Vì sao chất liệu thay thế da thuộc không hẳn là chọn lựa hoàn hảo?

Ngày đăng: 28/11/22

Các lựa chọn thay thế chất liệu da thuộc ngày càng nhiều, nhưng bất chấp những tuyên bố xanh của các thương hiệu thời trang sử dụng những vật liệu này, vẫn có bằng chứng khoa học cho thấy những tuyên bố đó có thể gây hiểu nhầm. Có những lời nói dối, những lời nói dối khủng khiếp, và có cả… da thuần chay.

Để hiểu động vật đã trở thành một phụ kiện như thế nào, hãy xem bộ phim có tên SLAY (slay.film) được thực hiện bởi nhà làm phim người Pháp từng đoạt giải thưởng và nhà hoạt động vì quyền động vật Rebecca Cappelli. Để miêu tả nội dung phim, dùng từ ‘tàn ác’ hay ‘nhẫn tâm’ là một cách nói nhẹ nhàng, nhưng đó là một thông điệp cần được lan tỏa vì sự thay đổi tích cực bắt đầu từ nhận thức về một vấn đề. 

SLAY hỏi chúng ta một câu hỏi quan trọng: Liệu có thể chấp nhận việc làm hại động vật vì thời trang? Bộ phim đã tiết lộ một vài chi tiết khó chịu mà ngành công nghiệp thời trang không nói, cũng như là lời cảnh báo công bằng dành cho những người yêu thích đồ giả da, đó là chất liệu thay thế da được làm từ gì.

Cách duy nhất để tìm hiểu về quá trình “green washing” của các nhà cung cấp da thay thế là kiểm tra vật liệu của họ. Viện Nghiên cứu Da và Vật liệu Tổng hợp (FILK) ở Freiberg đã làm chính xác điều đó bằng cách đặt các mẫu da thuần chay dưới kính hiển vi.

Viện FILK đã điều tra các lựa chọn thay thế da nổi tiếng nhất và so sánh chúng với da động vật. Động lực đằng sau nghiên cứu nằm ở một câu trích dẫn từ bản tóm tắt của báo cáo: “Người tiêu dùng phải có khả năng quyết định những gì họ muốn. Để làm như vậy, họ phải biết những gì họ đang mua. Những thuật ngữ gây hiểu nhầm không có tác dụng gì cả. Nghiên cứu này cung cấp sự minh bạch và sáng tỏ rằng da thuộc là một chất liệu tự nhiên, đặc biệt mà nhân loại, ngay cả với rất nhiều bí quyết, vẫn chưa thể tái tạo tất cả các đặc tính của nó.”

Báo cáo từ FILK có tên là So sánh hiệu suất kỹ thuật của da, da nhân tạo và các lựa chọn thay thế hợp thời trang không chỉ xem xét sự khác biệt về cấu tạo của các vật liệu thay thế so với da, mà còn kiểm tra chất lượng hiệu suất cần có trong giày dép, quần áo và găng tay. Dưới đây là bốn ví dụ nổi tiếng về các lựa chọn thay thế da, và những gì đã được tìm ra về chúng dưới kính hiển vi.

Desserto – Da xương rồng (cactus leather)

Desserto là nhà cung cấp sản phẩm thay thế da làm từ chất thải xương rồng ở Mexico. Phát minh này đã được ngành công nghiệp thời trang hoan nghênh và giành được nhiều giải thưởng như Giải thưởng LVMH, tuy nhiên có một sự thật quan trọng không được đề cập công khai. FILK phát hiện ra rằng sản phẩm này là một loại vải dệt phủ PUR được hỗ trợ bằng polyester. Lớp rắn và được tạo bọt một phần bên dưới lớp trên cùng “chứa đầy các hạt polyacrylate không đồng nhất có nguồn gốc hữu cơ”. Nói cách khác thì đó là nhựa. 

Dạng hỗn hợp của da thuần chay này, kết hợp sợi tự nhiên với dầu, là một thảm họa đối với môi trường vì việc phân hủy các vật liệu là bất khả thi với công nghệ mở rộng ngày nay. Hơn nữa, nghiên cứu báo cáo về các chất có hại được phát hiện cho thấy Desserto chứa năm chất bị hạn chế là butanone oxime, toluene, isocyanate tự do, folpet (một loại thuốc trừ sâu hữu cơ) và dấu vết của chất hóa dẻo Diisobutyl phthalate (DIBP).

Piñatex – Da dứa (pineapple leather)

Piñatex là một sản phẩm nổi tiếng khác của công ty Tây Ban Nha Ananas Anam. Như bài viết đã nêu, đây là “vải không dệt làm từ sợi lá dứa và PLA (axit polylactic), được phủ bằng nhựa sắc tố hoặc được đúc quá mức bằng màng PUR có độ bền cao”. FILK lưu ý rằng đây là một loại vải không dệt được làm từ sợi tự nhiên, được phủ một lớp polyme mỏng tương tự như polyacrylate. Có sự khác biệt về nguyên liệu giữa axit polylactic (PLA) và Polyacrylate. Nghiên cứu đã tìm thấy các chất có hại sau đây có trong sản phẩm, đó là chất hóa dẻo Diisobutyl phthalate (DIBP).

Appleskin – Da táo (apple leather)

Appleskin là một sản phẩm của Ý được phát triển với sự giúp đỡ của công ty dệt may Frumat. Da táo được làm từ sản phẩm phụ của ngành công nghiệp nước ép táo. Phần còn lại – lõi và da cuối cùng trở thành chất thải – được chuyển thành bột giấy trộn với polyurethane để tạo ra một loại da thay thế. Các chất có hại sau đây đã được tìm thấy trong Appleskin: butanone oxime và dấu vết của dimethylformamide (DMFa).

Vegea – Da nho (grape leather)

Vegea là một sản phẩm của Ý đến từ khu vực phía Bắc. Mặc dù Vegea muốn làm điều đúng đắn là không sử dụng nhựa 100%, phản hồi từ khách hàng, là các thương hiệu thời trang đã buộc họ phải sử dụng các hóa chất mà FILK đã phát hiện ra, bao gồm các chất có hại như toluene.

Liệu các chất liệu thay thế này có thực sự tốt hơn?

Khi nói đến hiệu suất của chúng, nghiên cứu cho thấy độ bền kéo của các chất liệu thay thế da được nêu ở trên không bằng da thật. Đặc biệt, Piñatex tỏ ra yếu kém, có nghĩa là tuổi thọ của sản phẩm bị ảnh hưởng. Điều này đặt ra những câu hỏi như liệu da động vật có thể là một lựa chọn tốt hơn để kéo dài tuổi thọ hay không. Bản thân việc phải thay thế một sản phẩm mà vật liệu không thể tái chế được lại là một vấn đề khác.

Hãy quay trở lại câu hỏi được đặt ra trong SLAY: “Liệu có thể chấp nhận việc làm hại động vật vì thời trang?” Nếu chúng ta xem xét các sản phẩm thay thế bằng da sử dụng chất thải thực phẩm với lớp phủ và hoặc chất liên kết đến từ dầu, không dễ để khẳng định rằng những sản phẩm này tốt hơn da nguyên bản dựa trên quan điểm về quyền động vật. Trên thực tế, một nhà khoa học khác là Giáo sư Luke Haverhals – nhà hóa học, nhà phát minh và người sáng lập công ty Natural Fiber Welding – đã từng giải thích về cách thức quá trình khai thác dầu fracking (kỹ thuật thủy lực bẻ gãy), vốn cần thiết để sản xuất da nhựa, đã trực tiếp giết chết động vật hoang dã trong trường hợp tràn dầu. 

Kết hợp ba yếu tố của phim SLAY, nghiên cứu của FILK và bài học của Giáo sư Haverhals, rõ ràng là chúng ta không thể đơn giản tuyên bố rằng các chất thay thế da đã được thảo luận là Desserto, Piñatex, AppleSkin và Vegea tốt hơn khi xét đến các chất có hại được tìm thấy rằng đến từ dầu mỏ.

Thực hiện: Bảo Long
Theo Fashion United