Vinh quang và cay đắng của Paul Poiret

Ngày đăng: 31/08/21

Guồng quay của thời gian đã nâng đỡ những tên tuổi thiết kế đưa họ vào lịch sử và được xưng tụng như những bậc huyền thoại, thế nhưng cũng chính cỗ máy đó đã nghiền nát không biết bao nhiêu tên tuổi, mà sự tồn tại của họ vốn dĩ chỉ vụt sáng trong một vài thập niên rồi hoàn toàn lụi tàn. Paul Poiret (1879–1944) là một ví dụ điển hình cho tư duy không thay đổi trong giới thiết kế để rồi ông ra đi trong đói nghèo và thảm hại, mặc dù từng có thời hàng ngàn người giàu có gần như biến thành cuồng tín trước phong cách thiết kế của ông.

Janet Flanner, phóng viên nổi tiếng của tờ New Yorker đã sáng tạo ra từ ngữ “genre Poiret” – nhằm ám chỉ một cái gì đó hầu như bất biến và không thể thay đổi. Vậy rốt cuộc Paul Poiret là ai? Vinh quang và cay đắng trong đời của “ông vua thời trang” này diễn ra như thế nào? 

Paul Poiret và người mẫu của ông trình diễn trên đường phố London những năm 1925 (Photo by Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images)

Học giả thời trang của thế kỉ XX

Sinh năm 1879, Paul Poiret là người không chỉ góp phần thay đổi lịch sử thời trang mà còn dẫn dắt nó đi theo hướng hiện đại. Ông là con của một thương gia nghèo làm trong ngành vải vóc ở Les Halles, Paris. Từ bé, ông lượm lặt những vải vụn còn sót lại để may quần áo thời trang búp bê cho chị em của mình. Đến thời thiếu niên, ông vẽ phác thảo và bán cho nó cho thợ may, trong đó có Louise Chéruit – thợ may nổi tiếng thời bấy giờ. Năm 1896, ông được Jacques Doucet thuê làm việc, thiết kế đầu tay của ông bán được 400 bản. Lúc bấy giờ tài năng của ông đã bộc lộ nhưng vì tài năng đó mà Paul Poiret không được chấp nhận bởi các khách hàng bảo thủ, họ trông thấy nó “quá hiện đại rườm rà”. Công chúa Nga Bariatinsky khi trông thấy áo khoác và trang phục lấy cảm hứng từ kimono mà ông thiết kế đã kêu lên “thật là kinh khiếp”.

Paul Poiret cùng vợ, bà Denise Boulet – nàng thơ kiều diễm. Bà luôn mặc trang phục lộng lẫy do chồng thiết kế, trở thành tâm điểm của những buổi tiệc xa hoa để các quý bà nhìn vào thèm muốn các bộ trang phục đó.

Năm 1903 Paul Poiret bắt đầu thành lập cửa hàng của riêng mình. Ông cố tình thiết kế rèm cửa thật rực rỡ và thuê đám đông hưởng ứng ngoài cửa để thu hút sự tò mò của công chúng. Năm 1909, bà Margot Asquith, vợ của Thủ tướng Anh H. H. Asquith, đã mời ông trình bày các thiết kế của mình tại số 10 Downning. Đây là nơi triển lãm trang phục mà dân thường không cách nào mua nổi.

Paul Poiret là người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa phương Đông trong sáng tạo, chính nó đã đưa ông đến với đỉnh cao, tạo cho ông một vị thế đặc biệt trong làng thời trang vào những năm 1900 cùng nhiều thành tựu to lớn.

Paul Poiret là người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa phương Đông trong sáng tạo, chính nó đã đưa ông đến với đỉnh cao, tạo cho ông một vị thế đặc biệt trong làng thời trang vào những năm 1900 cùng nhiều thành tựu to lớn. Ông là nhà thiết kế trang phục cho vở ballet Schéhérazade vào năm 1910 và được thành giá là thành công xuất sắc, cũng như buổi tiệc thời trang mang tên “Thousand and Second Night” lộng lẫy vào năm 1911. Ông cũng thiết kế trang phục biểu diễn theo chủ phương Đông, đặc biệt là Jacques Richepin’s Le Minaret, ra mắt ở Paris vào năm 1913. Đồng thời ông cũng là người tiên phong trong việc ra mắt mùi hương của riêng mình.

Một tác phẩm couture của Paul Poiret lấy cảm hứng phương Đông vào những năm 1920

Đầu thế chiến I, Poiret tạm thời rời bỏ làng thời trang để gia nhập quân đội. Và khi ông trở lại vào năm 1919, thời trang thế giới đang trên đà thay đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại. Thế mạnh của ông, sự sáng tạo theo chủ nghĩa phương Đông từng đưa ông lên vinh quang giờ đây bắt đầu thiêu rụi đế chế mà ông đã tạo dựng.

Vinh quang tàn lụi

Nếu như những nhà mốt lớn đương thời chấp nhận thay đổi và thể hiện sự cách tân trong trang phục của mình theo hướng hiện đại, như Chanel hay Vionnet hướng đến nét hiện đại, đơn giản, quyến rũ, thuận tiện cho việc cử động và di chuyển của phụ nữ, thì Paul Poiret vẫn khăng khăng giữ lấy cảm hứng phương Đông tinh xảo, xa hoa và lộng lẫy quá mức trong các tác phẩm của mình.

Paul Poiret 1913

Paul Poiret thường bỏ ra một số tiền lớn để tổ chức những tour du lịch nhằm giới thiệu các sản phẩm của mình (đây được xem là tiền thân của một phần trong các chiến lược tiếp thị bán hàng thời trang ngày nay). Ông từng đưa sản phẩm của mình đến Trung Âu, nơi ông được ca ngợi như một vị anh hùng. Những buổi tiệc xa hoa đó vào năm 1911, 1912 đã ngốn lượng tiền không nhỏ. Và canh bạc liều lĩnh cuối cùng diễn ra năm 1925 trên sông Seine đã khiến tài chính của Paul Poiret không còn có thể phục hồi.

Paul Poiret làm việc tại nhà xưởng của ông

Khi thời trang bị lu mờ bởi chủ nghĩa hiện đại vào đầu thế kỉ XX, Paul Poiret đã không thể nào dung hòa được gu thẩm mỹ của mình với những người có tầm nhìn nghệ thuật riêng biệt. Các thiết kế của Poiret bị nhận xét là thích hợp để nhìn ngắm từ xa và dưới ánh đèn sân khấu hơn là sử dụng trong đời thường. Dù rằng trang phục của ông đã mang tính đột phá , nhưng trớ trêu thay lại không còn phù hợp vào thời bấy giờ.

Năm 1929, ông phải đóng cửa cửa hàng của mình, cổ phiếu chỉ còn là đống giấy vụn, trang phục còn sót lại bị bán như giẻ rách. 

Một trong những thiết kế của Paul Poiret vào năm 1913 giờ được lưu trữ tại bảo tàng

Số phận thiên tài hẩm hiu

Từ đó ông sống trong nghèo đói, có lúc ông kiếm sống bằng cách vẽ trên đường phố gần quán cafe nào đó ở Paris. Các tín đồ thời trang lúc bấy giờ cũng hoàn toàn quay lưng với người mà một thời họ sùng bái. Có lúc ông phải dùng những chiếc khăn tắm cũ để dùng làm trang phục mặc tạm và ăn xin những người lạ mặt qua đường để trả tiền uống cafe. Chỉ có vài người bạn ít ỏi cũng như trợ lý cũ giơ tay giúp đỡ ông, trong đó Elsa Schiaparelli là người đã giúp mai táng một thiên tài bạc mệnh.

Paul Poiret từng kết hôn với Denise Boulet vào năm 1905, ông từng chia sẻ với Vogue: “Vợ tôi là nguồn cảm hứng cho tất cả những sáng tạo của tôi, cô ấy là biểu hiện của tất cả các lý tưởng của tôi”. Hai người ly dị sau hơn hai mươi năm kết hôn và có năm người con. Một thời bà Denise Boulet là nàng thơ kiều diễm, bà luôn mặc trang phục lộng lẫy do chồng thiết kế, trở thành tâm điểm của những buổi tiệc xa hoa để các quý bà nhìn vào thèm muốn các bộ trang phục đó.

Ngày nay, trang phục của nhà thiết Paul Poiret hiện diện nổi bật trong bộ sưu tập của các viện bảo tàng thời trang trên toàn thế giới, và nước hoa của ông sáng tạo Parfums de Rosine còn được bảo quản trong kho lưu trữ Osmothèque ở Versailles. Các tác phẩm còn lại của ông trở thành di sản cho các nhà thiết kế đương thời chiêm ngưỡng.

Một thiết kế của Paul Poiret vào năm 1923 còn được lưu trữ trong bảo tàng cho đến ngày nay

Thị trường thời trang vốn dĩ có tính đào thải khắc nghiệt mà Paul Poiret, mặc dù có khả năng tiên tri cùng thấu cảm nhận thấy sự biến đổi không ngừng của giới thời trang, ông là người đã cải biến thời trang truyền thống, dẫn dắt nó theo hướng hiện đại, mở ra những phương thức tiếp thị độc đáo với khách hàng, tuy nhiên tài năng của ông cuối cùng cũng chỉ tạo nên một cột mốc ghi dấu trong lịch sử, cái còn lại đến thời điểm này chỉ là những câu chuyện nhắc lại về một đế chế lụi tàn mãi mãi, một sự quên lãng dành cho cái tên Paul Poiret…

Bài: Hoàng Khôi