Từ vụ du học sinh Việt trộm túi hiệu tại Sydney, báo động lối sống “thượng lưu ảo” của giới trẻ Gen Z

Ngày đăng: 09/08/20

48 giờ trước, thứ 6 ngày 7.8.2020, NSW Police Force Úc dẫn nguồn tin, một du học sinh người Việt có tên gọi B.T, 25 tuổi đã bị bắt với tội danh trộm cắp tài sản của hàng loạt thương hiệu thời trang lớn.

Đơn vị Điều tra Tội phạm Thành phố Sydney cho biết, người này đã lấy cắp 3 chiếc túi xách từ một department store vào ngày 31/7/2020 với tổng giá trị là $11,000 (tương đương 180 triệu VND). Cảnh sát đã lục soát nhà riêng và thu giữ hàng loạt túi xách của những thương hiệu lớn như Dior, Loewe, Celine, Gucci… với tổng giá trị hơn $50,000 AUD (tương đương hơn 820 triệu VND).

B.T, không còn xa lạ với cộng đồng những người yêu thời trang Việt, anh thường xuất hiện với hình ảnh trên IG và facebook mình và những chiếc túi đắt đỏ – theo lời anh – là được các nhãn hàng cao cấp gửi tặng. Từng có người tố cáo B.T không trung thực khi anh tự nhận mình làm việc cho tờ Vogue Úc và lấy tác phẩm của người khác cho là của mình.

Nhiều năm trước, các trung tâm mua sắm tại Sydney và Melbourne cũng đã báo cáo về hành vi của du học sinh này. Tại Việt Nam, cũng đã có nhiều Nhà thiết kế và Fashion Insider cảnh báo hành vi phạm tội của B.T.

Từ vụ du học sinh Việt trộm túi hiệu tại Sydney, báo động lối sống “thượng lưu ảo” của Gen Z

Cách đây khoảng nửa năm, một câu chuyện đang xôn xao mạng xã hội gần đây về chiếc túi Dior và cả Louis Vuitton được cho là “fake” của S. Lối sống dùng hàng giả, hay gọi khác hơn, lối sống sai thương hiệu, đang dẫn trở thành một đề tài được nghiên cứu kỹ lưỡng và phân tích có chiều sâu với sự tham gia của nhiều giáo sư châu Á và thế giới. Marie Genevieve Cyr, thạc sỹ giảng dạy thời trang tại Parson School of Design New York, người từng viết một bài luận về Lối sống sai thương hiệu ở Trung Quốc từng chỉ ra rằng đây là một thế hệ nhiều điều kỳ lạ, và đã đến lúc cần có sự thay đổi trong suy nghĩ tiêu dùng của người trẻ châu Á.

Việc đặt hàng “fake” hoặc “super fake” tại Việt Nam giờ đây công khai hơn trên những fanpage lớn của Facebook, nơi gen Z Việt có thể vào đặt một cách thoải mái mà không cần lưu tâm đến việc sử dụng của mình liệu đã hợp lý. Chưa dừng lại ở đó, một số nhóm kín hơn, trao đổi và bán hàng qua các group chat của Viber, hoặc đăng trên cộng đồng kín của Zalo.

Giống như xài hàng hiệu giả, việc trộm cắp, sau tất cả, đa phần đến từ tâm lý mơ mộng, mong muốn được sống trong thế giới hào nhoáng của thời trang, nhận được sự tôn sùng của một nhóm người và đương sự cảm thấy không được thỏa mãn nếu không sử dụng hàng hiệu. Cách đây 2 năm, trên Facebook của một nữ diễn viên nổi tiếng N, cũng từng chỉ mặt rõ một nam thanh niên tên H.Q, nhiều lần giả danh trà trộn vào các sự kiện để “cuỗm” đi những chiếc túi hiệu. Một Stylist có tiếng khác cũng từng “tố” một người bạn đã đến nhà mình lấy cắp một số món đồ hiệu.

Thời trang, vốn dĩ không phải là một thế giới hào nhoáng mà vô cùng khắc nghiệt. Nơi bạn tài năng, bạn có tầm nhìn và nhận được sự hỗ trợ từ một cộng đồng lành mạnh thì mới có thể phát triển và sống sót được. Vì thế giới trẻ cần hiểu rõ mình là ai và định hướng phù hợp với bản thân. Những hành vi trộm cắp của những cá nhân trong cộng đồng thời trang, chỉ để thỏa mãn lối sống “thượng lưu ảo” sẽ có ngày bị cộng đồng  hoặc pháp luật vạch trần và loại trừ, không sớm thì muộn.

Thực hiện: Thư Quân