Tập đoàn LVMH đã giải bài toán tăng trưởng 2 con số như thế nào trong quý vừa qua?

Ngày đăng: 02/11/20

Vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia, trong báo cáo quý 3 LVMH đã công bố việc tăng trưởng 2 con số ở mùa Hè vừa qua, mặc dù đại dịch vẫn còn ảnh hưởng ở các thị trường lớn như Anh, Mỹ và một số khu vực khác. 

Chủ sở hữu của thương hiệu danh tiếng Louis Vuitton và Dior có thể tăng doanh thu từ các mặt hàng chủ lực, túi xách và quần áo may sẵn, lên 12% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái là dấu hiệu cho thấy tác động của đại dịch có thể không kéo dài như dự đoán – ít nhất là với các thương hiệu nằm dẫn đầu của ngành xa xỉ.

Điều này gây ngạc nhiên với các nhà đầu tư sau khi đã chứng kiến doanh số LVMH sụt giảm 24% trong nửa đầu năm do phong tỏa vì dịch corona virus. Theo ước tính doanh số bán được sắp tới ngang bằng với quý này. 

Làm sao mà ngành xa xỉ đạt được điều này? Đáp án nằm ở Trung Quốc. Các thương hiệu thời trang lớn của tập đoàn đã chứng kiến doanh số tăng trưởng ở đất nước này thời kỳ trước dịch, và các khách hàng trở lại khi nhịp sống dần trở lại bình thường. Doanh số thời trang bán cho khách hàng Trung Quốc tăng trở lại, theo Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony công bố, khách hàng tại Mỹ cũng bắt đầu phục hồi. 

Tập đoàn xa xỉ hàng đầu này vẫn có những khó khăn: doanh số bán hàng tổng thể giảm 7% do giãn cách khiến các cửa hàng, bao gồm cửa hàng miễn thuế ở sân bay, khách sạn… và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Nhưng cũng có dấu hiệu lạc quan khi sắp sửa bước vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm. 

Khách hàng Trung Quốc đang dẫn đầu về chịu chi 

Việc giãn cách ở các thị trường xa xỉ châu Á sớm kết thúc hơn các nước Mỹ và châu Âu. Người mua sắm xa xỉ tại Trung Hoa nhanh chóng thích nghi với giai đoạn “bình thường mới” và sớm trở lại mua sắm tại cửa hàng lẫn hình thức trực tuyến. 

Các nhà đầu tư vẫn hoài nghi nhu cầu mua sắm trong nước tăng cao không thể bù đắp cho việc thiếu hụt du khách Trung Quốc, nhưng ít nhất là đối với LVMH vẫn sở hữu được lượng khách hàng tương đối. 

Nhà phân tích hàng xa xỉ Erwan Rambourg của HSBC cho biết: “Ở phần lớn châu Á, Covid-19 là tin tức của ngày hôm qua. Nguồn khách hàng tiềm năng mới để các thương hiệu có được về cơ bản vẫn không thay đổi.”

Thực tế là sự tăng trưởng ở Trung Quốc đang được thúc đẩy chủ yếu bởi những người tiêu dùng mới và những người mua hàng xa xỉ lần đầu có xu hướng chọn các thương hiệu xa xỉ lớn như Louis Vuitton, những sản phẩm của họ là một trong những biểu tượng địa vị dễ nhận biết nhất thế giới.

Dấu hiệu phục hồi từ thị trường Mỹ

Kết quả của LVMH cũng cho thấy sức mạnh giữa các người tiêu dùng Mỹ thúc đẩy sự phục hồi của ngành xa xỉ. 

Mặc dù bối cảnh ở thị trường này có phần nào không chắc chắn vào thời điểm bầu cử tổng thống mới, các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra đòi công bằng xã hội và làn sóng virus corona mới khiến nhiều người e ngại. Nhưng các nhà kinh tế học cũng nhận thấy sự phục hồi “hình chữ K”. Trong khi hàng triệu người Mỹ siết chặt chi tiêu do mất việc làm, thì những người có thu nhập ổn định trong thời kì này có thể dành khoản chi tiêu cho việc mua sắm sau nhiều tháng hạn chế du lịch và ăn uống. 

Sự tăng trưởng của Dior

Bên cạnh doanh số vững chắc của Louis Vuitton trong nhiều năm qua, LVMH cũng cho thấy doanh số khả quan từ thương hiệu thời trang lớn thứ hai thuộc tập đoàn, Dior. Thương hiệu tăng trưởng tốt vài năm trở lại đây. 

Dòng thời trang nữ được thiết kế bởi Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri, trong đó có các mặt hàng ăn khách như dòng túi book tote, túi yên ngựa được làm mới hay áo thun logo được mua nhiều ở thị trường trực tuyến và được lên kế hoạch để ra mắt ở cửa hàng, một lượng lớn khách hàng cũng tìm mua những sản phẩm ít phổ biến hơn của thương hiệu. Điều này diễn ra tương tự với những chiếc túi đeo chéo hay giày sneakers của Dior được thiết kế bởi Kim Jones. 

Thị trường trực tuyến bùng nổ

LVMH chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách hàng sẵn sàng mua sắm hàng hóa xa xỉ trực tuyến. Tuyên nhiên, điều này đúng với các thương hiệu thời trang hơn là đồng hồ và trang sức, khi mà doanh số của Hublot và Bulgari sụt giảm 14% trong quý vừa qua. 

Mặc dù lợi nhuận từ thương mại điện tử và cửa hàng tương đương, Giám đốc tài chính của tập đoàn cho biết vẫn sẽ chú trọng bán hàng trực tiếp tại cửa hàng nhiều hơn. Với những cửa hàng đã mở trở lại sau khi đóng cửa do Covid-19, khách hàng cũng dần trở lại với hình thức mua sắm trực tiếp. Vị giám đốc cho biết: “Đó là mối quan hệ hoán đổi. Khi tăng trưởng trong lĩnh vực truyền thống trở lại, chúng tôi chứng kiến sự tăng trưởng của trực tuyến chậm lại”. 

Còn nhiều khó khăn phía trước

Tuy nhiên dù kết quả khả quan từ Vuitton và Dior, nhưng không có nghĩa là thương hiệu khác của LVMH đều như thế. Như thương hiệu thời trang như Fendi, Loewe và Celine chứng kiến sự “cải thiện tốt” trong mùa Hè, nhưng các tuyên bố của công ty không cho thấy sự tăng trưởng trở lại.

Phụ thuộc nhiều vào doanh số của cửa hàng cũng như lượng khách mua tại sân bay, sản phẩm nước hoa và làm đẹp của LVMH tiếp tục giảm sút, với doanh số giảm 16%. Các mặt hàng bán tại Sephora và sân bay sụt giảm mạnh nhất lên đến 29%. 

Thực hiện: Koi

Theo BOF