Trò chuyện cùng NTK Ngô Hoàng Kha – Founder KHAAR: “Một thiết kế tốt, trước hết phải phản ánh được nguồn gốc của nơi chốn sản sinh và lịch sử của những cá nhân tạo ra nó”
Ngày đăng: 13/09/22
Thoát khỏi vòng quay của xu hướng thời đại, Ngô Hoàng Kha – một nhà thiết kế Việt trẻ quyết định “lội ngược dòng”, thuyết phục giới mộ điệu bằng thế giới thời trang riêng biệt của chính mình.
Nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha có lẽ là một trong những gương mặt nhà thiết kế trẻ trong cộng đồng thời trang hiện nay. Đối với các nhà thiết kế trẻ, cơ hội và những trải nghiệm học hỏi vô cùng quan trọng – những cuộc thi sáng tạo là một trong những cơ hội quý giá đó và NTK Ngô Hoàng Kha cũng không ngoại lệ. Ngô Hoàng Kha là cái tên thời trang nổi lên từ những cuộc thi như Vietnam NewGen Fashion Award 2020 hay Vietnam Design Week, từ những ngày đầu theo đuổi thời trang đến tận nay, những lần ra mắt thương hiệu riêng, Ngô Hoàng Kha vẫn trung thành và tiếp tục từng ngày gây tiếng vang với cộng đồng thời trang bằng câu chuyện “bền vững” và “vì môi trường”.
Cùng Style Republik lắng nghe những chia sẻ thú vị về cuộc sống, nguồn cảm hứng nghệ thuật và những bật mí thú vị đằng sau quyết định theo đuổi đam mê khác biệt của nhà thiết kế trẻ này nhé!
Là một nhà thiết kế trẻ nổi bật, nổi tiếng lên từ những cuộc thi và các tác phẩm thời trang tái chế, “vì môi trường”, NTK Ngô Hoàng Kha có thể chia sẻ về nguồn cảm hứng chủ đạo của bản thân trong suốt chặng đường thời trang?
Là một NTK trẻ, Kha gần như đã đặt trọn bản thân vào những gì mình làm, từ buổi đầu khi những mong mỏi về thương hiệu đầu tay mang tên mình vẫn còn nằm trên mặt giấy và chưa định hình rõ ràng. Vì vậy, trong những thiết kế của Kha luôn hiện lên nguồn cảm hứng về cội nguồn văn hóa Việt Nam, dù có được đặt trong bối cảnh nào: quá khứ hay vị lai, đóng vai trò chủ đạo hay là những nét chấm phá đây đó, mang yếu tố lịch sử hay dân gian đời thường… Kha luôn có niềm tin rằng một thiết kế tốt, trước hết phải phản ánh được nguồn gốc của nơi chốn sản sinh ra nó, và lịch sử của những cá nhân tạo ra nó.
Với dòng chảy xu hướng thời trang mạnh mẽ như hiện tại, tại sao anh lại chọn “thời trang bền vững” hay “slow fashion” để phát triển?
Thời trang là ngành công nghiệp đứng thứ hai toàn cầu về lượng phát thải ra môi trường, cũng là một trong những ngành đứng đầu trong việc sử dụng nhân lực không cần trình độ cao. Vì vậy những hướng đi về bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cá nhân, đảm bảo việc thực hành những giá trị về đạo đức cho cộng đồng hay cho nguồn nhân lực đang ngày ngày làm việc trong ngành… đều là tương lai của thời trang. Với Kha, đó là việc cần làm chứ không chỉ là một “xu hướng”.
Lý do tại sao anh lại cho ra mắt “KHAAR”? Anh có thể chia sẻ về những kỉ niệm khó quên hay những khó khăn và thách thức mà thương đã trải qua vào những ngày đầu ra mắt?
Để có thể đi đến quyết định thành lập KHAAR hồi đầu năm nay, Kha nghĩ mình cũng đã có sự chuẩn bị. Sau khi học xong, Kha đã dành hơn 4 năm để làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia về thời trang và may mặc để trang bị thêm cho mình những kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế về ngành công nghiệp này, từ mọi vị trí và phân công công việc khác nhau trong chuỗi cung ứng và sản xuất. Kiến thức chuyên môn thì sẽ không thể nào bằng những anh chị làm hàng chục năm, nhưng ít nhất Kha đã có được cái nhìn tổng quát và hình dung rõ ràng về những gì mình cần làm cho KHAAR.
Với KHAAR, mọi thứ vẫn đang là buổi đầu, nên thách thức và khó khăn đương nhiên là có, và những trải nghiệm hầu hết là khó quên, vì giờ đây, phần lớn công việc mình đều phải tự tay làm, không còn cả một team hay hệ thống hỗ trợ như trước đây nữa.
Như anh đã từng chia sẻ về định hướng của KHAAR: “Văn hóa Việt – recycling – công nghệ ảo.”, hiện nay KHAAR đã đạt được những mục tiêu này chưa?
3 yếu tố trên là những gì KHAAR mong muốn được gửi gắm vào bản thân sản phẩm, cũng như vào trải nghiệm của khách hàng. Từng bước, từng chút một KHAAR đang và sẽ đạt được những giá trị này. Chắc chắn sẽ cần nhiều hơn nữa những sản phẩm, những bộ sưu tập, những buổi trunk show, presentation, pop-up event hay show diễn để KHAAR có thể truyền tải trọn vẹn hơn những gì mình muốn kể…vì Kha không nghĩ việc hối hả nhồi nhét mọi nguyên liệu ngon vào cùng một món ăn sẽ tạo được hiệu quả tốt.

Một thương hiệu để thành công phải cần đạt được hiệu quả về doanh số, chất lượng sản phẩm và cả những câu chuyện thú vị đằng sau. NTK Ngô Hoàng Kha có nghĩ “thời trang bền vững” có thật sự đạt được được con số doanh thu hiệu quả hay không?
Sử dụng từ “bền vững” trong thời trang hay bất cứ ngành sản xuất nào đối với Kha đều mang tính “lý tưởng hóa”, mà một khi đã quy về “sản phẩm”, “sản xuất” hay “kinh doanh” thì trạng thái lý tưởng đó sẽ không sâu sát với thực tế.
Nói về “sản phẩm”, không nhất thiết 100% số lượng mẫu trong cả BST hoặc 100% yếu tố cấu thành nên nó đều phải đạt tiêu chí bền vững. Nói về doanh thu, một công ty cần tìm ra nhiều cách để đạt được con số mình cần nhằm tồn tại và phát triển. Tất cả đều xoay quanh câu chuyện “biết rõ” về những gì mình đang làm và “mưu cầu vừa đủ” những gì mình cần. “Bền vững” là một hành trình dài và kiên trì, để giải quyết những vấn đề từng chút một.
“Bền vững” là một hành trình dài và kiên trì, để giải quyết những vấn đề từng chút một.
Theo đuổi “thời trang bền vững” những thiết kế của KHAAR không chỉ là những sản phẩm chất lượng, được làm vô cùng tỉ mỉ mà còn truyền tải được văn hóa Việt vào câu chuyện ý nghĩa. Anh có thể chia sẻ về quá trình thực hiện một thiết kế hay một bộ sưu tập được không?
Hiện tại những bộ sưu tập hay thiết kế của KHAAR trong năm nay đều sẽ bám vào một ý tưởng chung là “Cội nguồn/ Bản nguyên của Người (Phụ nữ)”. Đó là sợi Tóc, hay làn Tóc – gốc rễ của con người: Tóc chứa DNA định nên danh tính, là thứ thiêng liêng nhất mà người con gái muốn giữ gìn cho tuổi xuân và cũng là thứ gắn bó gần gũi nhất với đời sống hằng ngày của mỗi người. Những sắc màu và hình thái sợi của Tóc cũng gợi nhắc về yếu tố nhỏ bé và căn bản nhất cấu thành nên một mảnh vải hay áo/quần, thứ mà NTK hay người nghệ sĩ có thể sử dụng và ứng biến linh hoạt nhất cho những sáng tạo của mình. Nhỏ nhất và nguyên bản nhất lại có thể hàm chứa nhiều giá trị bản sắc, nhận diện nhất (identity).
Để khởi đầu cho một thứ gì, Kha luôn muốn quan sát cuộc sống chung quanh mình & tìm về những gì bình thường, dễ hiểu và dễ cảm để làm mới được bản thể chúng : “Old paths, New ways”
Là một trong số ít thương hiệu hay nhà thiết kế bền vững lồng ghép được câu chuyện công nghệ vào sản phẩm của mình, anh có thể chia sẻ về lý do tại sao anh lại chọn công nghệ để đồng hành cùng con đường thời trang của bản thân?
Có thể trả lời đơn giản vì công nghệ cũng là một thứ hiện hữu trong cuộc sống của Kha vào thời điểm KHAAR manh nha ra đời. Công việc của Kha lúc đó đòi hỏi phải làm việc, thao tác, nghiên cứu và tìm tòi với công nghệ, cụ thể là công nghệ ảo hóa và số hóa những sản phẩm thời trang, từ nguyên vật liệu, quy trình tạo tác đến cả việc trình bày và trưng bày sản phẩm sau cùng. Tất cả đã cho Kha một cách nhìn và suy nghĩ mới về tương lai của thời trang, làm chủ công nghệ là làm chủ tương lai.
Anh có nghĩ “thời trang công nghệ” hay “thời trang ảo 3D” có là một lĩnh vực phát triển bền vững?
Chính xác, công nghệ ảo 3D là một trong những hướng đi cho tương lai phát triển bền vững của thời trang. Trước hết nó giúp giảm phát thải vào môi thường thông qua việc rút ngắn quá trình, cắt giảm những hao tốn về nguyên phụ liệu, và nhân lực của làm mẫu (sampling) cho sản phẩm. Chuyển đổi về hình thái cũng như chức năng của những vị trí làm việc truyền thống trong ngành. Gắn bó mật thiết với công nghệ in 3D & metaverse… Và sẽ còn nhiều nữa, khả năng là vô hạn.
Nổi bật với những dự án đem công nghệ ảo vào thời trang, anh có thể chia sẻ cụ thể, hay những khó khăn mà mình phải trong quá trình đưa giá trị ảo hay công nghệ 3D vào sản phẩm vật lý?
Ứng dụng công nghệ đồng nghĩa với việc đầu tư và cập nhật vào máy móc, thiết bị. Đó là những đầu tư cố định và dài hạn không thể không có trong buổi đầu của công việc. Ngoài ra, thử thách sẽ còn đến từ phía khách hàng và đối tác, đòi hỏi quá trình kiên trì “educate”, trau dồi từ bản thân thương hiệu về tiềm năng và lợi ích mà công nghệ sẽ mang đến.
Ngoài chiếc áo “Tết” được số hóa ra thì trong tương lai anh có thể bật mí những dự án hay sản phẩm thời trang ảo mà bản thân đang ấp ủ?
Những BST và dự án tiếp theo của KHAAR sẽ ngày càng nâng cao về số lượng mẫu ảo, cũng như dịch vụ, để khách hàng có thể tương tác nhiều hơn với thiết kế ảo 3D của KHAAR thông qua việc chọn mua hoặc mặc; ngoài ra là tự thiết kế, tự ra quyết định về mẫu mã, màu sắc, chất liệu.
Thực hiện: Mai Huỳnh Trân
Ảnh: KHAAR và NTK Ngô Hoàng Kha