Siêu mẫu – Họ là ai? Vì sao thời trang cần siêu mẫu?

Ngày đăng: 17/09/22

Chúng tôi sẽ không rời khỏi giường nếu ngày hôm đó được trả lương ít hơn $10,000.” – Một câu nói “bất hủ” của siêu mẫu Linda Evangelista vào năm 1990 – thời đại của những siêu mẫu hàng đầu. Câu nói này đã chứng minh phần nào sự khác biệt giữa “người mẫu” bình thường và “siêu mẫu”.

Linda Evangelista thuộc về nhóm siêu mẫu cực kỳ nổi tiếng và thành công thời điểm đó đến nỗi bạn chỉ cần nghe tên đầu tiên của họ, bạn sẽ biết đó là ai. Không cần phải giải thích nhiều thêm đó chính là Kate, Naomi, Linda, Cindy, Christie,…). Ở bài trước, Style-Republik đã giới thiệu đến bạn lịch sử của fashion show, với bài viết này Style-Republik sẽ cùng bạn điểm qua thế hệ siêu mẫu qua các năm – những người đã thổi hồn trên sàn diễn runway.

Nhưng “siêu mẫu” mà chúng ta biết đến thời nay sẽ không tồn tại nếu không có sự ra đời của “mẫu” trước “siêu”. Người mẫu đầu tiên xuất hiện vào giữa những năm 1800 khi Charles Frederick Worth – cha đẻ của thời trang couture – muốn những thiết kế của mình được diện bởi những người phụ nữ thật thay vì mơ nơ canh thông thường. Đến năm 1920, nghề mẫu được xem là một sự nghiệp thực thụ. Phụ nữ có những sự lựa chọn như tham gia vào trường đào tạo người mẫu hoặc kí kết làm việc với agency (agency đầu tiên được mở bởi John Powers vào năm 1923 ở thành phố New York).

Hình ảnh của người mẫu đầu tiên trong những năm 1800

Người ta đã không quan tâm đến tên tuổi người mẫu cho đến năm 1940, mối quan hệ gắn kết giữa nhiếp ảnh gia và người mẫu nở rộ (nhiếp ảnh gia có quyền yêu cầu người mẫu họ yêu thích tham qia buổi chụp). Người mẫu người Thuỵ Điển Lisa Fonssagrives – một trong những người nổi tiếng thời đó – được cho rằng có thể được trả $40/giờ làm việc trong khi những người mẫu còn lại rơi vào khoảng $10 – $25/giờ.

Nhiếp ảnh gia Horst và Lisa Fonssagrives vào năm 1949

Một trong những gương mặt nổi trội thời điểm đó là Dorian Leigh – cô từng xuất hiện 6 lần trên bìa tạp chí Vogue. Thậm chí nhiều năm trước thời của Linda, Kate hay Naomi thì cái tên Bettina được truyền thông ca ngợi hơn cả. Nhiều câu chuyện cho rằng nhà thiết kế Hubert de Givenchy đã say mê nàng thơ này và đặt tên cô cho thiết kế nổi tiếng nhất của ông.

Dorian Leigh trong bộ áo tắm do Hubert de Givenchy thiết kế cho Elsa Schiaparelli Boutique. Ảnh được chụp bởi Jean Chevalier, xuất hiện trên bìa ELLE vào ngày 28 tháng 8 năm 1950

Được miêu tả là “người phụ nữ ăn ảnh nhất nước Anh”, Barbara Goalen là người đầu tiên mang danh hiệu “siêu mẫu”. Với những đường nét nổi bật và vòng eo săn chắc, Barbara Goalen đã thể hiện xuất sắc tinh thần của “New Look” thời hậu chiến, đồng thời giúp tên tuổi của các nhà mốt như Dior và Balenciaga nổi bật trên bản đồ thời trang. Mặc dù chỉ làm người mẫu trong sáu năm, nhưng sự nổi tiếng của cô đã vô cùng lớn đến nỗi lễ cưới của Barbara vào năm 1954 đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ công chúng – một ví dụ sớm nhất về việc một người mẫu cũng có thể trở thành một người nổi tiếng.

Barbara Goalen với thiết kế của Balenciaga

Ranh giới giữa người mẫu và người nổi tiếng tiếp tục mờ đi vào những năm 50 khi Suzy Parker – em gái của Dorian Leigh – đã làm say mê ngành công nghiệp với sự hiện diện của cô, trở thành tiền đề cho giới siêu mẫu sau này. Cô là người mẫu đầu tiên kiếm được hơn $100/năm và có khoảng thu nhập đáng nể $100.000/năm. Xuất hiện trong bộ ảnh bikini đầu tiên tại Mỹ thời điểm đó, cô lập tức nhận được sự chú ý của cả nước và tiến vào Hollywood với những vai chính trong các bộ phim ăn khách.

Suzy Parker – em gái của Dorian Leigh – đã làm say mê ngành công nghiệp với sự hiện diện của cô, trở thành tiền đề cho giới siêu mẫu sau này

Thập niên 60 chứng kiến sự bùng nổ của các tài năng. Chúng ta có Pattie Boyd – nguồn cảm hứng cho Twiggy. Ngoài ra, Jean Shrimpton được vinh danh là “Người mẫu nổi bật của năm” trên nhiều bảng xếp hạng. Donyale Luna trở thành siêu mẫu da màu đầu tiên trên thế giới. Khi cô 20 tuổi, tạp chí Time đã đặt tên cho năm 1966 là “The Luna Year”.

Donyale Luna trở thành siêu mẫu da màu đầu tiên trên thế giới. Khi cô 20 tuổi, tạp chí Time đã đặt tên cho năm 1966 là “The Luna Year”

Thời gian này còn là thời điểm rực rỡ của siêu mẫu Twiggy. Cô thổi bừng sức sống vào ngành thời trang với kiểu tóc pixie và đôi mắt nai biểu cảm. Twiggy được bầu chọn là “Gương mặt của năm 1966” của giải British Woman of the Year và ngay lập tức nổi tiếng khắp thế giới – đến nỗi cô đã tận dụng nó với việc ra mắt Twiggy Tights, một bộ sưu tập tất dệt kim dành cho phụ nữ.

Twiggy được bầu chọn là “Gương mặt của năm 1966” của giải British Woman of the Year và ngay lập tức nổi tiếng khắp thế giới

Nhưng những năm 70 phải kể đến siêu mẫu Lauren Hutton – người đã tiên phong tiếng vào ngành công nghiệp quảng cáo khi cô chính thức ký thoả thuận trở thành người mẫu độc quyền của Revlon vào năm 1969. Danh hiệu “siêu mẫu” xuất hiện càng nhiều thì sự hợp tác giữa người mẫu và thương hiệu cũng phát triển tương tự như thế. 

Margaux Hemingway, cháu gái của nhà văn Ernest Hemingway, là người đầu tiên ký hợp đồng trị giá hàng triệu đô la với Fabergé và trở thành đại sứ cho dòng nước hoa Babe của hãng vào năm 1975. Christie Brinkley trở thành gương mặt đại diện cho CoverGirl và tiếp tục gắn bó với thương hiệu này trong suốt 25 năm – hợp đồng dài nhất trong lịch sử người mẫu. Sự hợp tác mang giá trị cao nhất phải kể đến Paulina Porizkova và Estee Lauder với hợp đồng đạt đến 6 triệu đô la, kéo dài trong 7 năm. Đến năm 1991, Christy Turlington nổi tiếng vì hợp đồng với thương hiệu mỹ phẩm Maybelline giúp cô kiếm được $800.000 chỉ trong 12 ngày làm việc.

Margaux Hemingway, cháu gái của nhà văn Ernest Hemingway, là người đầu tiên ký hợp đồng trị giá hàng triệu đô la với Fabergé và trở thành đại sứ cho dòng nước hoa Babe của hãng vào năm 1975.
Từ trái qua Christie Brinkley vào năm 1977 và Christy Turlington vào năm 1986

Những hợp đồng triệu đô không chỉ diễn ra trong ngành làm đẹp. Vào năm 1983, Ines de la Fressange trở thành người mẫu đầu tiên ký kết hợp đồng độc quyền với nhà mốt hàng đầu thế giới Chanel. Năm 1989, Claudia Schiffer trở thành gương mặt đại diện cho Guess, điều này đã giúp danh tiếng của cô tăng nhanh chóng. Cô từng chia sẻ: “Để trở thành siêu mẫu bạn phải có mặt trên tất cả các trang bìa trên toàn thế giới, như thế mọi người mới nhận ra bạn.” Và cô luôn thực hiện đúng như triết lý của mình: cô xuất hiện hơn 1000 trang bìa tạp chí trong suốt sự nghiệp của mình. Claudia Schiffer được ghi vào sách kỷ lục Guinness thế giới với tư cách là siêu mẫu có nhiều bìa tạp chí nhất.

Ines de la Fressange – nàng thơ của Chanel
Claudia Schiffer xuất hiện hơn 1000 trang bìa tạp chí trong suốt sự nghiệp của mình và được ghi vào sách kỷ lục Guinness thế giới với tư cách là siêu mẫu có nhiều bìa tạp chí nhất.

Một siêu mẫu khác đáp ứng đủ tiêu chuẩn như Claudia Schiffer chính là Elle Macpherson với biệt danh “The Body” – biểu tượng cho hình mẫu cơ thể hoàn hảo, đầy sức sống. Cô có mặt trên trang bìa của tạp chí Elle sáu năm liên tiếp. Sau đó, cô cũng ra mắt dòng thời trang nội y riêng của mình. Không thể không nhắc đến Tyra Banks – người đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người mẫu khác ở khắp mọi nơi.

Ở tuổi 60, Elle Macpherson vẫn giữ được sự năng động và thân hình khoẻ khoắn của mình
Tyra Banks – người đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người mẫu khác ở khắp mọi nơi

Thập niên 90 chính là thời điểm giới mẫu lên ngôi. Bộ ba siêu mẫu Naomi Campbell, Christy Turlington và Linda Evangelista đã định hình giới người mẫu của những năm 90 cũng như sự ảnh hưởng của họ vẫn kéo dài đến tận ngày nay. Sau đó, bộ ba đã đón thêm nhiều thành viên khác đó chính là Kate Moss, Cindy Crawford và Claudia Schiffer. Nhóm “Big six” trở thành biểu tượng của ngành người mẫu mỗi khi nhắc đến thời trang.

Naomi Campbell, Linda Evangelista, Tatjana Patitz, Christy Turlington, Cindy Crawford (Ảnh chụp năm 1987)

Mỗi thành viên của nhóm “Big six” sở hữu cá tính khác biệt, độc đáo vì thế ngay cả cùng trong một khung hình, mỗi người đều toát lên vẻ đẹp đặc biệt. Thời điểm đó, không biết bao cô gái đều tìm đến mái tóc ngắn đặc trưng (The Linda) của Linda Evangelista. Kate Moss – một tượng đài của thời trang, đồng thời là người tạo ra phong cách heroin-chic. Và rồi chúng ta có Cindy Crawford mang nét đẹp hiện đại, “cô gái nhà kế bên” mà chúng ta đều thầm mong trộm nhớ, cô xuất hiện trong mọi chiến dịch thời trang nổi tiếng từ Calvin Klein đến Pepsi.

Linda Evangelista và mái tóc ngắn đặc trưng

Chúng tôi sẽ không rời khỏi giường nếu ngày hôm đó được trả lương ít hơn $10,000.” – Một câu nói “bất hủ” của siêu mẫu Linda Evangelista vào năm 1990

Kate Moss – một tượng đài của thời trang, đồng thời là người tạo ra phong cách heroin-chic
Cindy Crawford trong một quảng cáo của Pepsi

Những năm cuối thập niên 90, khi mọi người còn say mê với nét đẹp cá tính từ các siêu mẫu, Gisele Bündchen xuất hiện với làn da rám nắng, đôi chân dài gợi cảm và cơ thể khoẻ khoắn như một làn gió mới cho làng mẫu. Thời gian đầu, siêu mẫu người Brazil đã không được truyền thông để tâm, thế nhưng 8 tháng sau tất cả mọi người đều gọi tên cô. 

Gisele Bündchen vào năm 1999

Phong thái của Gisele Bündchen cũng chính là nguồn cảm hứng cho các siêu mẫu thời hiện đại như Karlie Kloss, Cara Delevingne, Emily Ratajkowski, Kendall Jenner và chị em Gigi & Bella Hadid. Nhóm các siêu mẫu trẻ không chỉ toả sáng trên sàn diễn mà còn tạo sức ảnh hưởng đến cộng đồng. Karlie Kloss mở chiến dịch “Kode With Klossy” nhằm cung cấp các khoá học và chương trình học về coding miễn phí cho các bạn trẻ từ 13 – 18 tuổi. Cara Delevingne đem tiếng nói và sức ảnh hưởng của mình để giúp đỡ cộng đồng LGBTQ. Nàng mẫu Emily Ratajkowski tích cực ủng hộ các phong trào nữ quyền. 

Bộ ba gồm chị em Gigi Hadid, Bella Hadid và Karlie Kloss xuất hiện trên sàn diễn Off-white năm 2019

“Mỗi thời đại đều có thế hệ phụ nữ thực sự là hiện thân của thời đại chúng ta đang tồn tại.” Siêu mẫu Karen Elson chia sẻ với tờ CR. Đối với thế hệ siêu mẫu tiếp theo, không ai biết rõ cô ấy sẽ như thế nào thế nhưng chúng ta có quyền mong chờ một tài năng mới sẽ được phát hiện sớm.

Chuyển ngữ: Như Quỳnh

Theo Luisaviaroma