Thị trường bán lại có nên chối từ thời trang nhanh? 

Ngày đăng: 13/12/22

Vừa qua, Vestiaire Collective – một nền tảng chuyên về “resale” tuyên bố ngừng bán các mặt hàng thời trang nhanh. Trong danh sách bị từ chối có các thương hiệu thời trang nhanh quen thuộc như Shein, Fashion Nova, Topman, Topshop…. 

Nền tảng chuyên bán các sản phẩm thời trang đã qua sử dụng Vestiaire Collective tuyên bố sẽ từ chối và loại bỏ tất cả các sản phẩm thời trang nhanh khỏi hệ thống của mình từ ngày 22 tháng 11. Công ty có trụ sở tại Paris cho biết, động thái này là một phần trong “sứ mệnh thúc đẩy sự thay đổi tập thể hướng tới nền kinh tế thời trang tuần hoàn” và “củng cố quan điểm mua chất lượng hơn số lượng” và khuyến khích người tiêu dùng đầu tư vào tay nghề thủ công để mang lại giá trị tốt hơn. 

Vestiaire Collective cho biết họ có kế hoạch trong 3 năm bao gồm cả việc thuê một cơ quan bên ngoài để tạo ra “một bộ tiêu chí vững mạnh về ‘thời trang nhanh’ bao gồm sản phẩm chất lượng thấp, điều kiện làm việc và lượng khí thải carbon”. Các thương hiệu nào trong các hạng mục trên sẽ bị cấm khỏi trang web. Vestiaire Collective cũng công bố danh sách các thương hiệu bị từ chối, bao gồm Shein, Asos, Atmosphère, Boohoo, Burton, Coast, Dorothy Perkins, Fashion Nova, Karen Millen, Miss Selfridge, Missguided, Na-Kd, Nasty Gal, Oasis, Pretty Little Things, Topman, Topshop.

Dounia Wone, giám đốc tác động của Vestiaire Collective cho biết: “Thời trang nhanh vốn không có giá trị và thậm chí còn ít giá trị hơn khi chúng bị bán lại. Chúng tôi thực hiện bước này vì chúng tôi không muốn đồng lõa với ngành công nghiệp có tác động to lớn đến môi trường và xã hội này.” Wone cho biết hệ thống hiện tại “khuyến khích sản xuất quá mức và tiêu thụ quá nhiều các mặt hàng chất lượng thấp và tạo ra một lượng lớn rác thải thời trang”.

Động thái này của Vestiaire Collective đang gây chú ý trong cộng đồng. Trong khi thị trường bán lại đang phát triển không ngừng, được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng trẻ tuổi có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, thời trang dù ở bất kì phân khúc nào nên được tái sử dụng thay vì vứt bỏ, kể cả thời trang nhanh. 

Ở khía cạnh kinh doanh, việc quyết đoán với thời trang nhanh sẽ giúp định vị Vestiaire Collective tốt hơn trong phân khúc bán lại hàng hoá cao cấp – vốn dĩ ngày càng cạnh tranh với những tên tuổi như The RealReal, The Outnet và Mytheresa. Dù vậy, thời trang nhanh vẫn còn có các nền tảng bán lại phân khúc thấp chấp nhận như Depop, Poshmark và Vinted.

Vestiaire Collective cho biết để tránh tạo ra nhiều rác thải hơn thông qua lệnh cấm của mình, họ “cam kết tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp thiết thực cho các mặt hàng thời trang nhanh mà các thành viên đã có”, bao gồm sửa chữa, tái chế, nâng cấp và quyên góp mang tính xây dựng. Công ty cho biết quyết định mới nhất của họ được đưa ra sau khi một nhóm nhân viên đến thăm Kantamanto ở Ghana, khu vực tái chế lớn nhất thế giới. Theo Vestiaire Collective, có khoảng 15 triệu sản phẩm may mặc đi qua thị trường Kantamanto mỗi tuần, với 40% trong đó là rác thải. 

Trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều công ty tham gia vào thị trường bán lại, vốn đang bùng nổ trong thời điểm hiện nay. Ước tính, thị trường resale toàn cầu với các danh mục quần áo, giày dép và phụ kiện có giá trị lên đến 100 -120 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với quy mô của năm 2020, theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) và Vestiaire Collective. 

Thậm chí cả Shein – thương hiệu thời trang siêu nhanh đến từ Trung Quốc cũng đã ra mắt nền tảng resale, để chống lại phần nào đó những lời chỉ trích về rác thải thời trang mà thương hiệu này tạo ra. Các đơn vị tham gia vào thị trường resale đang định vị bản thân như một giải pháp cho vấn đề bền vững của ngành công nghiệp thời trang. Nhưng thực tế phức tạp hơn thế.

Đối với hàng hóa xa xỉ, ở thị trường ‘resale’ một số người mua có thể tiếp cận sản phẩm yêu thích với mức giá dễ chịu hơn. Thậm chí, một số món hàng xa xỉ còn có thể đem lại lợi nhuận cho người bán khi chúng được tăng giá sau khi bán lại. Điều này thúc đẩy việc nhiều người mua sắm hàng hóa xa xỉ hơn với mục đích đầu tư sinh lời. Bằng cách đưa trở lại thị trường món hàng không còn được cần đến, việc này cũng thúc đẩy văn hóa tiêu dùng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, việc rồi bán lại để mua cái mới không giúp giảm được bao nhiêu dấu chân carbon với môi trường và không thực sự mang lại giá trị bền vững. 

Orsola de Castro, đồng sáng lập và giám đốc sáng tạo của tổ chức phi lợi nhuận Fashion Revolution cho biết: “Bán lại, nó có thể khuyến khích chúng ta vượt qua cảm giác tội lỗi, ‘tôi có thể mua thứ gì đó mới bởi vì, tôi có thể đưa nó lên các nền tảng bán lại, thế là ổn’. Đó không ổn!. Nó không thể là một giải pháp của chúng ta trừ phi mọi thứ khác trước đó cũng ở đấy. Chúng ta cần bán lại quần áo, nhưng quần áo phải được làm cẩn thận và có chất lượng chứ không phải là với khối lượng 150 tấn trang phục mỗi năm như hiện nay”.

Nhiều chuyên gia thời trang cũng nhận thấy, các sản phẩm thời trang nhanh không được tạo ra theo cách phù hợp để “resale”. Bởi chúng không thích hợp để tái chế hay sử dụng nhiều lần. Vì thế, những thay đổi cần thiết trong ngành thời trang là cần phải giảm thiểu tiêu thụ, cải tiến công nghệ tái chế và đảm bảo quần áo được sản xuất bằng cách thức công bằng và có trách nhiệm với môi trường.

Thực hiện: K.