Vì sao định giá quá rẻ lại có thể giết chết thương hiệu thời trang của bạn? 

Ngày đăng: 27/11/24

Ngày nay, ai cũng yêu thích giá rẻ, cho nên “cạnh tranh” bằng giá rẻ là chiến lược thường thấy ở những thương hiệu thời trang mới thành lập. 

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Bài phân tích dưới đây sẽ lý giải cho việc vì sao định giá quá rẻ lại có thể giết chết thương hiệu thời trang của bạn. 

Khi lần đầu tiên bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình, nhiều người thường không biết cách định giá bán chính xác cho các sản phẩm thời trang. Có thể bạn có trong tay chi phí sản xuất (từ các xưởng), các số liệu tìm hiểu mang tính cá nhân và giá của các đối thủ cạnh tranh (các thương hiệu thời trang mà bạn thường thấy trên mạng xã hội). 

Để bán được nhiều hơn, bạn định giá sản phẩm của mình có tính “cạnh tranh” hơn, tức là rẻ hơn các đối thủ (vài chục đến vài trăm ngàn). Chính vì không biết bắt đầu từ đâu, vì vậy bạn đã định giá sản phẩm của mình quá thấp. 

Tại sao điều này là sai lầm?

Đối với những người mới bắt đầu kinh doanh, việc định giá quá thấp có nghĩa là bạn có thể bán lỗ hoặc không kiếm được lợi nhuận xứng đáng. 

Nếu may mắn, bạn có thể kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ trong thời gian đầu khi tung ra bộ sưu tập đầu tiên, khoản lợi nhuận này lại có thể nhanh chóng bị mất đi một cách dễ dàng bởi một số tình huống rất có thể xảy ra mà bất kỳ thương hiệu thời trang nào cũng gặp phải một cách thường xuyên.

Sản phẩm nhanh chóng lỗi mốt và trở thành hàng tồn

Có một điều quan trọng trong kinh doanh thời trang là sản phẩm thường được bán theo xu hướng, hay theo mùa. Trong khi đó, các món đồ áo váy thì thường có các size khác nhau. Bạn thường khó bán hết tất cả các size, các mẫu trong một thời gian đầu tung ra sản phẩm và sau đó bạn thậm chí phải “sale-off” các kích cỡ còn thừa hay mẫu mã đã lỗi mốt. 

Để đẩy hàng tồn đi hết, nhiều thương hiệu còn phải đẩy con số giảm giá lên cao và khi đó họ chấp nhận lỗ vốn còn hơn ôm hàng. Cho nên, giá bán cần được tính toán tỉ mỉ ở khoản này.

Đọc thêm: Mách bạn các phương pháp giúp ‘sold out’ các mặt hàng thời trang

Không thu hút được khách hàng lý tưởng

Định giá quá thấp cũng có nghĩa là bạn có thể không thu hút được đúng đối tượng khách hàng lý tưởng của mình, thay vào đó bạn đang thu hút nhóm khách hàng thấp hơn, những người thích “sale-off” hay thích giá rẻ. 

Nhóm khách hàng này khó giữ chân hay không hề có độ trung thành bởi họ cũng có thể lập tức từ bỏ thương hiệu của bạn để chuyển sang một thương hiệu khác giá rẻ hơn cả bạn. 

Hãy để Style-Republik xác minh giúp bạn Làm thế nào để xác định chính xác “chân dung” tệp khách hàng tiềm năng? ở bài viết sau đây.

Mức giá cũng là “thông điệp ngầm”

Bạn cần lưu ý rằng mức giá cũng là một “thông điệp ngầm” chứng tỏ bạn là một thương hiệu.

Hãy nhìn vào giá của các sàn thương mại điện tử, giờ đây người tiêu dùng bắt đầu nhận thức được rằng “tiền nào của nấy”. Nhiều sản phẩm quá rẻ so với mặt bằng chung khiến khách hàng cho rằng “rẻ thế này liệu sản phẩm có chất lượng?”.

Điều bạn nên làm là có chiến lược định giá sản phẩm phù hợp, xứng đáng, sao cho giá sản phẩm của bạn nói lên được giá trị và chất lượng tương xứng của nó, cho mọi người biết bạn là một thương hiệu, định vị thương hiệu của bạn là gì và sản phẩm của bạn được làm ra và có giá trị như thế nào. 

Giá cả hoạt động như một tín hiệu đến não và cho phép khách hàng tiềm năng của bạn ngay lập tức đưa ra các giả định (đúng hoặc sai) về thương hiệu của bạn và sản phẩm (hoặc dịch vụ) của bạn phải như thế nào.

Định giá giúp khách hàng mua hay không. Khi bạn hiểu các con số liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ ảnh hưởng đến não bộ như thế nào, bạn sẽ biết tại sao bạn không thể định giá rẻ sản phẩm của mình.

Cân nhắc chi phí để tái đầu tư

Và một điều quan trọng là trong kinh doanh ngày nay, các thương hiệu thời trang Việt ở phân khúc trung bình rất khó thay đổi mức giá cao hơn cho các bộ sưu tập sau này, khi khách hàng đã quen với tầm giá ban đầu. Nhưng ở khía cạnh của thương hiệu, cần chi phí để làm thương hiệu, làm hình ảnh và tái đầu tư nhiều mặt. Vì thế khi không thể tăng giá bán sản phẩm họ lại rơi vào vòng luẩn quẩn không đủ chi phí tái đầu tư nâng cấp thương hiệu. 

Nếu đã bước chân vào lĩnh vực kinh doanh thời trang, bạn cần cân nhắc các yếu tố trên để thương hiệu có thể tồn tại lâu dài thay vì chỉ trong vài mùa. Điều mà bạn cần cân nhắc nhiều hơn mức giá là câu chuyện thương hiệu, tư duy thiết kế và chất lượng của sản phẩm để tạo nên bản sắc cho thương hiệu thay vì chỉ cạnh tranh bằng mức giá rẻ. Chúc các bạn xây dựng được một chiến lược thành công cho năm 2025!

Thực hiện: K.