Thrift shop và tuyên ngôn “Đẹp đâu cần đắt”

Ngày đăng: 21/08/22

Ngành thời trang tại Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19 đã có nhiều biến đổi, không còn quá chú trọng việc mua sắm quần áo mới, thay vào đó người tiêu dùng có khuynh hướng quan tâm nhiều hơn đến tái sử dụng quần áo cũ hoặc mua những món đồ mang phong cách hoài cổ với giá rẻ.

Nhờ đó mà những nơi bày bán các món đồ Vintage, Secondhand lại lần nữa leo lên thanh xu hướng của ngành thời trang trong nước. Nhiều Thrift Shop cũng hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là thế hệ Gen Z với sở thích đề cao cái tôi, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân thông qua những bộ quần áo độc – lạ, không đụng hàng. Trên mạng xã hội dần xuất hiện các content, hashtag về Thrift Shop, trào lưu đi ‘Thrifting’ ngập tràn trên Tiktok, Instagram,… Việc này đồng thời cũng giúp tối ưu hóa những món đồ cũ tưởng chừng như không thể sử dụng được nữa và đem lại sức sống, diện mạo mới cho chúng.

Vậy rốt cuộc thì Thrift Shop có mị lực như thế nào mà khiến giới trẻ say mê đếm thế? Và đâu là lý do khiến cộng đồng người yêu Thrift Shop mạnh dạn tuyên bố: “Đẹp đâu cần đắt!”? 

Thrift Shop là gì?

‘Thrift’ là một từ dùng để gọi chung cho những đồ vật đã cũ, không chỉ nói riêng về thời trang. Hoạt động đi ‘Thrifting’ không dừng lại ở việc mua quần áo, mà còn là rất nhiều món đồ khác như: băng cassette, sách, máy giặt, tivi,… Những thứ này tuy đã qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo tốt về chất lượng, hơn nữa giá thành lại rẻ và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Vì vậy hiểu đơn giản, Thrift Shop (cửa hàng tiết kiệm) là nơi bán đồ đã qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Đây là một thế giới với hàng ngàn những món đồ độc đáo, lạ mắt, thậm chí bạn có thể chưa từng được nhìn thấy chúng bao giờ.

Nguồn gốc của Thrift Shop

Quay ngược thời gian về thời kỳ mà xã hội con người còn trong cảnh nghèo đói, thiếu thốn mọi mặt và không có khả năng chi trả cho những thứ xa xỉ như quần áo, mọi người có thói quen mặc đi mặc lại đồ cũ. Cho đến khi thế giới thay đổi, xã hội ngày một hiện đại dẫn theo sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang, mọi người nảy sinh nhu cầu mua sắm quần áo mới và vì thế các món đồ cũ dần bị quên lãng, thay thế.

Chính vì vậy, đồ đạc chất lên ngày càng nhiều và trong nhà lại không còn chỗ để chứa, người ta bắt buộc phải loại bỏ bớt chúng đi. Trong số đó thậm chí có những món đồ còn rất mới, một số đã qua sử dụng, số còn lại chỉ vừa mặc được một lần duy nhất. Nhìn chung, quần áo vẫn trong trạng thái còn khá mới, chất lượng vẫn tốt và chắc chắn. Do đó, thrift shop ra đời để làm nơi trung gian giải quyết những sản phẩm thời trang cũ. Một bên làm từ thiện, một bên cũng bỏ ra một số tiền nhỏ để trả cho món đồ cũ đó – cũng là từ thiện. Nhờ được sự ủng hộ và tin cậy của hai bên, các shop này phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sự phát triển của Thrift Shop trong thời đại mới

Ngày nay, các Thrift Shops được lên kế hoạch phát triển bài bản và có chiến lược quảng bá chi tiết không kém cạnh các thương hiệu thời trang thiết kế. Thậm chí trên thế giới hiện có cả những tập đoàn và công ty lớn chuyên quản lý hệ thống, chuỗi phân phối cho các cửa hàng này. Cộng thêm mức sống, thu nhập của con người ngày một tăng cao, thì quần áo và vật dụng cũ càng chất đầy ở khắp nơi trên thế giới. Vấn đề này không chỉ phản ánh sự lãng phí trong quá trình mua và tiêu thụ sản phẩm thời trang, mà nó còn đang trực tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường vì vô số quần áo được làm từ các nguyên liệu khó tái chế, phân hủy. Vì vậy, Thrift Shop là lời giải hoàn toàn hữu ích cho tất cả mọi người, “cũ người mới ta” và giúp làm giảm lượng rác thải thời trang ngoài môi trường. 

Hơn thế nữa, Thrift là nơi lưu trữ các xu hướng thời trang của nhiều thời đại. Điển hình như gần đây những bộ trang phục mang vibe thập niên 80s, 90s thịnh hành trở lại nhờ sự phát triển của các Thrift Shops. Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự hứng thú với trào lưu này và cả giới nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng cũng công khai ủng hộ những bộ trang phục cũ đến từ Thrift Shop.

Tuyên ngôn “Đẹp đâu cần đắt!”

Hiện tại, các thương hiệu thời trang trong và ngoài nước đua nhau mọc lên như nấm, kiểu dáng thiết kế và phong cách trang phục ngày càng đa dạng, đi kèm là giá thành khá đắt đỏ. Thế nên nhiều bạn trẻ lựa chọn cách thức mua sắm tiết kiệm chi phí hơn, đó là tìm đến Thrift Shop. Bởi với cùng khoản tiền mà bạn dành ra để sắm một set đồ hoàn chỉnh hoặc thậm chí chỉ mua được một item (áo, quần, giày,..) ở thương hiệu nào đó. Nhưng khi đến Thrift Shop, bạn có thể sở hữu gấp 5 – 10 lần số quần áo đó với cùng chi phí như vậy. 

Những items được cập nhật tại các Thrift Shops cũng dần trở nên đa dạng hơn, mang tính ứng dụng cao hơn, chọn lọc chất lượng tốt hơn nhưng vẫn được bán ở mức giá vô cùng phải chăng. Hình thức mua sắm này giúp tiết kiệm được kha khá túi tiền, đặc biệt là đối với các bạn học sinh, sinh viên yêu thời trang khi nguồn kinh tế còn khá hạn chế.

Không chỉ hỗ trợ đáng kể cho “bài toán kinh phí”, nếu bạn chăm chỉ lượm lặt ở những Thrift Shop, biết đâu lại may mắn tia được những món đồ hiệu cũ được bán lại với mức giá rẻ bất ngờ. Thực tế, có không ít bạn trẻ thừa nhận rằng việc đi ‘thrifting’ như một sở thích khó bỏ và thực ra cũng không quá tốn tiền so với việc shopping thường xuyên. Mùa đông, những chiếc áo ấm như áo phao, áo dạ được ưa chuộng hơn cả vì chúng vừa đảm bảo độ ấm, vừa có những kiểu dáng thiết kế khá độc lạ chứ không hề đại trà. Nhiều khảo sát còn cho thấy, người trẻ tìm đến đồ đông thrift shop với tần suất lớn hơn hẳn so với mùa hè. 

Thực hiện: Chi Hảo


Về Chi Hảo: 

Hiện Chi Hảo đang là một Fashion Marketer với hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc cùng các Local Brand Việt. Ngoài ra, cô gái sinh năm 1996 đang định hướng phát triển như một Fashion Blogger cùng Social Project cá nhân mang tên WTH – Wear To Heal: gửi thông điệp chữa lành và self-love thông qua thời trang.


*Bài vở cộng tác bạn vui lòng gửi về hộp thư info@style-republik.com. Thông tin cộng tác viết bài vui lòng xem chi tiết tại đây