Tại sao địa hạt thời trang cần Christian Lacroix trở lại?
Ngày đăng: 17/02/25
Năm 2025 hứa hẹn là cột mốc chuyển giao quan trọng của địa hạt thời trang. Nó không chỉ là sự khởi đầu của những kỷ nguyên sáng tạo mới tại nhiều nhà mốt, mà còn chứng kiến hiện tượng “phượng hoàng tái sinh”. Sự trở lại của Christian Lacroix là ví dụ hoàn hảo cho nhận định này.
Bước sang trang mới, nhưng ngành công nghiệp thời trang vẫn còn xáo động bởi sự thay đổi ở nhiều bộ máy điều hành thương hiệu. Nhiều chiếc ghế mang chức vị giám đốc sáng tạo vẫn còn bỏ trống, nhiều nhà mốt đứng trước nguy cơ đóng cửa và buộc phải bán cho những tập đoàn khác; nhưng chắc chắn “sau cơn mưa trời lại sáng”. Bên cạnh những tin tức tiêu cực, sự lạc quan và hy vọng vẫn còn tìm thấy trong bầu không khí, với những tin đồn râm ran về sự trở lại của nhiều thương hiệu từng “vang bóng một thời”.
Đầu năm 2025, tập đoàn Tây Ban Nha Sociedad Textil Lonia (STL) đã lên tiếng xác nhận việc họ mua lại, cũng như nắm giữ 100% quyền sở hữu thương hiệu cao cấp Christian Lacroix. “Chúng tôi cảm nhận được mối liên kết chặt chẽ giữa triết lý sáng tạo và nghề thủ công của đôi bên,” để đáp lại các kế hoạch đầy hứa hẹn trong tương lai,đại diện STL tuyên bố thêm: “Chúng tôi ngưỡng mộ tầm nhìn, sự kỳ diệu và tay nghề thủ công của nhà mốt Lacroix. Vì vậy khi cơ hội đến, chúng tôi đã háo hức nắm bắt nó. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng tài năng vô song của người sáng tạo và đóng góp vô giá của ông cho thế giới thời trang được bảo tồn và phát huy trọn vẹn.”
Sociedad Textil Lonia là tập đoàn nổi tiếng quản lý các thương hiệu xa xỉ như Carolina Herrera. Việc mua lại Christian Lacroix hứa hẹn sẽ đưa hãng thời trang này trở lại trung tâm của làng thời trang quốc tế. Chiến lược này thể hiện tầm nhìn tôn trọng bản sắc lịch sử của thương hiệu, đồng thời kết hợp với cách tiếp cận hiện đại và bền vững hơn.
Thời trang vẫn tiếp tục là câu chuyện lấy cảm hứng từ quá khứ, để tạo nên cuộc đối thoại với hiện tại lẫn tương lai. Bên cạnh đó, sự trở lại của những trào lưu/ xu hướng cũ nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững; từ đó khuyến khích ngành công nghiệp đánh giá lại giá trị của việc tái sử dụng, biến những món “cổ vật” trở thành kim chỉ nam định hình xu hướng mới. Trong bối cảnh ngày càng quan tâm đến đồ cổ và tính bền vững, sự hồi sinh của thương hiệu có thể thiết lập các tiêu chuẩn mới trong ngành công nghiệp xa xỉ. Thách thức là bảo tồn di sản của thương hiệu trong khi phải điều chỉnh nó cho phù hợp với nhu cầu của đối tượng khán giả ngày càng hiện đại và cởi mở.
Ngoài thương vụ mua lại này, hiện tượng “phượng hoàng tái sinh” này dường như đã có điềm báo trước đó. Từ những tháng cuối năm 2024, tên tuổi của Christian Lacroix bỗng được đề cập một cách thường xuyên hơn trên nhiều thảm đỏ. Những ngôi sao đình đám đã giúp thương hiệu lấy lại hào quang bằng cách diện những thiết kế lưu trữ ngoạn mục. Nữ ngôi sao Rihanna là một trong những người hâm mộ trung thành với vũ trụ sáng tạo của Christian Lacroix. Lần công khai đứa con đầu tiên, Rihanna xuất hiện trước ống kính truyền thông trong khi mặc một chiếc áo khoác Chanel màu hồng trong bộ sưu tập Thu/Đông 1996 do Karl Lagerfeld thiết kế, phối với sợi dây chuyền vàng lớn của Christian Lacroix.
Gần đây hơn tại thảm đỏ Brit Awards 2024, cô tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong “sân chơi thời trang lưu trữ” với một chiếc váy ngắn màu đen từ bộ sưu tập thời trang haute couture Thu/Đông 2002, kết hợp với áo khoác lông màu xanh ngọc và một chiếc mũ quá khổ ton-sur-ton. Tháng 11 năm ngoái, nữ diễn viên Jennifer Lawrence đã tham dự buổi ra mắt phim “Bread & Roses” trong chiếc váy trễ vai bằng vải tuyn đen bồng bềnh từ bộ sưu tập Thu/Đông 2006 của Christian Lacroix. Trước đó, vào tháng 2 năm 2024, Brie Larson đã tham dự Producers Guild Awards với chiếc váy đuôi cá màu cam rực rỡ từ bộ sưu tập Thu/Đông 2004.
Tại lễ trao giải Oscar, Kirsten Dunst đã chọn một chiếc váy vải tuyn màu hồng đậm từ bộ sưu tập Thu/Đông 2002. Met Gala cũng chứng kiến một khoảnh khắc tỏa sáng của thiết kế Christian Lacroix, với diện mạo mê hoặc của Adut Akech trong chiếc váy dài màu xanh ngọc lục bảo khoét sâu, đầy nóng bỏng.
Bằng nhiều kiểu dáng, niên kỷ khác nhau, Christian Lacroix trở thành sự lựa chọn thông minh hơn cho thời trang thảm đỏ (vốn là sự thật khó di dịch), với sự xa hoa khiêm tốn, lãng mạn và một chút kịch tính vừa phải.
Nhưng thực chất Christian Lacroix là ai?
Trong tích sử của thời trang, Christian Lacroix được biết đến là một xưởng may đã định hình sự xa hoa và lộng lẫy của cuối những năm 80 và đầu thập niên 90. Christian Lacroix là giấc mộng thời trang hão huyền mà bất kỳ tín đồ nào cũng ước ao được một lần nhìn thấy. Đó là khung cảnh thơ mộng được đắm chìm trong “biển” vải ren chấm bi thời thường, những dải vải tuyn nhiều màu sặc sỡ, những thân áo corset thời Victoria đính kết đầy pha lê và đá quý.
Đó là một thiên thạch vạn hoa đã hạ cánh xuống vũ trụ thời trang haute couture của Paris đương thời, khiến cả thế giới phải chú ý đến sự thanh lịch nhưng không khiêm nhường, lẫn thái độ “vô lễ” của nó trong những chiếc váy định hình đồ sộ. Christian Lacroix chính là đại diện cho sự quyến rũ kỳ lạ.
Sinh ra tại thành phố Arles ở miền nam nước Pháp vào năm 1951. Khi còn nhỏ, Christian Lacroix đã dành thời gian phác thảo trang phục lịch sử – sở thích này dần dà trở thành thần dược dung dưỡng cho DNA thiết kế đặc trưng của ông. Rời Arles đến Montpellier, Lacroix theo học ngành Art History (Lịch sử Nghệ thuật) tại trường đại học của thành phố, trước khi đăng ký vào Université Paris-Sorbonne, một trong những trường đại học lâu đời và nổi tiếng nhất ở Pháp hai năm sau đó. Tại đây, ông sẽ viết luận án về trang phục trong hội họa Pháp thế kỷ 18 và theo học thêm một khóa nữa tại École de Louvre danh giá, lúc này ông đang khao khát trở thành người quản lý bảo tàng. Có thể thấy, giấc mơ ban đầu của Lacroix không phải là thời trang. Tuy nhiên, xuất phát điểm không-liên-quan đó lại trở thành nền tảng vững chắc định hình tính thẩm mỹ của nhà thiết kế.
Nhờ lời khuyên của vợ ông về cuộc gặp gỡ với Pierre Bergé (người bạn đời kiêm cộng sự của Yves Saint Laurent) và Karl Lagerfeld, con đường sáng tạo của Lacroix đã rẽ sang một hướng khác, khi cả hai khuyến khích ông thử sức với thiết kế. Vì vậy, Lacroix bắt đầu làm việc đầu tiên tại Hermès và sau đó là tại Jean Patou, nơi ông trở thành giám đốc sáng tạo từ năm 1981.
Vài năm sau, vào năm 1987, ông thành lập thương hiệu mang tên mình và cuối cùng đã có thể sống trong vũ trụ diệu kỳ không ai được quyền xâm chiếm. Ở bầu trời của sự sáng tạo, quá khứ và những tham chiếu lịch sử là những vì sao sáng nhất – điều mà Lacroix luôn ám ảnh. Từ nơi sinh ra – ở Provence, một vùng đất màu mỡ với văn hóa dân gian Địa Trung Hải và kiến trúc của Đế chế La Mã, cho đến ngành học, vinh quang quá khứ được Lacroix chạm khắc tỉ mẩn trong hàng loạt tác phẩm. Không chỉ khai thác tài liệu lịch sử nước Pháp, cuộc đối thoại với quá khứ mà Lacroix làm chủ trì còn cả một loạt các trích dẫn từ thời Trung cổ, thời đại Victoria, Wallis Simpson,… mà còn cả những chủ đề mang tính “đại chúng” hơn như Mickey Mouse và Lady Diana.

Cách mơ về một giấc mộng thời trang hão huyền nhất của Lacroix sớm thu hút sự chú ý của những người phụ nữ kiêu ngạo và quyền lực nhất của giới thượng lưu. Hình ảnh những nàng Công chúa Gloria von Thurn und Taxis hút thuốc với kiểu tóc búi cao, mặc một chiếc váy đính đầy pha lê, mang nhiều trang sức và khăn choàng tại Paris Ball ở New York? Đó chính là Lacroix. Bộ trang phục dài đến đầu gối màu đỏ tươi lấp lánh của Diana, Công nương xứ Wales tại Grand Palais tám năm sau? Đúng vậy, đó cũng là Lacroix. Thiết kế hở vai thắt lưng màu xanh lam Azure của Ivana Trump trên trang bìa tạp chí Vogue Mỹ số tháng 5 năm 1990? Ừ. Đó cũng là giọng điệu của Lacroix. Tất cả đều được đẩy đến mức cực đoan: xa hoa, vương giả, thịnh vượng và tối đa – rất phù hợp với tinh thần thời trang của những năm 1980, thời đại đã tôn vinh ông.
Christian Lacroix chinh phục thế giới thời trang bằng những bộ sưu tập Haute Couture tuyệt đẹp kết hợp giữa các tài liệu tham khảo lịch sử và thử nghiệm phi truyền thống. Trong đó, các show diễn như Haute Couture Thu/Đông 1987-88 đã định hình tông điệu cho tính thẩm mỹ của ông. Chắc chắn nó đề cập đến phương châm “càng nhiều càng tốt” của trường phái tối đa cùng sự pha trộn từ đa dạng nguồn cảm hứng.
“Bà đầm thép” Anna Wintour đã từng ca ngợi Christian Lacroix là “quốc vương của địa hạt thời trang haute couture”. Đối với những nhà thiết kế, tác phẩm của ông là một nguồn cảm hứng bất tận. Tại Versace, Moschino hoặc Alexander McQueen, cũng như đối với các thế hệ mới, dấu tích của Lacroix vẫn còn hiện hữu rất mạnh mẽ. Thẩm mỹ mà Christian Lacroix không phải là thứ dễ bị xóa nhòa dòng thời trang đương đại. Thời trang haute couture của Pháp chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Christian Lacroix. Ví dụ, ông có ảnh hưởng đáng kể đến John Galliano: “những thiết kế tuyệt vời của ông cho Dior lấy cảm hứng từ Lacroix”, Rita Watnick, chủ sở hữu của cửa hàng thời trang vintage Lily et Cie có trụ sở tại Los Angeles, nơi cung cấp chiếc váy Oscar cho Kirsten Dunst, chia sẻ.

Từ năm 2002 đến năm 2005, Christian Lacroix được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Pucci. Lúc bấy giờ, ông tập trung vào tính thẩm mỹ “nhẹ nhàng hơn”, nhưng phong cách Lacroix vẫn được cảm nhận rất rõ, với những kiểu dáng đặc thù ở năm 2000 và sự pha trộn màu sắc đặc trưng của nhà mốt Florence.
Từ năm 2009, nhà thiết kế đã từ bỏ định hướng sáng tạo cho thương hiệu của mình để tập trung chủ yếu vào việc tạo ra trang phục sân khấu, thường được làm cho Nhà hát Opera Paris, cũng như theo đuổi một giấc mơ thời trang khác. Năm 2019, ông bất ngờ trở thành đồng thiết kế bộ sưu tập Xuân/Hè 2020 của Dries Van Noten.
Thời kỳ hoàng kim của Christian Lacroix vào những năm 1980 có thể đã qua, nhưng những đóng góp của ông là những “giá trị đinh” tạo nên các chuẩn mực thời trang đương đại, là “ngọc bảo” được cất giữ trong chiếc hộp gỗ cẩn xà cừ, đệm vải lông.
Khi Christian Lacroix trở về, thời trang được gì?
-
Sống lại thời đại của chủ nghĩa tối đa
Kết hợp màu sắc, chất liệu, kết cấu, chi tiết hoa văn, Christian Lacroix không bao giờ ngại ngần trước sự dư thừa của đồ trang trí; và cũng chẳng tồn tại khái niệm “đủ” trong cách ông tô điểm cho trang phục. Bậc thầy người Pháp trong sân chơi này đã biến sự tương tác nhiều màu sắc thành kiệt tác của mình. Chủ nghĩa tối đa của Lacroix chưa bao giờ làm người ta khó chịu, ngược lại trao quyền năng cho nội tại.
Chìa khóa thành công này nằm ở sự tinh tế trong tầm nhìn của ông: luôn phấn đấu để có được sự kết hợp hoàn hảo giữa sắc thái và chất liệu. Là một nhà thiết kế thời trang thực thụ của màu sắc, tình yêu của ông dành cho đồ trang trí sặc sỡ vượt ra ngoài ranh giới của trang phục: lấn sang lĩnh vực thiết kế nội thất với giấy dán tường và vải lanh gia dụng có chữ ký của Lacroix.
Sau khi ông ngừng hoạt động với tư cách là một nhà thiết kế, chính nghề trang trí thủ công đã duy trì niềm đam mê vô tận của ông dành cho trang trí – duy trì nhịp đập cho kiểu phong cách được gọi là “phong cách Lacroix” tồn tại ngoài thời trang cao cấp. Vào năm 2023, khi bộ phim Barbie và Valentino tạo nên làn sóng sắc hồng chủ nghĩa tối đa đầy màu sắc một lần nữa trở thành mối bận tâm của thế giới thời trang và văn hóa đại chúng. Sau màn thống trị của sự sang trọng thầm lặng, “quiet-luxury”, thế giới thời trang đã sẵn sàng chào đón sự trở lại của cơn lũ màu sắc rực rỡ mang tên Christian Lacroix.
-
Đắm chìm trong sự kịch tính của thời trang
Được ảnh hưởng bởi các nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật, sau đó là sự gần gũi của mình với thế giới sân khấu, Christian Lacroix đã biến thời trang thành một sân chơi kịch tính, thành một vở kịch nhiều cảm xúc cao trào. Câu chuyện về mối tình lãng mạn nồng cháy giữa một nhà thiết kế thời trang và sàn diễn được hình dung như một sân khấu. Mỗi diện mạo bước ra từ lăng kính sáng tạo của Lacroix, từ đầu đến chân, đều trở thành một cảnh tượng không bao giờ ngừng gây kinh ngạc.
Năm 1996, trong thời kỳ hoàng kim của sự nghiệp, ông đã khám phá niềm đam mê của mình với sân khấu và nhận được Giải thưởng Molière ở hạng mục Nhà thiết kế trang phục xuất sắc nhất cho vở kịch “Phèdre”. Tình yêu dành cho sân khấu được xây dựng vững chắc trong lòng ông, là một nguồn cảm hứng quan trọng khó-xê-dịch. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với Augustin Trapenard, ông tuyên bố: “Sân khấu là thế giới thực đối với tôi: Tôi không coi mình là một nhà thiết kế thời trang”.
-
Hoa mắt với kiểu may đo cầu kỳ
Không vô cớ mà ngành công nghiệp thời trang này đã công nhận Christian Lacroix như một vị vua của địa hạt Haute Couture. Những thiết kế của ông được ví von như các công trình kiến trúc – tốn hàng nghìn giờ, nhiều ngày, nhiều tháng để điêu khắc thủ công: tỉ lệ phóng đại, corset siết chặt, những chi tiết thêm phần sắc sảo cho cấu trúc,… Mọi thứ đều được cắt may chính xác, tinh xảo.
Buổi trình diễn Haute Couture cuối cùng của Christian Lacroix vào năm 2009 cũng là cột mốc cho một thời khắc chuyển giao. Lúc bấy giờ, thời trang đang trên bờ vực của một cuộc cách mạng mới – một thập kỷ của sự giao thoa giữa thời trang đường phố và sang trọng. Đó là sự trỗi dậy của Virgil Abloh và Balenciaga của Demna… Thời trang may đo của Lacroix trở nên lỗi thời. Nhưng thời trang cũng chỉ là một vòng luân hồi. Vào năm 2019, như người báo hiệu cho sự kết thúc của thập kỉ thời trang đường phố, Daniel Roseberry đã ra mắt với tư cách là giám đốc nghệ thuật tại Schiaparelli, mở đường cho sự trở lại của những hình bóng may đo cổ điển, những chiếc áo corset không lẫn vào đâu được.
Vì vậy, nếu để tưởng tượng về sự trở lại của Christian Lacroix, hãy nghĩ đến và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho màn chiếm lĩnh từ những chiếc corset đã làm nên tên tuổi của ông.
-
Cuồng si trang sức Baroque kiêu hãnh
Tên tuổi của Christian Lacroix vẫn còn vang vọng hơn một thập kỷ sau bộ sưu tập cuối cùng của ông, cũng nhờ vào màn “ghi danh” đầy ấn tượng của những món đồ trang sức và phụ kiện, cũng như cách trang trí không thể nhầm lẫn từ nhà thiết kế. Sự xa hoa từ mũ, vòng cổ, găng tay, đến thắt lưng, gật gù với niềm tin của Lacroix vào chủ nghĩa tối đa.
Trang sức là một phần không thể thiếu trong DNA của thương hiệu. Trong bộ sưu tập đầu tiên ra mắt vào năm 1989, ranh giới giữa phụ kiện và trang phục trở nên mờ nhạt tại Lacroix: thêu, ngọc trai và thánh giá được khâu trực tiếp lên váy… Không thừa cũng không thiếu, vải và trang sức trở thành một, định hình nên chính xác phong cách Lacroix trứ danh.
Sau tất cả, tầm ảnh hưởng của Christian Lacroix không thể bị lãng quên như lịch sử thời trang và đã đến lúc triều đại của ông sống dậy, giành lại vẻ vang mà nó xứng đáng có.
Thực hiện Dory
Theo NSS MAGAZINE, Tatler