Thời trang giới tính linh hoạt (Gender fluidity): Quá khứ và tương lai

Ngày đăng: 11/07/22

Giới tính là thứ được mặc định từ khi chúng ta vừa sinh ra. Sau đó, chúng ta làm quen với các “luật bất thành văn”: màu hồng dành cho bé gái, màu xanh dành cho bé trai, nữ thì phải mặc váy và nam phải mặc quần.

Người ta nghiễm nhiên dùng màu sắc và kiểu dáng trang phục để đoán giới tính một đứa trẻ. Chính vì thế, từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, chúng ta mỗi lần chọn trang phục, đều phải tuân theo các “chuẩn mực giới tính”.

Ngày nay, các “chuẩn mực giới tính” này đang bị thách thức bởi phong trào gender-fluid với sự sắp xếp lại phổ giới và mở rộng tư tưởng về cách biệt thời trang giữa nam và nữ. Chúng ta có Millennials và Gen Z – những thế hệ có tư duy tiến bộ và cởi mở – những cá nhân không thích rập khuôn chính mình, đề cao sự tự do và khao khát được thể hiện bản thân. Chúng ta đang chào đón một thế giới mới, một thế giới cởi mở hơn về giới tính, xu hướng tính dục, và sở thích.

Khi “linh hoạt giới” xuất hiện trước cả “phân biệt giới”

Nhà triết học Judith Butler và các nhà lý thuyết về giới cũng đã đóng góp vào sự phát triển của khái niệm này bằng cách tuyên bố rằng định nghĩa về giới được cấu thành từ xã hội. Trong lịch sử, dù chưa được “điểm mặt gọi tên”, nhưng khái niệm cởi mở giữa hai giới tính đã luôn tồn tại khi mà giày cao gót đã từng rất phổ biến với đàn ông, và ngay cả việc trang điểm cũng từng rất bình thường với cả nam và nữ trong xã hội Ai Cập cổ đại.

Vua Louis XIV của Pháp với mái tóc xoăn bồng bềnh và đôi giày cao gót

Ở xã hội phong kiến, đàn ông và phụ nữ thuộc các cùng một tầng lớp xã hội giống nhau phần lớn đều ăn mặc giống nhau, vì với họ, quần áo, trang phục, ngoài sự tiện dụng, còn là sự sự phô trương quyền lực và địa vị. Trang phục thời điểm này hoàn toàn không có bất kỳ liên kết nào với giới tính.

Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của phong trào Khải Mông (thế kỉ 17 đến thế kỉ 18), xã hội Châu Âu bị bao phủ bởi chủ nghĩa lý tính và dân chủ, dẫn đến sự bùng nổ của Cách mạng Pháp năm 1789, lật đổ chế độ vương quyền chuyên chế và thiết lập một chính thể cộng hòa dân chủ. Ý tưởng về “tự do, bình đẳng, bác ái” cũng ảnh hưởng đến nghệ thuật đương đại cùng quần áo và trang sức, mọi người đã từ bỏ sự cường điệu sang trọng của thời kỳ Rococo và ủng hộ cho phong cách trang phục tự nhiên, đơn giản.

Khi đó, người đàn ông không còn đội tóc giả và đi giày cao gót, mà thay thế bằng mũ và ủng dài. Xu hướng suy nghĩ tự nhiên và bình thường cũng ảnh hưởng đến quần áo của phụ nữ; áo khoác, váy và áo nịt ngực đều bị gỡ bỏ, chuyển sang áo choàng với tay áo ngắn, vừa vặn với thân người.

Thời kỳ trang phục làm nổi bật đặc điểm giới tính

Khi mà trang phục được đơn giản hóa hơn do sự thiếu thốn về nguyên liệu vải và thời kỳ xã hội mới, sự khác biệt về vai trò giới tính trong trang phục lại trở nên nghiêm ngặt hơn trước. Tuy cùng ưu tiên sự tiện lợi và dễ dàng vận động, nhưng do lối suy nghĩ “đàn ông là trụ cột gia đình và làm những việc nam tính, thì phụ nữ được dạy để trở thành người nội trợ, với trách nhiệm nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình”, đã dẫn đến sự tồn tại của hai khái niệm riêng biệt được gán cho hai giới: mạnh mẽ, nhanh nhẹn đối với phái nam, và dịu dàng, quyến rũ đối với phái nữ. 

Sự xuất hiện của Gender-fluid 

Gender-fluid được cho là đã xuất hiện từ những năm 1980. Khái niệm này trở nên phổ biến khi nó nhấn mạnh tới việc giới là phi nhị nguyên (non-binary), không chỉ có nam hoặc nữ. Không phải lúc nào con người cũng bị ràng buộc bởi các đặc điểm sinh học của giới tính.

Năm 1990 với sự hồi sinh mạnh mẽ của những phong trào có phần “nổi loạn” như punk và grunge, những phong trào nhắm thẳng các chuẩn mực xã hội và nổi dậy chống lại những khuôn mẫu cố định, sự phân biệt giới tính trong trang phục mới dần được xóa nhòa. Đây là lúc mọi người bắt đầu chấp nhận khái niệm quần áo không phân biệt giới tính. Không chỉ phụ nữ có thể mặc tuxedo mà ngay cả nam giới cũng bắt đầu thử vẻ ngoài bớt bảo thủ hơn với áo sơ mi thời Edward và quần skinny có họa tiết và màu sắc vui tươi.

Câu chuyện lịch sử thời trang thế kỷ 20: Từ sự tôn sùng vẻ đẹp gợi cảm đến phong cách siêu giản dị vào cuối những năm 90 - Ảnh 9.
Người mẫu Twiggy với vẻ đẹp lưỡng tính đã tạo nên cả một xu hướng thời kì này.
Yves Saint Laurent và bộ Le Smoking
Yves Saint Laurent và nữ diễn viên Pháp Catherine Deneuve trong thiết kế Le Smoking
The Tuxedo for womenswear by Yves Saint Laurant
Thiết kế Tuxedo kinh điển của nhà YSL

Nhưng khác với unisex, chỉ bao gồm những kiểu dáng trang phục đơn giản và bảng màu trung tính nhằm “che giấu” giới tính, gender-fluid là những tâm hồn nghệ thuật sẵn sàng thúc đẩy tính nam và nữ trong con người mình đến mức cao nhất. Những người theo đuổi gender-fluid không giới hạn phong cách trong bất kỳ một khái niệm giới tính nào, họ dạo bước qua lại giữa tủ đồ của nam và nữ theo một cách ngẫu hứng, để tìm ra bản phối trang phục bất ngờ nhất của mình.

David Bowie trong tour diễn Ziggy Stardust
David Bowie mặc áo lụa in hoa trong chuyến lưu diễn Ziggy Stardust năm 1973

Tương lai của Gender-fluid: không chỉ đơn thuần là tồn tại trên sàn diễn

Chuỗi Tuần lễ thời trang Xuân-Hè 2022 vừa qua đã cho thấy một cái nhìn trung lập về giới tính. Giờ đây, sự linh hoạt về giới không chỉ là một lý tưởng của các nhà thiết kế trên sàn diễn mà đã thực sự bước ra đời thường với sự tiên phong của các tín đồ.

nam mặc đầm nữ phi giới tính

thời trang phi giới tính ở tuần lễ thời trang

thời trang đường phố phi giới tính

thời trang phi giới tính unisex

Tuần lễ thời trang London đã thông báo rằng họ sẽ không phân chia sự kiện riêng cho đồ nam và đồ nữ bắt đầu từ năm nay. Ranh giới và quy tắc trở nên thật mờ nhạt trên những bản phối mang hơi thở đường phố. Tất cả các bản dạng giới đều được tự do thể hiện với váy vóc, bèo nhún, suit hay cà vạt,… Điều này hứa hẹn nhiều điều thú vị cho thời trang 2022 và cả tương lai. 

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo Heuritech