Tại sao thời trang nên tạo chỗ đứng cho những thiết kế “khiếm khuyết”?

Ngày đăng: 06/09/22

Sự xuất hiện của nền thời trang dành cho người khuyết tật không chỉ là một sáng kiến hữu ích cho cộng đồng mà sự thay đổi bứt phá này lại mang đến nhiều điều có ích cho chúng ta và cả địa hạt thời trang nói chung. Tại sao? Dưới đây sẽ là câu trả lời. 

Như mọi vạn vật, thế giới thời trang vẫn tồn tại hai khía cạnh song song. Nếu từ ngày trước đến tận nay, vẻ đẹp hoàn hảo, lộng lẫy của địa hạt thời trang luôn được trao cho một ánh hào quang sáng chói thì với thời đại hiện đại ngày nay, thế giới thời trang còn khai phá khía cạnh còn lại của nó – không hoàn hảo nhưng cuốn hút một cách đặc biệt – mang đến tiếng nói cho những người “yếu thế”, những người dùng thời trang làm tấm chắn “tự tin” – giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi từ chính những khiếm khuyết trên cơ thể của mình.

Vào tháng 7, nữ doanh nhân – nhà thiết kế Maria O’Sullivan-Abeyratne đã chính thức ra mắt Adaptista – một trang mua bán, một thị trường trực tuyến dành cho các thương hiệu thời trang Adaptive (thời trang dành cho người khuyết tật). Adaptista tạo nên một sân chơi thiết thực, một bước ngoặt mới cho cộng đồng người khiếm khuyết trong thời trang. Theo báo cáo ở Anh, có ⅕ người  khuyết tật và thực tế là bất cứ ai cũng có thể trở thành khuyết tật bất cứ lúc nào. Đây cũng là một lần lý do mà các nhãn hiệu như Nike, Tommy Hilfiger và Collina Strada đã thay đổi các chiến lược sáng tạo của họ – biến thời trang thích ứng (Adaptive Fashion) trở thành nguyên lý chính trong DNA thương hiệu lâu năm của chính mình.

Để nói về ý tưởng khởi nguồn cho Adaptista, đấy chính là lúc Maria – người bị viên cột sống dính khớp, đang chọn cho mình một chiếc váy cưới vừa thời trang vừa thoải mái. Tìm hiểu  khoảng 4.500 thương hiệu thời trang Adaptive trong quá trình nghiên cứu, Adaptista không chỉ khéo léo loại bỏ nhiều rào cản vật lý mà người khuyết tật phải đối mặt khi mua sắm, mà còn nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà thiết kế của Adaptive Fashion, tạo nhiều cơ hội hơn cho họ tham gia vào ngành thời trang.

Adaptista có lẽ đã “châm” ngòi lửa cho trào lưu Adaptive Fashion thêm phổ biến, góp phần thay đổi cách suy nghĩ trong định hướng sáng tạo của nhiều thương hiệu thời trang. Cụ thể một tuần sau khi ra mắt nền tảng Adaptista, Gucci trở thành thương hiệu thời trang sang trọng và cao cấp đầu tiên áp dụng  Disability Equality Index DEI – một công cụ đánh giá tiêu chuẩn toàn diện giúp các công ty có thể đo lường để từ đó xây dựng các hành động cần thiết để đạt được sự hòa nhập và bình đẳng của người khuyết tật. Con điểm 80/100 cũng chứng minh được rằng Gucci là một trong những nơi tốt nhất, đảm bộ sự bình đẳng và sự hòa nhập cho người khuyết tật. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Gucci từ lâu cũng đã thể hiện cam kết về sự đa dạng và tính toàn diện, từ khi hợp tác với công ty Tilting the Lens với tư cách là đối tác chiến lược.

Từ đó cũng có nhiều thương hiệu, nhà thiết kế ủng hộ tham gia vào trào lưu này – một tín hiệu tích cực, một tiếng thở phào nhẹ nhõm và một tia sáng hy vọng báo hiệu rằng ngành thời trang cao cấp trên toàn cầu cuối cùng cũng đã vượt ra khỏi những quy chuẩn bó buộc, chạm đến gần hơn đến sự đa dạng và hòa nhập. Tuy nhiên, để chuyển đổi một hệ thống lớn như ngành công nghiệp thời trang xa xỉ, thì sự thay đổi phải thật từ từ chứ không được gấp gáp như cơn địa chấn.

Thời trang thích ứng (Adaptive Fashion) giờ đây có lẽ không còn là một phương thuốc chữa bách bệnh mới mẻ — cũng không phải là một phương pháp “dành riêng” cho cộng đồng người khuyết tật. Maria cho rằng “Adaptive Fashion thực chất được tạo ra cho những nhu cầu cụ thể. Quần áo thai sản cũng thuộc thời trang thích ứng. Giày chạy bộ cũng được sản xuất ra bởi nhu cầu thích nghi.” Theo cô thời trang thích ứng phải hội tụ đủ điều kiện “thích ứng, linh hoạt” và cả tính “toàn diện”, chúng là loại quần áo mà ai cũng có thể mặc thay vì những định kiến bó buộc ban đầu – chỉ dành riêng cho người khuyết tật.

Lưu ý những thuật ngữ này nên được sử dụng một cách cẩn thận, để tránh trường hợp biến chúng thành những nhãn mác đại trà, lâm sàng và ngầm tách nhóm người yếu thế thành một nhóm riêng biệt trong xã hội. Và một cách rộng hơn, những nhãn mác này có thể đưa thời trang đi đến ảo tưởng chung của xã hội và vô tình tạo ra những tiêu chuẩn ràng buộc. Ngay cả khi thời trang thích ứng bắt nguồn từ nhu cầu của người khuyết tật, thì sự đổi mới mà nó thúc đẩy sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Đây sẽ là một nguồn sáng tạo bất tận, không giới hạn và cũng không tuân thủ bất kỳ quy tắc nào.

“Sẽ ra sao nếu chúng tôi chuyển đổi những khiếm khuyết không hoàn hảo, một điểm trừ không ai muốn thành một đặc điểm đa dạng mà ai cũng có thể thích nghi? Hãy dùng thời trang để khám phá, học hỏi và trải nghiệm những điều mới mẻ từ những con người khác nhau dù họ có bị gì đi chăng nữa. Và quan trọng nhất là ngừng xem những người khuyết tật như một bệnh nhân – vì những điều khác biệt đó sẽ là một điểm riêng biệt đầy tự hào góp phần nuôi dưỡng cho cả cộng đồng.”

Giờ đây cũng không ít những thương hiệu thời trang tạo ra những sản phẩm đa dạng hơn. Cụ thể, Collina Strada một thương hiệu thời trang tại New York luôn đặt vấn đề về con người lên hàng đầu với “DNA thương hiệu tập trung nhiều hơn vào nội tại ngay cả khi chúng ta đang biểu cảm xúc cảm ra ngoài. Hầu hết các thiết kế của thương hiệu đều tôn vinh sự đa dạng của trải nghiệm sống của con người. Vì thế những phom dáng và đường nét cũng mềm mại và liền mạch, giúp những người ngồi trên xe lăn thoải mái, đồng thời còn có nhiều điểm thiết kế vô cùng tiện năng.

Ellen Fowles, một nhà thiết kế, nhà học thuật và nhà tư vấn trong thiết kế thời trang và cả người khuyết tật, chia sẻ: “Thời trang thích ứng không đơn thuần nằm ở phạm vi phong cách và chức năng mà phải thể hiện được con người thật bên trong họ. Cách mọi người trông hoàn toàn ảnh hưởng đến cảm giác của họ, cả về thể chất và tinh thần.”

Fowles lần đầu tiên thu hút sự chú ý với bộ sưu tập tốt nghiệp của cô từ Royal College of Art, một tác phẩm cho và cùng với người bà của cô –  người bị khuyết tật vận động với mong muốn “cho bà tự do sống theo mong muốn của mình, thay vì chống lại những ràng buộc quần áo nội y của bà ấy.” Kể từ đó, cô đã làm việc với tổ chức Open Style Lab có trụ sở tại New York và hiện sẽ dẫn đầu khóa học thời trang tổng hợp đầu tiên ở Hoa Kỳ tại the Savannah College of Art and Design.

“Thay đổi cần phải xảy ra ở từng bước một” Fowles nói – và điều đó bắt đầu từ giáo dục. Các chương trình nâng cao sự đa dạng nên được đưa vào chương trình bắt buộc trong  các nghiên cứu thời trang trên để biến tính hòa nhập trở thành bản chất thứ hai đối với các nhà thiết kế trẻ. Và các chương trình thiết kế thời trang phải tiếp cận được với cộng đồng người khuyết tật. Để đạt được hiệu quả này, Adaptista đang tài trợ cho các sinh viên khuyết tật hoàn thành bằng cấp cao hơn trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Chúng ta cũng nên đầu tư nhiều hơn vào nguồn lực để phát triển nguồn nhân tài, đưa các nhà thiết kế hay những người mẫu “không hoàn hảo” đến gần hơn với ước mơ thời trang lộng lẫy biết bao.

Thực tế hiện tại chúng ta cũng có thể trở thành người khuyết tật bất cứ lúc nào vì thế hãy dừng cho rằng thời trang thích ứng là một phân khúc “ủ rũ” và không thể phát huy; đúng hơn, đó là sẽ là một “vùng đất màu mỡ” đem đến nhiều “quả ngọt, thành công hơn trong tương lai.

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo iD-Vice