Công ty mẹ của Uniqlo vượt mặt Zara trở thành hãng thời trang có giá trị nhất thế giới với 103 tỷ USD

Ngày đăng: 17/02/21

Tuy vậy, Fast Retailing vẫn đứng sau Inditex về doanh thu và tỷ suất lợi nhuận. 

Tổng giá trị của Fast Retailing, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo tại Nhật Bản, đạt 10,87 nghìn tỷ yên (103 tỷ USD) vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Ba, đưa Fast Retailing lên đứng đầu ngành may mặc toàn cầu về giá trị vốn hóa thị trường.

Uniqlo vượt Zara 103 tỷ USD để trở thành hãng thời trang có giá trị nhất nhất thế giới
Sự tập trung của Uniqlo vào các thị trường châu Á đã được đền đáp khi các nước châu Á kiểm soát đại dịch COVID-19 tốt hơn.

Đây là lần đầu tiên Fast Retailing vượt mặt Inditex, công ty mẹ của Zara có trụ sở tại Tây Ban Nha có vốn hóa thị trường khoảng 81,7 tỷ euro (99 tỷ USD) vào cuối ngày thứ Hai và 80,8 tỷ euro vào cuối ngày thứ Ba. Giá cổ phiếu của nhà bán lẻ may mặc Nhật Bản đã tăng đều đặn kể từ tháng 8 năm ngoái.

Các cổ đông rất tán thành với quyết định tập trung của Fast Retailing vào thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nơi nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng sau những hậu quả nặng nề do virus Corona gây ra nhờ những nỗ lực phòng chống dịch bệnh của chính phủ. Ngành hàng may mặc thông dụng cũng chiếm được cơ hội thuận lợi khi tận dụng sự thay đổi trong thói quen  của người tiêu dùng đó là xu hướng ăn mặc giản dị hơn khi phải làm việc từ xa.

Fast Retailing vận hành 2.298 cửa hàng Uniqlo trên khắp thế giới vào tháng 11 năm ngoái. 60% các cửa hàng đó nằm ở Châu Á, không tính Nhật Bản. Sở hữu 791 cửa hàng, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai chỉ sau Nhật Bản (815 cửa hàng).

Đối với năm tài chính trước đó kết thúc vào tháng 8, biên độ lợi nhuận hoạt động ở Trung Quốc của Uniqlo lớn hơn, bao gồm Hồng Kông và Đài Loan, đứng ở mức 14,4%, cao hơn 13% so với Nhật Bản. Trong khi đó, 70% cửa hàng của Zara nằm ở Hoa Kỳ và Châu Âu – những thị trường phải chịu cảnh giãn cách xã hội nhiều lần, trong khi chỉ có khoảng 20% ​​cửa hàng ở châu Á.

Uniqlo vượt Zara 103 tỷ USD để trở thành hãng thời trang có giá trị nhất nhất thế giới

Các nhà đầu tư cũng đánh giá cao nỗ lực của Fast Retailing trên mặt trận kỹ thuật số. Công ty đã áp dụng khái niệm “bán lẻ tiêu dùng kỹ thuật số” vào năm 2016, liên quan đến việc phân tích dữ liệu từ các giao dịch mua hàng trực tuyến và tại cửa hàng thông qua các thẻ IC được gắn trên tất cả hàng hóa. Fast Retailing đã hợp tác với Google và các công ty khác để phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.

“Chúng ta đang gần tiến tới việc đạt được vị trí số 1 trong lĩnh vực bán lẻ quần áo”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Fast Retailing Tadashi Yanai phát biểu với nhân viên vào đầu năm. Ông đã thực hiện được lời tuyên bố đó về mặt giá trị thị trường: cổ phiếu đã tăng bảy phiên liên tiếp trước ngày đóng cửa hôm thứ Ba ở mức 102.500 yên, tăng 3% so với phiên trước và lần đầu tiên vượt qua 100.000 yên.

Nhưng khi nói đến doanh thu, Fast Retailing vẫn ở vị trí thứ ba với khoảng 2 nghìn tỷ yên (18,9 tỷ USD) ở năm tài chính trước. Inditex vẫn dẫn đầu với 28,2 tỷ euro (34,1 tỷ đô la) ở đợt tổng kết vào tháng 1 năm 2020, trong khi H&M của Thụy Điển đứng thứ hai với 187 tỷ kronor (22,5 tỷ đô la) cho năm tài chính tính đến tháng 11 năm ngoái.

Và nhìn vào báo cáo quý gần đây nhất, Inditex báo cáo thu nhập là 866 triệu euro (1 tỷ đô la), cao hơn 60% so với lợi nhuận 680 triệu đô la của Fast Retailing.

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Fast Retailing ở mức 9% vào tháng 8 trong khi Inditex hưởng 24%. Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho trong 3 tháng của Fast Retailing là 1.5, thấp hơn Inditex hiện đang là 2. 

Hầu hết các cơ sở sản xuất của Inditex đều ở Tây Ban Nha. Nó giảm thiểu khối lượng hàng tồn kho bằng cách sản xuất số lượng quần áo tương xứng với khả năng hậu cần, sử dụng đường vận tải hàng không để vận chuyển hàng hóa trong thời gian ngắn. Bởi vì Inditex có thể bán hết sản phẩm của mình mà không cần giảm giá, nên nó thu về lợi nhuận dồi dào.

Fast Retailing là đối thủ cạnh tranh với Inditex về bán hàng trực tuyến, lĩnh vực sẽ quyết định sự tăng trưởng. Trong năm tài chính trước đó, công ty may mặc Nhật Bản đã nâng thị phần kỹ thuật số trong tổng doanh số bán hàng từ 11,3% lên 15,6%. Còn đối với Inditex, thương mại điện tử chiếm 14% doanh thu của tập đoàn vào năm 2019, nhưng họ đã có kế hoạch nâng con số đó lên 25% vào năm tới.

Nhà phân tích Takahiro Kazahaya của Credit Suisse Securities (Nhật Bản) cho biết Fast Retailing có lợi thế hơn về lĩnh vực kinh doanh trong tương lai. Ông nói: “Khi xem xét chỗ đứng ở châu Á, Fast Retailing đang dẫn đầu về tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn.”

Inditex điều hành 467 cửa hàng tại Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái, Zara đã khai trương cửa hàng lớn nhất châu Á tại Bắc Kinh, trải dài hơn 3.000 mét vuông.

Sự tăng trưởng ở châu Á có thể sẽ quyết định định giá thị trường của hai công ty trong tương lai.


Thực hiện: Mỹ Đỗ

Theo NikkeiAsia