Vì sao những thương hiệu thời trang Việt lừng danh một thời như Ninomaxx, N&M, Blue Exchange, PT2000, Việt Thy, Ha Gattini… ngày càng im tiếng?

Ngày đăng: 03/12/20

Có một nghịch lý là, trong khi dòng người Việt xếp hàng để đợi mua sắm nhân ngày khai trương của những thương hiệu thời trang Quốc tế như Zara, H&M, Uniqlo vô cùng đông, thì những hiệu thời trang “vang bóng một thời” của Việt Nam lại ngày càng mờ nhạt trong tâm trí người dùng. 

Khoảng mười năm trước, là thời của những thương hiệu thời trang Việt với những cái tên Ninomaxx, N&M, Blue Exchange, PT2000, Việt Thy, Ha Gattini… Các thương hiệu này xuất hiện nhiều ở những con phố lớn ở trung tâm các thành phố lớn và thậm chí còn đến các tỉnh thành cả nước. 

Thời trang Việt, có một thời như thế

Vào thời bấy giờ, bên cạnh hàng thời trang giá rẻ tồn tại ở các chợ, thị trường thời trang Việt dành cho người Việt nhen nhóm hình thành. Công ty Thời Trang Việt thành lập năm 1998, với 3 thương hiệu Ninomaxx (cho giới trẻ), N&M (cho giới văn phòng), Maxx Style (đối tượng bình dân) nổi lên như một hiện tượng của làng may mặc nội địa, khi vận hành tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, từ thiết kế, sản xuất đến làm thương hiệu, bán lẻ. 

Foci xuất hiện trên thị trường từ năm 1999, định vị ở phân khúc trung cấp. K&K Fashion mở cửa hàng đầu tiên ở Quận 3 vào năm 2010. PT 2000, The Blue thời điểm này cũng liên tục ghi dấu sự hiện diện của mình, bằng việc mở nhiều cửa hàng tại các tuyến đường thời trang của TP.HCM. Đến năm 2007, Foci có khoảng 60 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. 

Thế nhưng vừa qua, đại diện của thương hiệu Blue Exchange xác nhận với báo Tuổi Trẻ đã đóng cửa năm điểm bán trên địa bàn TP.HCM từ đầu năm 2020 đến nay. Thương hiệu Việt Thy của Công ty TNHH thời trang Việt Thy hiện cũng chỉ còn 10 shop. Các thương hiệu một thời từng khiến người dùng tự hào như Việt Thy, The Blue, Ha Gattini, Sea, Sifa, Đan Châu, Sanding … đang tồn tại nhưng ngày càng mờ nhạt trong tâm trí người dùng.

Điều gì không cứu nổi thời trang Việt? 

Tại ải, tại ai là câu hỏi đặt ra cho các thương hiệu thời trang Việt. Do tâm lý người tiêu dùng sính hàng ngoại hay thực chất do các thương hiệu Việt không chịu thay đổi theo xu hướng thị trường hiện nay? Nguyên do có lẽ có lẽ là nhiều hơn thế, sự khó khăn của ngành bán lẻ trên toàn cầu nói chung tác động không nhỏ đến việc kinh doanh. 

Ngay cả những thương hiệu quốc tế nổi danh như Forever 21 hay Topshop từng được giới trẻ yêu thích cũng rơi vào cảnh phá sản do chậm thay đổi chiến lược kinh doanh trong thời đại số. Chỉ ưu tiên bán hàng tại cửa hàng, không phát triển mấy các chiến lược quảng bá gần gũi với giới trẻ – cửa hàng chỉ đơn thuần là nơi khách đến mua thay vì trải nghiệm, chậm đầu tư thương mại điện tử… trong khi đối thủ không ngừng cải tiến chiến lược để lao về phía trước. 

Theo số liệu từ Công ty Cổ phần giải pháp AZ, Mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt đứng thứ 3, chiếm 13,9% chỉ sau chi tiêu dành cho thực phẩm (32,9%) và tiền tiết kiệm (14,9%). Trung bình người tiêu dùng Việt sẽ chi tiêu khoảng 1 triệu đồng cho việc mua sắm quần áo trong một tháng. Những sản phẩm giá thành thấp, mức 100.000-300.000 đồng được lựa chọn nhiều nhất. Theo sau đó là mức giá từ 300.000-500.000 đồng. Khách hàng có độ tuổi từ 30-39 mua nhiều nhất. Từ đây có thể thấy, giá thành không phải là vấn đề khiến người tiêu dùng bỏ rơi các thương hiệu Việt, bởi các thương hiệu ngoại như Zara, H&M có mức giá trung bình cao hơn thế nhưng thu hút người mua. 

Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia trong ngành kinh doanh thời trang, trong nhiều năm liền, các thương hiệu thời trang trong nước không có sự đột phá trong tư duy thiết kế, thiếu sự đổi mới trong chính sách bán hàng, không coi trọng việc đào tạo để có được đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp là những nguyên nhân cơ bản khiến nhận diện thương hiệu giảm sút.

Hạn chế về năng lực cạnh tranh

Theo chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam vừa phải cạnh tranh với các thương hiệu Quốc tế, vừa phải đối mặc với nguồn hàng may mặc giá rẻ từ Trung Quốc, Thái Lan… 

Với các thương hiệu Quốc tế, thời trang Việt cũng không đủ năng lực cạnh tranh với với doanh nghiệp ngoại trong tất cả các khâu từ thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu, phân phối. Một chuyên gia trong ngành thời trang cho biết, những năm gần đây (trước khi COVID-19 diễn ra) giá thuê mặt bằng ở các phố thời trang tại TP.HCM như Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng vô cùng cao, tầm 400.000-500.000 USD/năm/cửa hàng nhưng không dễ thuê. Ngoài ra, còn chi phí quản lý, lương nhân viên, điện nước, tồn kho… 

Theo thời gian, một số thương hiệu Việt cũng bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài, như nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản Stripe International mua cổ phần Công ty Thời trang NEM, sau đó là Vascara. Elise Fashion, thương hiệu thời trang dành cho giới văn phòng ra đời từ năm 2011 cũng nhận đầu tư từ đối tác Nhật Bản. Hnoss gia nhập Seedcom (đang sở hữu các chuỗi Con Cưng, Juno, The Coffee House, King Food, Eva de Eva…). Một số thương hiệu thu hẹp quy mô, loay hoay tìm cách tồn tại. 

Tre già măng mọc 

Tuy nhiên, theo quy luật đào thải của thị trường, dù một số thương hiệu lui dần về phía sau thì vẫn có thương hiệu phát triển nhờ vào đổi mới chiến lược kinh doanh. 

Canifa – nhãn hàng thời trang Việt gặt hái được nhiều thành công nhờ chiến lược phát triển dành cho số đông: nam, nữ, trẻ em. Canifa vừa theo xu hướng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đặc biệt là độ bền khiến người tiêu dùng tin tưởng. Vascara, Juno, Couple TX, Hnoss, Elise… cũng nhanh chóng thay đổi theo xu hướng. Các thương hiệu đẩy mạnh nhận diện thương hiệu song song đó phát triển thương mại điện tử, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là những người trẻ. Các thương hiệu thời trang như Cocosin, HOI VU… bên cạnh đẩy mạnh nhận diện ở các trang mạng xã hội, còn biết cách xây dựng cộng đồng riêng để từ đó thúc đẩy sự tương tác với khách hàng, xây dựng khách hàng trung thành. 

Thành công rực rỡ nhất của thương hiệu Việt có lẽ phải kể đến Biti’s với sự ra đời của Biti’s Hunter qua một chiến lược marketing kết hợp cùng Sơn Tùng MTP. Tiếp nối, Biti’s Hunter liên tiếp tạo những chiến dịch ấn tượng có ý nghĩa trong cộng đồng trong suốt thời điểm khó khăn của kinh tế do COVID-19. 

Có lẽ điều quan trọng với những thương hiệu lâu năm của thời trang Việt hiện nay cũng chỉ nằm gọn trong một phương châm “thay đổi hay là chết”…

Thực hiện: Koi