Từ sự việc của Alexander Wang, người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi kinh doanh càng phải đi liền với đạo đức

Ngày đăng: 04/01/21

Sự việc Alexander Wang bị cáo buộc tấn công tình dục đang khiến cho sự nghiệp của nhà thiết người Mỹ trải qua sóng gió khi xuất hiện làn sóng kêu gọi tẩy chay thương hiệu của anh. 

Hình ảnh của nam diễn viên Johnny Depp cũng lao dốc sau cuộc hôn nhân ồn ào và chóng vánh với Amber Heard, thậm chí nhiều người còn yêu cầu Dior chấm dứt việc dùng Johnny Depp làm gương mặt đại diện của dòng nước hoa Sauvage. 

Có thể thấy, sau phong trào #Metoo, giới tiêu dùng ngày nay trở nên quyết đoán hơn trong việc nói không với những sự việc bê bối liên quan đến bạo hành hay tấn công tình dục. Người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi kinh doanh phải đi liền với đạo đức, chứ không chỉ đòi hỏi ở sự sáng tạo hay chất lượng sản phẩm. 

Alexander Wang nổi tiếng với sự nghiệp lẫy lừng ngay từ khi còn rất trẻ. Nhà thiết kế sinh năm 1983 tại San Francisco (Mỹ) và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống thời trang. Tuy nhiên, Alexander Wang đã bộc lộ năng khiếu từ khi còn bé. Năm 15 tuổi, Alexander Wang đã tự cắt may 33 mẫu trang phục dạ tiệc cho họ hàng trong hôn lễ của anh trai. Alexander Wang chuyển theo học trường thiết kế Parsons The New School, cái nôi của nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang. Năm 2012, Alexander Wang được mời vào vị trí giám đốc sáng tạo ở Balenciaga, khi mới chỉ 29 tuổi. Năm 2015, Alexander Wang rời Balenciaga để tập trung vào thương hiệu mang tên mình. Trước khi những lời tố cáo về Alexander Wang xuất hiện trên mạng xã hội, anh được coi là một biểu tượng thành công trong ngành công nghiệp thời trang.

Hiện tại, Alexander Wang đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc tấn công tình dục.

Hôm 1/1, Alexander Wang cho biết trên Insider: “Trong những ngày qua, tôi đã nhận những lời cáo buộc vô căn cứ một cách kỳ cục từ những tài khoản mạng xã hội không đáng tin. Những kẻ này đã đăng thông tin bôi nhọ, xúc phạm tôi từ các nguồn ẩn danh mà không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào”. Nhà thiết kế khẳng định chưa bao giờ và không bao giờ thực hiện hành vi tấn công tình dục như được mô tả. Anh nói tiếp: “Tôi sẽ tìm hiểu kỹ và truy đến cùng vấn đề này, bắt những kẻ bịa chuyện, phát tán chúng lên mạng phải chịu trách nhiệm”.

Tuy vậy, trên mạng hiện đã xuất hiện làn sóng tẩy chay Alexander Wang thông qua kêu gọi mọi người không tương tác hay mua sản phẩm từ thương hiệu thời trang của anh. Nếu không chứng minh được rằng những lời cáo buộc không đúng, như vậy sự nghiệp của Alexander Wang sẽ bị tổn hại nặng nề. 

Ở khía cạnh kinh doanh, các vụ bê bối tấn công tình dục cũng như đời tư từ nhà quản lý hay nhà sáng lập được cho là nguyên nhân dẫn góp phần đến sụp đổ các thương hiệu lâu đời.

Jeff Epstein là người quản lý tài sản của doanh nhân Leslie Wexner – Giám đốc điều hành Victoria Victoria trong nhiều năm. Epstein đã bị bắt vì tội buôn bán nô lệ tình dục vị thành niên. Edward Razek là giám đốc tiếp thị của L Brand và là nhà sáng tạo cao cấp tại Victoria’s Secret. Ở hậu trường trong buổi trình diễn thời trang Victoria’s Secret 2018, vị giám đốc này phát ngôn không nghĩ chương trình nên có “người chuyển giới”. Bình luận này cũng khiến thương hiệu bị phản đối và vị giám đốc phải từ chức. 

Giám đốc điều hành Philip Green của tập đoàn Arcadia (sở hữu thương hiệu Topshop, Topman…) bị lôi kéo vào một vụ bê bối quấy rối tình dục khiến công ty mất đi các mối quan hệ hợp tác hấp dẫn trong đó có mối quan hệ với thương hiệu Ivy Park thuộc sở hữu của Beyonce. Theo nhận định của Standard, chủ sở hữu của Topshop không tốt cho thương hiệu Topshop, đặc biệt là trong thời đại Thế hệ Z trở thành đối tượng tiêu dùng chính, họ quan tâm nhiều hơn đến việc chi tiền cho những thương hiệu có đạo đức.

Vì thế, việc chọn những nhà quản lý có hồ sơ trong sạch, không dính đến các bê bối trong đời tư, cũng như các nhà sáng lập phải luôn ý thức giữ gìn hình ảnh, phát ngôn của mình là điều mà những người làm thời trang cần phải ý thức trong sự phát triển của xã hội hiện nay. 

Thực hiện: Côn Quân