Truyền thông xã hội đang ảnh hưởng tiêu cực đến quyền ăn mặc của nữ giới?

Ngày đăng: 21/08/22

Những tuần vừa qua, trên mạng xã hội TikTok đang lan truyền một chủ đề gây tranh cãi, đi kèm là một Viral Video với tốc độ chia sẻ chóng mặt. Cụ thể trong video ‘quay lén’ ấy, hình ảnh một cô gái diện chiếc áo hở lưng ngồi sau xe máy bị “chủ thớt” và một bộ phận cộng đồng mạng gắn mác phản cảm, hở hang. Câu chuyện này đã dẫn đến hàng loạt cuộc tranh luận nảy lửa giữa những người dùng TikTok, thậm chí các Hot TikToker và Influencer cũng đã nhiệt tình lên tiếng phản biện.

Ảnh: Tiktoker @aimelinhvuong

Nhưng đến cuối cùng, người phải gánh chịu lời ra tiếng vào và sự bình phẩm, phán xét từ hàng ngàn người xa lạ lại chính là cô gái – nhân vật chính trong video. Thậm chí, chuyện trở nên tệ hơn khi mọi điều tiếng không chỉ diễn ra trên mạng xã hội, mà nó còn đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, cuộc sống đời thường, mối quan hệ xã hội của cô gái ấy. Dù vẫn có không ít bình luận bênh vực cho cách ăn mặc của bạn nữ, tuy nhiên, sự mâu thuẫn và xung đột quan điểm từ đám đông lại gây nên nhiều hệ quả khôn lường. Chúng ta hẳn có thể gọi câu chuyện trên như một cuộc “bạo lực mạng”, nếu không muốn nói là hành vi ‘quấy rối tình dục’ gián tiếp và xâm phạm đến quyền hình ảnh cá nhân.

Ảnh: @aimelinhvuong

Vậy phải chăng truyền thông xã hội đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do ăn mặc của phái nữ? Nhiều người có đang lạm dụng sức mạnh của truyền thông để gắn mác người khác một cách dễ dàng?

Xu hướng vật hóa phụ nữ trên mạng xã hội

Truyền thông xã hội đang thay đổi cách mà con người giao tiếp, chia sẻ thông tin. Nó bao gồm các Blog, diễn đàn, báo chí, ứng dụng trò chuyện, nền tảng chia sẻ hình ảnh,… và cuối cùng là mạng lưới xã hội. Các trang mạng xã hội đang trở thành phương tiện có ảnh hưởng lớn nhất cho việc quảng bá hình ảnh, truyền đạt chủ đề, phân phối các ý tưởng và lý tưởng thời trang. Ngày nay, Social Platforms là nơi khơi gợi nên hiện trạng “lý tưởng hóa” về tiêu chuẩn của cơ thể con người (đặc biệt với nữ giới), về phong cách thời trang và những cuộc tranh luận về lối ăn vận của người khác. Hẳn bạn sẽ chẳng bao giờ nghĩ ra rằng một ngày đẹp trời nào đó khi mặc bộ Outfit yêu thích ra đường, một ai đó sẽ chụp hoặc quay lại hình ảnh đó và phát tán nó trên Internet với dòng caption không mấy thiện cảm cho lắm.

Ảnh: Bella Hadid

Tự do ngôn luận trên mạng xã hội và sự phổ biến của những hình ảnh trực quan, đã góp phần tạo nên một nền văn hóa hướng đến vẻ bề ngoài, hỗ trợ cho “xu hướng vật hóa phụ nữ”. Các phương tiện truyền thông mô tả lý tưởng cho cơ thể của nữ giới, như thể thân hình chuẩn phải trông như thế nào, nên ăn mặc ra sao để phù hợp với văn hóa bản địa,… người ta cũng thường xuyên đem thân thể phái nữ ra làm một đề tài bàn tán hàng ngày. Trong văn hóa hiện đại, cơ thể phụ nữ thường được hiểu là một đối tượng để được nhìn ngắm theo hướng “tình dục hóa”. Theo đó, những người phụ nữ bị ‘vật hóa’ được coi như những cơ thể tồn tại để sử dụng và làm niềm vui của người khác. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với quyền tự do mà mỗi người đều được biết, đáng buồn thay là vấn đề này xảy ra nhan nhản xung quanh chúng ta và chẳng mấy lần có người đứng ra chỉ trích nó đến cùng.

Trong các cuộc trao đổi, gặp gỡ Online và thông qua phương tiện truyền thông trực quan, nơi phụ nữ thấy mình bị nhìn chằm chằm nhiều hơn nam giới và cảm thấy bị “soi” nhiều hơn. Như trường hợp của cô gái trong Viral Video kia, cô bị nhìn chằm chằm chỉ vì sự không vừa mắt của người quay lén, đi kèm với hàng ngàn bình luận đánh giá bị “tình dục hóa” và mang tính xúc phạm. Điều mà đáng lẽ ra một người phụ nữ trong thời đại này không nên nếm trải, cái mác phản cảm, khiêu gợi mà một số người gắn lên cô gái lại một lần nữa phản ánh cái nhìn tiêu cực về cơ thể nữ giới và quyền tự do trong cách ăn mặc.

Phải chăng thời trang đang bị phân biệt bởi giới tính?

Không quá khó để nhận ra hơn 70% bình luận tiêu cực và mang tính chất phán xét, công kích cá nhân trong video ‘chiếc áo hở lưng’ đều đến từ nam giới. Mặc cho nhiều nam Tiktoker hoặc một số người thuộc cộng đồng LGBT đã lên tiếng bằng các video
riêng để bênh vực cô gái, cũng như làm rõ quan điểm của họ trong chủ đề này. Song vẫn tồn tại một đám đông nam giới tỏ ý không hài lòng, nhận xét cách ăn mặc của cô gái trong video là “phản thuần phong mỹ tục”, “không phù hợp để mặc ra đường” và cho rằng những chi tiết dây của áo mới là yếu tố gây phản cảm nhất.

Ảnh: Pinterest

Thậm chí còn có một người dùng TikTok là nam, dàn dựng lại đoạn video ấy và tự mặc một chiếc áo na ná. Điều đáng nói ở đây là dòng chữ ‘cấm quay’ được viết sau lưng đi kèm những kiểu tạo dáng có phần hơi “over”. Nhiều dân mạng cho rằng đây là hành động lố lăng, câu views nhưng cũng có những ý kiến chỉ ra anh chàng chỉ đang châm biếm kẻ đã quay lén người khác mà thôi. Tuy nhiên, chẳng phải chúng ta nên dừng lại việc đem thân thể phụ nữ và lối ăn vận của họ lên trên những sản phẩm dễ gây tranh cãi như thế hay sao? Và lẽ nào vì chiếc áo hở lưng ấy được diện bởi một cô gái chứ không bởi một người đàn ông, nên người ta mới bất chấp dùng mọi lời lẽ để quy chụp, phán xét nó như vậy?

Jennie (BLACKPINK) trong chiến dịch quảng bá từ thương hiệu Calvin Klein

Đã đến lúc chúng ta nên cởi mở hơn với phong cách thời trang của nữ giới, nhất là khi tất cả những gì họ làm là mặc lên người một chiếc áo khiến họ thấy tự tin, yêu đời và yêu cả cơ thể của họ. Nếu đàn ông có thể cởi trần ra đường, những Idols nam có thể xé áo khoe cơ bụng 6 múi trên sân khấu trong tiếng hò reo của khán giả, vài bạn nam có thể tự tin diện các thiết kế áo từ ôm sát cho đến xuyên thấu và vẫn được khen ngợi là quyến rũ, thì tại sao một cô gái không thể mặc một chiếc áo hở lưng? Xét cho cùng, chưa từng có ai đặt ra bất kỳ quy chuẩn nào cho khái niệm “ăn mặc phản cảm”, thế nên việc sử dụng thời trang cũng cần được bình đẳng ở mọi giới tính. Chỉ cần người mặc cảm thấy thoải mái trong bộ trang phục ấy và họ ý thức rõ về thứ bản thân đang khoác lên người, vậy là đủ.

Thành viên Sehun của nhóm nhạc nam EXO
Nữ idol Solar từ nhóm nhạc nữ Mamamoo


Quyền tự do quyết định những gì mặc lên người

Vốn dĩ, thời trang là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ‘thời gian/ thời đại’ và ‘trang phục’. Thế nên khi xã hội càng hiện đại và phát triển, các phong cách thời trang của con người cũng trở nên mới mẻ, linh hoạt hơn trước. Chẳng ai bắt buộc bạn phải mặc đúng chiếc áo kia, phối đúng với chiếc quần đó mới có thể bước ra đường và đi đến nơi bạn cần đến (ở đây chúng ta tạm loại trừ đồng phục học đường nhé!). Quyền tự do quyết định những gì mặc trên người là điều tất yêu trong xã hội ngày nay, những cá nhân dùng quan điểm cá nhân để áp đặt lên gu thẩm mỹ, phong cách hay cơ thể người khác là đang đi ngược lại với tư duy đổi mới của lĩnh vực thời trang.

Thương hiệu N’ROSÉ – một Start-up thời trang chuyên thiết kế trang phục hở lưng dành cho phái nữ

Ngoài kia hẳn vẫn tồn tại nhiều cá nhân, cộng đồng nấp sau sức mạnh của truyền thông xã hội để mặc sức soi mói quần áo, thân thể người lạ. Họ để lại những dòng bình luận vô cùng khó nghe, gây mâu thuẫn và đôi khi là thao túng tâm lý trên trang cá nhân của một ai đó. Vì thế, gửi đến những người yêu thời trang nói riêng và những ai luôn khao khát được thể hiện bản sắc thông qua trang phục, các bạn có toàn quyền quyết định thứ mình có thể mua hay mặc và không ai có thể tước đi quyền hạn đó!

Hãy ngừng đổ lỗi cho nạn nhân

Mặc dù câu chuyện cô gái với chiếc áo hở lưng vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái dấu, nhưng ắt hẳn ta bắt buộc phải lên án gay gắt hành động quay lén của chủ nhân chiếc video. Việc quay phim mà không có sự cho phép của người khác cũng được xem là một hành động quấy rối, thiếu tôn trọng và trong trường hợp này là xâm phạm đến hình ảnh cá nhân. Có thể người đăng tải video không ý thức được hậu quả từ việc làm của mình, nhưng thực chất nó lại có khả năng làm xáo trộn cuộc sống của một cô gái, thậm chí biến cô ấy thành tâm điểm của bạo lực mạng.

Internet

Điều khá khó hiểu và buồn cười ở đây, chính là việc nhiều ý kiến cho rằng lỗi hoàn toàn đến từ phía người nữ. Những người này lập luận: “Đáng nhẽ bạn nữ không nên mặc chiếc áo kia ra ngoài”, “Mặc thế thì bị quay là đúng rồi”, “Ăn mặc phản cảm người ta không vừa mắt, chửi cho là đúng!”,… Thế là chỉ bằng vài lời qua tiếng lại, sự việc lại bị đổi chiều thành lỗi lầm bắt nguồn từ cô gái hay kiểu dáng chiếc áo, chứ người quay lén chẳng cần phải nhận sai. Chuyện đổ lỗi ngược cho nạn nhân, đặc biệt khi nạn nhân là phụ nữ và mặc trang phục lộ một vài phần da thịt, lại có nguy cơ trở thành lẽ thường tình khi có một tranh chấp quan điểm, sự kiện tiêu cực nào đó diễn ra trên mạng xã hội. Nó tai hại đến mức những ý kiến đảo chiều này có thể khiến nạn nhân rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, một số người còn tự trách bản thân và buộc phải thừa nhận sai sót trong cách chọn trang phục thường ngày.

@aimelinhvuong

Để tránh đưa những góc nhìn sai lệch và hiện trạng “Victim Blaming” này diễn ra, mỗi người trong cộng đồng cần tỉnh táo trước mọi thông tin xuất hiện trên Social Platforms. Chọn lọc thông tin, nhìn nhận bản chất sự việc thay vì vội vàng đánh giá, bình phẩm và áp đặt góc nhìn chủ quan lên người khác. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tạo ra môi trường truyền thông xã hội ‘sạch’, giúp phái nữ và cả những tín đồ thời trang tự do với phong cách riêng của họ mà không sợ sự soi xét, mỉa mai từ những người xung quanh.

Thực hiện: Chi Hảo


Về Chi Hảo: 

Hiện Chi Hảo đang là một Fashion Marketer với hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc cùng các Local Brand Việt. Ngoài ra, cô gái sinh năm 1996 đang định hướng phát triển như một Fashion Blogger cùng Social Project cá nhân mang tên WTH – Wear To Heal: gửi thông điệp chữa lành và self-love thông qua thời trang.


*Bài vở cộng tác bạn vui lòng gửi về hộp thư info@style-republik.com. Thông tin cộng tác viết bài vui lòng xem chi tiết tại đây