Vì sao các shop thời trang nhất định buộc khách hàng phải “inbox giá”?

Ngày đăng: 07/01/20

Một ngày, khi lướt “News Feed” trên Facebook, bạn nhất định bắt gặp rất nhiều shop thời trang đang hiển thị dưới hình thức “sponsor” (được trả tiền để hiển thị). Tuy nhiên, bên trên những hình ảnh rao bán sản phẩm thời trang, không có mấy shop đề giá bán, mà thay vào đó bạn phải “inbox giá” để biết giá của sản phẩm. 

Vì sao các shop thời trang trên mạng xã hội nhất định buộc khách hàng “inbox giá” dù rằng điều này nhiều lúc khiến các “thượng đế” của họ phải bực mình? 

Dưới cái nhìn của người mua 

Có thể nói Facebook hiện đang là nền tảng bán hàng được yêu thích hàng đầu tại Việt Nam từ người bán lẫn người mua. Hiện tại, tại “mảnh đất vàng” này có sự cạnh tranh khủng khiếp của các chủ shop thời trang – những người kinh doanh thời trang bán lẻ chen chân cùng các thương hiệu thời trang thiết kế nội địa. 

Mỗi lần lướt News Feed của mình, người viết bài có thể thấy xen kẽ các “post” của các shop thời trang hiển thị liên tục. Tuy nhiên, Fanpage của các cửa hàng thời trang có niêm yết giá bán công khai tương đối hiếm hoi. 

Và khi hình ảnh sản phẩm của một thương hiệu thời trang hiện lên trước mặt, mà không niêm yết giá, người viết – với tư cách khách hàng tiềm năng của thương hiệu, chỉ có thể dựa vào chất lượng hình ảnh thương hiệu đăng tải mà suy đoán mức giá của sản phẩm. Với tư cách là người mua, tôi ngại phải hỏi giá, nhất là hỏi giá nhiều lần, dù rằng tôi có thể thích cùng lúc nhiều sản phẩm của cửa hàng đó. 

Mặt tốt của việc xem sản phẩm “online” là tôi có thể nhìn sản phẩm trên cơ thể người mẫu thay vì sản phẩm được treo trên sào đồ của cửa tiệm. Thông qua hình ảnh người mẫu (có thể là đang ở studio hay đường phố), tôi có hình dung ra mình nên diện bộ trang phục này thế nào cho thật phong cách, nên diện trong trường hợp nào và khi diện trông nó ra sao. Điều này khiến tôi thấy phong cách đẹp nhất của bộ trang phục và tạo cho tôi tâm lý muốn sở hữu chúng. Tuy nhiên, như đã nói, tôi ngại phải “inbox” hỏi giá nhiều lần. 

Việc phải “inbox” giá cản trở trải nghiệm mua sắm của tôi, khiến cho việc mua một món đồ từ việc: nhìn thấy sản phẩm mình thích + nhìn thấy mức giá nếu phù hợp = mua ngay, thì việc “inbox” tôi phải chờ đợi nhân viên tư vấn sản phẩm trả lời. 

Chị Tee Trương, nhà sáng lập 102 Production, là người có nhiều kinh nghiệm tư vấn về bán hàng online cho các chủ cửa hàng thời trang từng chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này tại SR Business Talk Ep6 với chủ đề Xây dựng hình ảnh định vị thương hiệu. Chị cho biết, trong thời buổi ngày nay, khi có nhiều thương hiệu cạnh tranh nhau, thì việc trả lời tư vấn chậm cũng có thể khiến cửa hàng dễ dàng mất khách. Tâm lý muốn sở hữu ngay sản phẩm dễ dàng nhạt phai, khi trong lúc chờ đợi cửa hàng báo giá và tư vấn, họ lại thấy những sản phẩm mới và các cửa hàng mới hiển thị liên tục trên “News Feed”. 

Câu chuyện từ người bán 

Cũng trong SR Business Talk Ep6 với chủ đề Xây dựng hình ảnh định vị thương hiệu, anh Thiên Minh, Photographer & Founder của thương hiệu thời trang Meman đã đưa ra một lý giải khác về việc các cửa hàng ém nhẹm giá bán đi để khách hàng phải “inbox”. Anh cho biết, với thuật toán của Facebook sẽ ưu tiên hiển thị cửa hàng với những khách hàng đã “inbox” hơn. 

Từ trái sang phải: Chị Hà Mi, Chị Tee Trương, Anh Thiên Minh trong chương trình SR Business talk ep 6

Với Fanpage bán hàng mới thành lập, thì việc kéo khách hàng “inbox” (cũng là cách kéo tương tác) giúp Fanpage được hiển thị nhiều hơn vào những lần sau. Nếu như nhân viên tư vấn khéo léo giải đáp những thắc mắc của khách hàng có thể tạo được hảo cảm của các vị khách hàng – biến họ thành khách hàng tiềm năng hay khách hàng trung thành của thương hiệu. 

Anh Thiên Minh cũng nêu “mẹo”, với các cửa hàng thời trang mới thành lập Fanpage, việc để khách hàng “inbox” trong giai đoạn đầu cũng là điều tốt để tăng tương tác, sau đó bạn có thể niêm yết giá công khai. 

Tất nhiên, việc “kéo tương tác” chỉ là một trong vô số lý do mà các shop thời trang không niêm yết giá. Các chủ cửa hàng cũng có lý do cho việc không công khai giá. Sự cạnh tranh không lành mạnh cũng là một trong số các nguyên nhân nêu ra từ các chủ cửa hàng thời trang bán lẻ. Chủ một shop thời trang giấu tên cho biết, khách hàng của shop sau khi để lại “comment” muốn mua hàng có thể bị làm phiền hay lôi kéo bởi nhân viên của các shop khác, khi họ inbox trực tiếp cho khách hàng khác và báo giá món hàng tương tự với mức rẻ hơn (dù chưa biết chất lượng thế nào). 

Đối với các cửa hàng thời trang thiết kế nội địa cũng gặp tình trạng cạnh tranh tương tự với những cửa hàng bán sản phẩm đạo nhái chất lượng thấp. Bên cạnh đó, việc khách hàng chủ động “inbox” hỏi về sản phẩm cũng là một cách giúp chủ cửa hàng nhận biết khách hàng quan tâm sản phẩm nhiều hay ít, ai là người thực sự muốn mua hay ai đơn thuần chỉ là người “comment dạo” (hỏi mua sản phẩm ở comment nhưng không thực sự lấy hàng). 

Làm sao để xóa nỗi phiền “inbox”? 

Theo chị Trần Hà Mi, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh và – Marketing Thời trang tại ESMOD-ISEM (Paris), dưới cái nhìn của một chuyên gia tư vấn chiến lược bán hàng thời trang, việc không niêm yết giá công khai không phải là một chiến lược bán hàng có thể mang đến hiệu quả lâu dài. 

Chị Hà Mi chia sẻ về vấn đề “mua hàng phải inbox giá”: “Một khách hàng khi cầm điện thoại trên tay họ lướt News Feed trong vô thức. Có rất nhiều bước để một khách hàng thấy được bài viết/ bài quảng cáo của bạn rồi đi đến quyết định hỏi giá. Tuy nhiên trong các bước đó, cửa hàng của bạn rất dễ rơi rụng khỏi tâm trí khách hàng. Thậm chí khách hàng đã inbox nhưng lúc đó nhân viên cửa hàng lại không có mặt để tư vấn ngay. Những trường hợp như vậy dễ khiến bạn bị mất khách”. 

Chị Trần Hà Mi, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh và – Marketing Thời trang tại ESMOD-ISEM (Paris)

Trong SR Fashion Business Talk Ep 2, chị Hà Mi cũng cho biết thêm, tâm lý mua hàng của khách hàng thường thích cân nhắc, chọn lựa từng sản phẩm. Nếu phải inbox giá hỏi từng cái một khi mà khách hàng quan tâm đến nhiều sản phẩm dễ khiến họ cảm thấy ngại. “Vô tình chung điều này khiến cho tỉ suất mua đồ giảm xuống rất nhiều” – chị Hà Mi đưa ra kết luận “Việc bắt khách hàng phải inbox giá là phí hoài công sức của marketing và ngân sách quảng bá cửa hàng. Cho nên điều tốt nhất là bạn cứ công khai giá cho khách hàng”. 

Việc bắt khách hàng phải inbox giá khi mua hàng – theo là phí hoài công sức của marketing và ngân sách quảng bá cửa hàng. Cho nên điều tốt nhất là bạn cứ công khai giá cho khách hàng.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều, việc công khai giá cả không áp dụng cho những thương hiệu thời trang cao cấp lâu đời. “Tuy nhiên với thương hiệu cao cấp, việc không inbox giá là đúng, vì các thương hiệu cao cấp sở hữu giá trị riêng và điều mà khách hàng của họ tìm đến thương hiệu là cảm hứng, trải nghiệm hơn là tìm hiểu giá tiền…” – chị Hà Mi nêu lên sự khác biệt về phân khúc của thương hiệu, với sự khác biệt này khiến cho họ có hình thức marketing và chốt sale khác hơn. 

Thực hiện: Koi