Thời trang hậu COVID-19: Lý giải đằng sau hành vi mua sắm “phục thù”

Ngày đăng: 12/10/21

Thời trang hậu COVID-19 chứng kiến những cơn bão mua sắm đổ bộ về các trung tâm thương mại và cửa hàng thời trang. Dự đoán làn sóng mua sắm “phục thù” này sẽ kéo dài cho đến hết năm.

Những ngày gần đây, cả nước đang mở cửa trở lại và đi vào hoạt động bình thường. Nhìn dòng người đổ ra đường tất bật với cuộc sống mới sau 4 tháng giãn cách, chúng ta hy vọng cho sự khởi sắc trở lại của nền kinh tế. Một điểm đáng chú ý ở thời điểm hậu đại dịch này là sự chuyển dịch đáng kể của số lượng người đứng xếp hàng ở các cửa hàng nhu yếu phẩm sang các trung tâm thương mại và cửa hàng thời trang để… mua sắm “phục thù”. 

Thời trang hậu COVID-19: Lý giải đằng sau hành vi mua sắm “phục thù”
Hàng dài bất tận khách chờ thanh toán tại ZARA

Mua sắm thời trang nhộn nhịp trở lại

COVID-19 đã trao cho thương mại điện tử một cơ hội phát triển đột phá. Nếu như trước kia, chúng ta quen với việc ra các cửa hàng để nhìn ngắm và cảm nhận sản phẩm trực tiếp trước khi quyết định mua thì thương mại điện tử mùa COVID đưa mọi thứ trên sàn đến nhà bạn chỉ với những cú click chuột hay chạm nhẹ qua màn hình cảm ứng. Phải thừa nhận rằng, đại dịch là một khó khăn nhưng cũng là một cơ hội tuyệt vời để các thương hiệu phát triển và hoàn thiện mảng mua bán trực tuyến với những tính năng, giao diện được thiết lập hoàn hảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng. Càng nhiều người cảm thấy tin tưởng và thoải mái với việc mua quần áo trực tuyến mà không cần thử đồ hay đối mặt với những mệt mỏi khi mua hàng truyền thống như xếp hàng, chen chúc, chờ đợi hay những lo ngại về tiếp xúc không an toàn thời điểm dịch bệnh. Và thương mại điện tử cũng chính là “cứu cánh” chủ chốt duy trì sự sống của các thương hiệu ở thời điểm không ai được ra khỏi nhà.

Sau nới lỏng giãn cách cũng như cho phép giao nhận hàng hóa, số lượng đơn hàng trực tuyến cũng tăng đột biến và bên cạnh đó số người đổ ra các cửa hàng mua sắm cũng nhiều vô kể. Những tưởng mua sắm trực tuyến tiện lợi như vậy thì tại sao hậu đại dịch người ta lại đổ xô đứng xếp hàng trong các trung tâm thương mại hay cửa hàng thời trang để “rước” vào người những mệt mỏi đã từng khiến họ phàn nàn lúc trước? Có thể thấy các cửa hàng thời trang của ZARA, Uniqlo, H&M… tấp nập người ra vào, hàng chờ thanh toán thì kéo dài đằng đẵng và thỉnh thoảng vẫn có những lời cảm thán thốt lên vì “hàng quá dài”, “người quá đông”, “chờ quá lâu”..

Sự thật đằng sau là gì?

Thời trang hậu COVID-19: Lý giải đằng sau hành vi mua sắm “phục thù”
Hàng dài người mua sắm xếp hàng trước cửa hàng Uniqlo (Hồ Chí Minh)

Mua sắm trực tuyến thiếu những trải nghiệm khách hàng cần

Có thể khẳng định chắc chắn rằng mua sắm trực tuyến sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn mua sắm truyền thống, đặc biệt là trong thời trang. Ngày nay, người ta mua quần áo không chỉ là để mặc, họ có một nhu cầu cao hơn về trải nghiệm cũng như kết nối với nhãn hàng. Thật khó để thay thế được cảm giác thích thú, bất ngờ khi tìm ra được một món đồ hay ho nằm đâu đó trong cửa hàng với việc mua sắm trực tuyến. Thời trang không còn là một công cụ che chắn mà còn để thể hiện bản sắc cá nhân hay khẳng định đẳng cấp. Mua hàng ở cửa hàng cho phép người mua trải nghiệm một cách chân thật nhất không chỉ chất lượng của sản phẩm mà còn là tinh thần của thương hiệu, những tiện ích và đãi ngộ không tài nào mua được qua mạng. Mua sắm truyền thống đem lại một cảm giác thỏa mãn rất lớn, đặc biệt là về mặt cảm xúc. 

Thời trang hậu COVID-19: Lý giải đằng sau hành vi mua sắm “phục thù”

Không cần nói đâu xa, từ thương hiệu xa xỉ như Chanel đến thương hiệu bình dân như H&M, Primark… nói không với mua sắm trực tuyến. Đối với thương hiệu Primark và các thương hiệu bình dân nói chung, chi phí để duy trì bộ máy vận hành cho các đơn hàng trực tuyến quá cao so với giá trị sản phẩm khiến khách hàng e dè cũng như không bù đắp được cho doanh thu. Còn Chanel thì không bán hàng, họ bán sự xa xỉ và sự xa xỉ đó không mua được qua mạng. Và để có thể trải nghiệm được giá trị xa xỉ đó thì khách hàng bắt buộc phải ra cửa hàng. Bằng cách này, Chanel khiến nhiều người khao khát và chấp nhận chờ đợi hơn.

Và những điều này cũng áp dụng với các thương hiệu thời trang đang kinh doanh ở Việt Nam. 

Lấy lại quãng thời gian đã mất

Mua sắm “phục thù” không chỉ có ý nghĩa về mặt trải nghiệm mà còn mang ý nghĩa tâm lý nội tại. Sau khoảng thời gian giãn cách tù túng, thắt chặt chi tiêu, tối thiểu các thú vui, con người có tâm lý “giành lại quãng thời gian đã mất” bằng việc mua sắm để “tự thưởng” bởi tiêu tiền cũng là một cách yêu thương bản thân và giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh đó cũng là để tái hòa nhập xã hội, kết nối với người khác, hòa mình vào không khí của một thành phố đang từ từ hồi phục cũng như chuẩn bị cho những sự kiện và lễ hội diễn ra vào cuối năm. 

Thời trang hậu COVID-19: Lý giải đằng sau hành vi mua sắm “phục thù”

Chính hành vi này cũng thúc đẩy các thương hiệu thời trang tạo ra nhiều chương trình hấp dẫn để hấp dẫn khách hàng quay trở lại mua sắm. Đơn cử là đợt siêu sale 10/10 vừa qua, khi các trung tâm thương mại được mở cửa, các thương hiệu thời trang liên tục giảm sâu để kích cầu mua sắm. Topshop giảm 50% các sản phẩm thời trang mùa hè; H&M giảm giá 30% đối với sản phẩm giày boots, đồng thời có chương trình thu nhận quần áo cũ không còn sử dụng (bất kể thương hiệu nào) đổi một phiếu chiết khấu 15% cho một sản phẩm thời trang. Sắp tới vào thời điểm cuối năm, khi Giáng Sinh hay Tết đến, hoạt động mua sắm này có thể sẽ còn nhộn nhịp hơn nữa. 

Thời trang hậu COVID-19: Lý giải đằng sau hành vi mua sắm “phục thù”


Bài và ảnh: Mỹ Đỗ