Thời trang có nên “tập làm quen” với công nghệ AI?

Ngày đăng: 23/02/23

Sự thành công của việc kết hợp giữa AI và thời trang trên Twitter dự đoán sự xuất hiện của một công nghệ mới trong ngành, hoặc có thể không.

Trong vài tháng qua, công nghệ do AI tạo ra đã trở nên phổ biến khi các mạng xã hội gần đây đã phát hiện ra một số khả năng vô hạn của nó. Từ ảnh chân dung tự tạo nhờ AI, đến ChatGPT, đến Trình tạo ảnh nghệ thuật và hình ảnh AI, nhiều chương trình trong số này đang dần chiếm lĩnh thị trường. Trong lĩnh vực thời trang, việc khám phá rộng hơn về lĩnh vực này gần đây đã bắt đầu phát triển với tốc độ cấp số nhân. Thị trường toàn cầu của AI trong lĩnh vực thời trang được báo cáo ở mức 270 triệu USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng lên 4,4 tỷ USD vào năm 2027.

Mia Valentines – nhân vật thời trang ảo được tạo ra bởi AI

Trong vài tuần qua, hơn bao giờ hết, chúng ta cũng đã thấy rất nhiều công nghệ do AI tạo ra trên các bảng tin hàng ngày của chúng ta. Điều này bao gồm một loạt các bài viết xã luận thời trang do AI tạo ra, các xu hướng thời trang do AI tạo ra, và đáng tin cậy nhất trong số đó là tất cả các màn hợp tác thời trang do AI tạo ra.

Cách đây không lâu, một trong những màn hợp tác giả tưởng gây thuyết phục nhất xuất hiện trên internet là sự kết hợp giữa Simone Rocha x Nike AI được tạo bởi trang @ai_clothingdaily, đã trở nên vô cùng viral, không chỉ vì đây là mối quan hệ hợp tác có khả năng xảy ra trong đời thực mà còn vì những đôi giày được tạo ra thực sự ấn tượng. Bài đăng có hàng trăm người chia sẻ hình ảnh, và những người không đọc kĩ chú thích thậm chí còn hỏi họ có thể mua đôi giày này ở đâu.

Đôi giày Simone Rocha x Nike được tạo ra bởi AI

Một trường hợp khác gần đây hơn là sự ra mắt của giày Tiffany&Co hợp tác với Nike. Trước khi ra mắt, một làn sóng các nghệ sĩ AI trên Twitter đã sáng tạo và tưởng tượng ra đôi giày rất được mong đợi này sẽ trông như thế nào. Kết quả được tạo ra là tất cả các kiểu phiên bản thú vị và đầy tham vọng của Nike Air Force 1, bao gồm những đôi giày thể thao Tiffany Blue từ chất liệu da, lì, bóng và nhiều loại chất liệu khác. Kỹ thuật số đã nâng tiêu chuẩn của đôi giày lên cao đến mức khi sản phẩm thực tế được phát hành – một đôi giày thể thao da lộn màu đen đơn giản với dấu tích màu xanh Tiffany – phản hồi của công chúng không gì khác ngoài một làn sóng thất vọng lớn. 

Các phiên bản kết hợp giả tưởng giữa Tiffany&Co và Nike được tạo ra bởi AI
Phiên bản thực tế chính thức

Hai tình huống này (Simone Rocha x Nike và Tiffany&Co x Nike) có thể khác nhau về chi tiết, nhưng đặt ra những câu hỏi giống nhau: Liệu hình ảnh AI có thể tạo ra những kỳ vọng không thực tế cho người tiêu dùng không? Các nhà thiết kế có nên tìm đến AI để lấy cảm hứng không? Và việc các nhà thiết kế lấy cảm hứng hoặc làm việc với trí tuệ nhân tạo sẽ có đạo đức nghề nghiệp như thế nào?

Liệu hình ảnh AI có thể tạo ra những kỳ vọng không thực tế cho người tiêu dùng không? Các nhà thiết kế có nên tìm đến AI để lấy cảm hứng không?

Mối quan tâm của ngành thời trang đối với công nghệ hiện đại mới bắt nguồn từ khả năng thực sự vô hạn, và cũng có một vài lập luận để bảo vệ quan điểm này. Chẳng hạn như thực tế là bất kỳ ai cũng có thể tạo ra Nghệ thuật AI, điều sẽ giúp cho càng nhiều người dễ dàng tiếp cận với nghệ thuật hơn, và đó có nghĩa là một người không cần phải có bằng cấp về nghệ thuật hoặc thời trang để trở thành nhà thiết kế. Các công cụ do AI tạo ra cũng được cho là thúc đẩy con người trở nên sáng tạo hơn, và trong trường hợp không có ví dụ sẵn hoặc không tồn tại các nguồn tham khảo trực quan, nó có thể được sử dụng để hình dung những gì trong tâm trí của nhà thiết kế, giúp họ thực hiện quy trình thiết kế một cách hiệu quả. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, các chương trình AI tồn tại ngày nay cũng không gây ra mối đe dọa hợp lý nào trong việc thay thế công việc của con người.

WWD gần đây đã bác bỏ lý thuyết này và trích dẫn rằng: theo một nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Pusan, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giữa thiết kế do con người tạo ra và thiết kế do AI tạo ra cho thấy rằng mặc dù cả hai thiết kế đều giống nhau, sự khác biệt lớn nhất là tính độc đáo. Và tính độc đáo này được thấy trong các thiết kế của con người, đến từ trải nghiệm của con người. 

Với tất cả những ưu điểm được xem xét, có vẻ như công nghệ AI có thể được giới thời trang bật đèn xanh ngay lập tức. Tuy nhiên, khi nhìn tổng quan hơn hơn, không thể tránh khỏi những lo ngại đi kèm với nó. Cuộc tranh luận chống lại AI trong thời trang cũng đáng quan tâm, vì nó đặt ra các câu hỏi về bản quyền, tính nguyên bản và tính xác thực.

Mặc dù thời trang là một ngành không ngừng phát triển, nhưng nó cũng là một ngành bắt nguồn từ truyền thống. Những câu chuyện về Issey Miyake chế tạo chiếc váy liền thân đầu tiên của mình, hay Alexander McQueen tạo ra một số bộ sưu tập vĩ đại nhất của mình từ nguồn cảm hứng của những người bình thường làm những công việc hàng ngày, là một trong những kho báu lớn nhất của ngành. Có một giá trị to lớn xung quanh tính độc đáo, nguyên bản, và xung quanh việc sở hữu khả năng và kỹ năng để tạo ra cả một thế giới từ con số không. Công nghệ AI đại diện cho những thứ trái ngược lại với điều này, đối với nhiều người, nó được coi là lối tắt dẫn đến sự sáng tạo. Điều này buộc chúng ta phải suy ngẫm: liệu sự trỗi dậy và tồn tại của công nghệ AI trong thời trang có làm giảm giá trị của các phương pháp thiết kế truyền thống?

Liệu sự trỗi dậy và tồn tại của công nghệ AI trong thời trang có làm giảm giá trị của các phương pháp thiết kế truyền thống?

Chúng ta hãy cùng xem xét và so sánh các thực tế giả định của hai nhà thiết kế khác nhau: một người đã thuê một chuyên gia AI, người mà họ đã gửi một vài từ khóa và nhận được những hình ảnh do AI tạo ra, rồi sử dụng để tạo một bộ sưu tập thời trang thực tế; trong khi người kia đã dành hàng tuần hoặc vài tháng để thu thập cảm hứng, họ sẽ diễn giải thành các bản phác thảo, sau đó sẽ được đưa vào sản xuất. Người ta có thể lập luận rằng bộ sưu tập thứ hai có giá trị hơn vì khối lượng sức lao động đã được bỏ ra. Vậy có nghĩa là sau đó chúng ta phải xem xét kỹ xem, liệu hai nhà thiết kế này có nên được nhìn nhận ở cùng một cấp độ hay không. 

Công nghệ nhân tạo là một phần không thể tránh khỏi trong tương lai của thời trang, vì vậy chúng ta sẽ cần học cách chung sống với nó. Điều này có thể có nghĩa là tìm ra các giải pháp như khuyến khích các nhà thiết kế sử dụng các phương pháp truyền thống nhẹ nhàng, hoặc yêu cầu các nhà thiết kế nào sử dụng AI tiết lộ điều này (việc sử dụng AI trong thiết kế) trước khi công bố sản phẩm. Tất cả với mục đích tìm kiếm sự cân bằng, để tôn trọng công việc của các nghệ nhân truyền thống, đồng thời cởi mở để đón nhận những biên giới mới của công nghệ.

Thực hiện: Lexi Han

Theo NSS Magazine