Tại sao chúng ta lại thích thời trang bị “phá hoại”?

Ngày đăng: 14/07/22

Không còn sang trọng, hào nhoáng và lộng lẫy như những gì mà chúng ta gọi tên thời trang. Thời đại mới, thời thế đảo ngược khi sự rách rưới, vẻ ngoài xấu xí – “destroyed fashion” trở thành xu hướng, tiêu chuẩn mới của cái đẹp. 

Kể từ vài tháng trước đến tận nay, cộng đồng mạng và cả làng thời trang ắt hẳn vẫn chưa thể quên đôi giày Paris Sneaker “rách tươm” của nhà mốt Balenciaga. Ban đầu, nhiều người chỉ cho rằng là chiêu trò của nhà mốt nhưng bất ngờ rằng đây là một sản phẩm được bán ra thị trường hẳn hoi chứ không phải một dạng thức marketing mới mẻ. Không trầm trồ hay khen ngợi, phản ứng đầu tiên của giới mộ điệu khi Balenciaga Paris Sneaker ra mắt đó chính là sự phẫn nộ và kèm theo sau đó cơn “thịnh nộ” từ cộng đồng mạng với nhiều luồng ý kiến trái chiều và tranh cãi, họ cho rằng liệu thiết kế giày vừa rách vừa bẩn như thế có đáng để khách hàng đầu tư vào? 

Chưa dừng lại ở đó, trên sàn diễn Xuân Hè 2023 kết hợp cùng Adidas, Demna Gvasalia còn thẳng tay “phá hủy” đôi sneaker huyền thoại. Tuy nhiên khi lật lại biên niên sử thời trang, Balenciaga không phải là nhà mốt đầu tiên lăng xê nhưng thiết kế “xấu xí” và kỳ quặc này. Vào năm 2020, Gucci cũng gây nhiều tranh cãi với thiết kế quần tất rách gối “cháy hàng” trị giá 140€. Lùi xa hơn nữa, những chi tiết rách rưới này đã được nhà thiết kế John Galliano đưa vào bộ sưu tập Haute Couture SS2000 của mình tại Dior, ông cũng đã vấp phải vô số phản đối từ cộng đồng yêu thời trang. Tuy nhiên, dù bị chỉ trích nhưng không thể phủ nhận sự thành công của xu hướng thời trang kỳ lạ này. Nguyên tắc cơ bản của sự sang trọng trong thời trang chính là chúng không dễ dàng tiếp cận và những thứ càng khó đạt được thì chúng ta lại càng khao khát có được nó, từ đó sẽ tìm mọi cách để sở hữu được nó. Tương tự như vậy, khi một thương hiệu thời trang nổi tiếng cho ra mắt một sản phẩm, dù có rách rưới hay một phom dáng “khó hiểu”, dù gây nhiều tranh cãi thì ít nhiều họ cũng đã thành công trong việc gây chú ý đến người tiêu dùng cũng như kích thích sự tò mò, muốn sở hữu của khách hàng .

Theo thuyết “trickle down” (thuyết dòng chảy xuôi) trong thời trang của Georg Simmel vào cuối thế kỷ 19. Lý thuyết này cho rằng thời trang thực sự phải được chấp nhận và thông qua những người đứng đầu trong xã hội, sau đó được chảy xuống thích nghi dần cho những người có địa vị thấp hơn, những người cố gắng bắt chước nó. Tuy nhiên sự xuất hiện của Ready-to-Wear đã xoay ngược tình thế, các phong cách, xu hướng thời trang phổ biến trong xã hội không còn thông qua tầng lớp thượng lưu nữa mà bắt nguồn từ các tầng lớp xã hội khác hơn, những chiếc corset cổ điển cũng nhường chỗ cho những chiếc áo hoodie thoải mái. Hay đại diện cho tiếng nói của con người. Vận dụng thuyết “trickle-up” (ngược lại với thuyết trickle-down), Demna đã dám làm những điều mà các thương hiệu thời trang đình đám đã không làm trong hơn sáu mươi năm qua – mang hơi thở đường phố vào sàn diễn haute couture hào nhoáng, mang sự xấu xí, vẻ ngoài luộm thuộm thực tế lên sàn diễn sang trọng. Với các tiếp thị khôn ngoan và chiêu trò marketing thú vị của mình, Balenciaga cũng đã tiếp cận và ảnh hưởng mạnh đến đối tượng khách hàng trẻ – thế hệ quyết định tương lai của thời trang. Balenciaga Paris Sneaker, đôi tất sờn rách Maison Margiela hay chiếc sweater “không còn đường vá” của Yohji Yamamoto không chỉ là thú vui “giả nghèo” đơn thuần của người giàu như những gì mà xã hội bàn tán. Và sẽ thật hạn hẹp khi nghĩ rằng 150 năm lịch sử thời trang được tóm gọn trong phạm vi của một chiến lược truyền thông chế giễu.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao sự sang trọng, vẻ đẹp tuyệt mỹ trong thời trang đang dần bị thay thế bởi sự không hoàn hảo, đúng hơn là xu hướng “destroyed fashion”, buộc ta phải quay về tìm hiểu lại cá tính của con người trong thời đại. Có bao nhiêu người trong chúng ta, đã thật sự vô tư lúc thời niên thiếu? Chỉ cần hỏi một câu hỏi đơn giản này cũng đủ để chúng ta hiểu về xu hướng thời trang “xấu xí” và nghịch lý này. hầu hết mọi người đều muốn chứng tỏ cái tôi và cũng như bản sắc độc nhất vô nhị của bản thân nhưng không phải ai cũng thoải mái thể hiện con người thật của mình. Dựa vào đó, “destroyed fashion” đã từ từ xâm nhập vào lòng ham muốn của chúng ta để tiếp thêm động lực cho phần nổi loạn trong mỗi cá thể, để con người có thể tự tin thể hiện cá tính của mình. Trước “destroyed fashion”, trước thời trang, đã có một xu hướng khác biệt như vậy thay đổi nền nghệ thuật – Art Brut, một phong cách nghệ thuật phổ biến vào năm 1945, đã tôn vinh những tiêu chuẩn đi ngược lại dòng nghệ thuật bấy giờ với các tác phẩm nghệ thuật của những người nghệ sĩ không có tên tuổi trong xã hội, hay của những bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần và thậm chí cả trong nhà tù.

Những sáng tạo tự phát và tự học đấy đơn giản chỉ xuất phát từ tính nghệ sĩ trong mỗi cá nhân dù họ có là ai đi chăng nữa. Không bàn về địa vị hay danh tiếng, khi sáng tạo chạm ngưỡng nghệ thuật thì ai cũng có thể đứng ngang hàng, không tuân theo quy chuẩn truyền thống các tác phẩm bình thường cũng có thể ngang tầm với các tác phẩm kinh điển. Nhiều thập kỷ trôi qua, trào lưu này cũng đã ảnh hưởng đến vô số trào lưu nghệ thuật từ Pop Art đến nghệ thuật graffiti đường phố, khi những thứ xấu xí dần trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Tương tự như vậy, “destroyed fashion” với vẻ ngoài rách nát, không đạt chuẩn cao cấp mang lại tiếng nói cho phần nổi loạn trong chúng ta. Thông qua chiếc váy bị phá nát, chúng ta chia sẻ với thế giới tất cả những khuyết điểm mà chúng ta thường che giấu, những khuyết điểm giúp câu chuyện của chúng ta độc đáo và thú vị hơn. Những điều xấu xí luôn có điều gì muốn nói và luôn muốn thế giới hiểu câu chuyện của mình.  

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo NSS Magazine