Trò chuyện cùng Stylist Hensi Lê – Mạng xã hội có đang cổ súy cho việc “mì ăn liền hóa” sự sáng tạo?

Ngày đăng: 15/02/22

Stylist là một công việc sáng tạo đặc thù trong ngành thời trang nhưng còn đang bị lầm tưởng bởi nhiều kẻ ngoại đạo. Công việc styling (tạo mẫu) không chỉ đơn thuần là trang trí quần áo hay phụ kiện theo yêu cầu đề ra, nó còn là cơ hội rộng mở để sáng tạo trên nhiều phương diện thiết thực khác nhau.

Tại Việt Nam, stylist vẫn còn đang được xem là một danh xưng hào nhoáng với sự nhìn nhận chưa thấu đáo bởi ngay cả những người quan tâm đến thời trang. Trong số những stylist có thực lực lẫn tuổi nghề dày dạn, Hensi Lê là một cái tên sáng giá mà Style-republik muốn đối thoại để hiểu thêm hơn về câu chuyện làm nghề của cô.

PV Stylist Hensi Lê | So awkward, Rose | Blog cá nhân chuyên nghiệp
Stylist Hensi Lê

Chứng thực cho thành công của stylist Hensi Lê là ai?

Nhìn về quãng thời gian 2016, Hoa hậu Lan Khuê gây bất ngờ khi trở thành một trong ba huấn luyện viên của chương trình “Gương mặt thương hiệu”, ở thế đối trọng với ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Hoa hậu Phạm Hương. So với “Hoa hậu Quốc dân” Phạm Hương và “Nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà, thì Hoa hậu Lan Khuê còn là một cái tên lạ lẫm với phần đông khán giả, vì cô chỉ vừa mới giành được danh hiệu Miss Áo Dài Việt Nam (nay đổi thành Miss World Vietnam). “Gương mặt thương hiệu 2016” là một trong những chương trình truyền hình thực tế thành công nhất tại thời điểm đó, Lan Khuê không chỉ chịu áp lực khi là tấm chiếu mới, với sự kỳ vọng rất lớn của công chúng về phần thể hiện của cô trong vai trò là một huấn luyện viên, mà ngay cả hình ảnh của Lan Khuê cũng phải được làm mới để không kém cạnh với hình ảnh của hai huấn luyện viên tài danh còn lại.

PV Stylist Hensi Lê | So awkward, Rose | Blog cá nhân chuyên nghiệp

Hensi Lê là người đứng đằng sau sự thay đổi hình ảnh đó của Lan Khuê, và vẫn đồng hành, gắn bó cùng nữ siêu mẫu đến tận thời điểm hiện tại. Cơ duyên để Hensi Lê cộng tác cùng với Lan Khuê là thông qua sự giới thiệu và gửi gắm của Giám đốc sáng tạo Dzũng Yoko. Sau chương trình “Gương mặt thương hiệu 2016”, sự tín nhiệm của Lan Khuê dành cho Hensi không chỉ dừng lại ở mức công việc đơn thuần, mà còn như một người bạn thân thiết với mọi sự tôn trọng và tin tưởng hết lòng.

Điều đó dẫn đến một trong những khoảnh khắc mà Hensi nhìn nhận là một niềm vui to lớn trong sự nghiệp tạo mẫu chuyên nghiệp của mình. Đó là khi cô thiết kế váy cưới cho Lan Khuê, thông qua sự cộng tác cùng với NTK Hà Thanh Huy và Hacchic Bridal. Lan Khuê đẹp rạng ngời trong ngày cưới là một nỗ lực âm thầm, không ngơi nghỉ của Hensi cùng đội ngũ của Hacchi Bridal để tạo ra khoảnh khắc đáng nhớ đó. Khi nhìn về sự nghiệp và sự phát triển của bản thân, nữ stylist nhận định rằng “sự thay đổi hình ảnh thời trang của Lan Khuê trước công chúng, chính là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của bản thân.” Tuy Hensi đã từng cộng tác và đảm nhiệm vai trò tư vấn hình ảnh cho rất nhiều người nổi tiếng như nam ca sĩ Erik hay nữ diễn viên kiêm đạo diễn Kathy Uyên, nhưng Lan Khuê vẫn luôn là trường hợp thành công nhất.

Không chỉ dừng lại ở công việc tạo mẫu cho cá nhân, Hensi vẫn duy trì đều đặn những lần cộng tác cùng các tạp chí thời trang hàng đầu tại Việt Nam như ELLE, Đẹp, L’Officiel, Vietnam Heritage, 2!… Nhiều nhiếp ảnh gia danh tiếng trong ngành như Tuấn Fr, Nelly Nguyễn, Dannyson Phạm, Bobby Nguyễn… đã nhiều lần tín nhiệm và hợp tác cùng Hensi Lê trong những dự án quan trọng, qua đó cho thấy được sự linh hoạt lẫn khéo léo để thích ứng với cảm quan thẩm mỹ của từng cá nhân có dấu ấn sáng tạo mang bản sắc riêng biệt. Đây vốn dĩ không phải là kỹ năng đơn thuần có thể thích ứng được dễ dàng, mà đòi hỏi một sự nhạy bén trong tư duy lẫn kinh nghiệm tích lũy theo thời gian.

Stylist là một công việc hào nhoáng, dễ thu hút đông đảo những người trẻ muốn dấn thân thử sức, đắm chìm cùng váy áo lụa là dưới ánh đèn sân khấu. Nhưng để trụ vững với công việc này thì đòi hỏi nhiều hơn là sự tò mò, ham thích hời hợt và cái danh xưng hào nhoáng đó. Nhiều người thử sức nhưng nhanh chóng từ bỏ, một khi phải đối mặt với những thách thức không hề dễ dàng để nuốt trôi khi làm nghề.

PV Stylist Hensi Lê | So awkward, Rose | Blog cá nhân chuyên nghiệp
Photo: Tuấn Fr/ Stylist: Hensi Lê

Đối với Hensi, cô bắt đầu công việc này kể từ năm 2014. Bản thân cô nhận định rằng hành trình vươn lên của bản thân để được tín nhiệm bởi khách hàng và các chuyên gia trong ngành thời trang là không hề dễ dàng. Đối mặt với những lần chối từ và sự khởi đầu không mấy suôn sẻ khi rẽ hướng sang làm stylist, Hensi đã phải lỳ lợm và không chịu khuất phục đến mức bản thân mình phải kinh ngạc đôi lúc.

“Tôi lỳ và khó bị khuất phục bởi những thử thách, gian nan trong nghề”

Hensi Lê có tiền thân là một sinh viên thời trang tại trường Đại học Hoa Sen, với kỹ năng chuyên môn được đào tạo bài bản. Đây có thể được xem là tiền đề vững chắc nhất để theo đuổi công việc sáng tạo thị giác nói chung và stylist nói riêng. Những kỹ năng mà cá nhân cô nhận định là tối quan trọng khi theo đuổi công việc này, như hiểu về đặc tính của chất liệu và màu sắc, bối cảnh lịch sử thời trang của những trào lưu văn hóa, xu hướng, kết hợp với một cảm quan thẩm mỹ tốt và đôi tay khéo léo, sẽ khiến cho một stylist có thực lực trở nên nổi bật trong một thị trường stylist ngày càng đông đúc.

Tuy được đào tạo chính chuyên là một sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang, Hensi sớm nhận ra rằng mình không phù hợp để thiết lập thương hiệu, hay chí ít là quản lý tài chính hiệu quả để vận hành việc kinh doanh cần đến nguồn lực đông đảo. Nhận thức rõ sở đoản của bản thân, cô chuyển hướng sang công việc tạo mẫu – vốn rất cần những kỳ năng thiết yếu của thiết kế trang phục, nhưng bản thân cô lại có thể tự làm chủ công việc cá nhân, và vẫn được thỏa đam mê sáng tạo. Bản chất của công việc sáng tạo là động lực khiến nữ stylist cảm thấy mình đã chọn đúng nghề nghiệp để theo đuổi.

Photo: Tuấn Fr/ Stylist: Hensi Lê

Stylist sẽ thường thông thuộc với những công việc mang tính thương mại, vốn dĩ đôi khi tạo ra những gian nan trong nghề tạo mẫu. Khi đã ôm mộng trở thành một stylist, một trong những kỹ năng buộc thân mỗi cá nhân phải tự mình rèn dũa là kỹ năng giao tiếp và tạo thiện cảm tới những người xung quanh, nhất là đối với các thương hiệu thời trang, cùng với các nhà thiết kế. Việc mượn trang phục của các thương hiệu/ nhà thiết kế để phục vụ cho công việc đòi hỏi với việc quyền lợi của đôi bên đều cần phải được đáp ứng. Nhưng người làm công việc tạo mẫu trong một công việc mang tính chất thương mại, thì lại đóng vai người trung gian (theo đúng nghĩa là chỉ để đi mượn đồ) và nhiều khi bị động trong một vài hoàn cảnh nhất định. Điều đó dẫn đến việc quyền lợi để trả cho nhà thiết kế hay các thương hiệu không được đảm bảo. Hầu hết stylist đều hiểu được rủi ro của vấn đề này và đa phần sẽ bị lâm vào hoàn cảnh khó xử với các nhà thiết kế hay các thương hiệu đã hỗ trợ trang phục cho công việc của mình. Đôi khi chỉ vì thế mà các mối quan hệ trong nghề cũng bị rạn nứt không đáng có.

PV Stylist Hensi Lê | So awkward, Rose | Blog cá nhân chuyên nghiệp

Một người dày dặn kinh nghiệm như Hensi cũng đôi lần lận đận vì những hoàn cảnh như thế. Lúc đó, điều mà cô cảm nhận được rõ ràng nhất là kinh nghiệm may vá được tích lũy trong thời gian học thiết kế quý giá đến nhường nào. Cô tự chủ hơn trong việc tạo ra trang phục để phù hợp với yêu cầu của công việc mà vẫn có thể vừa vặn được với ngân sách dự án.

Cô cũng có thể tự làm ra phụ kiện để bổ trợ thêm cho công cuộc tạo mẫu của mình. Vẻ đẹp của các món phụ kiện khiến cho cô thêm yêu nghề sáng tạo và thời trang hơn. Một trong những thương hiệu thời trang mà cô đặc biệt yêu thích vì tính thủ công và sáng tạo duy mỹ là Schiaparelli. Nữ stylist cũng chia sẻ rằng trong tương lai, nếu cơ hội mở ra thuận lợi thì cô vẫn có thể đảm đương công việc thiết kế, nhưng đó là đối với phụ kiện thời trang, thay là vì áo quần.

thương hiệu Schiaparelli

Sau khi trải qua đôi lần khó xử đối với các thương hiệu và nhà thiết kế trong việc trả quyền lợi hình ảnh, nếu không thể tự sức mình tạo ra trang phục, Hensi sẽ yêu cầu khách hàng hay đối tác công việc phải bỏ thêm chi phí cho khoản trang phục. Đây dường như là một điều lệ bắt buộc trong bối cảnh công việc mang tính thương mại ở hiện tại, nhưng đó là khi đã có rất nhiều stylist trong nghề bị chèn ép và phải chịu nhiều thiệt thòi về phía bản thân, đã cùng nhau đặt ra nền móng để điều này có thể diễn ra một cách tự nhiên.

Đối với những khách hàng hay công việc mang tính chất làm khó stylist về khoản chi phí, Hensi cứng rắn từ chối vì không muốn tạo ra những tiền lệ cho những công việc kiểu như vậy tiếp tục tồn tại. Đó không chỉ làm cho tương lai của ngành sáng tạo, stylist thời trang chậm phát triển, đồng thời cũng làm giảm đi chất lượng của sản phẩm và làm ảnh hưởng đến hồ sơ công việc của một stylist. Ở địa vị của một người có thâm niên lâu năm trong nghề, Hensi không chỉ nghĩ cho quyền lợi của bản thân mình, mà còn cho thế hệ stylist kế cận.

Khi tấm lòng thiện nguyện tạo động lực cho sự sáng tạo

Xuyên suốt quá trình phát triển sự nghiệp của bản thân, Hensi Lê đã chủ động đóng góp nhiều công sức vào các dự án thiện nguyện đáng chú ý. Sự kết hợp giữa tinh thần thời trang và tấm lòng nhân ái đã trở thành một điểm sáng trong sự nghiệp, mà cá nhân nữ stylist cho rằng “rất vui và tự hào vì được là một phần công sức của những dự án thiện nguyện đó.”

Phải kể đến chương trình “Áo Đổi Áo”, được tổ chức và sáng lập bởi chị Trần Hà Mi – Đồng sáng lập của Style-republik, với sự tham gia liên tục của Hensi Lê từ ngay mùa đầu tiên chương trình được tổ chức vào năm 2016, trong vai trò tạo mẫu cho show diễn thời trang vì mục đích từ thiện này. Show diễn thường niên hướng đến nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như bán đấu giá trang phục sáng tạo từ các thương hiệu và các nhà thiết kế Việt và dùng số tiền đó để quyên góp cho người dân nghèo ở khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, hay hỗ trợ cho việc đi học của các trẻ em nghèo…

Fashion show của Áo Đổi Áo

Một dự án thiện nguyện gần đây nhất mà Hensi góp công vào, là sản xuất ra một bộ ảnh thời trang cho các cụ bà neo đơn ở viện dưỡng lão Vinh Sơn (Sài Gòn). Bộ ảnh mang tên “Oh We Bloom – Và những đoá hoa vẫn luôn nở rộ”- là một món quà dành tặng cho các cụ để tiếp thêm tinh thần và năng lượng để tiếp tục vui sống tại viện dưỡng lão. Hensi Lê là người lên ý tưởng và đảm nhiệm vai trò tạo mẫu cho các cụ, để làm toát lên được tính cách và sự lạc quan ở bên trong mỗi người. Bộ ảnh này được hợp tác cùng với nhiếp ảnh gia Nhi Ngờ vào tháng Tư năm 2021.

Cá nhân nữ stylist cho rằng mình là một người sống tình cảm, nhờ vào sức ảnh hưởng và sự nuôi dạy chu toàn của gia đình. Gia đình của Hensi Lê là một đại gia đình gắn bó thân thiết. May mắn có được tình thương yêu và quan tâm của mọi người trong đại gia đình đoàn kết, lòng tốt và tinh thần biết sẻ chia trở thành cái gốc con người của cô. Dĩ nhiên, cô không cần phải nói thẳng toẹt ra như thế, mà đây chỉ là sự nhận định của cá nhân người viết. Gia đình cũng định hướng cho Hensi trở thành một con người độc lập, biết làm chủ vận may lẫn tiền đồ sự nghiệp của bản thân – vốn dĩ là những tiền tố hữu ích để cô thành công trên con đường trở thành một stylist chuyên nghiệp.

Có hay không sự sáng tạo nguyên bản trong thời đại số? 

Là một người làm trong ngành công nghiệp thời trang, chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của các xu hướng và vị thế của các thương hiệu thời trang đại chúng, Hensi tin rằng mạng xã hội đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra một lợi thế không nhỏ, nhưng cũng đi kèm với những hậu quả không ít. Bắt đầu với sự bùng phát mạnh mẽ của các xu thế thời trang phân mảnh, nhanh nở chóng tàn trên TikTok hay Instagram, dẫn đến sự phổ biến và mến chuộng của quần áo xu hướng phản bền vững, với mức giá bán rẻ mạt hơn cả một chiếc bánh sandwich, như trường hợp của ông lớn Shein ở thời điểm hiện tại.

Chính sự phổ biến của những xu thế phân mảnh đó trên TikTok (vốn là mạng xã hội mà người trẻ thuộc GenZ mến chuộng bậc nhất) khiến cho thời trang bị nhìn nhận theo đúng cách mà nó không nên được nhìn nhận, rằng thời trang là một vật phẩm chỉ có hạn sử dụng ngắn ngủi và chỉ được tồn tại để phục vụ cho sự phổ biến trên mạng xã hội. Nhiều người trẻ là người sáng tạo nội dung tạo dựng hình ảnh cá nhân thông qua ngôn ngữ thời trang cũng đang là đối tượng chủ đạo tiêu thụ thời trang nhanh, và tạo ra trào lưu tạo mẫu trang phục chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều phương diện, khi tiếp tục ủng hộ sự phát triển của các thương hiệu thời trang đại chúng sản xuất quần áo với chất lượng không bền vững, đồng thời làm tổn hao kinh tế cá nhân, cũng như gây ô nhiễm môi trường ở kể cả khâu sản xuất lẫn tiêu dùng.

Bản thân Hensi Lê có rất nhiều khách hàng cá nhân vẫn luôn nhờ cậy và tín nhiệm con mắt chuyên môn để tư vấn định hướng cho phong cách ăn mặc, khiến cho hình ảnh của họ trở nên thời trang hơn trên mạng xã hội. Hensi cũng thừa nhận rằng có những xu hướng tạo mẫu khá độc đáo và mang đến sự hứng khởi tới người trẻ khi thách thức sự sáng tạo trong công việc tạo mẫu, đồng thời nâng cao cảm quan thẩm mỹ về thời trang, thúc đẩy sự yêu mến dành cho ngành công nghiệp này.

“Nhưng điều cần nhìn nhận xác đáng ở đây nhất, là trong khi bề nổi của mặt tích cực là có thể nhìn nhận, thì vấn đề đáng lo nhất và thường không được nhận thức rõ ràng, là mạng xã hội góp phần làm suy giảm sự sáng tạo (nói chính xác hơn là giá trị của sự sáng tạo) trong ngành thời trang nói riêng”

Cô lấy ví dụ về sự phổ biến của mạng xã hội, nhất là TikTok, với nội dung có độ dài ngắn ngủi khiến cho nhiều người lầm tưởng về tính chất “dễ dàng” của quá trình lao động sáng tạo. Vẫn có khách hàng không hiểu chuyện, vẫn thường đưa ra ví dụ hay dẫn chứng là những nội dung trên TikTok và liên đới nó với việc có dễ hay không dễ trong việc sáng tạo ra những thứ có chất lượng “tương đồng”, và đòi hỏi (chẳng hạn) một cái logo thương hiệu được thiết kế với mức giá… 500,000 đồng, vì khách hàng thấy rằng quá trình để sáng tạo nên một cái logo thương hiệu có thể gói gọn trong vòng chưa tới một phút.

PV Stylist Hensi Lê | So awkward, Rose | Blog cá nhân chuyên nghiệp
Photo: Tuấn Fr/ Stylist: Hensi Lê

Sự sáng tạo trong ngành tạo mẫu và giá trị của sản phẩm thời trang, bởi vì thế mà nhiều khi cũng bị lầm tưởng về giá trị. Hensi nghĩ rằng đây là mối lo không chỉ tồn tại trong ngành thời trang đơn thuần, và bản thân cô tin rằng các nhà sáng tạo nội dung nên có chú thích hay đính chính rõ ràng về công sức và quá trình làm sáng tạo của mình là không hề “đơn giản” như “đang giỡn” trong các nội dung của họ. Hơn nữa, những mạng xã hội như TikTok, theo Hensi nhận định, thực chất được xây dựng để trở thành những nền tảng thương mại (social commerce) có nội dung phục vụ cho mục đích thương mại. Bởi vì thế mà nghệ sĩ sáng tạo cũng không quá nhất thiết để xây dựng hồ sơ hay chạy đua với những xu hướng mới; thay vào đó là tập trung vào những nền tảng chuyên nghiệp và nội dung có giá trị lâu dài.

Nhìn về tương lai

Khi nhìn nhận về thị trường stylist tại Việt Nam, cô cảm thấy rằng chúng ta đang phát triển theo chiều hướng sáng tạo và chuyên nghiệp chẳng kém gì các nước khác. Tuy vậy, vẫn cần nhiều thêm hơn những stylist trẻ có tâm với nghề, có tư duy sáng tạo nguyên bản để có thể đưa thời trang Việt Nam được sánh ngang với các nước mạnh trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và ghi được dấu ấn sâu đậm hơn trên bản đồ thời trang quốc tế.

Suốt nhiều năm làm nghề chuyên nghiệp, Hensi Lê giờ đây không chỉ muốn được nhìn nhận là một stylist đơn thuần. Cô vẫn có rất nhiều ngã rẽ, và dày công vun vén cho tương lai của bản thân, thông qua những dự án và định hướng khác biệt. Một trong những điều khiến cho cô cảm thấy đam mê là truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm làm nghệ của mình tới những người thực sự muốn tiếp nhận nó.

Đó là lý do mà cô thường xuyên được mời về trường Đại học Hoa Sen với tư cách là diễn giả để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức tới các bạn sinh viên trẻ. Trước đây, cô cũng từng là giảng viên của môn học Styling chuyên nghiệp tại trường kinh doanh thời trang SR Fashion Business School. Gần đây nhất, cô tiếp nhận những bạn trẻ là những nhà sáng tạo nội dung số chuyên nghiệp để tư vấn hay định hướng phong cách cá nhân cho họ. Hensi cũng nhân cơ hội này để giúp các bạn nhận thức rõ về “smart styling” – tạo mẫu thông minh, để giúp họ có thể tối ưu công việc tạo mẫu của mình mà không cần phải sở hữu hay liên tục mua sắm quần áo thời trang mới. Cô tin rằng, thời trang không nằm ở vẻ ngoài của trang phục, mà nằm ở cái tinh thần và sự sáng tạo mang bản sắc cá nhân của mỗi người.

Bên cạnh công việc stylist, cô đồng thời cũng muốn xúc tiến nhiều hơn những dư án sáng tạo cá nhân trong tương lai để thỏa đam mê của mình. Đồng thời để tìm kiếm cơ duyên được hợp tác thêm hơn với những cá nhân cũng đam mê sáng tạo như chính cô. Trong những dự án như vậy, Hensi Lê sẽ không đơn thuần chỉ tạo mẫu, mà kiêm luôn vai trò giám đốc sáng tạo, hình ảnh và sản xuất.

PV Stylist Hensi Lê | So awkward, Rose | Blog cá nhân chuyên nghiệp

Có thể trong tương lai, những dự án cá nhân mà cô cảm thấy vui lòng, tự hào khi trình diện tới khán giả có thể mở ra những cơ hội mới cho chính cô và ekip của mình, theo nhận định của cá nhân người viết. Style-republik chúc Hensi Lê tiếp tục gặt hái nhiều thêm hơn những thành tựu, và những hạt giống với ý nguyện tốt đẹp mà cô đang ươm mầm sẽ sớm thu được trái ngọt trong tương lai!

Thực hiện: Fellini Rose