Nền tảng và tác động hình thành ‘thị trường thời trang nội địa thuở sơ khai’

Ngày đăng: 06/07/20

Thăng Long – Hà Nội không chỉ là kinh đô văn hoá mà còn là trung tâm kinh tế lớn của đất nước kể từ thế kỷ thứ XI [*1] đến thế kỷ thứ XX. Trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, với vai trò là thủ đô Liên Bang Đông Dương, Hà Nội là một trong hai thành phố của Việt Nam chịu tác động và ảnh hưởng sâu sắc nhất.

Mọi lĩnh vực kinh tế, bao gồm thương mại hàng hoá hay kinh doanh dịch vụ, đều trải qua một hành trình lịch sử bắt đầu từ nhu cầu trao đổi thiết yếu, cho đến các hoạt động phát triển, hợp tác và cạnh tranh trên quy mô lớn nhỏ tại địa phương, hoặc trong phạm vi quốc gia lẫn ngoài biên giới. Ở góc nhìn vi mô đối với ‘thị trường thời trang nội địa’ (theo tư duy hiện đại của thế kỷ XXI), ngành nghề kinh doanh này đã trải qua một ‘cú nhảy vọt’ về sự hình thành và phát triển trong suốt nửa đầu thế kỷ XX. 

Sau một thế kỷ, đúng là lúc để nhìn lại ‘thời trang’ Việt Nam theo khía cạnh tiến hoá: từ tác động văn hoá đến “phong trào theo mới” [*2]; từ kỹ nghệ thủ công tự cung tự cấp cho đến đấu xảo tiểu công nghệ; từ y phục phong hoá, cải cách đến việc hình thành cán cân cung cầu trong thời đại may đo khâu vá – sáng chế tạo kiểu – công nghiệp dệt hiện đại; từ kinh doanh có hệ thống và giao thương quốc tế đến một thị trường #localbrand cạnh tranh nghẹt thở và một ngành công nghiệp trọng điểm giàu tiềm năng như ngày nay. Bài viết này tạm gói gọn để nhìn lại sự tái lập một nền tảng thương mại bản địa và sự kích thích thị trường, từ khai thác kỹ nghệ thủ công cho đến đấu xảo tiểu công nghệ và hội chợ thương mại.

Nền tảng thương mại bản địa và tác động âu hoá

Trước khi người Pháp in dấu chân thuộc địa lên Việt Nam (Hoà Ước Giáp Thân 1884), thương mại bản địa và ngoại thương đường thuỷ ở Việt Nam vốn đã có một quá khứ phồn thịnh. Mặc dù vẫn là một nền văn minh “dĩ nông vi bản”, thang bậc tứ dân không coi trọng thương mại, nhưng nhu cầu trao đổi hàng hóa trong dân chúng tất yếu thúc đẩy các luồng giao thương (kể cả không chính thức) của thị trường nội địa. 

Dưới các thời quân chủ và cả các giai đoạn phân tranh, nền kinh tế thương mại rất được chú trọng và gần như độc quyền kiểm soát bởi triều đình, đặc biệt là giao thương đường biển với quốc tế. Ở Đàng Ngoài, các địa danh thành thị, thương cảng cổ như Thăng Long (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), Vân Đồn (Quảng Ninh) đã sớm chứng tỏ tiềm lực đại cổ, phú thương của mình. 

Tuy nhiên, sự cạnh tranh yếu thế trên các tuyến thương mại đường biển do Trung Quốc, Nhật Bản mở cửa xuất nhập khẩu, cùng với sự bất cập trong chính sách đóng cửa giao thương với phương Tây, và kìm hãm thương mại quốc nội ở thời kỳ thống nhất đầu thế kỷ XIX của nhà Nguyễn, đã dẫn đến sự suy thoái và chuyển dịch của các thương cảng về một mối ở thành Thăng Long. 

Các thương nhân người Hoa rời Phố Hiến, Hội An ngược về Hà Nội, đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại nhằm phục vụ tầng lớp “cư dân bảo hộ”, và chuẩn bị cho một thị trường nội địa sẽ có nhiều biến đổi trong nửa đầu thế kỷ XX. Nền công nghiệp non trẻ (infant industry) trong nhiều lĩnh vực mới lạ bắt đầu khai sinh tại Việt Nam, bao gồm sự ra đời của ngành công nghiệp sản xuất dệt may do các nhà công nghiệp Pháp tiên phong xây dựng nhà máy quy mô lớn đầu tiên tại miền Bắc.

Huyện Thọ Xương lúc bấy giờ (ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần Ba Đình, Đống Đa ngày nay) đã là một trung tâm thương mại trọng điểm của tỉnh Hà Nội, trước khi thành lập thành phố Hà Nội (1888). Trong thời Pháp thuộc, các con phố ở Kẻ Chợ phải thay đổi theo tên gọi của người Pháp, nhưng vẫn dựa trên đặc tính phường nghề đã được thiết lập và tự chuyển hóa theo nhu cầu của xu hướng thị trường bản địa. 

thị trường thời trang nội địa

Phố Hàng Giày – Hanoi 4/1896. Marchand de sandales, Avril 1896. Nguồn: manhhai/flickr

thị trường thời trang nội địa

Phố Hàng Nón, Hà Nội – Rue de Chapeaux. Nguồn: manhhai/flickr

thị trường thời trang nội địa

Phố Hàng Đào – Rue de la Soie, Hanoi. Nguồn: Tanhiep/flickr

Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các thương nhân người Pháp tích cực gia nhập thị trường, từ cửa hiệu nhỏ đến trung tâm thương mại bách hóa (grands magasins) đều bán toàn những món đồ xa lạ, khác biệt được nhập cảng từ chính quốc, thuộc địa Pháp và nhiều quốc gia phương Tây khác. Trong suốt hai thập niên đầu thế kỷ XX, sự giao lưu hàng hóa cũng như sự bất đồng văn hoá Đông Tây đã diễn ra và tác động liên tục trên các phố nghề, chợ phiên, triển lãm Đông Dương, hội chợ kỹ nghệ địa phương (ở các vùng đồng bằng, miền núi Bắc Bộ), đặc biệt là tại hội chợ thương mại Hà Nội.  

Người Pháp mở rộng kinh doanh đa ngành và quy mô lớn trên khắp miền Bắc. Mặc dù một số lĩnh vực có ưu thế bản địa như tơ lụa, dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ, nông sản… vẫn nằm trong tay các thương nhân người Việt và người Hoa, nhưng các thương gia người Pháp sẽ xâm nhập thành công và kích thích một thị trường âu hóa trong tương lai không xa. 

thị trường thời trang nội địa

Một xưởng thêu ở Hà Nội, bức ảnh được in trong sách mang tên “Đông Dương” (L’Indochine), tác giả Louis Salaün, xuất bản ở Pháp năm 1903. Photo by Heliog Dujardin/Gallica.bnf.fr

Trong danh sách cử tri Pháp của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Hà Nội (Chambre de Commerce et D’industrie de Hanoi (Tonkin) – Liste definitive des electeurs Francais, Annee 1940) có liệt kê các hiệu vải do các thương nhân người nước ngoài làm chủ như: Công ty Mohamed Said et Cie của thương nhân Mr. Mohamed Yassine; Cửa hàng vải các loại Vacobaly ở số 100 Rue de la Soie (Hàng Đào); Cửa hàng bán vải ở số 63 Boulevard Carreau (phố Lý Thường Kiệt) của bà Thébert; Số 91 rue Paul Bert (Tràng Tiền) là hiệu Tissus Nouveautés (Vải Mới) của bà Girodolle; số 29 Rue des Vers Blancs (hàng Rươi) là hiệu ren thêu (broderie dentelles) của bà Humbert…

thị trường thời trang nội địa

Cửa hiệu vải các loại của Vacobaly & Cie, ở số 100 Hàng Đào, Hanoi. Cạnh bên trái còn có một cửa hiệu bán vải sợi và tạp hoá. 

Trong Catalogue des artisans du Tonkin – Bắc Kỳ Tiểu Công Nghệ / Danh hiệu & Địa chỉ (1942 – Nhà in Le Van Tan) do Chủ Tịch Uỷ Ban Thủ Công Địa phương Bắc Kỳ – Le Võ Hiển Hoàng Trọng Phu thực hiện (1/11/1942), có liệt kê họ tên và cơ sở hoạt động của các nhà tiểu công nghệ lúc bấy giờ. Trong đó, nối dài danh sách với số lượng đông đảo người Việt Nam – là các thợ may, thợ nhuộm, thợ thêu, thợ đóng giày, thợ làm mũ nón, chủ cửa hiệu vải và kinh doanh hàng da…

thị trường thời trang nội địa

Công nương Achille Murat (vợ của Hoàng thân Achille Murat – con trai cả của Joachim Murat, anh rể của Hoàng Đế Napoleon) trong trang phục áo dài lụa của Việt Nam, đeo nhiều loại trang sức và vòng cổ, tóc vấn kiểu phụ nữ miền Bắc, mang hài lụa – Ảnh chụp vào ngày 3/11/1926. Photo by Edward Steichen/yungee.com (Xem ảnh zoom)

thị trường thời trang nội địa

Công nương Achille Murat (vợ của Hoàng thân Achille Murat – con trai cả của Joachim Murat, anh rể của Hoàng Đế Napoleon) trong trang phục áo dài gấm của Việt Nam, đeo nhiều loại trang sức và vòng cổ, tóc vấn kiểu phụ nữ miền Bắc, mang hài thêu – Ảnh chụp vào ngày 3/11/1926. Photo by Edward Steichen/yungee.com

Đòn bẩy kích thích thương mại từ những cuộc triển lãm – hội chợ

Năm 1887 tại Hà Nội [*3], Exposition de Hanoi – Triển Lãm Hà Nội (hay Kỹ Nghệ Bản Xứ Bắc Kỳ) lần đầu tiên được tổ chức dưới quyết định của Toàn Quyền Paul Bert, nhằm trưng bày sản vật tự nhiên và kỹ nghệ thủ công bản địa, làm cơ sở cho việc phát triển canh nông, thương mại và kỹ nghệ về sau. 

Cuộc triển lãm này làm tiền đề cho Exposition de Hanoi 1902 – Triển Lãm Thương Mại Đông Dương quy mô rất lớn tại Hà Nội (hay còn gọi là Hội Đấu Xảo Hà Nội), với sự tham gia của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên, Lào, Campuchia, Philippin, Malaysia, Myanmar, Algeria, Madagascar. Exposition de Hanoi chính thức khai mạc từ ngày 3/11/1902, kết thúc dự kiến vào ngày 31/1/1902 

thị trường thời trang nội địa

Áp phích quảng cáo Exposition de Hanoi 1902 – Triển Lãm Thương Mại Đông Dương tại Hà Nội, năm 1902

thị trường thời trang nội địa

Áp phích quảng cáo và catalogue của Exposition de Hanoi 1902 – Triển Lãm Thương Mại Đông Dương tại Hà Nội, năm 1902

Theo định hướng của Pháp, hoạt động Exposition de Hanoi trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi và kích thích những luồng giao thương mới, thúc đẩy thị trường nội địa và quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực, chính quyền Pháp cũng khuyến khích các tỉnh thành chủ động tổ chức các hội chợ địa phương, góp phần hiệu quả vào việc phát triển kinh tế (và đương nhiên ưu tiên lợi ích kinh tế của nước Pháp)

Sau Exposition de Hanoi 1902, các hội chợ kỹ nghệ địa phương được tổ chức nhiều ở miền Bắc như hội chợ Cầu Đơ – Hà Đông (1903), hội chợ phủ Từ Sơn – Bắc Ninh (1906), hội chợ Nam Định (1904), hội chợ Cao Bằng (1906)…Các hội chợ đã thúc đẩy hoạt động thương mại của các thương nhân người Pháp, và tạo điều kiện cho khách hàng người Việt bản xứ tiếp xúc với sản phẩm phương Tây hiện đại do người Pháp mang đến. 

thị trường thời trang nội địa

Lễ khai mạc Exposition de Hanoi 1902 hay Hội Đấu xảo Hà Nội, 16/11/1902

Tại Hội Đấu Xảo Hà Nội đầu tiên vào năm 1902, người Việt cũng lần đầu tiên biết đến một cuộc thi hoa khôi. Các thí sinh được yêu cầu mặc áo dài Tố Nữ Hà Nội may bởi ông phó Dùi ở phố Hàng Điếu – một thợ may có tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ. Vào thời điểm đó, ông phó Dùi được ban tổ chức lựa chọn có lẽ cũng bởi vì nhà may của ông có khả năng đáp ứng cho cuộc thi, với hàng chục thợ giỏi, chuyên may cho các bà các cô danh gia thế tộc ở Hà Nội. [*4] 

thị trường thời trang nội địa

Một gia đình giàu có chụp ảnh trong vườn vào dịp Tết. Hanoi 1920 – 1929. Nguồn: otofun.net

thị trường thời trang nội địa

Cách ăn mặc, phục sức của một người phụ nữ miền Bắc ở Hải Phòng

Trước thập niên 30 ở miền Bắc, trang phục phụ nữ thông dụng để mặc ra phố vẫn là áo tứ thân và áo dài Tố Nữ (ngũ thân). Ở Hà Nội, áo dài Tố Nữ cài 5 khuy, đất Kinh Bắc (Bắc Ninh) và các nơi khác thì cài 6 khuy. Tuy nhiên, để thuận tiện trong lao động và buôn bán, phụ nữ nông thôn và ngoại thành hầu như mặc áo tứ thân. Phụ nữ thành thị, đặc biệt là các bà các cô ở Hàng Đào, Hàng Ngang thì hầu như đều mặc áo dài Tố Nữ.

Đối với nam giới miền Bắc và Việt Nam nói chung, từ những năm tháng đầu thế kỷ XX đã sớm bước vào thời kỳ phong hoá, mặc dù có sự chuyển đổi một cách khá bảo thủ, khiên cưỡng (khác với phong trào cải cách y phục của phụ nữ Hà Nội kể từ thập niên 30) nhưng gần như thay thế triệt để trang phục truyền thống cho đến ngày nay.  

thị trường thời trang nội địa

Đàn ông Việt Nam mặc áo dài truyền thống tham dự ngày khai mạc Exposition de Hanoi – Hội Đấu Xảo Hà Nội, 16-11-1902

Mục tiêu thương mại của chính quyền Pháp là biến xứ thuộc địa trở thành thị trường của nền công nghiệp Pháp, đồng thời đóng vai trò cung cấp nguồn nguyên liệu thô và nhân công giá rẻ cho chính nền công nghiệp đó. Tuy nhiên, các hội chợ này cũng tất yếu dạy cho thị trường bản địa những ‘bài học’ mới về thời đại, mang đến lợi ích thương mại ngay trước mắt và mở đường cho sự phát triển trong tương lai, trở thành đòn bẩy để các thương nhân người Việt tự mình đứng lên thiết lập một nền công nghiệp bản địa. 

Từ hội chợ địa phương các tỉnh miền Bắc cho đến hội chợ Hà Nội (bắt đầu tổ chức thường niên từ năm 1918), với sự tham gia tích cực của nhiều vùng miền trong nước cũng như nhiều quốc gia khác: từ kỹ nghệ truyền thống đến công nghệ hiện đại; từ thủ công đến cơ giới hoá điện khí hoá; từ việc trao đổi, xuất nhập khẩu hàng tơ lụa cho đến việc tìm hiểu, đầu tư máy móc để xây dựng các cơ sở dệt may hiện đại. Hà Nội với vị thế là thủ đô của Đông Dương (gồm 3 kỳ Bắc – Trung – Nam, Lào và Campuchia) từ đó theo đuổi xu hướng kinh tế thị trường, đẩy mạnh thương mại hoá trên tất cả các ngành nghề, bao gồm kỹ nghệ ươm tơ-dệt lụa-nhuộm vải truyền thống có lịch sử lâu đời ở nước ta. 

Sau Thế Chiến I, Foire de Hanoï- Hội Chợ Hà Nội lần đầu tiên tổ chức để hội tụ các nhà công thương, nhà kỹ nghệ miền Bắc trưng bày và trao đổi hàng hoá, diễn ra từ 15 – 31/12/1918, tại khu vực Cung Văn Hoá Hữu Nghị, đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Cũng như hình thức hoạt động của Hội Đấu Xảo, Hội Chợ Hà Nội cũng có tổ chức cuộc thi hoa khôi và trình diễn y phục tân thời, cho đến khi tổ chức lần cuối vào năm 1941 (do ảnh hưởng bởi Thế Chiến II).

thị trường thời trang nội địa

Áp phích quảng cáo các Hội Chợ Hà Nội năm 1918 và 1932. Nguồn: manhhai/Flickr

thị trường thời trang nội địa

Hội Chợ Thương Mại Hà Nội – 2/12/1923. Nguồn: manhhai/Flickr

thị trường thời trang nội địa

Gian hàng kỹ nghệ thêu của tỉnh Hà Đông, Hanoi 1920 – 1929. Nguồn: manhhai/Flickr

Từ thập niên 30, trên thị trường miền Bắc đã có sự xuất hiện của các loại chất liệu vải mới, cạnh tranh với chất liệu tơ lụa truyền thống – do nhập khẩu và do chính người Việt sử dụng phương tiện, kỹ thuật và mô hình sản xuất Tây Âu để tạo ra, cung ứng cho “cầu thị trường” bản địa đang trong bối cảnh âu hóa, thúc đẩy sự ra đời của ‘xu hướng’ y phục phụ nữ kiểu mới và ‘thị trường thời trang nội địa thuở sơ khai’. 

thị trường thời trang nội địa

Tháng 12 năm 1937, trên thị trường có nhiều hàng tơ, lụa, len, giạ để may đồ thu đông. “Hàng tây hàng ta và hàng nội hoá”, “các mầu rất nhã và hợp thời. Nhung toàn tơ tuyệt đẹp” của hiệu Mai-Đê ở số 26, phố Hàng Đường, Hanoi. Quảng cáo đăng trên báo Ngày Nay, 5 tháng mười hai, năm 1937. Nguồn: Thư Viện Quốc Gia Việt Nam/baochi.nlv.gov.vn

thị trường thời trang nội địa

Ngày hội của học sinh trường Trung Học Bảo Hộ (trường Bưởi, nay là trường THPT Quốc Gia Chu Văn An) ở Hà Nội. Ảnh chụp trong khoảng 1900 – 1930, giai đoạn mà kỹ nghệ dệt kim và dệt may các loại âu phục đã có mặt ở Hà Nội. Photo to by Charles Moine ; Editeur : Pierre Dieulefils (1862 – 1937); Date : 1885 – 1921. Nguồn: manhhai/flickr

Kỹ nghệ thủ công đối với thương mại và thời trang hiện đại

Viết về Hội Chợ Hà Nội lần thứ 13 (1936), trên báo Ngày Nay, số 37, ra ngày 27 tháng mười hai năm 1936, nhà văn Thạch Lam nhận xét rằng “công nghệ và cách buôn bán của nước ta không tiến bộ một chút nào”. Ông cũng nhắc lại về việc các nhà kỹ nghệ tham gia hội chợ để làm gì, nói về cách làm quảng cáo ở hội chợ, nhận xét về công nghệ nhỏ ở miền Bắc, bàn việc bày trí gian hàng cần phải có mỹ thuật, và đề cập đến kỹ nghệ độc đáo của các gian hàng ngoại quốc tham dự hội chợ Hà Nội. 

Đối với công nghệ nhỏ như dệt lụa, làm đồ sứ và đồ gỗ mỹ nghệ ở miền Bắc, nhà văn Thạch Lam có viết rằng:

“Tỉnh Hà-Đông và Bắc-Ninh là nhiều công nghệ nhỏ nhất. Năm nay, gian Hà-Đông có chưng bầy một cái khung cửi dệt lụa, những mẫu lụa dệt được, các thứ lĩnh, sa, các thứ gấm. Thật, nghề dệt của ta đã đáng khen, nhưng ta không thấy trong những hàng sản xuất ra cái chải chuốt, cái tinh xảo đáng chú ý. Những lụa, gấm vẫn có một vẻ giài giại, có lẽ vì kiểu sơ sài, mà màu không khéo chọn

…về nghề thêu ở phòng triển lãm: cái khéo tay của người thợ annam không kém thợ nước khác, song những kiểu thêu và màu mè thì phải thay đổi nhiều

…còn phải tìm tòi, thí nghiệm nhiều mới mong sản xuất ra được những thứ hàng có thể cạnh tranh với các hàng ngoại quốc” 

thị trường thời trang nội địa

Áp phích quảng cáo của Hội Chợ Hà Nội lần thứ 13, năm 1936. Nguồn: manhhai/Flickr

Năm 1943, chủ nhiệm Vũ Đình Hoè của tuần báo Thanh Nghị đã thực hiện một bài báo chiếm gần 4 trang trên số 34 (1/4/1943) để nghị luận về “Tình hình tiểu công nghệ Đông Dương trong hai năm vừa qua” (và vẫn còn tiếp ở số 35, báo Thanh Nghị, ngày 16/4/1943)

thị trường thời trang nội địa

Nghị luận về “Tình hình tiểu công nghệ Đông Dương” trong 2 năm 1940 – 1941, do chủ nhiệm Vũ Đình Hoè thực hiện, báo Thanh Nghị số 34, ngày 1/4/1943. Nguồn: namkyluctinh.com/ (Để đọc full và tải file pdf, truy cập ThanhNghi034)  

Nhà báo Vũ Đình Hoè nhắc lại kỳ thi tiểu công nghệ của Hội chợ Hà Nội tháng 12/1941, lấy cơ sở của hai kỳ hội chợ ở Hà Nội và Sài Gòn vừa qua để phân tích tình hình tiểu công nghệ ở Đông Dương, và tập trung nhiều vào Hà Nội vì “Bắc Kỳ dẫn đầu trong nền kinh tế này”

Một trong những điểm đáng lưu ý là “Khách chiêm lãm cuộc trưng bày tiểu công nghệ ở vườn Ấu Trĩ và hội chợ Saigon hồi cuối năm ngoái đã vui vẻ nhận thấy một lần nữa những đức tính quí hoá của người thợ Việt Nam: cần cù và khéo tay…Song về phương diện tinh thần, ta nhận thấy người thợ Việt Nam chỉ có óc phỏng tạo và thích dụng…Song điều mà ta mong mỏi thấy ở người thợ Việt Nam là óc sáng kiến. Vì dầu sao óc phỏng tạo chỉ mới tỏ một trình độ sơ đẳng của tinh thần…” 

Ông cũng thẳng thắn nhận định rằng kém sáng kiến là do sự thiếu học của người thợ, và còn do sự thờ ơ của phái trí thức đối với các ngành công nghệ. Nhà báo Vũ Đình Hoà đã bày tỏ sự trăn trở thấy rõ đối với thế hệ thanh niên trí thức hoạt động về công nghệ và theo học ở các trường kỹ nghệ thực hành, “chắc cũng còn phải đợi một thời kỳ khá lâu nữa mới có thể sáng kiến được thứ gì” vì vẫn còn thiếu “cái học chuyên môn” và kinh nghiệm. 

thị trường thời trang nội địa

Đồ dệt và chỉ sợi là một trong những mục mà hội đồng chấm thi sẽ lựa chọn để phát thưởng. Tại hội chợ năm 1940 – 1941, cho thấy một sự phong phú các loại vải dệt bằng gai, bông sợi, bông gạo, tơ, cói…Nguồn: namkyluctinh.com/ (Để đọc full và tải file pdf, truy cập ThanhNghi034

Xem xét các thể loại tiểu công nghệ đương thời gồm: khí cụ và dụng cụ, đồ dùng kim khí, giấy-bút-mực văn phòng, đồ dệt và chỉ sợi, đồ thuỷ tinh-sành-sứ…, chủ nhiệm Vũ Đình Hoè cho rằng chín mươi chín phần trăm là những “thế phẩm”, tức những hàng hóa do người Việt sản xuất để thay thế những hàng ngoại quốc còn khan hiếm, đắt đỏ. Điều ông quan tâm là những “thế phẩm” đó chỉ đáp ứng cho tầng lớp trung lưu, còn bình dân thì khó lòng. Cụ thể một loại hàng hoá tối cần của thị trường lúc này chính là “vải may quần áo”

Đó là thập niên 40, giai đoạn mà thuật ngữ “thời trang” bằng tiếng Việt đã được sử dụng, và phong trào y phục tân thời vừa mới quét qua kể từ đầu những  năm 1930. Nhưng, như ông Vũ Đình Hòe viết: “Không một nhà công nghệ nào nghĩ tìm cho họ (những người bình dân) một thứ vải dệt đan, hay bện bằng cỏ, bằng cói, bằng lá, bằng vỏ cây thô kệch (1) cũng được nhưng đủ ấm và do những vật liệu rẻ và dễ tìm”. Đối với thứ vải bằng vỏ cây thô kệch, nhà báo chú thích thêm rằng “(1) Trong kỳ hội chợ Hanoi 1941, ở gian hàng Tuyên Quang có trưng bày một thứ vỏ cây, vỏ cây sú, mà thổ dân vùng ấy thường bóc và cứ dùng nguyên như thế làm áo mặc và chăn đắp.”

thị trường thời trang nội địa

Một phần tiếp theo  của bài xã luận. Nguồn: namkyluctinh.com/ (Để đọc full và tải file pdf, truy cập ThanhNghi034

“…chúng tôi chỉ nhận thấy có hai công-nghệ sẽ có hi vọng tồn tại và phát đạt sau tình-thế bất thường mà ta đang sống. Đó là nghề làm đồ chơi trẻ con và nghề đan (vannerie). Chúng tôi chỉ kể về những thứ đồ chơi bằng gỗ, mà về phần tinh xảo và bền bỉ, trông không kém các hàng ngoại quốc xưa nay. Người ta đã chú ý đến phương diện mỹ-thuật và sự ích lợi về giáo dục…Các nhà công nghệ đã tỏ tài khéo léo trong sự biến chế các kiểu, cầm sách nhẹ nhàng tiện lợi và dễ coi. Đã có nhiều đàn bà người Âu đi đôi guốc quai bằng cói đan hoặc sách những bao nhỏ bằng mây hay lá gồi tô điểm một vài hình xanh đỏ nhã nhặn.

Chúng tôi tin hai nghề trên sẽ giữ được giá trị của nó sau này, vì nguyên liệu ở trong nước có sẵn…một nước mà động lực rẻ nhất vẫn còn là bắp thịt của người” 

thị trường thời trang nội địa

Vật liệu tự nhiên và phong cách rustic của những chiếc túi và giỏ xách – đan bằng rơm, thừng, liễu gai trên sàn catwalk 2020 của Oscar de la Renta, Loewe, Miu Miu, Celine…

Xu hướng Xuân Hè 2020 đã dẫn chứng cho niềm tin và dự đoán của nhà báo Vũ Đình Hoè. Nguyên liệu tự nhiên có sẵn của một quốc gia – nếu được tạo ra bằng óc sự sáng tạo thay vì phỏng dựng, với một kỹ nghệ tinh xảo và mỹ quan hợp thời đại – sẽ giữ được giá trị bền bỉ vượt thời gian. The Nolo bag của Oscar de la Renta, chiếc tote bag phong cách mới nhất Xuân Hè 2020 và sẽ góp mặt vào bags trend của nhiều ‘thương hiệu phỏng dựng’ – ở những quốc gia nhỏ – trên khắp thế giới – trong thời đại ngày nay.

The Nolo bag được thiết kế từ cảm hứng kiến trúc và nội thất Brazil, phong cách cổ điển hoà hợp với tự nhiên được đan từ một loại cọ raffia ở đảo Caribbean – một hệ thực vật có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Phi và Trung-Nam Mỹ. Raffia trong văn hoá Bakuba (vương quốc Kuba, Trung Phi), nơi đàn ông trồng raffia và phụ nữ dệt vải từ cọ raffia, thêu thùa trên vải raffia. Kuba Textile là loại vải dệt có truyền thống lâu đời và giá trị nghệ thuật cao của người Kuba, được các nhà sử học và dân tộc học đánh giá cao vì gắn liền với loại hình nghệ thuật và âm nhạc châu Phi [*5].

Điều quan trọng đối với nền kinh tế mà ông Vũ Đình Hoè muốn lưu ý là “vì những hàng mới đều là những “thế phẩm” nên nó chỉ có giá trị trong nhất thời và những công nghệ mới này sẽ bị đào thải rất nhanh do luật cạnh tranh, một khi tình thế bất thường không còn nữa”. Đây có lẽ cũng là điều rất đáng suy ngẫm trong thời đại “bình thường mới” và ngay sau hai thập niên đầu của thế kỷ XXI. 

Cách nhau gần một thế kỷ, khái niệm thời trang đã không là ‘cách ăn mặc phổ biến trong một thời kỳ nào đó’ nữa, không còn cải cách y phục hay “phong trào theo-mới”. Những giá trị của ‘thời trang’ bị đảo lộn giữa nhanh và chậm, giữa xa xỉ và nhân đạo, giữa ‘chiến thuật PR bền vững’ và minh bạch. Những giá trị ‘thương hiệu’ chìm trong chiến lược ‘hàng thiết kế’ và ‘season sale’, phong cách cá nhân và phong cách xã hội. Đến khi nào ‘tầng lớp nhà sáng tạo và điều hành về sáng tạo’ (tương ứng với thế hệ trí thức về kỹ nghệ thực hành mà nhà báo Vũ Đình Hoè nêu đến) có thể phân biệt được thời trang “thế phẩm” và thời trang “tối cần”, định nghĩa lại sự phỏng tạo và sáng kiến, cũng như mang đến bản chất đúng của ‘thương hiệu nội địa’ về phương diện tinh thần – cho khách hàng nội địa, cho nền kinh tế và thương mại nội địa. 

Tạm kết thúc bài xã luận trên báo Thanh Nghị số 34, chủ nhiệm Vũ Đình Hoè viết: “Tôi sẽ có lỗi lớn nếu không nói đến một công nghệ mới có thể chiếm một địa vị quan trọng ngay bây giờ và sau này nữa, tức là nghề dệt các thứ vải bằng gai, đay, bông gạo, hoặc bằng vài thứ sợi chộn lẫn. Các nhà công nghệ đã khéo thích dụng nghề mình với những vật liệu mới và đã dệt được những mẫu hàng khả quan. Song số phận của các nghề dệt mới này còn do việc khác định đoạt: tức là việc giồng giọt các cây lấy sợi và việc có thể dùng các thứ cây ấy” 

 

Chú thích 

[*1 ] Thế kỷ thứ X mở đầu thời kỳ tự chủ của Việt Nam sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, do họ Khúc nắm quyền cai trị từ năm 905 đến khoảng 930. Thế kỷ thứ XI, năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) đến Đại La thành và đổi tên kinh đô mới là Thăng Long, ở vị trí giữa thành Hà Nội và sông Tô Lịch, ngày nay thuộc quận Ba Đình. 

[*2 ] Phong trào “theo-mới”: mượn tiêu đề lời ngỏ của toà soạn, báo Phụ Nữ Tân Văn số 235, ngày 22 tháng 3 năm 1934. Báo Phụ Nữ Tân Văn đã dùng bài xã luận này để trả lời độc giả, về quan điểm của tòa soạn đối với “phong trào theo mới” vừa nổi lên khắp trong Nam ngoài Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội sau chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” do hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường phụ trách, đăng trên báo Phong Hoá, số Xuân ngày 11/2/1934. 

[*3 ] Đây cũng là năm đất nước phân kỳ, đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng. Ngày 17/10/1887, Tổng Thống Pháp ký sắc lệnh thành lập Liên Bang Đông Dương (Union Indochinoise), Việt Nam bị chia làm ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. 

[*4 ] Trong sách “Những năm tháng ấy” của Vũ Ngọc Phan, xuất bản lần đầu tiên năm 1987, tác giả viết: “Ngay ở Hà Nội cũng có những thợ may nổi tiếng, may áo viền năm tà như “ông phó Dùi” ở phố Hàng Điếu. Ông ta có hàng vài chục thợ đàn em. Buổi tối ngồi hai hàng dưới những ngọn đèn treo. Tháng chạp là tháng cửa hàng ông ta làm việc suốt đêm ngày”

[*5 ] Theo nhà sử học nghệ thuật Vanessa Drake Moraga: “Người thêu Kuba đại diện cho các cấu trúc dệt trong các tác phẩm của họ, nhấn mạnh giá trị của kỹ nghệ dệt đối với văn hoá và uy danh của nữ nghệ nhân”. Vanessa Drake Moraga là tác giả của quyển “Animal Myth and Magic: Images from Pre-Columbian Textiles” – xuất bản năm 2005, và “Weaving Abstraction: Kuba Textiles and the Woven Art of Central Africa” – xuất bản năm 2011. 

 

Ảnh bìa

Một bức ảnh thể hiện sự chuyển giao văn hóa trong giai đoạn và bối cảnh lịch sử bất thường của đất nước. Một ngày hội của học sinh trường Trung Học Bảo Hộ (trường Bưởi, nay là trường THPT Quốc Gia Chu Văn An) ở Hà Nội. Một thế hệ trí thức mà chỉ trong hai hoặc ba thập niên tiếp theo có thể sẽ đóng góp lớn vào nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước.

Photo to by Charles Moine ; Editeur : Pierre Dieulefils (1862 – 1937); Date : 1885 – 1921.

Nguồn: manhhai/flickr

Thực hiện bài viết: Xu