Tiếp cận thời trang bền vững: Cuộc trò chuyện với Thư Vũ, Nhà sáng lập Passii Việt Nam

Ngày đăng: 17/05/23

Trong thế giới thời trang đa dạng và phong phú ngày nay, việc tìm kiếm một mô hình kinh doanh độc đáo và có ý nghĩa không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn với cộng đồng và môi trường là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, Thư Vũ – người sáng lập của Passii, một platform thời trang thanh ký – ký gửi đang nổi lên tại Việt Nam, đã chứng minh rằng điều này hoàn toàn khả thi.

Với sứ mệnh mang đến giá trị cho những món đồ đã qua sử dụng và thay đổi cách tiêu dùng thời trang của mọi người, Thư Vũ và Passii đang tạo ra những làn sóng tích cực trong ngành thời trang Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn sau đây, nàng “Coco Chà Bông” sẽ chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, những thách thức mà cô đã gặp phải và định hướng của Passii trong tương lai. Cùng Style-Republik theo dõi cuộc trò chuyện thú vị này để hiểu hơn về mô hình thanh lý – ký gửi thời trang và cách nó đang thay đổi cái nhìn của chúng ta về tiêu dùng nhé!

Xin chào chị Thư Vũ, chúc chị một ngày mới vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Lời đầu tiên, xin cảm ơn chị vì đã dành thời gian để trò chuyện cùngStyle-Republik ngày hôm nay. Chị có thể giới thiệu một chút về bản thân mình đến các độc giả của Style-Republik? Và từ đâu mà biệt danh “Coco Chà Bông” lại đến với chị.

Xin chào các độc giả của Style-Republik. Lời đầu tiên, Thư muốn gửi lời cảm ơn đến team đã cho mình có cơ hội được trò chuyện và chia sẻ nhiều hơn về bản thân. Mình là Thư  – biệt danh khác là Coco Chà Bông. Hiện tại mình là nhà sáng lập của Passii Việt Nam – một kênh thanh lý, ký gửi và mua bán thời trang second-hand trực tuyến với hy vọng cổ vũ mọi người hình thành các thói quen tiêu dùng bền vững mới, đặc biệt là trong ngành thời trang. Đó là ưu tiên tái sử dụng quần áo khi bạn muốn lựa chọn một món đồ mới.

Chị Thư Vũ – nhà sáng lập Passii Việt Nam

Còn về biệt dành Coco Chà Bông, nó đến với mình một cách rất ngẫu nhiên và tình cờ. Trong một lần, mình muốn thay đổi tên (account) mới trên Instagram, vốn là người yêu thích thời trang, mình suy nghĩ tìm kiếm một cái tên để làm sao vừa liên quan đến thời trang, vừa mang một chút “dấu ấn” Việt Nam. Nếu ở nước Pháp có Coco Chanel, thì ở Việt Nam sẽ có Coco Chà Bông *cười*. Bản thân mình không phải một người quá nghiêm túc, cái tên này nghe cũng rất đáng yêu và hài hước, nên mình đã lựa chọn nó. Từ đó trở đi, mọi người cũng gọi mình như vậy luôn dù người thì nghĩ rằng mình thích ăn chà bông, người thì nghĩ mình kinh doanh thực phẩm.

Theo như chị chia sẻ, Passii là một mô hình theo đuổi thời trang bền vững. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều định nghĩa, rất nhiều những quan điểm khác nhau về khái niệm này. Vậy với chị, chị định nghĩa như thế nào về thời trang xanh hay thời trang bền vững mà Passii theo đuổi?

“Thời trang bền vững” là một khái niệm mà bản thân mình cũng đã từng dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ cách giải thích thật dễ hiểu cho cả những người trong và ngoài ngành thời trang. Trong tiếng Anh, người ta dùng “sustainable fashion” dành cho thuật ngữ mà chúng ta đang dịch là “thời trang bền vững” ở trong tiếng Việt. Tuy nhiên, từ “sustainable” trong tiếng Anh sẽ được hiểu sâu hơn khuôn khổ của chữ “bền vững” mang lại. 

Để hiểu về ‘thời trang bền vững’, chúng ta có thể lấy ví dụ về quá trình ‘giảm cân bền vững’. Giảm cân không bền vững có thể mang lại kết quả nhanh chóng nhưng không duy trì được lâu dài và có thể gây hậu quả cho sức khỏe. Ngược lại, giảm cân bền vững mặc dù mất thời gian lâu hơn, nhưng lại cải thiện sức khỏe, thái độ và lối sống.

Tương tự, thời trang bền vững cũng không mang lại kết quả ngay lập tức nhưng lại có những lợi ích lâu dài và không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thời trang. Trong bối cảnh thời trang nhanh đang phát triển với tốc độ chóng mặt, tạo ra thói quen tiêu dùng quá mức (over-consumption) gây đến những tác động liên quan tới môi trường và xã hội thì thời trang bền vững giống như một nút ‘pause’, giúp ngành thời trang chậm lại và suy ngẫm về những tác động đến môi trường. Những cá nhân và thương hiệu theo đuổi thời trang bền vững với mục tiêu chung là biến nút ‘pause’ này thành nút ‘reset’ để thay đổi cách vận hành của ngành thời trang hiện tại nhằm đi đến một tương lai sản xuất và tiêu dùng thời trang lành mạnh. 

‘Thời trang bền vững’ sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho con người là chính bởi vì việc ăn mặc đẹp là vô nghĩa ở một hành tinh đang chết dần đi.

Những nhà làm thời trang theo xu hướng bền vững sẽ cân nhắc hơn về tác động của sản phẩm đến môi trường, xã hội cùng với sự phát triển kinh tế. Khách hàng cũng sẽ phải suy nghĩ về việc lựa chọn sản phẩm thời trang bền vững có chi phí cao hơn nhưng lâu bền hơn so với sản phẩm thời trang nhanh rẻ hơn nhưng có thể gây hại cho môi trường. Thực hiện ‘thời trang bền vững’ cần có sự nỗ lực và kỷ luật từ cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Mặc dù không thể mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng nếu kiên trì, ‘thời trang bền vững’ sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho con người là chính bởi vì việc ăn mặc đẹp là vô nghĩa ở một hành tinh đang chết dần đi.

Thế giới đã có rất nhiều mô hình thời trang bền vững, vậy tại sao chị lại chọn Passii Vietnam – mô hình thanh lý, ký gửi thời trang second-hands là đứa con tinh thần của mình. Chị có thể chia sẻ chi tiết hơn về Passii được không?

Có nhiều lý do khiến mình bắt đầu Passii Vietnam, một trong số đó là niềm đam mê với thời trang bền vững và nhận thức về việc cần có một thay đổi trong cách tiêu dùng của mình và xã hội.

Đầu tiên, ngay từ khi học đại học, mình đã rất yêu thích thời trang và luôn muốn thay đổi phong cách của mình. Tuy nhiên, Thư đã nhận ra rằng thói quen mua sắm không ngừng nghỉ này không chỉ gây hại cho túi tiền của chính mình, mà còn gây hại cho môi trường. Điều này đã khiến mình quyết định tìm hiểu sâu hơn về thời trang bền vững và ủng hộ những thương hiệu theo đuổi mô hình này. Tuy nhiên, với tình hình tài chính lúc đó, việc mua sắm các sản phẩm thời trang bền vững có giá cao không phải lúc nào cũng khả thi. Vì vậy, mình đã quyết định chuyển hướng sang mua đồ second-hand và tìm cách tái chế chúng để phù hợp với phong cách của mình.

Ban đầu, chỉ đơn giản là mình tổ chức những buổi “garage sale” nho nhỏ với những người bạn, chúng mình cùng trao đổi những món đồ mà bản thân không mặc nữa cho nhau. Dần dần, người này truyền tai qua người kia, mô hình lớn dần, số lượng những buổi “garage sale” cũng nhiều hơn, quy mô cũng lớn hơn.

Chị Thư Vũ và đội ngũ Passii Việt Nam

Thứ hai, Thư cũng đã thấy nhiều mô hình kinh doanh thời trang bền vững thành công ở nước ngoài và muốn áp dụng những mô hình đó tại Việt Nam. Với tình hình nước mình hiện tại, tuy rằng người dân Việt Nam đang dần quan tâm hơn đến việc tiêu dùng bền vững, nhưng vẫn đang ở giai đoạn mới chớm, cần nhiều động lực (và cả áp lực) để thay đổi thói quen tiêu dùng. Vấn đề về nhận thức và thói quen của thị trường là một thử thách (theo nhận định của Thư) để Thư có thể bắt đầu kinh doanh với một mô hình bền vững – như các thương hiệu ở các thị trường lớn và chín khác. Thư nhận ra rằng, để thay đổi lối suy nghĩ về cách tiêu dùng thời trang, mình cần chọn một điểm “xuất phát” phù hợp với mọi người, đó là lý do Passii ra đời, và bản thân mình cũng tin rằng, với mô hình Passii, mình có thể giúp mọi người tiếp cận và đẩy nhanh sự phát triển của xu thế thời trang bền vững.

Cuối cùng, mình muốn tạo ra một cộng đồng nơi mọi người có thể trao đổi, mua bán và chia sẻ về thời trang bền vững, là điểm kết nối để thanh lý, ký gửi quần áo và tạo ra giá trị mới cho những món đồ đang mang giá trị “âm”. Với Passii, Thư hy vọng có thể tạo ra một sân chơi cho những người yêu thích thời trang, nơi họ có thể tìm kiếm, khám phá và chia sẻ những món đồ thú vị, đồng thời cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Passii giải quyết được nhiều vấn đề cho người tiêu dùng thời trang.

Đối với việc nhận ký gửi từ khách hàng, Passii có những yêu cầu vào về chất lượng, mẫu mã hay thương hiệu hay không?

Có rất nhiều yếu tố để Passii đánh giá khi nhận ký gửi từ khách hàng. Tại Passii, các món đồ sẽ được phân loại theo từng nhóm phù hợp và với từng nhóm sẽ có những mức chi phí khác nhau. Những sản phẩm cao cấp, có đầu tư về thiết kế, đặc biệt đến từ thương hiệu nội địa, của những nhà thiết kế Việt Nam sẽ được đưa vào thành một nhóm. Điều này mong muốn thúc đẩy thói quen tiêu dùng hay thói quen lựa chọn những sản phẩm nội địa của những nhà thiết kế Việt. Bên cạnh đó, cũng có một phân khúc dành cho thời trang đại chúng, có mẫu mã bắt mắt với những chất liệu phổ biến, có thể gọi là “thời trang nhanh”. Bởi điều này là không thể tránh khỏi khi ở Việt Nam, mọi người vẫn còn sử dụng những sản phẩm thời trang nhanh rất nhiều, nhưng Passi mong muốn có thể tái sử dụng nó, để nó vẫn có thể trở nên giá trị đối với những người cần sử dụng. Chỉ trừ những sản phẩm có tình trạng hỏng nặng không có khả năng sử dụng, hay những sản phẩm có vết ố không thể tẩy rửa hoặc mất những chi tiết không thể thay thế thì Passii sẽ không nhận. 

Một điểm cần nhấn mạnh ở đây, Passii muốn thay đổi thói quen tiêu dùng thông qua việc định giá sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ nhận thấy rằng, à, nếu mình mua một thương hiệu nội địa hay nước ngoài có chất lượng tốt, khi thanh lý mình cũng sẽ nhận được giá hời hơn, điều này giúp thúc đẩy nhận thức của họ về giá trị của thương hiệu và yêu cầu về chất lượng khi lựa chọn mua một sản phẩm thời trang.

Quy trình của một sản phẩm, từ khâu nhận ký gửi đến khi lên website bán cho người tiêu dùng, sẽ trải qua những khâu chuẩn bị nào?

Khi nhận một sản phẩm, Passii tiến hành một quy trình kiểm tra cẩn thận để đảm bảo rằng sản phẩm đó đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và sẵn sàng để đưa lên website. Đầu tiên, Passii sẽ sàng lọc sản phẩm. Sản phẩm nhận ký gửi cần phải đảm bảo là đã được giặt và phơi khô sạch sẽ, được sắp xếp cẩn thận và không cần phải chụp hình trước khi gửi. Đây là phần của cam kết cung cấp dịch vụ “nhanh-gọn-nhẹ” cho khách hàng. Khách hàng chỉ cần gửi đồ đến, và Passii sẽ chịu trách nhiệm thực hiện những công việc còn lại.

Tiếp theo, Passii sẽ lên bảng giá và gửi lại danh sách chi phí sản phẩm mà khách hàng sẽ nhận về. Khách hàng có quyền điều chỉnh lại giá của sản phẩm nếu họ cảm thấy cần thiết. Khi đã thống nhất được về giá cả và số lượng sản phẩm, Passii sẽ chụp ảnh sản phẩm và đăng nó lên website. Quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng sau đó sẽ được thực hiện bởi đội ngũ của Passii. Bằng cách này, Passii đảm bảo rằng mỗi sản phẩm được bán trên website đều đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và phù hợp với giá trị mà khách hàng mong đợi.

Là một trong những người đầu tiên tiên phong trong mô hình mua bán thời trang tái sử dụng tại Việt Nam, từ thời điểm bắt đầu cho đến hiện tại chị có gặp khó khăn nào không?

Thư đã trải qua nhiều thách thức khi thành lập Passii. Một trong những thách thức đầu tiên chính là chi phí vốn. Ngoài ra, mình còn gặp sự hạn chế về kinh nghiệm, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn trong việc quản lý và điều hành. Ban đầu, Thư nghĩ rằng việc đơn giản chỉ là đăng sản phẩm lên Instagram, nhưng khi bắt đầu thực hiện, mình nhận ra rằng việc quản lý và vận hành mỗi sản phẩm 2hands với số lượng chỉ có một chiếc, là một công việc tốn rất nhiều thời gian nếu kinh doanh theo phương thức thủ công nên cần phải đầu tư xây dựng một cơ chế vận hành cực kỳ phức tạp để có thể kinh doanh một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, mình cũng phải đối mặt với thách thức làm thế nào để thị trường biết đến Passii, và làm thế nào để duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm cho một quy mô người dùng lớn. Ngoài các yếu tố từ bên ngoài, Thư cũng phải đối mặt với những khó khăn từ chính bản thân mình. Mình còn trẻ, không chỉ không có nhiều kinh nghiệm mà còn có cái tôi lớn. Cái tôi chính là thứ ngăn cản mình học hỏi và phát triển. Ngoài ra, cái tôi cũng dễ khiến mình đi đến những quyết định không công tâm và khách quan.

Các vấn đề tâm lý cũng là một phần của thách thức, với những câu hỏi như “Thư là ai?”, “Thư có làm được không?”. Để thành công, mình cần phải trở nên đa nhiệm hơn, không chỉ dừng lại ở kiến thức về thời trang, mà còn phải hiểu về quản lý nhân sự và quản lý công ty. Tuy nhiên, từ những khó khăn này, mình lại học được rất kinh nghiệm và kiến thức.

Để thành công, mình cần phải trở nên đa nhiệm hơn, không chỉ dừng lại ở kiến thức về thời trang, mà còn phải hiểu về quản lý nhân sự và quản lý công ty.

Chị có từng nghĩ đến việc sau khi khách hàng ký gửi đồ cho Passii, tủ đồ của họ sẽ vơi đi nhiều, và họ sẽ tiếp tục mua những món đồ mới. Điều này có làm ngược lại với tôn chỉ “thời trang bền vững” mà Passii hướng đến không. Nếu vậy chị sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đầu tiên, Passii tuy là một giải pháp nhưng cũng không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề. Thực tế, chúng mình cố gắng tạo ra một mô hình kinh doanh có thể hỗ trợ cho xu hướng thời trang bền vững và đồng thời mang lại giá trị cho những món đồ cũ.

Đúng là, khi khách hàng ký gửi đồ tại Passii, họ có thể mua thêm đồ mới. Tuy nhiên, Thư tin rằng, nếu họ lựa chọn mua sắm thông minh, họ sẽ mua ít hơn, chọn lựa kỹ càng hơn và tìm kiếm những món đồ chất lượng, bền vững hơn. Đây cũng chính là mục tiêu mà Passii hướng đến. Thay vì chỉ truy cứu nhu cầu tiêu dùng ngắn hạn, chúng mình đề cao việc tạo ra một thị trường tái sử dụng vững chắc, nơi mà mọi người có thể mua và bán những món đồ cũ chất lượng mà không phải lo lắng về vấn đề rác thải hoặc tiêu dùng quá mức.

Bên cạnh đó, Passii cũng hiểu rằng, để tạo ra sự thay đổi lâu dài trong ngành thời trang, cần phải có sự hợp tác từ nhiều phía. Đó là lý do mình luôn khuyến khích sự hợp tác giữa các thương hiệu, nhà sản xuất và người tiêu dùng, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách công. Cuối cùng, giáo dục cũng là một yếu tố quan trọng. Việc truyền đạt kiến thức và ý thức về thời trang bền vững cho người tiêu dùng sẽ giúp họ hiểu và hành động phù hợp hơn.

Định hướng của chị cho Passii trong hai năm tới?

Sứ mệnh của Passii là tạo giá trị cho những sản phẩm đang có giá trị âm và trở thành lựa chọn hàng đầu khi mọi người muốn mua sắm quần áo mới. Định hướng của Passii là trở thành tiêu chuẩn để cải thiện tư duy và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thời trang đại chúng. Cụ thể hơn, Passii dự định mở rộng quy mô hoạt động, trao cơ hội kiếm tiền từ việc kinh doanh đồ second-hand cho nhiều người hơn, để không chỉ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng mà còn góp phần mang đến thu nhập cho nhiều người hơn. Passii hướng đến trở thành kênh bán lẻ có nhiều thương hiệu và mẫu mã nhất, với mức giá phù hợp với nhiều đối tượng nhất ở Việt Nam. Thông qua giải pháp này, Passii mong muốn góp phần vào sự phát triển của thời trang bền vững, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều sáng kiến khác về thời trang bền vững tại Việt Nam.

Chị có lời khuyên gì cho những Founder, start-up sắp bắt đầu hành trình của mình trên con đường chinh phục thời trang bền vững không”?

Đầu tiên, hãy sẵn sàng về tinh thần. Nếu bạn thực sự yêu thích kinh doanh và muốn theo đuổi thời trang bền vững, bạn cần có lý tưởng để kiên trì bền bỉ. Tận hưởng mỗi bước trên hành trình của mình. Thứ hai, hãy nhớ rằng thành công không đến ngay lập tức. Kiên nhẫn và tập trung vào mục tiêu của bạn là chìa khóa để vượt qua mọi thử thách. Và cuối cùng, học cách làm những việc có phần nhàm chán nhưng lại đóng vai trò không thể thiếu để một doanh nghiệp vận hành ‘bền vững’ về mặt tài chính và con người.

Hãy nhớ, phát triển bền vững không chỉ là một xu hướng, mà là một xu thế phát triển của ngành thời trang nói riêng và xã hội nói chung. Việc làm thay đổi nhận thức và hành vi mua sắm của mọi người không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nó là một hành trình xứng đáng để theo đuổi.

Cảm ơn chị đã dành thời gian quý báu để chia sẻ câu chuyện và tầm nhìn về mô hình thanh lý – ký gửi thời trang bền vững!

Thực hiện: Heidi Trương