Vì sao công ty thương mại điện tử Asos mua thương hiệu Topshop?

Ngày đăng: 03/02/21

Asos vừa chi hơn 400 triệu USD để mua lại thương hiệu đường phố vang bóng một thời, đây là động thái nhằm nâng cao vị thế của nhà bán lẻ trực tuyến trong cuộc chiến mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ vài năm trở lại đây.

Có nhiều lý do để Asos phải vượt qua các đối thủ cạnh tranh để sở hữu Topshop, theo phân tích của chuyên trang Business of Fashion.  

Để cạnh tranh sống còn với các đối thủ

Hôm thứ Hai, Asos – sau bao nỗ lực cạnh tranh với các đối thủ bao gồm công ty thương mại điện tử chuyên thời trang nhanh Boohoo Group, nhà bán lẻ Next và Frasers Group của Vương quốc Anh, đã sở hữu Topshop cùng các thương hiệu Topman, Miss Selfridge và HIIT trong phi vụ trị giá 295 triệu bảng Anh (403 triệu USD). 

Thương vụ này đánh dấu bước đột phá đầu tiên của Asos trong lĩnh vực M&A và phản ánh tốc độ cuộc đua ngày càng tăng trong thị trường thương mại trực tuyến đang bùng nổ của ngành thời trang. Dù khá thành công trong lĩnh vực này, Asos vẫn cần nỗ lực để duy trì vị thế trong một thị trường ngày càng đông đúc đối thủ và nhất là sự cạnh tranh cao độ đến từ các đơn vị mới nổi lẫn lâu năm. 

Nắm quyền kiểm soát thương hiệu 

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, thói quen từ mua sắm trực tiếp tại cửa hàng đã được chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến. Asos, một đơn vị bán lẻ trực tuyến, cùng các đối thủ cạnh tranh, hưởng lợi trực tiếp sự việc chuyển đổi hành vi tiêu dùng này. 

Thương vụ mua lại thương hiệu Topshop là một cách để Asos nhanh chóng tăng thị phần của mình bằng cách nắm quyền kiểm soát một thương hiệu đã gầy dựng được danh tiếng của mình trong nhiều năm qua. Nhất là khi Topshop đã có vị trí nhất định trong trí nhớ của thế hệ khách hàng Millennial. Năm ngoái, Asos đã bán được nửa triệu quần jean Topshop và 300.000 chiếc váy của Topshop, bên cạnh đó 80% doanh thu của HIIT cũng đến từ chính kênh bán hàng Asos. Hơn ai hết, Asos hiểu được lợi nhuận mà Topshop cùng các thương hiệu được mua lại có thể mang lại trong tương lai. 

Hướng đến mô hình bán lẻ đa thương hiệu 

Asos đang thay đổi mô hình kinh doanh hướng đến tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Công ty đã xây hướng đến hoạt động kinh doanh với vị thế một nhà bán lẻ đa thương hiệu. Asos là nơi mà người tiêu dùng có thể mua sản phẩm của Nike, Calvin Klein, The North Face… và chính cả sản phẩm riêng của Asos. 

Trong những năm gần đây, Asos nỗ lực xây dựng và phát triển các thương hiệu thời trang riêng của mình như đồ thể thao Asos hay Collusion ra mắt năm 2018. Vào thời điểm dịch bùng nổ, Asos tung ra Asyou, một dòng sản phẩm giá rẻ nhắm vào khách hàng bình dân để cạnh tranh với các thương hiệu của Boohoo. Boohoo Group, có trụ sở tại Manchester, là một đối thủ đáng gờm của Asos trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thương mại điện tử. Và hiện, công ty này cũng đang so kè trong các thương vụ mua lại của Asos cũng như hướng đến các thương hiệu mà Asos chưa thâu tóm được. Và cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn…

Thực hiện: Koi

Theo BOF