Sweet Valentien – Tiên phong xây dựng một thế hệ “New Drag” tại Việt Nam

Ngày đăng: 03/07/22

Nhìn về tương lai 5 năm sau, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một thế hệ drag queen trẻ, tài ba, sung sức, chuyên nghiệp chẳng kém gì những quốc gia phát triển trên thế giới. Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp drag (nghệ thuật cải trang) sẽ sớm bùng nổ tại Việt Nam. Tầm nhìn trên có thể tới sớm hơn dự đoán, phần lớn sẽ nhờ vào những drag queen tài năng, nghiêm túc, đầy nhiệt huyết như Sweet Valentien.

Sweet Valentine (Ảnh: Tuna/Piktina)

Pride Month không chỉ là dịp để tôn vinh sự đa dạng về bản dạng giới, mà cũng là cơ hội tốt để ghi nhận những nỗ lực bỏ ra của những cá nhân đang góp phần tạo ra các giá trị tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển và nhận diện của trào lưu văn hóa nhỏ lẻ được xem là đặc sắc của cộng đồng LGBT+. Nghệ thuật cải trang (drag) chính là một loại hình nghệ thuật như vậy, vốn đang cần thêm hơn sự lan tỏa, ủng hộ và thúc đẩy để trở nên phổ biến hơn nữa.

Trong số các cá nhân đang nỗ lực để tạo nên một thị trường (đúng nghĩa) drag queen chuyên nghiệp, thì Sweet Valentien luôn nằm trong danh sách đầu những drag queen đáng nhận diện nhất. Anh là drag queen Việt Nam duy nhất từng lọt vào top 20 của chương trình Drag Race Thailand mùa thứ hai, và từng xuất hiện trên trang bìa, hay các bài phỏng vấn của các tờ báo uy tín hàng đầu trong ngành thời trang như Đẹp, L’Officiel Việt Nam, I-D.

Đã đến lúc Drag phải được nhìn nhận và đầu tư như một cái nghề đúng nghĩa

Sweet Valentien (tên thật: Nguyễn Ngọc Tiến), sinh trưởng tại Sài Gòn trong một gia đình có 3 chị em, đã bắt đầu theo đuổi nghệ thuật drag được 6 năm. Trong 6 năm đó, đã có 4 năm là Tiến thật sự theo đuổi drag một cách chuyên nghiệp. Khởi đầu là khi Tiến mày mò tự chế tác những món phụ kiện kỳ công như những chiếc vương miện đội đầu hay phục sức lạ mắt, và mang mặc chúng trong những sự kiện liên đới đến thời trang, làm đẹp ở Sài Gòn. Vậy là anh bén duyên theo đuổi công việc drag queen tới nay.

Tác giả biết tới Tiến từ 2018, khi anh vẫn còn là một người mẫu lưỡng tính triển vọng ở Sài Gòn. Tiến với chiều cao 1m78, gương mặt với đường nét thanh tú, trở thành một sự lựa chọn dễ dàng đối với các nhà thiết kế sính chuộng trào lưu người mẫu lưỡng tính lúc bấy giờ trong làng thời trang Việt. Anh từng sải bước ở nhiều chương trình, show diễn thời trang khác nhau, nhưng chỉ xem đó là một sở thích thỏa đam mê chứ chưa từng xem nó là một sự nghiệp. Niềm đam mê mãnh liệt và khiếu thị thời trang trong anh được tích trữ theo thời gian.

Tiến chia sẻ rằng mỗi tháng anh sẽ đầu tư sản xuất khoảng 2-3 bộ trang phục trình diễn mới để phục vụ cho drag (Ảnh: Tuna/Piktina)

Rời xa sàn catwalk, Tiến tiến đến một sân khấu bớt nghiêm trọng, chỉn chuẩn, mà luôn tràn đầy sự reo hò, cổ vũ, khuấy động bởi giòn giã tiếng cười vang của khán giả. Drag chính là thứ cộng hưởng hoàn hảo nhất, khiến cho anh được sống cùng đam mê với thời trang, được trình diễn, hóa thân, truyền cảm hứng, được trở thành một người nghệ sĩ tỏa sáng trên sân khấu của riêng mình.

“Sweet Valentien là một fashion queen đúng nghĩa”, Tiến nhận định. “Thời trang kiến tạo nên thần thái, phong cách, sự tự tin, bản lĩnh sân khấu, nét đặc sắc, dấu ấn mang bản sắc cá nhân của anh.”

Ngồi luận bàn về bản sắc của những nghệ sĩ drag, anh chẳng ngần ngại đi thẳng vào câu chuyện rằng thị trường Việt Nam, tuy giàu tiềm năng về các tài năng drag, nhưng lại đang phân chia theo hai thái cực, new và old-school drag. Chính sự phân chia và thiếu gắn kết này, tuy tạo ra tính cạnh tranh làm tiền đề cho sự phát triển, nhưng cũng đang tạo ra những cản trở cho chính tốc độ của sự phát triển của drag tại Việt Nam.

Old-school drag vs new school drag

Old-school drag là thế hệ drag queen tự mày mò và theo đuổi nghệ thuật drag thông qua những show diễn drag phổ biến ở khu vực châu Á, mà phổ biến nhất vẫn là Thái Lan. Old-school drag đa phần là những drag queen đi theo tuyến hướng pageantry. Dấu hiệu dễ nhận diện nhất là khi các drag queen thuộc trường phái old-school luôn sính chuộng các kiểu giả trang hoa hậu, với đầm dài đuôi cá, dạ tiệc, cầu kỳ hay cồng kềnh, phục sức lấp lánh, tóc giả to sụ, makeup dày với đường cut crease và tô khối đậm nét. Old-school drag vẫn chỉ đặt nặng kỹ năng giả trang là phần lớn, thay vì phát triển toàn diện. 

“Theo anh thì trang điểm giả gái đơn thuần không phải drag. Drag là một người nghệ sĩ thực thụ, nơi họ mài dũa những kỹ năng cần thiết, không chỉ để nâng cấp diện mạo, khả năng trình diễn để phục vụ khán giả, mà họ cần phải tìm được nhận diện và bản sắc mang tính cá nhân – thể hiện rõ được rằng họ là một người nghệ sĩ như thế nào, và thái độ của họ đối với loại hình nghệ thuật này là nghiêm túc đến nhường nào,” Tiến trải lòng.

Điều mà Tiến muốn liên tưởng tới chính là New drag. New drag là thế hệ drag queen mới đa tài hơn, cạnh tranh hơn, thương mại hóa, “công nghiệp” hơn. Hai đặc tính phía sau không phải là nhận định mang tính tiêu cực, trái lại, nó góp phần biến drag trở thành một cái nghề đúng nghĩa. Đã là nghề thì nó phải tạo ra giá trị, kinh tế từ chính những kỹ năng được gầy dựng. Theo đuổi sự nghiệp drag queen sẽ luôn tốn kém, nhưng nếu thuộc nhóm new drag, sự đầu tư này còn gấp nhiều lần, không chỉ về mặt kinh tế, thời gian, mà còn cả chất xám. 

Tiến tự tin rằng mình là một fashion queen đa-zi-năng chánh hiệu. Anh còn đang có tham vọng rèn giũa thêm kỹ năng để trở thành một drag queen có khả năng chơi DJ trong tương lai gần. (Ảnh: Tuna/Piktina)

New drag được tách bạch rõ ràng so với old-school. Nhận định new drag mang bản chất công nghiệp là không hề sai, khi new drag được thúc đẩy bởi sự thịnh hành và phổ biến của chương trình “Rupaul’s Drag Race” (RPDR) đình đám trên toàn cầu. RPDR là chương trình truyền hình thực tế của Mỹ, được sáng tạo và dẫn dắt bởi Rupaul – một drag queen nổi danh và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới hiện nay, nhằm tạo ra một sân khấu để tôn vinh và thúc đẩy loại hình nghệ thuật này trở nên phổ biến tới công chúng hơn.

RPDR, tới thời điểm hiện tại có tỷ suất người xem đạt trên hơn triệu người mỗi tập phát sóng trên toàn cầu, và có rất nhiều phiên bản quốc tế khác nhau. Bản thân chương trình và Rupaul trong vai trò dẫn dắt đã nhận về bao nhiêu giải thưởng Emmy liên tiếp kể từ 2017 (8 giải tổng cộng). Sự thịnh hành và phổ biến của chương trình đã đào tạo nên một thế hệ new drag queen, với những kỹ năng họ tự mình mài dũa để có thể tỏa sáng trên đấu trường được xem là thế vận hội Olympic của những drag queen xuất chúng nhất.

Một drag queen theo trường phái new drag phải trau dồi được phần lớn những kỹ năng thiết yếu nhất như diễn xuất, ca hát, nhảy, hài kịch, dẫn dắt chương trình, ứng biến, sáng tạo nội dung, và trên hết, xây dựng được hình ảnh cá nhân, trở thành một người mang sức ảnh hưởng, có khả năng truyền cảm hứng tới thế hệ drag queen trẻ kế cận, cũng như gắn kết và lan tỏa được tình yêu đối với loại hình nghệ thuật này tới công chúng ngày một mạnh mẽ hơn. New drag vượt trội và kế thừa những tinh hoa, nhưng không bị gò bó hay giới hạn bởi chính những tư duy đã có phần cũ kỹ, thiếu linh hoạt, lẫn lực tốc để phát triển của old-school drag.

Tiến cùng các drag queen khác trong Haus Of Valentien.

Những người thuộc old-school drag tại Việt Nam vẫn đang chiếm phần lớn, đơn giản vì nó dễ dàng hơn là new drag – khi quá trình hoàn thiện tiêu tốn nhiều thời gian lẫn kinh tế để phát triển. New drag tại Việt Nam vẫn còn ít ỏi. Theo ghi nhận của cá nhân Tiến thì chỉ tầm khoảng 10 nghệ sĩ drag tại thị trường Sài Gòn sôi động, cởi mở, đa dạng về văn hóa. Chính bởi vậy, sự ra đời của Haus of Valentien là một trong những nỗ lực của anh để thổi bùng số lượng drag queen theo đuổi new drag. Trong vai trò là một drag mother, Tiến sẽ nâng đỡ, ươm mầm, lẫn truyền thụ tư tưởng cho các drag queen trẻ là thành viên của gia đình để họ trở thành những drag queen đa tài mới của Việt Nam.

Haus of Valentien – một gia đình có cùng niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng

Tiến trải lòng về các mối quan hệ cá nhân đã không còn phù hợp để níu giữ trong cuộc đối thoại. Bản thân anh khi trở thành một drag queen chuyên nghiệp, những câu chuyện hậu trường, luận bàn, thị phi sau lưng anh trở thành một nỗi phiền toái và từng khiến anh muộn phiền. Có những kẻ đố kị không ngần ngại đả kích công khai, có những người ở giữa khó xử, có những người đã không còn chung mục đích lẫn lý tưởng để cùng nhau phát triển… tất cả đều bị bỏ lại phía sau, không khiên cưỡng.

“Ở cái tuổi của anh, giờ đây chỉ tập trung hoàn toàn tâm trí để phát triển bản thân, và nhắm tới mục tiêu trong cuộc sống của chính mình. Có những mối quan hệ đã không cần thiết để níu giữ. Cuộc sống tự nhiên là thế, anh nhận thức được và thuận theo nó. Drag giờ đây chiếm phần lớn thời gian của anh rồi nên cũng chẳng có thời gian để muộn phiền.

Haus Of Valentien trình diễn trong một sự kiện.

Những mối quan hệ xa cách nhường chỗ cho những con người quan trọng hơn đối với Tiến trong giai đoạn này của cuộc sống, sự nghiệp của anh. Với chủ đích dẫn đầu xu thế phát triển của trường phái New drag, Tiến thiết lập nên Haus of Valentien và trở thành drag mother/ drag sister của những drag queen trẻ, nhiệt huyết, tài năng như Parisa, Onika Zolanski, Valencucu, Choo Choo… Haus of Valentien giờ đây trở thành một trong những “gia đình” drag nổi bật nhất tại thị trường drag Sài Gòn.

Trong vai trò là một drag mother, Tiến đảm nhiệm khá nhiều trọng trách, từ việc lên ý tưởng trình diễn, dẫn dắt chương trình, đào tạo cho các drag queen trẻ, giúp họ định hình phong cách, khai thác những thế mạnh và khắc phục những thiết sót về kỹ năng, nhưng quan trọng nhất vẫn là khiến cho các thành viên có được một lịch trình công việc ổn định để có một nguồn thu nhập tốt từ việc trình diễn drag toàn thời gian.

“Nói là drag mother vậy thôi, nhưng anh không phải là làm mẹ làm cha của các bạn gì cả đâu. Anh, với kinh nghiệm của một người đi trước, muốn truyền thụ tư tưởng mới, cảm hứng và dẫn dắt các bạn vào nghề trong vai trò là một trưởng nhóm. Haus of Valentien giờ phát triển tốt lắm, nên việc thu hút tài năng cũng dễ dàng hơn. Nhưng cũng bởi vậy mà giờ đây anh cũng cần phải gắt gao hơn trong việc lựa chọn để dưỡng nuôi tài năng thế nào, bởi không phải ai cũng đủ những tố chất cần thiết để trở thành một drag queen”, Tiến chia sẻ.

Tiến nói rằng thị trường Việt Nam còn mới mẻ với văn hóa drag, nên có nhiều hiểu lầm sai lệch về drag vẫn đang được cổ xúy. Đội tóc giả, makeup giả trang thành gái đơn thuần, diễn lố gây cười trên sân khấu trong năm mười phút hay nhảy nhót trên nền nhạc sôi động thì vẫn không thể được công nhận là một drag queen, theo quan niệm của Tiến. Nó sẽ quay trở về câu chuyện drag queen là một nghề cần tới sự nhìn nhận, đầu tư vô cùng nghiêm túc. Sự nghiêm túc đó được thể hiện qua việc đầu tư về tư duy, kiến thức, trang phục, kỹ năng như anh đã chia sẻ trước đó.

Trong vai trò là một drag mother, một người tiên phong cho New drag tại Việt Nam, Tiến có rất nhiều ấp ủ, dự định muốn đạt được trong tương lai, mà bắt đầu bằng việc dưỡng nuôi các tài năng drag queen trẻ của Haus Of Valentine.

Với Haus Of Valentien, Tiến kỳ vọng vào một tương lai xán lạn của văn hóa drag tại Việt Nam – khi mà các tài năng drag queen trẻ tại đây được ghi nhận, hòa nhập được với văn hóa drag đương thịnh hành, thậm chí là còn gây được sự chú ý trên thế giới. Thực chất, Haus Of Valentien đã nhiều lần được mời tham dự các sự kiện trình diễn về drag trong khu vực châu Á. Gần đây nhất, Tiến cùng thành viên trong Haus Of Valentien đã tham gia một chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức tại Singapore. Ngay sau đêm diễn, ban tổ chức đã sớm liên hệ lại để đặt lịch sắp xếp thêm một buổi trình diễn khác nữa tại đây. Đối với Tiến, đây là một sự công nhận, tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực rèn luyện không ngừng nghỉ của anh và các thành viên trong gia đình.

“Các thành viên trong Haus of Valentien rất thân cận và gặp nhau hàng ngày để tập luyện hay lập kế hoạch cho việc biểu diễn. Nhiều drag queen trẻ mới gia nhập đang cần thời gian để tu luyện và xây dựng sự tự tin. Nếu như trước đây anh là người chủ động đưa ra những quyết định cho các bạn drag queen trẻ, thì giờ đây anh muốn họ sẽ tự mình là người chủ động làm việc đó, và cho anh thấy được suy nghĩ nghiêm túc và yêu nghề đến thế nào. Mỗi thành viên trong Haus of Valentien đều có một sở trường, màu sắc, cá tính và phong cách riêng biệt.”

Tiến mong mỏi rằng, với những nỗ lực bỏ ra của các thành viên trong Haus Of Valentien, thị trường drag queen sẽ phát triển mạnh mẽ hơn – với nhiều sự cạnh tranh giữa các tài năng mới để thúc đẩy sự phát triển của thị trường còn non trẻ và giàu tiềm năng này.

Sự nghiệp lớn nhất vẫn chính là gia đình

Xuyên suốt cuộc đối thoại, có không ngớt những cuộc điện thoại, tin nhắn dồn dập tìm tới Tiến, khiến đôi lần anh phải ngừng lại để phản hồi. Đó là cuộc sống với những lịch trình bận rộn của một drag queen chuyên nghiệp như anh. Người viết không khỏi ngạc nhiên khi Tiến chia sẻ rằng đằng sau một cuộc sống với lịch trình bận rộn như vậy, thì anh vẫn sẽ xem gia đình mới chính là sự nghiệp lớn nhất của mình. Đằng sau ánh hào quang của Sweet Valentine, thì Tiến bỏ qua tất cả những thứ vướng bận khác để trở thành con người của gia đình.

Tiến chỉ bắt đầu phát hiện rằng mình là đồng tính nam khi đã lên Đại học. Là một người hướng ngoại, và có trách nhiệm với chính bản thân mình, anh sớm come out với gia định nhưng không nhận được sự ủng hộ ban đầu. Bố của anh ngày đó luôn dùng vũ lực để uốn nắn anh, nhưng Tiến chưa bao giờ ngừng đấu tranh cho quyền lợi và tự hào về tính giới của mình.

Tiến cùng hôn phu Chris trong một sự kiện thời trang tổ chức bởi Men’s Folio. (Ảnh: Men’s Folio)

Mọi thứ giờ đây đã đổi khác khi anh trở thành một drag queen. Mỗi khi xuất hiện, những người xung quanh đều ngưỡng mộ và chấp nhận hình ảnh của anh trong vai trò là một người làm nghệ thuật. Anh chia sẻ rằng hàng xóm gần nhà mỗi lần thấy anh trong diện mạo của drag queen đều luôn trầm trồ. Họ trân trọng và ủng hộ loại hình nghệ thuật mà anh đang theo đuổi. Điều tương tự cũng xảy đến khi anh xuất hiện ở những tụ điểm công cộng.

“Sài Gòn luôn cởi mở, mà người Sài Gòn cũng dễ thương nữa. Giờ có ai kỳ thị bê đê này kia nữa đâu. Drag có thể còn mới với họ, nhưng họ nhìn nhận mình như một người làm nghệ thuật có gu ăn mặc bắt mắt, rồi thì thấy mình nghiêm túc với nghề nên họ cũng nể trọng nữa. Thái độ của mình quyết định cách mà người khác đối xử với mình đó thôi”,

Khi Tiến dần trở nên thành công hơn, anh mở đường cho em trai của mình – cũng là một người đồng tính được tự do theo đuổi sự nghiệp drag. Lúc này, ba mẹ anh cũng không còn cấm cản, mà còn ủng hộ khi nhìn thấy cả hai anh em thực sự hạnh phúc khi được làm những gì mình đam mê. Em trai của Tiến sinh năm 2000, lấy nghệ danh là Valencucu, cũng là một thành viên nổi bật trong Haus of Valentien.

Tiến chụp cùng các thành viên trong Haus Of Valentien trong một bài phỏng vấn cho tờ báo I-D. Drag queen Valencucu (em ruột Tiến) ở ngoài cùng bên phải (Ảnh: I-D)

Dần đến cuối buổi trò chuyện, Tiến cởi mở hơn về chuyện tình cảm của cá nhân anh. Anh chia sẻ rằng Chris – vị hôn phu hiện tại của hai sẽ tổ chức đám cưới vào năm sau. Cả hai đã bên nhau được ba năm, đính hôn được hai năm. Chris là người đã chủ động chuyển tới Việt Nam để sinh sống và yêu Tiến, khi cả hai tình cờ gặp nhau gặp nhau trong một buổi triển lãm lúc Chris đến Việt Nam du lịch. 

Tiến chia sẻ rằng bản thân anh tuy bận rộn, nhưng đã học được cách cân bằng để đảm bảo được đời sống cá nhân của mình vẫn viên mãn, bằng cách bỏ bớt thời gian cho mạng xã hội và dành nhiều thời gian hơn cho Chris. Anh nói rằng trong chuyện tình cảm, để mà gắn bó được với nhau thì sẽ cần đến nhiều sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ lẫn hy sinh.

Tiến lựa chọn hy sinh sự nổi tiếng, những cơ hội phát triển để làm điều đấy. Tiến không dùng thời gian bên Chris để xây dựng kênh Youtube, TikTok hay phấn đấu để trở thành KOL/ influencer. Anh muốn quãng thời gian cá nhân của mình bên Chris thật chất lượng, để cả hai cùng tận hưởng và làm những gì mình thích. Cả hai hướng tới một mục đích chung, là một gia đình với những đứa con xinh xắn của riêng mình.

Tiến và chồng sắp cưới trong không gian sống của riêng mình.

Kết thúc buổi đối thoại đầy hứng khởi về nghề và tình yêu dành cho drag, về những suy nghĩ thuộc nội tại của một drag queen như Tiến trong tháng Pride Month, thì thứ đọng lại trong tâm trí của người viết là một sự cảm phục dành riêng cho Tiến. Bởi với tư cách là một drag queen, sự chuyên nghiệp, cần mẫn và yêu nghề của anh đang góp phần xây dựng bộ mặt mới cho thị trường drag tại Việt Nam. Còn ở phương diện là một người đồng tính nam, việc gìn giữ những giá trị truyền thống và lấy gia đình làm động lực để phát triển bản thân là một điều rất đỗi giàu cảm hứng đối với cá nhân người viết.

Mong rằng câu chuyện được chia sẻ của Tiến trong dịp Pride Month này sẽ tạo thêm động lực tới nhiều người trẻ thuộc cộng đồng LGBT+.

Thực hiện: Fellini Rose