Vấn đề tồn kho trong kinh doanh thời trang

Ngày đăng: 13/11/22

Có vài chủ cửa hàng chia sẻ rằng ‘dù doanh số bán hàng tăng vọt, nhưng doanh thu của tháng đó lời không hề nhiều’. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc nhập quá nhiều hàng và vẫn chưa bán hết, dẫn đến việc dư sản phẩm cho tháng sau – trong kinh doanh, hiện tượng này được gọi là quản lí tồn kho yếu kém. Vậy thì làm sao để cải thiện khả năng quản lí tồn kho và đâu là giải pháp tối ưu cho các cửa hàng thời trang?  

Mọi cuộc khủng hoảng đều mang đến cơ hội. Có thể thấy rõ ràng rằng đại dịch COVID đang khiến nhiều người trong ngành thời trang nghĩ rằng phải có một cách tốt hơn để bán quần áo. Bất kể là các nhà thiết kế độc lập hay là hãng thời trang nội địa, quốc tế thì họ đều gặp vấn đề về hàng hóa bị ùn đọng lại. Bởi vì đại dịch, nhiều cửa hàng đã bỏ thói quen đặt trước một lượng hàng lớn như những năm trước và sẽ xả hàng tồn ở cuối mùa để dọn kho. Tuy nhiên, do sự chậm trễ trong việc giao hàng tới tay người mua và sự hiểu biết sai về thói quen tiêu dùng sau COVID đã khiến cho các kho dự trữ quần áo đang có xu hướng tăng nhanh.

Các cửa hàng đã mở bán trở lại sau nhiều tháng đóng cửa do cuộc giãn cách xã hội. Vì vậy mà các nhà kinh doanh thời trang đã gặp khó khăn trong việc bán lại hàng tồn kho với giá gốc. Những bộ quần áo theo trend đã khiến các hãng thời trang chạy theo xu hướng phải điêu đứng và gục ngã sau đại dịch vì tuổi thọ ngắn và dễ lỗi thời. 

Theo báo cáo của BlueFin Research Partners, mức tồn kho của các hãng thời trang bán lẻ vào tháng 6 đã cao hơn 27% so với năm trước. Đặc biệt là hãng Aritzia – một thương hiệu thời trang cho phụ nữ ở Canada – đã tiết lộ trong báo cáo thu nhập gần đây nhất rằng số lượng hàng trong kho đã cao hơn 80% khi so sánh với năm 2021. 

Nhà phân tích Rebecca Duval đã từng nói rằng ‘các hãng thời trang đều nghĩ rằng họ đang làm rất tốt trong công việc của mình bằng cách lập kế hoạch trước cho các vấn đề về supply chain (chuỗi cung ứng)”. Nhưng đến năm 2022, sự tùy hứng trong việc mua sắm của khách hàng đã giảm đáng kể dẫn đến nguồn ‘cầu’ trong cán cân bị mất cân bằng. Vì vậy việc quản lí tồn kho một cách hiệu quả là việc không thể thiếu ở hiện tại. 

Nếu như vấn đề của năm 2021 là tìm kiếm nguồn cung trong mùa “cao điểm của COVID19” thì vào năm 2022, các hãng bán lẻ quần áo lại đau đầu với việc xử lí tình trạng dư thừa quần áo. Đó chính là mục tiêu trong mùa đông năm nay, tìm ra những biện pháp sáng tạo hơn, giảm thiểu rủi ro và điều chỉnh lại các đơn hàng. 

Sự cố gặp phải khi yếu kém trong việc quản lý hàng tồn kho

Chi phí quản lí, điều hành kho, và chi phí sử dụng thiết bị để duy trì kho tăng là điều mà tất cả các doanh nghiệp đều không muốn xảy ra. Chúng không hề rẻ và doanh nghiệp còn phải mất tiền để dành diện tích của những mặt hàng bán không được. Khi mà số tiền của doanh nghiệp đầu tư vào việc nhập hàng với số lượng hàng quá lớn mà không bán hết, chủ doanh nghiệp khó có thể thu hồi lại tiền vốn và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động khác. Dẫn đến vấn đề cửa hàng phải giảm giá để giải quyết tồn kho và lợi nhuận không nhiều. Vấn đề này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều doanh nghiệp thời trang sau đại dịch và trong một vài trường hợp, họ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh các sản phẩm mới. 

Ngoài việc mất tiền sản phẩm và giá trị sản phẩm khi qua mùa, điều đáng tiếc thứ 2 là thất thoát hàng hóa. Quản lí khó có thể kiểm soát do số lượng hàng tồn kho quá nhiều và nắm bắt được chính xác để đối chiếu dữ liệu. 

Vấn đề này còn kèm theo việc người quản lí không thể kiểm tra kĩ lưỡng mỗi một phụ kiện. Đây là một trong những sự cố hay gặp phải bởi vì vài sản phẩm khi để quá lâu có thể bị bung chỉ và gặp lỗi do không được bảo quản đúng cách nên chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Có thể thấy rằng điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp nếu làm không tốt. 

Nguyên nhân và giải pháp

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này bao gồm rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn như nỗi sợ hết hàng (out of stock), nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang nhập số lượng quần áo quá mức vì nhận thấy được tiềm năng của item đó. Tuy nhiên khi đưa lên kệ bày bán sản phẩm thì khách hàng mua lại quá ít dẫn đến việc không thể đạt được KPI. Giải pháp được đặt ra là hãy dự trữ số lượng hàng hóa ở mức an toàn mặc dù thiếu hàng có thể sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng khi hàng tồn chỉ còn lại 10-20% thì lúc đó bạn có thể nhập thêm hàng để phòng trường hợp nhu cầu khách hàng tăng đột biến. 

Hầu như đối với các bạn trẻ tự kinh doanh hoặc những bạn mới bắt đầu lấn sân sang mảng kinh doanh thời trang thì thiếu kinh nghiệm trong công việc quản lí hàng tồn kho là điều có thể lí giải được. Duy trì đủ lượng hàng trong kho giúp ta hiểu cách cân bằng chi phí hàng tồn và chi phí bán hàng. Ngoài việc cần nâng cao khả năng quan sát, người chịu trách nhiệm cho việc quản lí cần phải nắm rõ được cách tính toán chi phí hàng tồn kho. Dựa trên đó mà giải được bài toán kinh doanh và giúp cửa hàng phát triển hơn, đạt được doanh thu mong muốn. 

Có những hàng hóa chỉ bán được theo mùa, hoặc là nhu cầu khách hàng thay đổi theo mùa. Nhiều thương hiệu sẽ gặp khó khăn trong việc xác định mặt hàng sản phẩm phải nhập và lập bảng kế hoạch phù hợp. Áo len, mũ len, tất, khăn choàng là những phụ kiện bán chạy trong mùa đông thì dép, áo thun, mũ lưỡi trai sẽ phù hợp với mùa hè. Nắm rõ được tính thời vụ ảnh hưởng đến nhu cầu khách hàng giúp giải quyết tồn kho một nhanh chóng. Bởi vì thói quen chi tiêu cũng đang thay đổi một cách nhanh chóng. Ngày nay, người tiêu dùng có xu hướng mua hàng trong mùa chứ không phải trước mùa nữa.

Chuỗi cung ứng là một trong những lí do ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề hàng tồn kho. Hàng loạt các sự kiện như sự cố đào kênh Panama, chiến tranh Ukraine, dịch bệnh xảy ra ở các quốc gia trên thế giới,… đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết quả là từ các cửa hàng thời trang bán lẻ cho đến các nhãn hiệu nội địa và toàn cầu đều phải dự trữ quá mức hàng hóa để tránh trường hợp thiếu hàng do nhà cung cấp không kịp đáp ứng. Biện pháp hiện nay là phục hồi lại chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch dự phòng, và tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Bài học từ các thương hiệu

Thương hiệu Zara

Các nhà bán lẻ thời trang đã nhận ra được rằng họ cần làm việc với các nhà sản xuất để thiết kế lại các mùa và làm cho chuỗi cung ứng của họ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nhanh hơn. Bằng cách giảm lượng hàng dự trữ trong kho và cửa hàng, các nhà bán lẻ cải thiện dòng tiền của họ và giảm nguy cơ tồn đọng khi chuyển mùa – hoặc khi dịch COVID bùng phát buộc họ phải đóng cửa hàng. Điển hình là Zara, chuỗi cửa hàng thời trang nhanh của Tây Ban Nha. Thương hiệu này là một bậc thầy của nghệ thuật trong việc quản lí tốt chuỗi cung ứng. Họ sử dụng nguồn cung ứng gần bờ để tiện di chuyển qua lại giữa các quốc gia và điều đó giúp cho họ có thể giới thiệu các thiết kế mới hai lần một tuần.

Case Study của Saitex

Chi phí vận chuyển luôn là mối quan ngại của nhiều khách hàng khi mua sắm online. Rất nhiều khách hàng đã quyết định mua chiếc váy hay chiếc quần nào đó nhưng đến bước thanh toán, thì họ lại chần chừ vì chi phí vận chuyển quá cao. Nhận biết được điều đó, Saitex – nhà máy sản xuất vải Denim sạch nhất thế giới đã khai trương một nhà máy sản xuất mới ở Los Angeles vào đầu năm nay và nó có khả năng mà hầu hết các nhà sản xuất khác không có: khả năng vận chuyển sản phẩm thẳng đến nhà người tiêu dùng. Dịch vụ này đang là xu hướng của các công ty thương mại điện tử khi nỗ lực cắt giảm chi phí vận chuyển của các đơn đặt hàng trực tuyến, bao gồm chi phí từ nhà máy đến kho hàng, từ kho hàng đến trung tâm phân phối và sau đó đến điểm đến cuối cùng.

Kết

Qua đó ta có thể thấy rằng kinh doanh thời trang là một điều không hề dễ dàng từ những bạn trẻ đang mong muốn khởi nghiệp đến những cửa hàng lâu năm. Sự thay đổi chóng mặt qua từng ngày của thế giới đòi hỏi ở những nhà kinh doanh sự nhạy bén trong thị trường đầy biến động và tỉ mỉ trong từng khâu quản lý, đặc biệt là khoảng thời gian sau đại dịch COVID. 

Thực hiện: Mỹ Tâm