương hiệu trở nên bền bỉ, khiến họ mến chuộng thương hiệu dài lâu hơn.
Khoa thừa nhận rằng bản thân đã từng là người không có hiểu biết gì về giá trị thương hiệu, khi anh từng sản xuất áo thun in hình logo của Supreme. Tuy nhiều người mua ủng hộ sản phẩm đó, nhưng giá trị của một chiếc áo in hình logo Supreme không chính hãng không phải là một bài toán kinh doanh lâu dài. Phải tốn nhiều năm vận hành, trải qua nhiều biến động khi điều hành công việc kinh doanh, cũng như tích lũy thêm hơn kiến thức, Khoa mới hiểu được giá trị và tầm quan trọng của một thương hiệu.
Khi người sáng lập là thương hiệu của thương hiệu
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp lựa chọn hình thức khép kín và tách biệt đời sống cá nhân, hình ảnh bản thân với doanh nghiệp của mình. Dễ hiểu, đó là một cách an toàn để thương hiệu không gặp phải những rủi ro vì điều tiếng của cá nhân người sáng lập. Nói vậy mới thấy, việc đồng nhất nhà sáng lập với hình ảnh thương hiệu là một rủi ro đầy tiềm tàng.
Giá trị cốt lõi nhất mà việc gắn liền hình ảnh cá nhân với thương hiệu, đó chính là cá tính, bản sắc của thương hiệu được khắc họa sắc nét nhất. Đây là điều không phải có thể dễ dàng đạt được khi xây dựng thương hiệu, nhất là trong ngành thời trang – khi mà sức sáng tạo thì có giới hạn nhưng các hành vi cạnh tranh không lành mạnh lại là điều quá dễ để xảy ra. Mạng xã hội của Khoa cũng đồng thời là một nơi kiến tạo nên hành vi, sự ủng hộ cuồng nhiệt, dẫn đầu xu thế thời trang giữa cộng đồng của người trẻ – khiến cho những người theo dõi Khoa lẫn thương hiệu sẽ được tiếp nhận những giá trị vô hình mà Khoa đang dày công vun đắp cho DirtyCoins.
Lợi bất cập hại, khi đặt thương hiệu cá nhân gắn liền với thương hiệu kinh doanh, nhà sáng lập hiển nhiên phải hy sinh và đánh đổi không nhỏ. Đối với Khoa, người có gần 100 nghìn lượt theo dõi trên Instagram, và hơn 40 triệu lượt thích trên nền tảng Tiktok cá nhân, thì đó quả là một hành trình không dễ dàng, và một sự đánh đổi không nhỏ.
Khoa, không ngần ngại thừa nhận rằng đã có những sự cố không đáng để xảy ra, nếu hình ảnh của Khoa không quá mức được quan tâm đến như vậy. Khi thương hiệu càng phát triển, danh tiếng và sức ảnh hưởng của Khoa đối với các bạn trẻ là khách hàng của thương hiệu cũng ngày càng tăng, và đôi khi, chính những sự cuồng nhiệt, thái quá cũng là nguồn cơn của những vấn đề phát sinh không thể dự báo trước. Lúc này, bản thân Khoa cũng phải lựa chọn sống chung với bão dư luận, vượt lên những dị nghị, dèm pha, đố kỵ lắm lúc.
Khoa nói rằng, nếu như sau này bản thân thiết lập thêm một thương hiệu khác, cá nhân anh sẽ lựa chọn sự trầm lắng và kín kẽ hơn để nhằm tách bạch cuộc sống, hình ảnh cá nhân với thương hiệu kinh doanh của minh. Bởi “chỉ cần có một DirtyCoins như thế là đã đủ” đối với Khoa.
Sức mạnh của cộng đồng
Xây dựng một mô hình kinh doanh vì cộng đồng, hoặc tạo dựng nên cộng đồng, sẽ là một mô hình kinh doanh có nền tảng phát triển vững chắc. Làm thế nào để DirtyCoins xây dựng được một “giáo phái” (cult) là những người trẻ tuổi cuồng nhiệt ủng hộ thương hiệu streetwear của mình đến vậy?
Một “giáo phái” thời trang sẽ bao gồm những con người mến chuộng thương hiệu đến mức nào? Câu trả lời mang góc độ kinh doanh sẽ là “giá trị bán lại của sản phẩm đó sau lần sử dụng đầu tiên”. Theo thống kê của nền tảng mua bán thời trang secondhand Piktina, thương hiệu thời trang nội địa được tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng này ở thời điểm hiện tại là DirtyCoins. Đây cũng là một trong những thương hiệu có khả năng bán lại nhanh và giá bán lại tốt nhất kể từ khi sản phẩm được đăng bán trên nền tảng của Piktina. Về góc độ kinh doanh, đây là một dấu hiệu xác thực cho thấy sức ảnh hưởng tới cộng đồng của một thương hiệu thời trang nội địa.
Tại sao việc một thương hiệu muốn phát triển bền vững lại cần phụ thuộc vào cộng đồng?
Cộng đồng sẽ thiết lập nên sự kết nối, đó là giá trị vô hình mà Khoa đã chia sẻ. Cộng đồng dưỡng nuôi sự gắn kết, khiến cho các thành viên tín nhiệm thương hiệu. Giữ chân khách hàng dù cũ hay mới, phải thông qua giá trị vô hình mà thương hiệu có thể trao đi, chứ không thể nào chỉ phụ thuộc vào các giá trị hữu hình của sản phẩm.
Thiết nghĩ, các trào lưu văn hóa, xu hướng thời trang, sự quay trở lại của một phong cách thời trang thuộc các thập niên trước đây, có thể khiến cho một thương hiệu được chú ý trong một quãng thời gian, khi mà những người có sức ảnh hưởng, truyền thông hết mực lăng xê chúng. Tính hữu hình luôn là thứ có thể bị thay thế bởi những thứ gì đó khác đẹp hơn, thức thời hơn, chất lượng hơn. Nhưng quãng thời gian để một thương hiệu thời trang “phất” lên nhờ vào việc nương mình theo những yếu tố nhất thời như vậy, sẽ không khiến cho mô hình kinh doanh của doanh nghiệp có thể phát triển tốt. Chính sự “thức thời”, có phần chủ quan, thậm chí là tự mãn vì đang được quan tâm bởi những yếu tố do thương hiệu không thể kiểm soát được – khiến cho mô hình kinh doanh của họ không có lực tốc để phát triển trong tương lai.
Thực tế không khó để thấy là nhiều thương hiệu thời trang nội địa, trải qua giai đoạn có được nhiều sự chú ý, với biên lợi nhuận tốt nhất, bị chững lại, hoặc thậm chí là đang gặp khó khăn để thu hút khách hàng mới, lẫn giữ chân khách hàng cũ bởi vì có những thương hiệu khác bắt kịp xu hướng, trào lưu, và giá cả cạnh tranh hơn thương hiệu của mình. Lúc này, họ vẫn loay hoay tìm kiếm các cải thiện những giá trị hữu hình của thương hiệu, như một cái khó trong việc kinh doanh thời trang mà khó lòng để nhận thấy.
Cái khó là thương hiệu khi càng được chú ý, sẽ càng tự định giá mình cao hơn thị trường, cung lớn hơn cầu, khiến cho thương hiệu của họ có giá trị bán ra tốt hơn. Nhưng một khi thương hiệu rớt khỏi đỉnh cao đó, thì việc giảm giá sản phẩm của thương hiệu để bán được cho khách hàng là điều không thể tránh khỏi. Lúc này, hình ảnh lẫn giá trị của thương hiệu sẽ bị suy giảm mạnh, mất đi lực tốc để phát triển lẫn cạnh tranh trên thị trường, rơi vào tình cảnh thương hiệu bị vướng mắc mà không biết phát triển tiếp theo như thế nào. Có khá nhiều thương hiệu nội địa trẻ đang rất được chú ý, lẫn nhận được sự ủng hộ của người nổi tiếng đang trên lộ trình này.
Vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu DirtyCoins sẽ gặp phải thử thách như thế ở chặng đường phát triển phía trước hay không, nhưng xét trường hợp của thương hiệu này, có hai lý do chính khiến cho sức mạnh cộng đồng của Dirty Coins là nền tảng vững chắc để phát triển mô hình kinh doanh bền vững của mình trong tương lai.
Tuy là một thương hiệu thức thời, phản ánh trào lưu văn hóa, lối sống của người trẻ, nhưng DirtyCoins không chỉ phụ thuộc vào điều này, mà luôn chủ động tạo ra sự cộng hưởng và luôn hướng mình đến sự tác hợp để có thể truyền tải, mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng cường nhận diện thương hiệu tốt hơn. Một vài thương hiệu thời trang nội địa, giờ đây chú trọng mở rộng mô hình kinh doanh “shipping worldwide”, và bỏ qua những cơ hội để tăng cường nhận diện của thương hiệu tại thị trường trong nước, đang nhường lại thị phần của mình cho các đối thủ cạnh tranh đang sính chuộng khách hàng nội địa hơn. Những thương hiệu thế này, có thể nói là thiếu tầm nhìn.
DirtyCoins và các BST hợp tác với các doanh nghiệp lẫn thương hiệu trong và ngoài nước, đã cho thấy việc luôn chú trọng tăng cường nhận diện thương hiệu dù ở giai đoạn nào đi chăng nữa cũng không bao giờ là phí hoài. Đặc biệt, họ chú trọng vào thị phần nội địa hơn là tìm cách phát triển ở thị trường quốc tế vì vẫn chưa phải là giai đoạn phù hợp. Tùy thuộc vào danh tiếng của thương hiệu mà DirtyCoins hợp tác cùng, cũng như mục đích của sự hợp tác, mà uy tín và lòng tin của cộng đồng, khách hàng của DirtyCoins cũng tăng theo.
Yếu tố thứ hai khiến cho cộng đồng phát triển của DirtyCoins là một thành tựu đáng ghi nhận, là nhờ vào tệp khách hàng trẻ của thương hiệu. Tệp khách hàng của DirtyCoins hiện từ 13 – 25 tuổi là tập khách hàng chính yếu. Sự quen thuộc và xem các sản phẩm của DirtyCoins là thức thời với cộng đồng xung quanh mình, sẽ khiến cho sự tín nhiệm và ủng hộ của thương hiệu sẽ được củng cố trong một khoảng thời gian ít nhất là 5-7 năm.
Hiển nhiên, khi tập khách hàng này trở nên lớn tuổi hơn, nhu cầu về các sản phẩm thời trang của họ sẽ có nhiều thay đổi lớn. Lúc này đội ngũ của Dirty Coins sẽ phải có một chiến lược giữ chân được khách hàng đã trưởng thành hơn, và có nhiều sự lựa chọn về phong cách thời trang để phù hợp với tính chất công việc, địa vị xã hội, hay tâm lý của họ.
Khi được hỏi về chiến lược kinh doanh thế nào để giữ được sự quan tâm của tập khách hàng đã trưởng thành hơn, Khoa chia sẻ rằng bản thân sẽ chú trọng nhiều hơn đến câu chuyện chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng, cũng như thiết lập các mẫu thiết kế, dòng sản phẩm đặc thù dành cho đối tượng này. Bên cạnh đó anh cũng vẫn có niềm tin vào việc hợp tác với các thương hiệu, doanh nghiệp có sức ảnh hưởng để cùng gia tăng độ nhận diện thương hiệu. Cũng như thông qua những chiến dịch có ý nghĩa để cho thấy DirtyCoins là một thương hiệu có nhiều giá trị vô hình để trao gửi khách hàng và cộng đồng của mình – đó là một cách thương hiệu khẳng định sức sống bền vững của mình.
Xin cảm ơn Khoa Xian – founder của thương hiệu Dirty Coins đã chia sẻ những thông tin hữu ích trong cuộc đối thoại này với Style-republik.
Thực hiện: Fellini Rose