The Naked Dress – Trompe L’oeil: Đôi khi khoả thân không nhất thiết là phải “không một mảnh vải che thân” 

Ngày đăng: 09/04/22

Thời đại mới, thời trang cũng được hình thành và “định nghĩa” lại. Không “bỏng mắt” với những bộ váy “mặc như không mặc”, năm 2022 the naked dress sẽ cho hội tín đồ “khỏa thân” theo một cách hoàn toàn khác biệt. 

Trở lại sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, ngành công nghiệp thời trang đang dần lấy lại “vị thế” huy hoàng đầy táo bạo, mới mẻ từ những xu hướng “lội ngược dòng” hay loạt thảm đỏ sự kiện đặc sắc với những thiết kế độc đáo, chất liệu xuyên thấu tuyệt đẹp, pha lê được sắp xếp theo chiến lược cũng như những đường xẻ cao ngang hông quyến rũ,…

Zendaya, Megan Fox, Kim Kardashian, Kendall Jenner hay Bella Hadid,…là một trong vô số ngôi sao có ảnh hưởng đến thời trang ngày nay. Tuy nhiên, điều đặc biệt là những bộ váy xuyên thấu “da thịt” gợi cảm như Cher trong thiết kế của Bob Mackie, Kate Moss trong bộ váy Liza Bruce hay Rihanna khuấy động tại Lễ trao giải CFDA 2014,… chẳng còn “gây hứng thú” với giới mộ điệu nữa. Trong bối cảnh sự thoải mái được ưu tiên, sự rườm rà dần bị “đào thải”, định nghĩa “the naked dress” cũng bị thay đổi, quyến rũ theo các riêng, ngạc nhiên và gây tò mò hơn gấp bội. 

Nếu là một tín đồ thời trang chính hiệu không bỏ sót một đường băng nào ở từng mùa thì chắc chắn các bạn không thể rời mắt với những chiếc váy từ Y / Project, Liza Keane đến Loewe,… được thiết kế làm cho người mặc như thể đang khỏa thân chỉ bằng các họa tiết “nhạy cảm” mà không để lộ bất kỳ làn da nào. 

“Trompe l’oeil” chính là kỹ thuật nghệ thuật, thời trang hay là tên gọi cho những chiếc váy khỏa thân thời đại mới. Trong tiếng Pháp, thuật ngữ này còn có nghĩa là “đánh lừa thị giác”. Các nhà thiết kế hay nghệ sĩ đã tận dụng kỹ thuật này, thể hiện đường nét cơ thể thật dưới dạng 3D để tạo ra một ảo ảnh vô cùng thú vị, gây tò mò trên những thiết kế, tác phẩm của mình. Vào những năm 1920, Elsa Schiaparelli chính là nhà thiết kế đã ứng dụng kỹ thuật “vô thực” này vào những bộ váy của mình. Maison Martin Margiela và Jean Paul Gaultier cũng là hai nhà mốt đã đưa trompe l’oeil vào BST của chính mình vào những ngày đầu.

Comme des Garçons, Gucci, Fendi và Moschino cũng đã có lần chế giễu, thể hiện sự châm biếm trong các bộ sưu tập trước đây bằng thủ thuật trompe l’oeil nhưng đi theo một lộ trình vui tươi hơn với những chiếc áo phông được làm trông giống như tuxedo, váy giả, hay những đôi giày buộc dây hài hước.

Vào thập niên 90, Jean-Paul Gaultier đã đưa trompe l’oeil lên vị trí hàng đầu trên bản đồ thời trang với bộ sưu tập SS96 mang tính lịch sử của mình. Với tiêu đề ‘Cyberbaba’, BST trình bày loạt thiết kế váy, áo blazer,… được in những bức tranh khỏa thân với kích thước gần như thật. Chúng là những thiết kế mang tính đột phá, làm mờ ranh giới giữa có quần áo và không mặc quần áo, mô phỏng khái niệm khỏa thân hoàn toàn khác – đầy ảo ảnh, khơi dậy sự bối rối, gây tò mò và thích thú cho người xem.

Trở lại đường băng Thu-Đông 2022-hơn 20 năm sau ‘Cyberbaba’- Glenn Martens của Y / Project đã biến tấu lại bản in Op Art Body khét tiếng của Gaultier với sự thay đổi từ tỉ lệ, kích thước. Trên đường băng, làng mốt sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với hàng loạt “hình thức” khỏa thân khác nhau: cả thân trên cơ thể trần trụi được in ngay trên những chiếc váy, khe ngực được mô phỏng lấp ló trên chiếc váy trễ vai, vòng một được in trên những chiếc túi của áo khoác denim…

Glenn không phải là người duy nhất đề cập đến l’oeil mang tính biểu tượng của Gaultier trong mùa giải thời trang này. Tại Tuần lễ thời trang Paris của Marine Serre, bộ sưu tập Les Tatouages ​​của Gaultier với những bản in hình xăm giả xuyên thấu vào năm 1993 được thể hiện lại với diện mạo mới đầy vinh quang trên thiết kế catsuit. 

Giống như Gaultier, với chi tiết chấm và đường kẻ sọc trên cơ thể, nhà thiết kế Sinead Gorey ở London đã khai thác hiệu ứng gương đánh lừa của trompe l’oeil để điêu khắc, tạo hình và tăng thêm độ chân thật của các đường nét cơ thể. Một phần khác, lấy cảm hứng từ văn hóa cuồng nhiệt của thủ đô nước Anh, Sinead đã tạo ra những bộ trang phục dành cho những buổi tiệc tùng cho phái nữ, được thiết kế chú ý đến cơ thể theo nhiều cách, “phóng đại” đường cong quyến rũ của phụ nữ. 

Nếu thời đại trước, những thiết kế trompe l’oeil của Gaultier thể hiện rõ dáng người gầy của các siêu mẫu, cụ thể là Kate Moss trong thời kỳ Waif, thì hiện nay những chiếc váy “khỏa thân” của Sinead có thể đang chống lại kỷ nguyên của BBL (Brazilian Butt Lift) – thời đại mà phẫu thuật thẩm mỹ cơ thể trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Như lời chia sẻ của cô “Chúng tôi tạo ra những bộ quần áo để truyền sức mạnh và truyền cảm hứng”, thiết kế của Sinead mang tính giải phóng hình thể rất cao, cũng là những bản in “nhạy cảm” nhưng chúng ít phức tạp, ít hoàn hảo và thực tế hơn cơ thể vô thức của Kim Kardashian. Trong mùa này, Olivier Rousteing cũng đã đưa loạt váy nude tương tự xuống đường băng của mình. 

Trong BST “Beast” của NTK trẻ Liza Keane, những thiết kế trompe l’oeil cũng được gửi gắm những thông điệp vô cùng ý nghĩa. Theo Liza, vẻ ngoài trần trụi này được ví như “lớp da thứ hai được bọc thép”, những tấm màn che hoặc mồi nhử cho những ánh nhìn ái ngại. Những cô nàng “Beast” của Liza sẽ không xin lỗi về bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, cá tính hay sự gợi cảm vốn có của mình. Họ sẽ không cần phải “hét” lên để chứng minh sự gợi cảm của mình hay khoe da khoe thịt mới quyến rũ thay vì đó hãy để trompe l’oeil thể hiện điều đấy, có một cảm giác khó nắm bắt, một chút tò mò và sự riêng tư về cô ấy!

Khác hoàn toàn với định nghĩa “khỏa thân” ngày trước, thời nay thời trang khỏa thân lại trở nên riêng tư hơn hẳn, được thể hiện đằng sau sự mờ đục, bị che giấu bởi một một bức tranh pixel. 

Với BST SS21 của nhà thiết kế người Bồ Đào Nha Constança Entrudo, cô mong muốn “khám phá sự nữ tính được thể hiện như thế nào thông qua hình ảnh khỏa thân của phụ nữ. “Ý tưởng này về bản in cơ thể khỏa thân như người thật trên thiết kế váy áo sẽ để lại câu hỏi về ai sẽ là chủ thể của cái nhìn và ai sẽ là đối tượng. Nói cách khác, ai đang nhìn ai?”. NTK đã để lại ấn tượng và gây thích thú cho người mặc khi “đảo lộn” hai trạng thái đang mặc quần áo – khỏa thân, vừa là đối tượng vừa là chủ thể của mọi ánh nhìn. Thiết kế “naked dress” của cô cũng được nhiều ngôi sao nổi tiếng hưởng ứng chẳng hạn như nữ ca sĩ SZA. “Mọi người mặc nó không chỉ theo cách tán tỉnh mà còn với thái độ nổi loạn. Tôi đoán rằng phụ nữ rất mệt mỏi khi bị nói rằng mặc gì và không mặc, giấu gì và khoe gì” Constança chia sẻ. 

Ngày nay, chuyện ăn mặc hở hang trên thảm đỏ không còn kim chỉ nam nữa. Vậy thì điều gì kích thích thay cho các đường viền cổ áo sâu, đường xẻ táo bạo và đường viền gấp khúc? Nếu bạn hỏi Loewe’s J.W. Anderson thì câu trả lời là – và sẽ luôn là – là điều vô lý, kỳ quái và hoàn toàn theo chủ nghĩa cá nhân. Trong hai mùa giải vừa qua, các nhà thiết kế như Jonathan Anderson và Carly Mark của Puppets & Puppets đã nâng tầm naked dress lên tầm cao của Dada (Dadaism – một phong trào nghệ thuật nổi loạn, đi ngược lại những giá trị xã hội, chính trị và văn hóa đương thời): những chiếc túi kỳ quặc, bộ ngực của Yves Klein được in trên chiếc áo khoác len dày hay body chains ấn tượng của Puppets & Puppets Thu Đông 2022 hay vẻ ngoài kaftan tan chảy của Loewe,… Tất cả là một “bài hát thời trang” ca ngợi chủ nghĩa siêu thực, mới mẻ, là những tác phẩm mới ghi lại di sản chủ nghĩa phi lý, phi lý của chính Gaultier.

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo: I-d Vice