Vì sao Kim Jones rời Dior sau nhiệm kỳ “làm nên lịch sử”?
Ngày đăng: 01/02/25
Trong suốt 7 năm đảm nhiệm vai trò Giám đốc nghệ thuật của dòng thời trang nam giới tại Dior, nhà thiết kế người Anh – người đã định hình lại mối quan hệ giữa thời trang nam và văn hóa đại chúng giữa dòng chảy thời trang đương đại bất ngờ nói lời tạm biệt nhà mốt.
Trước khi rời đi, Giám đốc sáng tạo Kim Jones đã tạo nên những màn trình diễn ấn tượng ngoạn mục thay cho lời giã từ với show diễn Dior Men Fall 2025.
Năm 2018, không lâu sau khi NTK Kris Van Assche rời khỏi, Dior đã bổ nhiệm NTK Kim Jones kế nhiệm. Trước đó, ông từng là Giám đốc nghệ thuật của Louis Vuitton Men từ năm 2011 đến năm 2018. Tháng 10 năm ngoái, Kim Jones cũng đã từ chức khỏi vị trí Giám đốc nghệ thuật của Fendi. Tương lai của Kim Jones sẽ là nhà mốt nào hiện tại vẫn chưa có câu trả lời.
Chỉ một tuần trước khi thông cáo từ chức được đưa ra, Kim Jones đã khiến Tuần lễ Thời trang Paris chấn động với một trong những show diễn Dior hoành tráng nhất trong sự nghiệp của mình. Sau đó, ông đã tuyên bố rời khỏi nhà mốt Pháp sau 7 năm gắn bó
“Thật vinh dự khi được tạo ra các bộ sưu tập của mình tại Nhà mốt Dior, một biểu tượng của sự xuất sắc tuyệt đối,” Kim Jones chia sẻ trong một tuyên bố. “Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến xưởng may và các xưởng thủ công đã đồng hành cùng tôi trong hành trình tuyệt vời này. Họ đã thổi hồn vào những sáng tạo của tôi.”
Trong tuyên bố, Giám đốc điều hành Dior, Delphine Arnault, đã ca ngợi sự sáng tạo của Jones và “tính tự do đích thực về giọng điệu” trong công việc của ông. Đáng chú ý, thông cáo báo chí của Dior lưu ý rằng Jones “đã quyết định rời khỏi vị trí của mình.”
Sự suy đoán về những thay đổi trong định hướng thiết kế tại Dior đã tăng lên trong những tuần gần đây khi các nhà mốt xa xỉ đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm, với kết quả kinh doanh gần đây của LVMH khiến các nhà đầu tư thất vọng vì họ kỳ vọng vào những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn.
Tập đoàn xa xỉ, vốn không phân chia doanh số cho từng thương hiệu riêng lẻ, cho biết hiệu suất của Dior hiện yếu hơn Louis Vuitton trong quý cuối năm ngoái. “Chúng tôi nhận thấy thương hiệu Dior đang có dấu hiệu chững lại do khách hàng bị nhàm chán với phong cách hiện tại”, Carole Madjo, nhà phân tích tại Barclays, nhận định. “Thông thường, việc thay đổi nhà thiết kế sẽ tạo ra động lực mới”. “Các thương hiệu cần được đổi mới”, bà nói thêm.
Dior tuyên bố trong một thông cáo rằng Jones đã tự quyết định rời đi sau 7 năm gắn bó với thương hiệu. Và hiện tại ai là người thay thế ông, điều này chưa được công bố.
Giám đốc điều hành Delphine Arnault đã thực hiện những thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao của thương hiệu trong những tháng gần đây, bao gồm việc tuyển dụng Benedetta Petruzzo làm giám đốc điều hành. Petruzzo trước đây điều hành Miu Miu, một trong những thương hiệu phát triển nhanh nhất của tập đoàn Prada.
Cổ phiếu LVMH có biến động nhưng vẫn giảm, bất chấp nhiều kỳ vọng về việc phục hồi trong thời gian gần đây. Ngành thời trang xa xỉ đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong nhiều năm. Theo công ty tư vấn Bain & Company, doanh số bán hàng toàn cầu của ngành đã giảm 2% vào năm ngoái do ảnh hưởng từ sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhiều thương hiệu cao cấp đang gặp khó khăn trong việc khơi lại sự hứng thú của người tiêu dùng hiện đang thắt chặt chi tiêu do lạm phát và lãi suất tăng cao. Những gì họ từng làm, như tăng giá bán trong giai đoạn hậu COVID, giờ đây đã khiến doanh số xa xỉ trở nên bấp bênh khi người tiêu dùng dần thất vọng với mức giá quá cao và tìm đến những chọn lựa thay thế. Trong quý 4, doanh số bán hàng của phòng ban thời trang và đồ da của LVMH, nơi đặt trụ sở của Vuitton và Dior, đã giảm 1%. Mảng này chiếm gần một nửa doanh thu và ba phần tư lợi nhuận định kỳ của LVMH.
Trong những ngày gần đây, sự dịch chuyển về vai trò sáng tạo của các nhà mốt vẫn chưa dừng lại, Matthieu Blazy trở thành tân giám đốc sáng tạo của Chanel và Glenn Martens trở thành giám đốc sáng tạo của Maison Margiela, kế nhiệm John Galliano.
Thực hiện: K.