Vì sao người chơi tennis luôn mặc trang phục màu trắng?
Ngày đăng: 30/08/24
Tinh khôi và sắc nét – Màu trắng từ lâu đã trở thành biểu tượng không thể thiếu trong làng quần vợt, gắn liền với lịch sử và văn hóa của môn thể thao này.
Mặc dù nhiều giải đấu lớn đã dần nới lỏng các quy định về trang phục, Wimbledon vẫn kiên định với quy tắc “hoàn toàn màu trắng” trong suốt nhiều thập kỷ. Quy định này thậm chí còn được thắt chặt thêm trong những năm gần đây, nhằm duy trì một hình ảnh truyền thống và độc đáo, phân biệt Wimbledon với các giải đấu khác.
Ban tổ chức cho biết yêu cầu “hoàn toàn màu trắng” bao gồm: không chấp nhận bất kỳ sắc độ nào khác như trắng ngà, không có chi tiết màu sắc, và thậm chí các loại giày với kiểu màu khác nhau cũng bị cấm.
Tuy nhiên vào năm ngoái, quy định này đã được nới lỏng phần nào, cho phép các tay vợt nữ mặc quần short màu đậm để mang lại sự thoải mái trong những ngày “đèn đỏ”.
Vì sao trang phục trắng lại trở thành tiêu chuẩn trong quần vợt?
Lý do thường được nhắc đến là vì tính thực tế, từ việc phản xạ nhiệt tốt đến che giấu mồ hôi hoàn hảo. Tuy nhiên, ông Kevin Jones, người phụ trách cấp cao của Bảo tàng Thời trang ASU FIDM ở Los Angeles cho biết điều này xuất phát từ lịch sử lâu đời của các câu lạc bộ quý tộc, bắt đầu từ khi quần vợt sân cỏ trở nên phổ biến ở Anh trong thời Victoria như một môn thể thao giải trí. Trang phục trắng khó giữ sạch và đòi hỏi sự chăm chút cẩn thận, điều này thể hiện sự tinh tế và địa vị xã hội cao của giới thượng lưu lúc bấy giờ.
Những nỗ lực đi ngược quy tắc
Phong cách quần vợt đã thay đổi đáng kể trong một thế kỷ rưỡi kể từ khi nó trở thành môn thể thao giải trí dành cho tầng lớp thượng lưu, kế thừa từ môn croquet. Trang phục quần vợt ban đầu giống với trang phục giải trí thế kỷ 19 hơn: phụ nữ mặc những bộ đồ sọc có họa tiết với váy dài, áo corset và mũ rộng vành; đàn ông mặc quần len, áo sơ mi cài cúc hoặc áo len. Do đó, thời trang và quần vợt đã có sự “giao thoa” trong thời gian dài.
Điều này được thể hiện rõ khi Zendaya xuất hiện với loạt trang phục thảm đỏ lấy cảm hứng từ quần vợt, phù hợp với những tình tiết trong và ngoài sân của bộ phim “Challengers” mà cô góp mặt gần đây.
Sự kết nối chặt chẽ giữa quần vợt và thời trang đã dẫn đến thành công của những thương hiệu kinh điển ra đời từ sân tennis như Lacoste và Fred Perry, cùng với những đổi mới táo bạo về cách ăn mặc trên sân đấu. Điển hình như năm 1931, Elsa Schiaparelli đã gây bất ngờ khi cho tay vợt người Tây Ban Nha Lilí de Álvarez mặc quần culottes tại Wimbledon.
Tại các giải Mỹ, Pháp và Úc mở rộng, các tay vợt đã thách thức định nghĩa về trang phục quần vợt nhờ những quy định lỏng lẻo hơn. Không ai làm điều này nổi bật hơn chị em nhà Williams: Serena mặc váy denim ngắn, váy tutu và những bộ trang phục có hình dáng như áo choàng, trong khi Venus quyến rũ với bộ váy ren đỏ – đen.
Trang phục của Serena Williams đã trở thành tâm điểm bàn tán tại giải đấu Pháp mở rộng năm 2018, khi cô chọn mặc một bộ catsuit màu đen, không có chiếc váy tennis bắt buộc. Cô cho biết trang phục này giúp cải thiện tuần hoàn máu khi gặp vấn đề nghiêm trọng về cục máu đông sau khi sinh con.
Tuy nhiên, ban tổ chức cho biết họ sẽ cấm phong cách này trong tương lai. Dù vậy, Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) đã chính thức cho phép, và Serena tiếp tục mặc các phiên bản khác của bộ đồ này tại giải đấu Úc mở rộng 2019 và 2021, dần dần phổ biến kiểu dáng này trên sân tennis. Serena chia sẻ với CNN vào tháng 4: “Tôi thích mặc váy, nhưng tôi cũng muốn đảm bảo cơ thể thấy thoải mái. Tôi nghĩ đáng ra nên có sự thấu hiểu hơn về việc thiết kế trang phục đó.”
Khác biệt thương hiệu của giải quần vợt danh giá nhất thế giới
Hầu hết các giải đấu Grand Slam đã bỏ quy định full-white từ nhiều thập kỷ trước nhằm thu hút nhiều khán giả truyền hình và nhà quảng cáo hơn trong thời đại thể thao ngày càng được chú ý. Quy tắc hạn chế của Wimbledon đã khiến các thương hiệu gặp khó khăn trong việc quảng bá trang phục tennis. Nhưng có vẻ như Wimbledon không có ý định thay đổi quy định này.
Có thể thấy sự bền bỉ trong việc duy trì quy định về trang phục trắng của Wimbledon không chỉ phản ánh truyền thống mà còn là một chiến lược thương hiệu độc đáo. Trong một thế giới thể thao ngày càng bị chi phối bởi tính thương mại, Wimbledon đã khéo léo biến những quy tắc cổ điển này thành một phần không thể thiếu của giá trị di sản. Điều này tạo nên một hình ảnh sang trọng và tinh tế, giúp Wimbledon duy trì được lượng người hâm mộ trung thành đồng thời thu hút sự quan tâm của các khán giả mới.
Bên cạnh đó, các vận động viên tham gia Wimbledon cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định này, tạo nên một sự tôn trọng đặc biệt dành cho giải đấu. Wimbledon đã thành công chứng minh rằng giá trị lịch sử và văn hóa đôi khi có thể vượt qua áp lực của thời đại. Sự kiên định này đã giúp Wimbledon giữ vững vị thế là giải quần vợt danh giá và uy tín nhất thế giới, một biểu tượng không thể thay thế trong lòng những người yêu thích quần vợt và cả giới thời trang.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo CNN
Đọc thêm: Mùa hè 2024 và màn tái định vị của Tenniscore