The Devil Wears Prada – Bộ phim “nhập môn thời trang” kinh điển tròn 15 năm tuổi

Ngày đăng: 23/06/21

Ngày 22 tháng 06 năm 2006, giới thời trang Mỹ và sau đó là cả thế giới vỡ òa với một tác phẩm điện ảnh – The devil wears Prada. Ngoại trừ minh tinh Meryl Streep là sức hút lớn, những diễn viên Anne Hathaway, Emily Blunt hay Stanley Tucci khi đó đều làm tròn vai diễn của mình.

Không chỉ cuốn hút người xem với những trang phục lộng lẫy, những bối cảnh thời trang hào nhoáng, The devil wears Prada còn mở ra cho khán giả đại chúng một góc nhìn trần trụi, gai góc hơn về sự đánh đổi và truy cầu danh vọng trong ngành công nghiệp này.

Gần 2 thập kỷ trôi qua, bộ phim vẫn luôn nằm trong top những phim thời trang được đề cử Oscar (giải thưởng Viện hàn lâm) cho màn diễn xuất hay nhất của Meryl Streep và trang phục đẹp nhất, được phát lại nhiều lần và trở thành cuốn phim gối đầu giường của bất cứ ai đam mê và theo đuổi thời trang. Bởi ảnh hưởng của dịch Covid, dịp kỷ niệm ra mắt phim vừa qua đã được thực hiện online với sự tham gia của những nhân vật quen thuộc một thời cũng đủ khiến khán giả khắp nơi vui mừng và hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp nhất cùng bộ phim.

Mời bạn cùng Style Republik ôn lại những phân cảnh đáng nhớ đó dưới đây, và hãy chia sẻ cùng SR phân cảnh nào là ấn tượng nhất, hoặc truyền cảm hứng nhất đối với bạn nhé!

“A million girls would kill for this job!” – “Hàng triệu người chiến đấu để có vị trí này!”

Câu thoại nhấn mạnh sức hút của công việc trong ngành thời trang được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong phim, cũng thể hiện mức độ khát khao mà các tín đồ thời trang dành cho ngành công nghiệp này.

Đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh khai thác nhiều ngành nghề, sự nghiệp khác nhau với muôn hình vạn trạng, nhưng duy chỉ có THỜI TRANG mới là thế giới mà người ta ngưỡng vọng và khát khao nhất. Nó thật xa hoa, thật phù phiếm, nhưng người ta đều phải ngắm nhìn. Nó thật khắc nghiệt, thật “điên rồ”, vẫn có hàng triệu cô gái, hoặc chàng trai sẵn sàng giành giật nhau để được bước chân vào.

“One nod is good. Two nods, very good. And when she purses her lips, CATASTROPHE.” – “Một cái gật đầu, nghĩa là đạt. Hai cái, rất tốt. Nhưng khi bà ấy phải bĩu môi… chỉ có thể là THẢM HỌA!”

Tổng biên tập Miranda Priestly của tạp chí thời trang Runway trong phim được mô tả với quyền lực bất tận. Ngay phần mở đầu khi giới thiệu, Runway được nhắc đến là bệ phóng của nhiều tên tuổi nhà thiết kế như Halston hay Oscar de la Renta. “Gật đầu 1 cái là ổn, gật đầu 2 cái là tốt, còn bà ấy mà bĩu môi thì đó là thảm họa!” – Mỗi phản ứng hay quyết định của Miranda Priestly lên các thiết kế sẽ đồng thời quyết định cả một bản thảo tạp chí liệu có được tiếp tục hay đi thẳng vào thùng rác, hay quyết định cả sự thành công hay thất bại của nhà thiết kế. Bởi những quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến xu hướng và tư tưởng ăn mặc của cả xã hội mà không được phép mắc sai lầm.

“This… stuff?” – “Những thứ này?”

Ngay sau câu hỏi này chính là phân cảnh đắt giá nhất của cả bộ phim – khi nhân vật Andy đã nhận ngay một bài giảng dài và sâu cay về việc đã tỏ ra coi thường thế giới thời trang và cách những con người trong đó đều quá tập trung vào chi tiết. Tuy nhiên đó cũng là một cú thức tỉnh với Andy, và cả với những người ngoài ngành thời trang có vẻ coi thường, về sự rộng lớn cũng như tầm ảnh hưởng sâu sắc của nền công nghiệp thời trang lên mọi ngóc ngách cuộc sống.

Miranda chỉ ra rằng chiếc áo len xanh Andy đang mặc không phải loại xanh turquoise hay lapis, mà là cerulean – loại màu được lựa chọn bởi tên tuổi thiết kế huyền thoại Oscar de la Renta trong BST năm 2002, rồi đến Yves Saint Laurent cũng sử dụng cerulean cho thiết kế áo khoác quân đội (military) của mình. Ngay sau khi những thiết kế được ra mắt, đã có đến 8 nhà thiết kế khác chạy theo mẫu và màu sắc đó để làm ra lợi nhuận… Cũng từ đây, màu sắc này lại tiếp tục được sử dụng ở những thị trường đại trà, phổ thông hơn ở mọi tầng lớp, và sau đó đã đến tay Andy. Nói cách khác, sự lựa chọn ăn mặc của Andy đã được quyết định bởi những con người quá chi tiết đó và giữa hàng ngàn hàng triệu sản phẩm kỳ công mà cô gọi là “stuff” đó. Đó có thể coi như một lời tuyên ngôn về sức ảnh hưởng của giới thời trang, những chi tiết dù rất nhỏ lại đáng giá cả gia tài và là khởi nguồn của cơ hội việc làm cho rất nhiều người trên thế giới.

Andy’s makeover: Trường đoạn thay đổi phong cách của Andy từ sau bài giảng trên

Ngay sau khi nhận ra sự thiếu suy nghĩ và thiếu nghiêm túc của mình dành cho công việc, Andy đã có sự thay đổi về phong cách và thậm chí nhờ đến sự giúp đỡ của một đồng nghiệp trong tòa soạn. Từ sau khoảnh khắc được Miranda “tặng” cho một bài giảng là cả một trường đoạn Andy biến hóa liên tục với nhiều bộ cánh, phong cách khác nhau. Cùng với sự thay đổi vẻ ngoài, ngay cả cách xử lý công việc của cô cũng trở nên chuyên nghiệp và tự tin hơn, đến độ hầu như không việc gì có thể làm khó được cô và khiến Miranda phải nhìn cô bằng con mắt khác.

Trường đoạn này, bên cạnh ý nghĩa chính là tái hiện khía cạnh thời trang của bộ phim – cũng là một trong những phân cảnh gây thích thú và ấn tượng nhất, còn mang một ý nghĩa khác về mặt xã hội. Đó là việc đầu tư cho vẻ ngoài không chỉ để thỏa mãn, chinh phục mắt nhìn của người đối diện, mà còn để nâng cao sự tự tin nội tại và hài lòng về bản thân mình. “Dress for success” cũng là một triết lý mang ý nghĩa tương tự. Tôn trọng bản thân chính là để bản thân có vẻ ngoài đẹp nhất, và từ đó chúng ta mới có sự tự tin để chinh phục những điều khác.

Andy quit! – Phân cảnh Andy biết khẳng định và giữ vững niềm tin của mình


Điều đầu tiên khi Andy bước vào văn phòng lúc cô chỉ là một cô gái lạc quẻ khỏi thế giới thời trang lộng lẫy, và đến trước mặt “bà hoàng băng giá” để xin công việc mà cô chẳng hề biết chút gì về nó, cô vẫn ngang nhiên khẳng định rằng “I’m smart, I can learn fast. I will work really hard” (Tôi thông minh và có thể học nhanh. Và tôi sẽ làm việc cật lực!) để thể hiện sự tự tin và giá trị của mình. Nhờ thế, cô được cho cơ hội làm ở vị trí mà “A million girls would kill for this job”.

Cũng là cô, bước đi khỏi Miranda khi cô chứng kiến những điều bà làm với người đồng nghiệp thân cận, cùng bà trải qua nhiều thử thách. Cô nhận ra những giá trị mình trân trọng đang dần bị bào mòn khi cùng Miranda bước tới vị trí đỉnh cao, dù cô không thể phủ nhận những sự hấp dẫn và lấp lánh của thế giới ấy. Sự ra đi của cô chính là khẳng định lại giá trị và niềm tin của mình. Sau cùng, điều làm nên giá trị của một con người vẫn nằm ở việc họ có nhận thức và kiên định với giá trị và niềm tin của mình hay không.

Thực hiện: Khánh Linh