Thời trang thuần chay có thật sự tốt cho môi trường như chúng ta nghĩ?
Ngày đăng: 25/02/22
Tất cả chúng ta đều biết lý do tại sao thói quen ăn uống xanh, ăn thuần chay đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và lẫn môi trường, nhưng khi nói đến thời trang thì sao?
Các chất liệu có nguồn gốc chủ yếu từ động vật như da, len và lụa từ lâu đã trở thành trụ cột của ngành công nghiệp thời trang xa xỉ. Tuy nhiên, khi đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường cũng như cuộc sống của nhân loại, tính bền vững được nâng cao và phát huy ngày càng nhiều. Từ đó cũng dẫn đến sự phổ biến của thời trang thuần chay cũng như chất liệu xanh, sạch an toàn và thân thiện với môi trường.
Vậy, thời trang thuần chay có thực sự tốt hơn cho hành tinh của chúng ta? Khi xem xét lượng khí thải từ nhà kính của các chất liệu làm từ động vật so với các chất thay thế thuần chay của chúng, thì câu trả lời thường là có. Ashley Gill, tổng giám đốc cấp cao tại Textile Exchange nói với Vogue: “Một số lượng khí thải đó đến từ khí metan từ quá trình tiêu hóa của bò, khí thải từ sản xuất thực phẩm và nạn phá rừng xảy ra trong chuỗi cung ứng da.”
Đó là một câu chuyện tương tự đối với hai chất liệu len và lụa (loại sau này đòi hỏi một lượng lớn năng lượng để sản xuất) – cả hai vật liệu đều đòi hỏi một lượng lớn năng lượng để sản xuất và có tác động lớn hơn đến sự nóng lên toàn cầu so với các chất thay thế tổng hợp như polyester và axetat (thường được sử dụng thay thế cho lụa), theo vào HIGG INDEX-tiêu chuẩn đánh giá tác động của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp may mặc lên môi trường, xã hội và lao động hay một công cụ dùng LCA (vòng đời sản phẩm) để đo lường và xem xét tác động của các loại chất liệu khác nhau.
Nhưng những đánh giá về sự tác động này không phải là nhân tố chính trong toàn câu chuyện về thời trang và môi trường. Gill chia sẻ: “Đồ da làm từ động vật trong nhiều trường hợp sẽ có thể tồn tại lâu hơn đồ làm từ chất liệu tổng hợp.” Thật vậy, một nghiên cứu năm 2018 so sánh tác động của bốn chiếc áo len – làm từ len, cotton, polycotton và acrylic, đã phát hiện ra rằng chiếc áo làm từ len có tác động ít nhất khi nói đến quá trình sử dụng.
Một điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ rằng dù là chất liệu thuần chay thì chúng cũng được làm từ các chất tổng hợp – một số loại da được gọi là da thuần chay thực sự là 100% nhựa (do đó, thuật ngữ Pleather, thường được dùng để chỉ “da giả”). Khi nói đến các vật liệu như polyester, acrylic và axetat, thường được sử dụng làm chất thay thế cho len và lụa, thì chúng cũng sẽ thải những chất vi nhựa ra đường nước trong quá trình giặt.
“Thuần chay không trực tiếp tác động đến tổng thể bối cảnh bền vững nào. Tất nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể mang lại lợi ích về môi trường nhưng đó không phải là mục đích của định nghĩa thuần chay” – Gill nhận xét. “Một thứ được gọi là thuần chay có thể được làm từ nhựa nguyên sinh được xử lý các hóa chất có độc tính cao – đó là điều thực sự quan trọng cần phải hiểu.”
Người đồng sáng lập Veja, Sébastien Kopp, người có thương hiệu giày thể thao đề cao tính bền vững, chuyên cung cấp cả sản phẩm thuần chay và không thuần chay, đồng ý. “Nếu bạn thay thế da bằng vải nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ, bạn có thể khẳng định mình là người yêu môi trường hơn không?” – ông nói.
Ngay cả những chất liệu thay thế được làm từ thực vật, chẳng hạn như Piñatex – da làm từ chất thải của trái dứa và Mylo – được làm từ rễ nấm,… vẫn chứa một số chất tổng hợp. Điều này dẫn đến câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra với những chất liệu này vào cuối vòng đời của chúng, vì chúng không thể phân hủy sinh học. Loại vải bông thuần chay mà Veja sử dụng “Chúng tôi đã tạo ra một giải pháp thay thế cho da dựa trên Fairtrade và bông hữu cơ của chúng tôi,” Kopp tiếp tục. “Dòng giày CWL được làm bao gồm 60% bông hữu cơ và 2% ngô. Phần còn lại vẫn là nhựa nhưng đó là một bước tiến lớn về phía trước”.
Tất nhiên, những vật liệu này vẫn còn là những “bản phác thảo ban đầu” và chắc chắn sẽ tiếp tục được cải thiện (các chất liệu thay thế 100% không có nhựa, chẳng hạn như Slow Factory’s Slowhide, cũng đang được hoàn thiện). Chúng ta cũng lưu ý rằng không phải tất cả da động vật đều có thể phân hủy sinh học, mà nó tùy thuộc vào quy trình xử lý da sống.
Mặt khác, ngày nay cũng có nhiều nỗ lực để xử lý các vật liệu làm từ động vật bền vững hơn, cho dù bằng cách “nhờ một tay” sợi tái chế hay tìm nguồn cung ứng sợi được sản xuất bằng cách sử dụng các phương pháp canh tác tái sinh, chẳng hạn như chăn thả tự nhiên. Việc tạo ra một chuỗi cung ứng minh bạch hơn sẽ rất quan trọng, như đã thấy trong báo cáo gần đây về mối liên hệ giữa da với nạn phá rừng ở Amazon.
“Tôi nghĩ rằng trong vài năm tới bạn sẽ có một chuỗi cung ứng da đáng tin cậy, từ chế biến đến truy xuất nguồn gốc đến phúc lợi của động vật,” Nina Marenzi, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận The Sustainable Angle, tổ chức đứng sau Future Fabrics Expo, bình luận. Tất nhiên, ngày nay mọi người chọn thời trang thuần chay là vì nhiều lý do tốt đẹp và đầy tính đạo đức, nhưng từ góc độ môi trường, thì vẫn chưa có câu trả lời: chất liệu nào sẽ thật sự tốt cho hành tinh này. Đó là lý do tại sao trọng tâm vào lúc này là làm cho cả nguyên liệu thuần chay và không thuần chay càng bền vững. Marenzi kết luận: “Việc lựa chọn sản phẩm cũng như quyết định đi theo thời trang bền vững là phụ thuộc vào quyết định của từng cá nhân.”
Thực hiện: Huỳnh Trân
Theo Vogue