Thị trường và tiếng nói truyền thông thời cải cách y phục Le Mur

Ngày đăng: 15/07/20

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Hà Nội là trung tâm đô thị chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất bởi sự canh tân, khai ngộ văn minh của thiên niên kỷ mới. Quá trình chuyển đổi và mai một các nét văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống là điều không thể tránh khỏi. Xã hội thuận theo lối sống tân thời, vừa âu hoá hiếu kỳ, vừa lai tạp mâu thuẫn, cũng vừa cộng hưởng dung hoà về hình thức lẫn tư duy nội tại để tiến tới thời kỳ hiện đại ngày nay. 

Nơi thị thành phồn hoa, nhu cầu ăn mặc sang trọng, tinh tươm theo “mốt” mới lạ, theo phong cách và thẩm mỹ phương tây đã dần manh nha. Trong ‘buổi bình minh’ đầu 1900, tiêu chuẩn ăn mặc thời thượng của một phần thế giới hướng theo nước Pháp (kể từ khi người thợ may Charles Frederick Worth bắt đầu định nghĩa khái niệm “thời trang”, thành lập cửa hiệu tại Paris thu hút giới hoàng gia Châu Âu), Hà Nội – thủ đô Đông Dương cũng từng bước  hình thành một thị trường ‘thời trang tơ lụa vải vóc’ ngoại hoá cạnh tranh với bản địa, ngay cả khi thuật ngữ “thời trang” bằng tiếng Việt còn chưa được sử dụng. Quy luật cung cầu nảy sinh từ phong trào theo “mốt” thúc đẩy phong trào cải cách y phục và định hình ‘đường nét” thời trang mang “tính cách Việt Nam”. 

Khi mà các thầy các cậu đã thay đổi diện mạo thành quý ông kim thời, với một lối sống ít nhiều âu hoá, các bà các mợ cũng chịu nhiều ảnh hưởng về tư tưởng và thẩm mỹ trong suốt hai thập niên đầu của thế kỷ XX. Sự ra đời chính thức của phong trào cải cách y phục Le Mur – lãnh đạo bởi nhóm Tự Lực Văn Đoàn, tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay, mà nhân vật biểu tượng chính là hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường từ mùa xuân năm 1934, đã tác động đến thị trường lẫn tư duy của xã hội thời bấy giờ, mặc dù cũng gây ra nhiều tranh cãi. Tiếng nói và tiếng cười trào phúng giữa các nhà báo và công chúng diễn ra ‘náo nhiệt’ trên trường báo chí, đã từng bước thiết lập và ‘hợp thức hoá’ khái niệm thời trang áo dài phổ biến ngày nay. 

cải cách y phục Le Mur

Bốn bức tranh Tố-Nữ tân-thời đăng trên trang nhất của báo Phong Hoá, số 70, ra ngày 27 tháng mười năm 1933. Nguồn: news.hoasen.edu.vn

Thị trường thời cải cách y phục Le Mur

Trong nửa cuối thập niên 30, trước khi đất nước chìm trong khói lửa loạn lạc do ảnh hưởng của Thế Chiến II (1939 – 1945), là thời kỳ thị trường nội hoá hoạt động sôi nổi. Các hiệu may y phục tân thời, các nhà máy dệt, các hiệu bán vải, giày, nón, mỹ phẩm, trang sức…kinh doanh phát đạt, mở thêm chi nhánh và xuất cảng đi nước ngoài, không ngừng sáng tạo thêm các sản phẩm mới và đua nhau quảng bá, tiếp cận người tiêu dùng thành thị. 

Y phục lối mới của hoạ sĩ Le Mur không chỉ được ủng hộ bởi giới văn nghệ sĩ Tây học, các quý phu nhân và tiểu thơ gia đình quyền quý, mà còn đi vào đời sống bình dân, trở thành niềm khao khát tân tiến của không ít phụ nữ Việt Nam đương thời. Nhiều nhà may, cửa hiệu sao chép hoặc học theo kiểu mẫu y phục tân thời của hoạ sĩ Le Mur để áp dụng cho khách hàng của mình. 

cải cách y phục Le Mur

Quảng cáo của hiệu Kiện-Khanh, đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, số 2066, 27 tháng bảy, năm 1934. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

cải cách y phục Le Mur

Quảng cáo hoành tráng của hiệu Vạn Toàn, đăng trên Phong Hoá số Xuân 85, ngày 11 tháng 12 năm 1934. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

cải cách y phục Le Mur

Phong Hoá số 160, ngày 1 tháng 11 năm 1935. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

Ngoài hiệu Le Mur còn có nhiều hiệu may khác phổ biến y phục phụ nữ lối mới dưới sự hợp tác của hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, hoặc do những đồng nghiệp của ông tham gia kinh doanh như hiệu My’x của Ngym – hoạ sĩ Trần Quang Trân, hay hiệu Marie có sự ‘đỡ đầu’ của hoạ sĩ Lê Phổ…

Trên thị trường, mặc dù không kinh doanh các loại vải tơ lụa truyền thống hay “áo dài Le Mur” lối mới nhưng các xưởng dệt như Cự Chung, Cự Gioanh,…hay các hiệu giày, hiệu mũ nón có danh tiếng ở Hà Thành đều có thể là đối tác của hoạ sĩ Le Mur. Các mối quan hệ đại lý hay hợp tác chế tạo, giúp các “thương hiệu” mở rộng danh mục hàng hoá và phát triển các ý tưởng cải cách, biến các món đồ có nguồn gốc phương tây trở nên dễ tiếp cận, phù hợp hơn với thị hiếu và nhu cầu ăn mặc tân thời của thị dân lúc bấy giờ. 

Mùa hè năm 1935, hoạ sĩ Le Mur hợp tác với Cự Chung – nhà sản xuất vải len nổi tiếng ở phố Hàng Bông, giới thiệu mẫu “áo tắm kiểu lạ” và chất liệu mới độc đáo có tên Peau d’ Ange – Gia Nàng Tiên, một loại vải dệt bằng bằng tơ nhỏ sợi, được ca ngợi là mịn mát như làn da của nàng tiên, có thể mặc hợp cả bốn mùa, dùng để may đồ mặc lót bên trong

cải cách y phục Le Mur

Loại vải mới sản xuất bởi hiệu dệt Cự Chung và vẽ kiểu bởi hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, năm 1935 (minh hoạ quảng cáo có ký tên LEMUR 35). Nguồn: FB V-Vintage Club

Công cuộc cải cách y phục phụ nữ được cho rằng đã bắt đầu từ trước 1934. Thời gian đầu khẳng định phong trào một cách chính danh thông qua tuần báo Phong Hóa đã kéo đến nhiều cuộc tranh cãi và góp ý đa chiều. Tuy nhiên, công sức sáng tạo và ý chí canh tân của hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường sau đó nhiều năm liền, được chứng minh bằng “bộ sưu tập” lớn hàng ngàn mẫu, các tờ đặc san Đẹp và Catalogue theo mùa. Mãi đến mùa hè năm 1937, thị trường và người dân thành thị trên khắp cả nước mới chính thức đón nhận sự ra đời của “thương hiệu may” Lemur. 

cải cách y phục Le Mur

Hiệu may y-phục phụ nữ tân thời to nhất Bắc-Kỳ Le Mur chính thức khai trương vào ngày 9/7/1937. các quảng cáo đăng liên tục trên tuần báo Ngày Nay, các số từ 65 – 70, tháng 6 – 8/1937. Nguồn: news.hoasen.edu.vn

Giữa phong trào cải cách y phục, nhiều hiệu may vừa chiều ý khách hàng lối cũ lẫn cập nhật “xu hướng” tân thời, điển hình trong số đó là Marie – một hiệu may có tiếng ở số 4 Rue de la Mission (ngày nay là phố Nhà Chung hoặc Lý Quốc Sư) [*1]. Đây là hiệu may do cháu gái của hoạ sĩ Lê Phổ là bà Lê Nghi Sương lập ra. Khi hiệu Marie khánh thành, hoạ sĩ Le Mur có giới thiệu một thợ may giỏi cho hoạ sĩ Lê Phổ. Do đó, hoạ sĩ Lê Phổ cùng đứng ra để giúp khách hàng chọn kiểu “áo dài Le Mur” sao cho phù hợp vóc dáng màu da, việc may đo và chỉnh sửa kiểu dáng do cai thợ của hiệu Marie thực hiện. Tuy nhiên, hiệu Marie không chỉ may áo dài tân thời mà còn cung cấp các loại áo rét, áo cho mùa hè, áo khoác manteau (áo bành, áo măng-tô) và pardessus (áo pa-đờ-xuy hay ba-đờ-xuy)

cải cách y phục Le Mur

Quảng cáo hiệu may Marie có “thợ may khéo”, đã được “giải nhất và bội tinh bạc” tại các chợ phiên Hà Nội, Hải Phòng, Huế…, đăng trên báo Ngày Nay, 5 tháng mười hai 1937. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

cải cách y phục Le Mur

“…(Mẫu áo MARIE tân thời nhất nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của y phục Việt Nam, đó là lời khen của tờ VU, tuần báo to nhất bên Pháp, trong bài bình phẩm y phục phụ nữ Việt Nam (VU ngày 4-5-38 có trưng bày ở hiệu MARIE)…”. Trích nội dung quảng cáo của hiệu may Marie đăng trên tuần báo Ngày Nay, số 190, ngày 14 tháng một, năm 1939. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

“Áo dài Le Mur” và “áo dài Lê Phổ”

Trong sách “Áo dài Lemur và Bối cảnh Phong Hoá & Ngày Nay” (Sách Khai Tâm, NXB Hồng Đức, tháng 12/2018), tác giả Phạm Thảo Nguyên đã tiết lộ một sự hiểu nhầm về “áo dài Lê Phổ” và “áo dài Le Mur”. Theo tư liệu mà ông Nguyễn Trọng Hiền – con trai của hoạ sĩ Le Mur sưu tầm và giữ gìn, trong phong trào cải cách y phục phụ nữ lúc bấy giờ, hoạ sĩ Lê Phổ thực ra chỉ vẽ nữ trang, xuất bản trong đặc san Đẹp đầu tiên – Mùa Nực 1934 của hoạ sĩ Cát Tường. 

cải cách y phục Le Mur

Vẻ đẹp của phụ nữ hiện đại thập niên 30 thế kỷ XX, mặc “áo dài Le Mur” và đồ trang sức được vẽ kiểu bởi hoạ sĩ Lê Phổ (1907 – 2001). Nguồn: trang #10, đặc san Đẹp, số đầu tiên ra ngày 15 tháng Chín 1934/FB V-Vintage Club

Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn “Bà Trịnh Thục Oanh nói về Thời Trang”, thực hiện bởi nhà báo Đoàn Tâm Đan, đăng trên số báo đầu tiên của tờ Ngày Nay (30/1/1935), bà Oanh có nói: 

“…Áo mùi, san trắng là “mốt” năm 1920. năm đã xa lắc xa lơ kể làm gì. Trong vòng mấy năm ấy, chị em ta chỉ biết quanh quẩn trọn các hàng mầu để may quần áo thay vào mùi đen tối tăm trước, nhưng vẫn chưa thích hợp với thân thể, làm tăng vẻ đẹp trời cho riêng từng người.

Kiểu áo thích hợp với thân thể, kiểu áo trang nhã mà có thể biến hoá được ấy, hai nhà-mỹ-thuật Cát-Tường và Lê-Phổ đã chế nghĩ ra cho chị em. Đã có nhiều người theo, đã thành mốt mới…”

Trên tuần báo Ngày Nay, số 77 vào ngày 19 tháng 9 năm 1937, hiệu Marie có quảng cáo rằng “kiểu của hoạ sĩ Lê-Phổ”, không rõ là kiểu do ông Lê Phổ tạo mẫu hay hoạ sĩ chỉ tư vấn lựa chọn các kiểu “áo dài Le Mur” có sẵn trên đặc san Đẹp. Tuy nhiên, ông Hiền cho biết đã từng đến thăm vợ của hoạ sĩ Lê Phổ khi có dịp đến Paris, và được bà khẳng định rằng hoạ sĩ Lê Phổ chưa bao giờ sáng chế hay vẽ kiểu áo dài.

cải cách y phục Le Mur

Quảng cáo của hiệu may Marie đăng trên tuần báo Ngày Nay, số 77, 19 tháng chín, năm 1937. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu

Tiếng nói truyền thông và công chúng

Sau khi chính thức ra mắt chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô” trên số 85 (Số Mùa Xuân) ngày 11/2/1934, toà soạn báo Phong Hoá ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến từ độc giả, có phản biện, có khen chê lẫn công kích. Trong số các thư gửi về toà soạn sớm nhất, có bức thư của một người tên Nghị đưa ra nhiều nhận xét trái chiều về “cải cách y phục của phụ-nữ”, do đó toà soạn báo Phong Hóa ngay lập tức hồi đáp trên trang nhất, số 89 ra ngày 16 tháng 3 năm 1934, viết bởi nhà báo ký tên Nhị Linh. 

Ông Nghị – theo cách nhà báo Nhị Linh gọi, không hẳn là tên riêng mà có thể liên quan đến chức danh, bởi, trong bài viết có nhắc rằng: “Cái thời kỳ ông ở nghị viện chẳng làm cho ông được thêm kiến thức là mấy về những chính sách nọ, chính sách kia”. 

Nhà báo gác lại vấn đề “sự cải cách trong dân quê” mà ông Nghị nêu ra, nhưng cuối bài cũng có phần lạm bàn về việc này để bảo vệ phong trào cải cải y phục Le Mur là “hoàn toàn có tính cách phổ thông”. Mặc dù đồng tình với sự “tiện gọn và giản dị bằng lối âu phục” trong y phục đàn ông thời bấy giờ, nhưng nhà báo thẳng thắn phản bác sự chỉ trích của ông Nghị về giá trị phổ thông của các bộ quần áo lối mới vẽ bởi hoạ sĩ Cát Tường. Trích rằng: 

cải cách y phục Le Mur

Vì là một phong trào cải cách y phục phụ nữ, nên rất nhiều độc giả nữ của làng báo chí trên khắp cả nước đều quan tâm đến vấn đề này. Trên trang nhất số báo 235, ra ngày 22 tháng 3 năm 1934, toà soạn Phụ Nữ Tân Văn thông báo với độc giả rằng: (và gần như từ đó về sau không hề quan tâm đến phong trào cải cách y phục Le Mur)

cải cách y phục Le Mur

Trong làng báo Sài Gòn, tiếng nói canh tân của tuần báo Phụ Nữ Tân Văn (1929 – 1935) rất có sức định hướng và nhiều ảnh hưởng đến văn hoá, xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đây là tờ báo phụ nữ tư nhân xuất bản tại Sài Gòn, chủ trương đấu tranh cho nữ quyền, vận động mạnh mẽ trong việc học viết chữ quốc ngữ và tiến bộ tri thức của phụ nữ Việt. Người sáng lập và chủ nhiệm tờ báo là bà Nguyễn Đức Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh), cùng  chồng là ông Nguyễn Đức Nhuận. Tại toà soạn ở số 42 Rue Catinat (tức đường Tự Do trước năm 1975, và đổi thành Đồng Khởi sau 1975) còn là chi nhánh của hiệu Nguyễn Đức Nhuận, kinh doanh các loại tơ lụa, vải vóc trong và ngoài nước của ông bà Nhuận, đồng thời là nơi từng có dịp đón tiếp Thi hào Ấn độ Rabindranath Tagore ghé thăm vào năm 1929. 

cải cách y phục Le Mur

Ý kiến của độc giả “Cô H.T.C” gửi đến toà soạn báo Phong Hoá, đăng ở số 93, ngày 13 tháng 4 năm 1934. Nguồn: news.hoasen.edu.vn

Sau phản hồi của nhà báo Nhị Linh ở số 89, tờ Phong Hoá ngày 16 tháng 3 năm 1934; đến tháng 4 cùng năm, tuần báo Loa có đăng một bài bàn về “Ông Lemur cùng y phục phụ nữ” của ông Thanh Lâm, trên số 11, phát hành vào thứ năm ngày 26 tháng 4 năm 1934. 

Báo Loa ra đời khoảng đầu năm 1934, do ông Bùi Xuân Học thành lập (ông Học là chủ nhiệm Hà Thành Ngọ Báo), vì lý do nào đó vốn đã không ‘thuận mắt’ tuần báo Phong Hoá. Trong mục “Cuộc Điểm Báo và Điểm Sách Mùa Xuân”, số 87 ngày 2/3/1934, nhà báo Tứ Ly có nhận xét về báo Loa với nhiều ý kiến châm chọc như “báo Loa ra đời có một cái đặc sắc không giảng nghĩa nổi tên mình”, “một tên lính mới trong làng báo” hay “Loa (l’oie) là con ngỗng”…

Trên kho báo chí số hoá của Thư Viện Quốc Gia Việt Nam không có số 11 báo Loa, tuy nhiên, tìm thấy trên tờ Hà Thành Ngọ Báo số 1989, ngày 23 tháng 4 năm 1934 có đề cập đến trong mục giới thiệu những bài báo mới mà độc giả nên đón xem. Và bài báo của ông Thanh Lâm sẽ mở ra bức thư do chính hoạ sĩ Le Mur trả lời, đăng công khai trên tờ Phong Hoá để độc giả cùng biết. 

cải cách y phục Le Mur

Phong hoá, số 101, ngày 8 tháng 6 năm 1934. Nguồn: news.hoasen.edu.vn

Phần đầu “Bức Thư Trả Lời Ông Thanh Lâm”, hoạ sĩ Cát Tường nhắc lại việc ông Thanh Lam “viết đầy bốn trang giấy bài sích và chế riễu những kiểu y phục phụ nữ mới” của ông Cát Tường trên “số Loa vừa rồi” (tức là sau số Loa 11 ngày 26/4/1937), xoay quanh 3 điều chê bai. Do vậy, hoạ sĩ Cát Tường đành trả lời thư để tránh bị cho là khinh người, cũng như phản biện 3 điều mà ông Lâm đã yêu cầu.

cải cách y phục Le Mur

cải cách y phục Le Mur

Ngày Nay là một tờ báo khác do nhóm Tự Lực Văn Đoàn lập ra. Ngay từ số đấu tiên ra ngày 30/1/1935 đã đặc biệt đề cao đến phong trào cải cách y phục phụ nữ. Trang bìa là ảnh chụp người mẫu “Áo mới mùa xuân” của Le Mur. Đến trang thứ 3 là bài viết có tựa “Quần Áo Mới” của tác giả Việt-Sinh, nội dung nói về cái sự cải cách y phục của phụ nữ trong thời gian qua và ủng hộ sự đổi mới các “mốt” quần áo, “có khác nhau mới có nhiều kiểu đẹp, có thay đổi mới có sự tìm tòi vẻ đẹp mãi mãi”

cải cách y phục Le Mur

cải cách y phục Le Mur

Ở trang thứ 4 là bài phỏng vấn bà Trịnh Thục Oanh nói về thời trang, do nhà báo Đoàn Tâm Đan thực hiện, có ảnh minh hoạ kiểu cổ áo và cổ tay áo lối mới hai màu, chụp bởi hiệu ảnh Hương Ký. Trong bài phỏng vấn, bà Oanh có nhắc đến “áo mùi, san trắng là “mốt” năm 190, năm đã xa lắc xa lơ…”, những năm mà “chị em ta chỉ biết quanh quẩn trọn các hàng mầu để may quần áo thay vào mùi đen tối tăm, những vẫn chưa tìm được kiểu quần áo thích hợp với thân thể…” cho đến khi có “hai nhà-mỹ-thuật Cát-Tường và Lê-Phổ” chế kiểu áo thích hợp với thân thể, được nhiều người theo nên đã thành mốt mới. 

cải cách y phục Le Mur

Phỏng vấn bà Trịnh Thục Oanh, báo Ngày Nay, số đầu tiên, ngày 30 tháng 1 năm 1935. Nguồn: news.hoasen.edu.vn

Sau nhiều bài báo chỉ trích sự cải cách y phục Le Mur bởi ông Thanh Lâm đăng trên báo Loa, và phản hồi của các nhà báo tờ Phong Hoá trong năm 1934, tiếp đó là tờ báo Ngày Nay ra đời vẫn thúc đẩy phong trào cải cách y phục phụ nữ, nhưng ‘cuộc bút chiến’ không dừng lại khi chủ nhiệm báo Loa càng lên bài châm biếm nhiều hơn. 

Liên tiếp 3 số, tuần báo Loa dành hai trang đầu để bình phẩm về phong trào cải cách y phục phụ nữ của hoạ sĩ Le Mur. Đầu tiên là chỉ trích về “Bộ Cánh Tân Thời”, tiếp theo đó là các chủ đề “Chuyện Cái Quần Xẻ Lườn” và “Cái Vạt Con, hay là cái tính đố khó giải”

Trích bài “Bộ Cánh Tân Thời” đăng trên trang nhất số 74, ngày 18 Tháng Bảy 1935: 

cải cách y phục Le Mur

cải cách y phục Le Mur

Số tiếp theo, ra ngày 25 tháng 7 năm 1935, bài “Chuyện Cái Quần Xẻ Lườn”, trích Loa viết: 

cải cách y phục Le Mur

Mặc dù chỉ trích y phục tân thời kiểu Le Mur nhưng toà soạn báo Loa cũng tỏ rõ sự ủng hộ đối với việc cải cách y phục nữ. Các ảnh chụp đăng nguyên trang, hay hình vẽ minh hoạ quảng cáo y phục lối mới đăng trên báo Loa trong những năm 1935 – 1936, đã thể hiện phong trào cải cách (lãnh đạo bởi Phong Hoá, phát động bởi hoạ sĩ Le Mur) có ảnh hưởng đến Loa, mà ban đầu vốn là một tờ báo ít nhiều phản đối sự “lai tây” trong y phục phụ nữ Việt.

cải cách y phục Le Mur

Trái: Bức ảnh thiếu nữ mặc áo dài tân thời, tên “Soi Gương”, chụp bởi Lê Đình Chữ, đăng trên báo Loa, số 89, ngày 31 tháng mười năm 1935. Phải: Cô Lý Lệ Hà mặc bộ áo được giải nhất trong cuộc thi Hội Chợ Tơ Lụa Hà Đông, đăng trên báo Loa số 90, 7 tháng mười một năm 1935. Nguồn: news.hoasen.edu.vn

cải cách y phục Le Mur

Quảng cáo may áo kiểu mới và kiểu cũ của hiệu Phúc Thịnh, đăng trên báo Loa, 10 Tháng Hai 1936. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

‘Cất tiếng nói’ khá muộn trước sự náo động của phong trào cải cách y phục Le Mur trong làng báo Hà Thành, mãi đến số Mùa Xuân Bính Tý năm 1936, Công Luận Báo (hay nhật báo Công Luận) mới trình làng bài “Y PHỤC CỦA PHỤ NỮ – Có cần cải-cách không”, thể hiện sự ủng hộ của mình, thực hiện bởi nhà báo Tố Quyên” 

cải cách y phục Le Mur

cải cách y phục Le Mur

Công Luận Báo số Mùa Xuân Bính Tý năm 1936 (Tìm trên Thư Viện Báo Chí, Thư Viện Quốc Gia Việt Nam, Công Luận Báo số 7278, ngày 17 tháng 10 năm 1935). Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

cải cách y phục Le Mur

Đến số Mùa Xuân Đinh Sữu năm 1937, Công Luận Báo 7340 ra ngày 1 tháng 2 năm 1937, nhà báo Tố Quyên lại bàn về y phục, đặc biệt là “Y-Phục Phụ-Nữ Nam Kỳ. Chị em tân thời vẫn muốn mặc đẹp, nhưng lại không biết làm sao may mặc cho đúng theo ý muốn của mình!”

Phần đầu bài báo có đoạn phỏng vấn một nhà Nho lão thành ở Trà Vinh lên (trước làm việc ở Saigon, sau về Trà Vinh bốn năm năm) về y phục nữ-lưu tân tiến ở Saigon: 

cải cách y phục Le Mur

Phần phỏng vấn. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn

Song, nhà báo vẫn bày tỏ nỗi trăn trở về việc có chị em nào tìm kiếm được vài kiểu y phục mà ai ai cũng muốn lấy làm kiểu mẫu (modèle) để bắt chước may theo hay chưa. 

cải cách y phục Le Mur

 

cải cách y phục Le Mur

Sự phản đối, bài xích và châm biếm phong trào cải cách y phục Le Mur vẫn diễn ra suốt nhiều năm. Khắp bắc trung nam, dù được một bộ phận phụ nữ có trí thức như luật sư, giáo sư, bác sĩ hay các nhà báo kêu gọi phong trào nữ quyền ủng hộ, nhưng đối với một nhóm văn nghệ sĩ bảo thủ (đặc biệt là nam giới), y phục Le Mur vẫn thường bị so sánh là ăn chơi đua đòi, là thói hư tật xấu. 

Khi tờ báo trào phúng Vịt Đực của nhà văn Vũ Bằng ra đời, ngay từ số đầu tiên, nhà văn (lấy bút danh Tiêu Liêu) đã viết một bài đả kích vào trào lưu “Mốt” của chị em phụ nữ

cải cách y phục Le Mur

Vịt Đực là một tờ báo trào phúng có giọng điệu chế giễu, châm biếm mạnh bạo, ra đời số đầu tiên vào ngày 22 tháng 6 năm 1938, đến số 53 ngày 18 tháng 7 năm 1939 thì dừng hẳn. Theo chủ trương của nhà văn nhà báo Vũ Bằng và các bạn đồng nghiệp là “Đã không chửi thì thôi, đã chửi thì đối phương khôn nhất là im đi…”. Trích Bốn-Mươi-Năm “Nói Láo” của nhà văn Vũ Bằng (xuất bản lần đầu năm 1969, tủ sách Việt Nam Danh Tác, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn), tác giả viết :Chúng tôi muốn có một trình độ cao hơn thế ở tờ “Vịt Đực”, nghĩa là muốn làm tờ báo ấy thành một tờ báo chánh trị, xã hội, có một lối viết hư hư, thực thực, châm chọc nhưng không làm cho người ta tức giận, oán hờn, đùa cợt mà không làm thương tổn đến thuần phong mỹ tục”. [*2]

Thực hiện: Xu

Chú thích

[*1] Thời Pháp thuộc, trước năm 1919, Rue de la Mission còn gọi là phố Hội Thừa Sai hoặc phố Hội Truyền Giáo, thuộc thôn Báo Thiên Tự, tổng Tiền Túc (tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Năm 1919 đã đổi tên thành Rue Lamblot (phố Lam-bơ-lô), năm 1923 thì trở lại tên Mission. Sau 1945, Rue Lamblot gồm hai đoạn phố (ở giữa là Nhà Thờ Lớn Hà Nội nhìn ra phố Nhà Thờ) chia thành phố Lý Quốc Sư và Nhà Chung. Đến năm 1949 thì hai tên phố trao đổi với nhau, trở thành phố Lý Quốc Sư và Nhà Chung như hiện tại, thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 

[*2] Trong sách, nhà văn cũng có nhắc đến tình huống chọc ngoáy bà Đốc Trịnh Thục Oanh – hiệu trưởng trường nữ học ở Hàng Cót những năm 1930, và là một trong những người phụ nữ đầu tiên mặc áo dài Le Mur, mà theo nhà văn Vũ Bằng, bà “nổi tiếng một thời là tấm gương xấu cho học trò con gái lúc bấy giờ”. Trích Bốn-Mươi-Năm “Nói Láo, ông kể: “Riêng tờ “Vịt Đực”, chúng tôi muốn có nhiều bài, nhiều mục mà văn thật ngắn, sỏ người ta càng kín đáo càng hay. Nhưng nghĩ một đàng mà làm được lại là việc khác. Số người bị sỏ mỗi ngày mỗi tăng thêm. Bắt đầu là bà Đốc Trịnh Thục Oanh, lái xe đến nhà báo định giở trò lăng mạ, nhưng vì biết trước, cả tòa soạn hóa trang thành Tarzan, nên bà mắc cỡ bỏ đi, rồi đến ông bà Kề Hông, các vị tai to mặt lớn, các quan lại, các giám đốc nha, sở, các ông các bà đốc học nịnh Tây… phàm anh nào dính dáng đến Tây, bợ Tây, lấy oai Tây ra ăn hiếp đồng bào, chúng tôi đều “cân” hết.” 

 

Ảnh bìa 

Name: Võng – Tranh sơn dầu trên canvas, 198,5 x 301cm, năm 1938, Hà Nội. Tranh vẽ bởi hoạ sĩ người Pháp Joseph Inguimberty (1896 – 1971), từng là trưởng khoa Hội Hoạ của trường Mỹ Thuật Đông Dương. Nguồn: sggp.org.vn

Thực hiện bài viết: Xu