#Whomadeourclothes: “Câu hỏi là nên chết vì đói hay vì corona virus”

Ngày đăng: 24/04/20

Từ khoá #whomadeourclothes (*1) không chỉ được biết là những tập đoàn, doanh nghiệp, công ty, thương hiệu thời trang; mà còn phải đi đến tận cuối chuỗi cung ứng để kể đến các nhà xưởng sản xuất và cung ứng nguyên liệu thô, nơi những công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm quần áo của chúng ta. 

“Các nhà cách mạng thời trang” đã nỗ lực kêu gọi và khuyến khích chấm dứt tình trạng siêu tiêu thụ trong nhiều năm qua. Nhưng, đứng trước “cú thắng gấp” bất ngờ này – gây ra bởi Corona virus, bánh xe tiêu thụ dường như chậm lại, khách hàng ngừng mua quần áo mới và ngành công nghiệp thời trang ngưng sản xuất, ngay lập tức, bị tác động nặng nề nhất chính là #whomadeourclothes, những người lao động được trả lương thấp nhất trong chuỗi cung ứng thời trang.

LÂY LAN

Các Công Đoàn trên toàn cầu (những đơn vị, tổ chức đã làm việc để mang lại tiếng nói cho công nhân trên khắp thế giới) cho biết rằng hàng triệu lao động đã mất việc làm một cách trực tiếp lẫn gián tiếp bởi đại dịch Covid-19. 

Trong ngành công nghiệp, các nhà mua hàng thường thanh toán chi phí cho các nhà cung cấp theo kỳ hạn hàng tuần, hàng tháng hoặc công nợ kéo dài từ 2 – 6 tháng sau khi giao hàng. Rất ít nhà cung cấp được nhận tiền ngay khi đơn hàng được đặt hoặc thành giao. Điều này đã rất phổ biến trong các hợp đồng hợp tác, nhưng đồng nghĩa là các nhà cung cấp thường phải trả trước (hoặc tạm ứng) để mua nguyên vật liệu từ nguồn bán hàng nhỏ lẻ hơn, và nhập khẩu từ nguồn cung ứng nước ngoài (phần lớn đều từ Trung Quốc).

Để đối phó với đại dịch, nhiều thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ lớn đang huỷ đơn hàng và ngừng thanh toán cho các đơn hàng đã đặt, ngay cả khi đơn hàng đã hoàn thành. Các nhà máy không còn sự lựa chọn nào, ngoài việc tiêu huỷ hoặc giữ lại số hàng hoá không được mong muốn đó, và bước tiếp theo: là sa thải hàng loạt các công nhân của họ.

Các công nhân may mặc chặn một con đường (tại thành phố Dhaka, Bangladesh), hô to các khẩu hiệu "chúng tôi muốn tiền lương của chúng tôi". Ảnh chụp vào ngày 15/4/2020, bởi Mohammad Ponir Hossain/REUTERS
Các công nhân may mặc chặn một con đường (tại thành phố Dhaka, Bangladesh), hô to các khẩu hiệu “chúng tôi muốn tiền lương của chúng tôi”. Ảnh chụp vào ngày 15/4/2020, bởi Mohammad Ponir Hossain/REUTERS  

Theo BGMEA – Bangladesh Garment Manufacturers and Exporters Association (Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất và Xuất Khẩu Hàng May Mặc Bangladesh), tính đến 5h chiều ngày 29/3/2020, có đến 1,025 nhà máy báo cáo 864,17 triệu đơn hàng trị giá 2,81 tỷ USD bị huỷ.  AWAJ Foundation cho biết rằng nhiều nhà máy ở Bangladesh đã ngừng hoạt động vô thời hạn. Một số công nhân được trả lương chưa đầy một tháng khi bị thôi việc và nhiều người khác thậm chí không nhận được đồng lương nào. 

Tạp chí The Guardian báo cáo rằng tập đoàn Arcadia đã hủy hơn 100 triệu bảng đơn đặt hàng hiện có trên toàn thế giới (chủ yếu ở các quốc gia rất đỗi nghèo khó) trong khi ngành may mặc phải đối mặt với sự hủy hoại. Theo dữ liệu từ BGMEA, Tập đoàn Arcadia đã hủy 9 triệu bảng đơn đặt hàng chỉ riêng ở Bangladesh. (dữ liệu tính đến ngày 15/4)

Trong thư viết cho Business of Fashion, nhà sản xuất hàng may mặc Mostafiz Uddin (Bangladesh) cảnh báo rằng “Nghèo đói cũng là một loại sát nhân, và nhiều người chết vì nghèo đói hơn là vì virus”

The Clothing Manufacturers Association of India (Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Quần Áo Ấn Độ) cảnh báo rằng 10 triệu việc làm trong ngành dệt may của đất nước có thể bị cắt giảm mà không có sự hỗ trợ của chính phủ, trong khi 80% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoàn toàn không có năng lực tài chính để cầm cự từ 3 – 6 tháng của cuộc khủng hoảng này. 

Thượng tuần tháng 4, Ấn Độ chứng kiến cuộc di cư ngược của lực lượng lao động di cư. Từ các trung tâm đô thị bị phong toả, họ rời đi khi đã mất nguồn thu nhập công nhật ít ỏi, bữa ăn thiếu thốn và nơi trú ẩn ổ chuột. Nhiều người lao động di cư cùng khổ miệt mài đi bộ hàng trăm km để trở về nhà bởi vì họ thậm chí không đủ tiền để trả cho chiếc vé xe buýt mà người người sẽ bịt kín khẩu trang, nín thở tranh nhau chen chúc trên đó để tìm về “sự an toàn” ở làng quê, nơi những mảnh ruộng mất mùa do biến đổi khí hậu.

Lao động nhập cư là những cư dân thuộc diện nghèo khó nhất của Ấn độ. Trong ảnh là Bunty và đứa con bé bỏng, người vợ trùm khăn xanh lá, bê trên đầu là toàn bộ gia sản, họ vẫn còn 2 đứa con nữa lẽo đẽo theo sau. Họ không mang khẩu trang, họ chỉ không biết mấy ngày tới sẽ sống bằng gì. Photo: Eonomictimes.indiatimes.
Lao động di cư là những cư dân thuộc diện nghèo khó nhất của Ấn độ. Trong ảnh là Bunty và đứa con bé bỏng, người vợ trùm khăn xanh lá bê trên đầu là toàn bộ gia sản của họ, vẫn còn 2 đứa con nữa lẽo đẽo theo sau. Họ không mang khẩu trang, họ cũng không biết mấy ngày tới sẽ sống bằng gì. Photo: Eonomictimes.indiatimes.

The Star Online (trang web tin tức đầu tiên của Malaysia, ra đời từ năm 1995) đưa tin: khoảng 20,000 người di cư đã trở về Myanmar từ Thái Lan vào tháng 3, sau khi bị mất việc do đóng cửa nhà máy. 684 công nhân làm việc tại các nhà máy ở Yongan (nơi sản xuất cho H&M, Next và một số thương hiệu khác) đã bị sa thải sau khi các ông chủ cho biết nhà mua hàng đã huỷ đơn.

Một tuần sau khi thực hiên chỉ thị giãn cách xã hội, Forbes Việt Nam đưa tin với tiêu đề ngành dệt may Việt Nam “gồng mình trong bão dịch Covid-19”, nhấn mạnh sức ảnh hưởng 100%, “trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5”. 

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, từ trung tuần tháng 3/2020, liên tiếp có những đơn hàng bị huỷ, ngừng và tạm ngừng vô thời hạn, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm từ 30% – 50% trong tháng 4 và 5/2020 ở hầu hết các đơn vị. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam đang gánh chịu áp lực lớn cả về tài chính và lao động, dự báo hàng loạt doanh nghiệp sẽ vỡ nợ vào cuối tháng 4/2020. 

Ở phía bên kia của thế giới, một tình huống tương tự đang diễn ra. The Garment Worker Center mô tả cách các nhà sản xuất hàng may mặc ở Los Angeles thường không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Điều này một phần là do tính chất ngầm của ngành công nghiệp, khiến cho việc áp dụng chính sách nghỉ phép có lương hoặc bảo hiểm thất nghiệp là một thách thức lớn khi đối mặt với đại dịch. 

Thêm vào đó, thời trang không chỉ được tạo ra từ các nhà máy. Theo The Artisan Alliance (*2), nghề thủ công là nguồn việc làm lớn thứ hai trên toàn thế giới được gọi là đang phát triển. Tổ chức WIEGO (Women in Informal Employment: Globalizing and Organizing) ước tính có khoảng 2 tỷ lao động trong nền kinh tế phi chính thức trên toàn thế giới thiếu các biện pháp bảo vệ lao động, xã hội và y tế cơ bản. Do Covid-19 đe doạ dòng chảy thương mại toàn cầu, lần lượt các hợp tác xã, các nhóm nghệ nhân, cộng đồng thủ công địa phương, nông dân, công nhân, thợ thủ công, người làm thuê…sẽ phải đối mặt với tình trạng kinh tế bế tắc.

Lĩnh vực thủ công cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi thị trường truyền thống và đương đại dành cho các nghệ nhân cũng bị Covid-19 phong toả. Photo by Francisco Arnela /Unsplash

Sự bùng nổ của đại dịch không chỉ phong toả biên giới quốc gia, ngăn mọi người ra khỏi nhà, mà còn chặn đứng kế sinh nhai từ cổng nhà máy đến nông trường. Trong bài viết cho Fashion Revolution, tác giả Abhishek Jani (CEO của Fairtrade India project) đã phỏng vấn ông Sailesh Patel, một nông dân và là CEO của RDFC (Rapar & Dhrangadhra Farmer Producer Company) – một công ty sản xuất cotton được chứng nhận Fairtrade.

Cuộc trò chuyện cho biết nông dân ở Kutch (Ấn Độ) trồng nhiều loại cotton có thời gian dài gọi là Deviraj, thường được thu hoạch từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4. Những nông dân Kutch và chủ trang trại hiện nay đang buộc phải lựa chọn giữa việc bỏ mặc những cánh đồng cotton của họ và chấp nhận bị mất mùa, hoặc chống lại thông báo đóng cửa của chính phủ và mạo hiểm sức khoẻ của họ để thu hoạch cotton (những nông dân trồng các giống cotton thu hoạch sớm ở bang khác, hiện đang trong giai đoạn canh tác lúa mì và thì là, tình cảnh cũng không khá hơn). 

Ngay cả khi nông dân bằng cách nào đó thu hoạch thành công các cây trồng của họ, thì thị trường nông sản cũng không thể hoạt động trong tình cảnh hiện tại. Với tất cả chuỗi cung ứng địa phương bị đình trệ và đại dịch chưa có dấu hiệu thuyên giảm thực sự, tất cả chúng ta đang kẹt ở thế trận thật mỉa mai, phía nông dân không có thu nhập, nông sản và cây trồng nguyên liệu bị lãng phí, trong khi an ninh lương thực bị đe doạ và nguyên liệu sản xuất trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Đó là một vòng xoáy tác động liên đới và điên rồ do Covid-19 tạo ra, cô lập những câu chuyện đang trong thời khắc tuyệt vọng, giữa cuộc khủng hoảng y tế công cộng đang đe doạ và nạn đói hiện rõ dần ngay trước mắt.

Nông dân trồng cotton ở Ấn Độ vừa phải bảo vệ cây cotton khỏi ảnh hướng của biến đổi khí hậu, vừa gồng mình trước tác động của đại dịch Covid-19.  Photo: Vikas Choudhary
Nông dân trồng cotton ở Ấn Độ vừa phải bảo vệ cây cotton khỏi ảnh hướng của biến đổi khí hậu, vừa gồng mình trước tác động của đại dịch Covid-19. Photo: Vikas Choudhary

NGHỊCH CẢNH

Khi các thương hiệu huỷ bỏ các đơn đặt hàng hiện tại và đang sản xuất để bảo vệ lợi ích của họ, gánh nặng kinh tế vơi nhẹ trên vai họ nhưng đè nặng một cách không tương xứng lên một cơ số những con người yếu thế nhất trong xã hội: công nhân trong các nhà máy dệt may, và những kẻ bên lề như lao động thời vụ, làm việc bán thời gian và công nhật ở các phân xưởng gia công nhỏ.

Khi các lô hàng trước mắt đã đóng gói xong nhưng không được giao đi, khi nguyên liệu của các đơn hàng sắp tới đã sẵn sàng để may nhưng bị huỷ bỏ, khi các nhà máy và công xưởng đóng cửa hàng loạt, đó là lúc bữa ăn dè sẻn của những gia đình công nhân cũng thưa dần, tiền lương hiện tại và tương lai bỗng hoá vô hình. 

Georges Sassine, chủ sở hữu nhà máy đồng thời là chủ tịch của Hiệp Hội Các Ngành Công Nghiệp Haiti (ADIH) đã nói rõ như một lời khẳng định: “Câu hỏi là nên chết vì đói hay vì corona virus”. 

Các nhà sản xuất hàng may mặc chịu ảnh hưởng nặng nề từ hai nguồn vấn đề lớn. Đầu tiên, nguồn vấn đề xuất phát từ tháng 2, khi các nhà máy không thể mua được nguyên liệu thô từ Trung Quốc (vốn là nhà cung ứng nguyên phụ liệu dệt may lớn nhất thế giới), khiến quy trình sản xuất bị gián đoạn, dẫn đến chậm trễ và phát sinh nhiều chi phí. Tiếp đến, khi các nhà máy của Trung Quốc mở cửa trở lại từ giữa cuối tháng 3, những tưởng sẽ mang lại hy vọng cho các nhà sản xuất hàng may mặc, thì guồng máy lại bị trật khớp bánh răng một lần nữa, đến lượt các thương hiệu, các nhà bán lẻ, các chủ đơn đặt hàng buộc phải đóng cửa do thất thu trầm trọng và các chính phủ trên thế giới (đặc biệt là Âu, Mỹ) bắt đầu bế quan toả cảng. 

Dường như bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ khốn khổ, các chủ nhà máy sản xuất nhấn mạnh rằng vấn đề của họ còn đến từ yêu cầu phi lý của các khách hàng lớn – chủ yếu ở Mỹ & Châu Âu.

Amit Mahtaney – Giám đốc điều hành của Tusker Outfit Jordan (Ấn Độ) chia sẻ với BBC rằng: “Một số thương hiệu thể hiện ý thức thực sự hợp tác và mức độ đạo đức cao trong việc cố gắng đảm bảo ít nhất đủ dòng tiền để trả lương cho công nhân. Nhưng chúng tôi cũng đã trải qua các yêu cầu huỷ hàng đối với các đơn đã hoàn thành, hoặc đang tiến hành, hoặc đề nghị giảm giá cho các lô hàng chưa thanh toán và đang quá cảnh. Các nhà mua hàng cũng yêu cầu gia hạn từ 30 – 120 ngày trong khi các điều khoản thanh toán đã thoả thuận trước đó”. 

Một công nhân nhập cư ngủ bên những chiếc máy dệt không còn làm việc do lệnh phong toả toàn quốc 21 ngày. Ảnh chụp ngày 1/4/2020, ở Bhiwandi, ngoại ô Mumbai, Ấn Độ. Photo: Francis Mascarenhas/Reuters
Một công nhân nhập cư ngủ bên những chiếc máy dệt không còn làm việc do lệnh phong toả toàn quốc 21 ngày. Ảnh chụp ngày 1/4/2020, ở Bhiwandi, ngoại ô Mumbai, Ấn Độ. Photo: Francis Mascarenhas/Reuters

Trong một email được đưa ra với BBC, một nhà bán lẻ ở Mỹ đã yêu cầu giảm giá 30% “cho tất cả các khoản phải trả – hiện tại hoặc đơn đặt hàng”, tức bao gồm những khoản cho các lô hàng đã được giao trước đó nhưng chưa nhận thanh toán. Tất cả chỉ với lý do là “để vượt qua giai đoạn phi thường này”. Với các nhà cung cấp, nhà sản xuất, doanh nghiệp dệt may nhỏ lẻ ở các quốc gia kém phát triển, đây là đề nghị hết sức vô lối, ép họ phải lâm vào thế ngặt nghèo. 

Đồng cảnh nạn, ngành dệt may Việt Nam cũng gồng mình giữa 2 gọng kìm cung – cầu trong trận bão dịch Covis-19. Theo Forbes Việt Nam, hai tháng đầu năm nay, toàn ngành phải “đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu sản xuất” do Trung Quốc phong toả biên giới. Đến tháng 3, khi hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu của Trung Quốc có thể gượng dậy thì dịch bệnh bùng phát tại Châu Âu và Mỹ, vốn là 2 thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Trong công văn của Hiệp Hội Dệt May Việt Nam trình lên Thủ Tướng Chính Phủ, cho biết “đa số các đối tác lớn đều có động thái cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng tới hết tháng 3 hoặc tháng 4, thậm chí có đối tác tạm thời ngừng nhận đơn hàng tới hết tháng 6”

Cùng nghịch cảnh do thiếu nguyên liệu thô, sụt giảm đơn hàng và mối lo ngại về sức khoẻ cộng đồng, rất nhiều nhà máy ở Sri Lanka, Bangladesh, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Albania, và các nước Trung Mỹ đều đứng trên bờ vực phá sản, khó gượng dậy. 

Theo Clean Clothes Campaign – CCC (một mạng lưới toàn cầu tập trung vào việc cải thiện điều kiện việc làm và trao quyền cho người lao động trong ngành sản xuất hàng may mặc và thể thao), tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Myanmar, nhiều công nhân may mặc không được trả lương làm việc chính thức trong tháng 3, hoặc nghỉ lễ không lương vào tháng 4 (Lễ hội té nước mừng năm mới của Myanmar, được tổ chức hàng năm và được trả lương khoảng 10 ngày), hoặc ở một số nhà máy, công nhân thậm chí bị nợ trợ cấp thôi việc. 

Ở Campuchia, Clean Clothes Campaign cho rằng cũng không đỡ hỗn loạn hơn so với Myanmar. Theo luật pháp Campuchia, người sử dụng lao động phải xin phép trước khi đình chỉ công nhân và phải trả 40% mức lương tối thiểu (khoảng $190/tháng). Tuy nhiên, một số nhà máy đã đình chỉ công nhân mà không được cấp phép. Nhiều công nhân may mặc phải vay mượn để bù đắp cho khoảng lương mất đi đột ngột, và càng tệ hơn khi tương lai sắp tới sẽ không đủ khả năng trả nợ do thất nghiệp. 

NỖ LỰC CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI 

A. Tiếng nói của truyền thông & cộng đồng

Kể từ ngày 17/3/2020 cho đến nay, Clean Clothes Campaign đã thực hiện một Live Blog thu thập thông tin liên tục mỗi ngày, xoay quanh các tác động của Covid-19 đến cuộc sống và sinh kế của công nhân may mặc trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, tập trung vào các quốc gia Bangladesh, Ấn Độ, Campuchia…Live Blog này cung cấp và double-check các thông tin mới nhất từ phương tiện truyền thông, các nguồn tin chính thức của các quốc gia và mạng lưới CCC toàn cầu. 

Các điểm tin đáng chú ý mà CCC Live Blog thu thập được trong những ngày gần đây (diễn biến sau một tháng bắt đầu Live Blog):

  • Bangladesh: The Sourcing Journal và các đơn vị truyền thông đưa tin về doanh nhân Ian Grabiner, CEO của Arcadia Group (tập đoàn điều hành hàng loạt các thương hiệu Burton, Dorothy Perkins, Evans, Miss Selfridge, Topman, Topshop, Wallis). Vị doanh nhân này đã gửi thư cho các nhà cung cấp để khẳng định quyền huỷ đơn hàng của công ty: “Bạn cần lưu ý rằng (công ty) chúng tôi có thể huỷ bất kỳ đơn đặt hàng nào ở bất kỳ giai đoạn nào. Đối với bất kỳ đơn hàng nào đang quá cảnh hoặc quá cảnh vào ngày 17/3/2020, chúng tôi muốn đề nghị giảm giá 30%. Nếu bạn không chấp nhận điều này, đơn đặt hàng sẽ bị huỷ…”
  • Mostafiz Uddin, chủ sở hữu của một nhà máy denim ở Bangladesh đã đăng bức thư lên mạng và bày tỏ rằng:“Tất cả các nhà sản xuất làm việc với chi phí thắt chặt, trong đó khoảng 75% là chi phí nguyên liệu. Với kịch bản đề ra như vậy, giảm giá 30% tức là loại trừ tiền lương và mọi chi phí hoạt động”.
  • Campuchia: Bài báo ngày 15/4 của Los Angeles Time đăng tin về hàng đống áo phông, quần short và váy ở các nhà máy quần áo ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Corona virus đã khiến các thương hiệu Gap và Old Navy huỷ đơn hàng. Ken Loo, tổng thư ký Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Hàng May Mặc tại Camphuchia (GMAC) nhắc lại rằng các nhà sản xuất chỉ được trả tiền khi quần áo được giao, và nói thêm rằng “Chúng tôi có thể kiện họ, nhưng tôi không biết liệu chúng tôi có còn ở đây để kiện không”.
  • Bangladesh: Trong khi Ms.Aruna Kashyap, cố vấn cao cấp tại bộ phận quyền phụ nữ của Human Rights Watch lo lắng rằng các công nhân may mặc có thể không được trả lương tháng 4 do việc huỷ bỏ đơn hàng bởi các nhà mua hàng. Tại Bangladesh, đám đông công nhân vẫn tiếp tục biểu tình (bắt đầu tràn ra từ ngày 12/4) yêu cầu thanh toán tiền lương cho tháng 3 (thậm chí là từ tháng 2), phản đối việc chấm dứt hợp đồng và sa thải công nhân.
  • Monnujan Sufian, Bộ trưởng Bộ Lao động & Việc làm nhà nước Bangladesh, kêu gọi các công nhân hãy về nhà và tuân theo khuyến cáo y tế của chính phủ, đồng thời chỉ đạo tất cả các chủ nhà máy trả phải lương tháng trước vào ngày 16 tháng 4. Bộ đã thành lập uỷ ban quản lý khủng hoảng và tình hình lao động trong đại dịch, cảnh báo “hành động pháp lý sẽ được thực hiện nếu bất kỳ chủ sở hữu nào không tuân theo chỉ thị”.
  • Tuy nhiên, cho đến ngày 17/4, truyền thông đưa tin và phỏng vấn nhiều công nhân, những người vẫn đang tiếp tục biểu tình và chờ đợi do chưa nhận được tiền lương hoặc sự cứu trợ nào. Dù vậy, Bà Rubana, chủ tịch của BGMEA (Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất và Xuất Khẩu Hàng May Mặc Bangladesh) tuyên bố khoảng 2,16 triệu trong số hơn 2,4 triệu công nhân đã được trả lương, tổng cộng có 1,665 thành viên của họ (tương đương 73% thành viên của hiệp hội) đã thực hiện trả lương đúng thời hạn mà chính phủ chỉ thị. Số nhà máy thành viên còn lại của BGMEA chưa thể trả lương đúng hạn 16/4 do một số vấn đề về ngân hàng và giao thông, nhưng BGMEA hứa hẹn sẽ không kéo dài đến 25/4.
  • Bà chủ tịch cho biết, những nhà máy đang bị công nhân biểu tình không phải là thành viên đăng ký với hiệp hội. Do vậy, cho đến tận ngày 18/4 (sau 1 tuần biểu tình), các công nhân vẫn chưa nhận được lương tháng 3, tương lai không biết họ phải đối mặt với Covid-19 thế nào, nhưng hiện tại họ còn không biết có thể ăn gì để tiếp tục sống và chờ đợi từng đồng lương. 
  • Haiti: Tổ chức Haiti Support Group đưa tin Thủ tướng Haiti tuyên bố rằng các nhà máy dệt trên cả nước sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/4. Mặc dù các nhà nghiên cứu và công đoàn cảnh báo nguy hiểm vì các biện pháp phòng ngừa và hệ thống y tế của Haiti rất mỏng manh. Tuy nhiên, như Georges Sassine, chủ sở hữu nhà máy và là chủ tịch của Hiệp Hội Các Ngành Công Nghiệp Haiti (ADIH) đã nói rõ: “Câu hỏi là nên chết vì đói hay vì corona virus” vì hầu hết công nhân hiện chỉ được trả 50% tiền lương tối thiểu.
  • Thái Lan: Tờ Bangkok Post đưa tin từ Cục Bảo Vệ Lao Động và Phúc Lợi (Department of Labour Protection and Welfare) rằng hàng ngàn công nhân đã mất việc sau khi các nhà máy đóng cửa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ngày càng phức tạp. Số người yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã tăng gấp đôi (lên đến 700,000 người) kể từ tháng 12/2019, và đến 140,000 công nhân đăng ký chỉ trong tháng 3/2020.
  • Sri Lanka: Ngày 20/4, chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố nới lỏng các biện pháp phòng ngừa Covid-19, bao gồm khởi động lại các nhà máy may mặc với số lượng nhân viên hạn chế. Báo cáo từ mạng lưới CCC cho biết một số nhà máy đã loại bỏ và sa thải không chính thức đối với các nhân viên thâm niên (50 – 55 tuổi) cũng như những nhân viên hợp đồng dưới một năm. Các nhà tuyển dụng ngành may mặc đang tìm cách thay đổi luật lao động và sử dụng đại dịch làm lý do.
  • Việt Nam: Trong một bài báo ngày 20/4, Vietnam Insider đưa tin: ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex (Tập đoàn Dệt May Việt Nam), đồng thời là Phó Chủ Tịch VITAS (Hiệp Hội Dệt May Việt Nam) cho biết sẽ phải cắt giảm 30% – 50% việc làm vào tháng 5 nếu tác động của dịch bệnh vẫn còn kéo dài. Vinatex sở hữu khoảng 200 nhà máy và hơn 100,000 công nhân, tức chỉ tính riêng “đầu tàu” của ngành Dệt May Việt Nam đã có thể có tới 50,000 lao động mất việc làm.
Những chiếc may máy yên tĩnh trong một nhà máy bị đóng cửa khi chính phủ Bangladesh áp đặt lệnh phong toả - Munir Uz Zaman/Afp Via Getty Images - washingtonpost.com
Những chiếc may máy yên tĩnh trong một nhà máy bị đóng cửa khi chính phủ Bangladesh áp đặt lệnh phong toả – Munir Uz Zaman/Afp Via Getty Images – washingtonpost.com

Bên cạnh đó, CCC cũng đã xuất bản một kiến nghị ngắn hạn (nhưng cụ thể) dành cho các thương hiệu, các nhà bán lẻ, nhà mua hàng và các chính phủ, mong muốn giảm thiểu tác động của Covid-19 và tạo ra hệ thống linh hoạt hơn trong tương lai, để bảo vệ công nhân trong chuỗi cung ứng toàn cầu Đọc thêm tại đây

CCC Made In Japan đã thực hiện một báo cáo về công nhân may mặc di cư tại Nhật Bản, thuộc Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật do nhà nước hỗ trợ (TITP). Các công nhân này đã bị xâm phạm quyền lợi lao động về vấn đề trả lương, nợ nần, làm thêm giờ, điều kiện sống và làm việc không thoả đáng, và giờ đây, áp lực tăng lên vì sự an toàn của họ bị đe doạ trong sự bùng phát của corona virus Xem thêm và tìm hiểu chi tiết bản báo cáo, download theo link này

CCC cho rằng các thương hiệu phải chịu trách nhiệm với công nhân trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ, và đảm bảo cho các công nhân may mặc (những người đã góp phần tạo ra lợi nhuận cho thương hiệu) không phải mang vác gánh nặng tài chính của cả một ngành công nghiệp bị tác động bởi đại dịch. 

Các hiệp hội cũng đề nghị bỏ qua các trách nhiệm của nhà cung cấp và sản xuất hàng may mặc về viêc chậm trễ giao hàng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm không yêu cầu bồi thường cho chậm trễ, không gây thêm áp lực không chính đáng bởi các chi phí bổ sung, đơn hàng gấp, hay các chuyến thăm ghé và kiểm toán không cần thiết.

Các tổ chức cho biết, đây chính là thời điểm cảnh tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp toàn cầu phát huy khả năng xử lý khủng hoảng và tôn trọng cam kết của họ đối với trách nhiệm xã hội và chuỗi cung ứng.

B. Truyền cảm hứng 

Ra đời từ sau cú sốc lớn nhất của ngành công nghiệp thời trang nhanh (vụ sụp đổ Rana Plaza vào năm 2013), suốt nhiều năm qua, Fashion Revolution đã thấm thía đối với việc khai thác quá mức, lạm dụng sức lao động của bên yếu thế và những bất công khác trong ngành.

Các phong trào #WhoMadeMyClothes và #LovedClothesLast (*3) đã được thúc đẩy trong nhiều năm, báo động một sự khủng hoảng do sản xuất thừa mứa và lãng phí vô độ của thời trang nhanh. Giờ đây, khi mà hầu hết mọi người bị buộc phải cô lập cùng với lối sống chậm, Fashion Revolution đang kỳ vọng vào những cuộc cách mạng hình thành nhen nhuốm, dấy lên bởi những người yêu thời trang. Từ việc chăm sóc quần áo tốt hơn, sửa chữa và áp dụng nhiều giải pháp tái chế, tái sử dụng để tăng cường tuổi thọ cho quần áo, cho đến những hành động quyết liệt cất lên tiếng nói bảo vệ những người công nhân #whomadeourclothes không bị “cách ly” khỏi mối quan tâm của xã hội.

Bangladesh những ngày tuyệt vọng: đó là ngày 28 /4/2013, người thân của những công nhân đang bị kẹt trong đống đổ nát, đưa hình ảnh và thông tin người thân của họ #whomadeourclothes cho đội cứu hộ, truyền thông, công chúng, và chờ đợi một phép màu - Photo: Andrew Biraj / Reuters
Bangladesh những ngày tuyệt vọng: đó là ngày 28 /4/2013, người thân của những công nhân đang bị kẹt trong đống đổ nát, đưa hình ảnh và thông tin người thân của họ #whomadeourclothes cho đội cứu hộ, truyền thông, công chúng, và chờ đợi một phép màu – Photo: Andrew Biraj / Reuters

Sự sụp đổ của Rana Plaza: ngày 24 tháng 4 năm 2013 , tòa nhà tám tầng bị sập ở Savar (gần thủ đô Bangladesh), giết chết hơn 1,134 người và 2,420 người đã được cứu sống; nhiều người trong số họ hiện đang bị khuyết tật vĩnh viễn.

Nỗ lực minh bạch hoá và khuyến khích sự phát triển bền vững trong ngành thời trang, Fashion Revolution tập trung vào các giải pháp có ý nghĩa tích cực và đặt ra câu hỏi: “Loại thế giới nào chúng ta muốn nhìn thấy ngay sau khi cuộc khủng hoảng này kết thúc?”.

Với Fashion Revolution, kind-of-the-fashion-world mà họ mong muốn đã đề cập sẵn trong “Tuyên ngôn về một Cuộc Cách Mạng Thời Trang” (Manifesto for a Fashion Revolution) mà tổ chức này đã và sẽ luôn dành nhiều năm tháng tiếp theo, thúc đẩy và thuyết phục cộng đồng hành động để xây dựng tương lai của thời trang.

Nếu chúng ta chỉ lặng im mà không làm gì, ngành công nghiệp thời trang chỉ đơn giản là hoạt động “bình thường” trở lại khi mọi thứ đã kết thúc. Và “bình thường” như chúng ta từng biết, là thời trang nhanh, là thừa mứa rác thải, là siêu tiêu thụ-siêu lãng phí, là nô lệ thời trang thế kỷ XXI. Chúng ta đã cảm nhận được và thay phiên nhau dự báo về một thế giới sẽ-hoàn-toàn-khác sau những chuỗi ngày phong toả biên giới. Nhưng khác như thế nào và khác đến mức nào, tích cực, tiêu cực hay “bình thường hơn”? – Chúng ta hoàn toàn không thể khẳng định khi thực tế chưa xảy ra. Đừng chỉ hi vọng!

“What kind of world do we want to see emerge after this crisis is over?” – Fashion Revolution

Thay vì chờ đợi sự trỗi dậy theo đồ thị hình sin của những nền kinh tế thức-tỉnh, sản xuất và tiêu thụ điên-cuồng, rồi lại tiếp tục lên tiếng phản đối. Hãy đừng dừng lại cuộc cách mạng khi mà bên ngoài kia, những con người tận cùng của chuỗi sản xuất đang ngày càng bị nhấn chìm bởi thời gian ủ-bệnh-không-triệu-chứng của đại dịch. 

Tiến Sĩ Wangari Maathai (nhà hoạt động chính trị và bảo vệ môi trường người Kenya) đã nói trong bài phát biểu nhận giải Noel Hoà Bình năm 2004 của mình: “Trong dòng chảy của lịch sử, đã đến lúc nhân loại được kêu gọi chuyển sang một cấp độ ý thức mới, để đạt đến một nền tảng đạo đức cao hơn. Lúc mà chúng ta phải trút bỏ nỗi sợ hãi và trao hy vọng cho nhau. Chính là lúc này, bây giờ”.

Giá trị thực của một chiếc T-shirt chỉ 2 euro là gì? #whomademyclothes #EYD2015 Một chiến dịch thực hiện bởi Fashion Revolution. Nguồn: Fashion Revolution’s Youtube

C. Kêu gọi & hành động 

Ngày 9/4/2020, mạng lưới Dệt May Bền Vững Khu Vực Châu Á – STAR (Sustainable Textile of Asian Region), bao gồm 9 hiệp hội từ 6 quốc gia chuyên sản xuất và xuất hàng dệt may, đã cùng ký tên và đưa ra “Tuyên bố chung về Thực tiễn mua hàng có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng Covid-19”, nhằm kêu gọi các đối tác toàn cầu của mình tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng mua bán, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đã ký kết, không đàm phán lại giá cả hoặc điều khoản thanh toán. 

Bản tuyên bố đưa ra 9 đề nghị, được soạn bằng 2 ngôn ngữ Anh và Trung Quốc. Để download và đọc trên phiên bản pdf, vui lòng truy cập EN và CN

Lúc này, mặc dù chúng ta có thể bị mắc kẹt trong nhà và sử dụng mạng xã hội, giọng nói của chúng ta vẫn có thể được khuếch đại, đặc biệt là khi chúng ta cùng nhau lên tiếng. Theo Fashion Revolution, đây là lúc cộng đồng toàn cầu – những người ủng hộ Cuộc Cách Mạng Thời Trang cần hỏi #whomadeourclothes to hơn và rõ hơn bao giờ hết. Chúng ta cần đặt câu hỏi, yêu cầu các nhà bán lẻ và thương hiệu thời trang chia sẻ trách nhiệm và bảo vệ người lao động trong chuỗi cung ứng.

Film produced by Futerra Xuất bản năm 2019, Fashion Revolution Week 22nd-28th April 2019. Nguồn: Fashion Revolution’s Youtube

Fashion Revolution đã đưa ra 3 hành động quan trọng để cộng đồng cùng thực hiện, nhằm hỗ trợ những người yếu thế #whomadeourclothes trong ngành thời trang hiện nay:

1. Gửi thư/email cho các thương hiệu thời trang, yêu cầu họ tôn trọng các đơn đặt hàng với nhà cung cấp của họ, và đảm bảo các công nhân làm ra sản phẩm của họ được bảo vệ, được hỗ trợ và thanh toán đúng hạn trong cuộc khủng hoảng này.

Fashion Revolution đã tạo nội dung mẫu để cộng đồng có thể nhanh chóng và dễ dàng sử dụng khi liên hệ với các thương hiệu qua email hoặc phương tiện truyền thông xã hội.

Truy cập tại đây để tham khảo và sao chép mẫu email soạn bởi Fashion Revolution

2. Ủng hộ tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận đang hỗ trợ cho các công nhân dệt may bị mất việc. Fashion Revolution cũng đưa ra các gợi ý:

  • AWAJ Foundation – Một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập và lãnh đạo bởi các công nhân may mặc ở Bangladesh, cung cấp sự hỗ trợ cho hơn 740.000 công nhân, bao gồm trợ giúp về pháp lý, y tế, tổ chức công đoàn, đào tạo quyền lao động, vận động chính sách và thúc đẩy ngành công nghiệp (industry advocacy) (*5). Nguồn tiền quyên góp sẽ được gửi trực tiếp đến những người lao động bị mất việc, chủ yếu ở dạng giải ngân tiền mặt để dễ dàng mua thực phẩm và trả tiền thuê. Nếu bạn muốn đóng góp cho AWAJ Foundation, xin liên hệ trực tiếp đến email awaj@dhaka.net
  • The Garment Worker Centre – Là một tổ chức phi lợi nhuận và không gian cộng đồng ở Los Angeles. Tổ chức này hỗ trợ hàng chục ngàn công nhân may mặc bị chèn ép với mức lương thấp; đặc biệt là các công nhân nhập cư và không có giấy tờ; phụ nữ da màu và gia đình của họ. 100 thành viên công nhân của tổ chức The Garment Worker Centre đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bị sa thải hoặc giảm giờ làm do Covid-19, cũng như vấn đề thiếu điều kiện vệ sinh trong các nhà máy vẫn đang tiếp diễn,… Dành cho những ai có nhu cầu quyên góp, tìm hiểu thêm tại website Garmentworkercenter
  • GoodWeave International – Một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu chấm dứt cưỡng bức và sử dụng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổ chức này đã thành lập “The COVID-19 Child and Worker Protection Fund” để cung cấp viện trợ và dịch vụ nhân đạo ngay lập tức cho những người dân yếu thế ở Ấn Độ, Nepal và Afghanistan. Đóng góp tại website Donate to safeguard
  • The World Fair Trade Organisation (WFTO) – Tổ Chức Thương Mại Công Bằng Thế Giới đã phát động chiến dịch #StayHomeLiveFair để hỗ trợ mạng lưới công nhân, nông dân, nghệ nhân và cộng đồng trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Độc giả có thể tham gia chiến dịch và hỗ trợ bằng cách truy cập WFTO website
  • CARE – là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp cứu trợ thiên tai, chống đói nghèo và giúp giáo dục trẻ em trên toàn thế giới, đã làm việc trong ngành may mặc hơn 20 năm. CARE đang tập trung vào việc bảo vệ, hỗ trợ các quyền và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong đại dịch. CARE’s Emergency Surge Fund là một quỹ khẩn cấp dùng để cung cấp khẩu trang, trạm rửa tay và bộ dụng cụ vệ sinh. Mọi quyên góp được tiếp nhận tại website My.care.org.

3. Quyên góp cho Fashion Revolution để tổ chức này có thể tiếp tục công việc của họ: “tiếp tục hỏi các thương hiệu những câu hỏi hóc búa, và huy động cộng đồng tham gia cuộc cách mạng, vì một ngành công nghiệp thời trang tôn trọng công nhân và hành tinh của chúng ta”.

KHI TRÁCH NHIỆM PHẢI ĐƯỢC THÚC ĐẨY BẰNG ÁP LỰC 

Bà Dominique Muller (Director of Policy, Labour Behind the Label) phát biểu: “Các thương hiệu đã thu được lợi nhuận trong nhiều năm qua, từ việc sản xuất ở các quốc gia có mức lương thấp mà không có hệ thống an sinh xã hội, và trong nhiều trường hợp đã gây dựng nên những đế chế khổng lồ thông qua mô hình kinh doanh này”.

Bà Dominique Muller cũng nhấn mạnh thêm:“Trải qua hàng thập kỹ khai thác, nay phải đền bù lại để chăm sóc cho công nhân của họ”. Một khi các công nhân không chết vì Corona virus, mà do nghèo đói, một ngành công nghiệp hàng đầu có thể bị xoá sổ hoàn toàn, ngay lập tức. 

Theo dữ liệu từ BGMEA, hơn 1 triệu công nhân may mặc Bangladesh phải nghỉ việc và mất việc không lương khi các thương hiệu phương tây huỷ bỏ hoặc đình chỉ tổng 2,4 tỷ bảng giá trị các đơn đặt hàng.  

Cũng theo BGMEA, Primark, Matalan và Edinburgh Woollen Mill là vài trong số các nhà bán lẻ đã huỷ bỏ và đình chỉ các đơn đặt hàng hiện có của họ để giảm thiểu tổn thất. Trong đó, có 1,3 tỷ bảng là giá trị các đơn hàng đã được hoàn thành hoặc đang trong giai đoạn sản xuất.  

“Tôi không thể ngủ yên được. Tôi có 2,000 công nhân nhưng tất cả họ còn phải lo cho gia đình tức là có đến 10,000 miệng ăn. Tôi sẽ nói gì với họ về công việc, về tiền lương?” – Mostafiz Uddin, giám đốc điều hành của Bangladesh Apparel Exchange và Denim Expert, bày tỏ với tạp chí The Guardian. 

Trả lời giới truyền thông, các thương hiệu Primark, Matalan và Edinburgh Woollen Mill đưa ra các tuyên bố và lý lẽ để giải thích hoặc tránh xác nhận, về việc “rất buồn”, “không muốn” và “đang tìm cách” nhưng buộc phải từ bỏ các nhà cung cấp trong tình cảnh hiện tại.

Sau những chỉ trích liên tục sau khi do dữ liệu của BGMEA được công bố, Tesco & Marks đã bác bỏ các con số, trong khi H&M, Next và Zara cho thấy một sự cam kết, mặc dù chưa hoàn toàn cụ thể nhưng chúng ta có lẽ cần chờ xem. 

Trang tin tức Quartz.com đã tiếp cận với đại diện các công ty, nhà bán lẻ nêu tên trong dữ liệu của BGMEA và thực hiện một danh sách những cam kết chính thức, bao gồm cả những lời giải thích và biện hộ. Đọc thêm → A company spokesperson said – qz.com

The Daily Star – Nhật báo tiếng Anh lớn nhất ở Bangladesh trích dẫn thông điệp truyền thông của H&M trong bài báo ngày 30/3 rằng: “Chúng tôi sẽ tuân thủ các cam kết của mình với các nhà cung cấp sản xuất hàng may mặc, bằng cách nhận các lô hàng đã được sản xuất xong cũng như đang trong quá trình sản xuất”.

Mặc dù công ty này không đề cập đến bất kỳ nhà cung cấp cụ thể từ bất kỳ quốc gia cụ thể nào, The Daily Star cho biết, theo nguồn tin trong ngành, H&M có nguồn hàng dệt may trị giá gần 4 tỷ USD/năm đến từ hơn 230 nhà máy ở Bangladesh. H&M cam kết rằng: “Chúng tôi, dĩ nhiên sẽ trả tiền cho số hàng hoá và sẽ thực hiện đúng các điều khoản thoả thuận thanh toán. Ngoài ra, chúng tôi sẽ không thương lượng giá cả trên các đơn hàng đã được đặt. Chúng tôi sẽ bắt đầu đặt hàng trở lại ngay khi tình hình cho phép”. 

“Việc kinh doanh có trách nhiệm đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với toàn thế giới để tồn tại và phục hồi sau cuộc khủng hoảng” – STAR (Sustainable Textile of Asian Region)

Một tin mừng nho nhỏ đã đến vào ngày 7/4, được The Guardian công bố: Primark, một trong những nhà bán lẻ nổi tiếng nhất của Anh tuyên bố sẽ thiết lập một quỹ lương cho hàng triệu công nhân may bị ảnh hưởng bởi quyết định huỷ đơn hàng trị giá hàng chục triệu bảng ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam. Tuy nhiên, Primark cũng quy định rằng quỹ lương hỗ trợ đó sẽ được cân nhắc tuỳ thuộc vào gói hỗ trợ của chính phủ.

Về điều này, Rubana Huq, chủ tịch của BGMEA rất cẩn trọng để tránh gây nhầm lẫn, rằng: “Chúng tôi hoan nghênh Primark khi thông báo rằng họ sẽ bồi thường cho những người lao động bị mất lương do đơn hàng bị huỷ, nhưng không hiểu rõ ý của họ là gì”. Rubana Huq cho rằng: “Bồi thường tiền lương không liên quan đến các khoản vay của chính phủ. Các thương hiệu đã có cam kết kinh doanh với các nhà cung cấp của họ, đó là trách nhiệm của họ”.

Một trường hợp cụ thể như của Primark, để chúng ta thấy rằng, từ việc thoái thác cho đến hành động có trách nhiệm, đối với các nhà mua hàng thật không dễ xuất phát một cách tự nguyện. Nhưng xin nhắc lại một lần nữa, đó là trách nhiệm. Và một quỹ hay một cam kết vẫn đang được chờ đợi ở phía trước, cho đến khi các công nhân thực sự nhận được những cánh tay chìa ra cứu vớt họ.

BGMEA, data as of April 21, 2020. Graphic: Jason Kwok, CNN 

Theo phụ lục cập nhật trong Research report “Abandoned?” của Center for Global Workers’ Rights – CGWR (*4), cập nhật đến ngày 1/4/2020, các thương hiệu và nhà bán lẻ đã cam kết thanh toán (cho tất cả các đơn đặt hàng đã hoàn thành và đang sản xuất), bao gồm H&M, Inditex, Kiabi, PVH Corp, Target US và VF. 

2 tuần sau, cùng với điểm tin ngày 14/4 của CCC Live Blog, tạp chí WWD cũng đưa tin về và cập nhật vào cuối ngày 14/4, “các công ty đã cam kết thanh toán đầy đủ cho các đơn hàng đã hoàn thành và đang sản xuất gồm H&M, Adidas, Nike, Inditex, PVH Corp, Target US, VF Corp, Uniqlo, Marks & Spencer, LPP và Kiabi”. Tuy nhiên, nguồn tin từ các nhà cung cấp lo ngại rằng VF Corp không tôn trọng cam kết, vì thế các tổ chức và hiệp hội chắc chắn sẽ xem xét kỹ nhà mua hàng này. 

Dữ liệu được công bố bởi Clean Clothes Campaign. Graphic: Clean Clothes Campaign

Worker Right Consortium – WRC (Liên Minh Quyền Công Nhân) đã liên kết với Center for Global Workers’ Rights – CGWR (Trung Tâm Quyền Công Nhân Toàn Cầu) của Đại học Bang Pennsylvania, tạo ra một danh sách trực tuyến với đường dẫn COVID-19 Brand tracker. Trình tracker này cung cấp một danh sách cập nhật thường xuyên bao gồm các công ty, nhà bán lẻ, thương hiệu…cam kết hoặc từ chối thanh toán cho các đơn hàng (đã hoàn thành, đang sản xuất và đã đặt hàng trước khi bùng nổ dịch bệnh).

WRC và CGWR sẽ làm việc trên cơ sở liên tục thu thập tin tức và đánh giá xem các công ty, thương hiệu có thực sự hành động có trách nhiệm và tôn trọng cam kết như được phản ảnh trong trình tracker này hay không. Danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên và hiệu quả hơn với sự tham gia của cộng đồng. Do vậy, WRC và CGWR cũng khuyến khích bất cứ ai chia sẻ thông tin liên quan và ủng hộ thông qua email wrc@workersrights.org, với tiêu đề “Covid-19 Tracker”.

Traidcraft – nhà tiên phong thương mại công bằng của Vương Quốc Anh kể từ năm 1979, đã xây dựng một campaign trên website của họ để kêu gọi cộng đồng cùng nhau gửi thông điệp đến các thương hiệu Anh, yêu cầu thanh toán đơn đặt hàng và thực hiện trách nhiệm đối với các nhà cung cấp → Take action

Oxfam Australia, một tổ chức xây dựng phong trào toàn cầu với mục tiêu giải quyết nghèo đói trên toàn thế giới (ra đời từ sự hợp nhất giữa hai cơ quan phát triển quốc tế hàng đầu: Community Aid Abroad và the Australian Freedom from Hunger Campaign) cũng bắt đầu một chiến dịch, kêu gọi mọi người hãy gửi email cho các thương hiệu lớn của Úc để thúc đẩy họ đừng từ bỏ hàng triệu phụ nữ #who-made-our-clothes → Support the women

Là một phần của nền kinh tế phi chính thức, các nghệ nhân và nhóm sản xuất nhỏ không có khả năng tài chính để vượt qua khủng hoảng, cũng không thể tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng và tổ chức tài chính. Mặc dù chính phủ và các nhà thiện nguyện cho thể cung cấp các suất ăn miễn phí, thực phẩm và nhu yếu phẩm, hoặc các khoản tiền quyên góp nhỏ, nhưng các tổ chức cho rằng sự hỗ trợ tốt hơn hết là tương tác với công sức lao động của các nghệ nhân và thợ thủ công.

Tổ chức The Antaran Initiative (An Initiative of Tata Trusts) của Ấn Độ đã xây dựng một trang web, để giúp các nghệ nhân trong cộng đồng The Antaran Initiative bán sản phẩm của họ với giá sỉ. Khách hàng trên khắp thế giới có thể thanh toán trực tuyến ngay lập tức cho các nghệ nhân, trong khi đó họ sẽ đóng gói và sẵn sàng giao hàng ngay sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ.

Thực vậy, để đồng hành cùng tất cả những tổ chức, hiệp hội và chính phủ trong việc chống lại tác động tiêu cực của Covid-19 đối với #whomadeourclothes, mỗi cá nhân có thể bắt đầu từ chính nhu cầu của bản thân mình. Bảo vệ sức khoẻ cá nhân, gia đình và những người xung quanh. Ủng hộ các thương hiệu bền vững, minh bạch, đạo đức và thân thiện với môi trường. Tiêu dùng hợp lý chống lãng phí, mua sắm trực tuyến và thanh toán trả trước. Dòng tiền thương mại công bằng sẽ hỗ trợ công đồng lao động của nền kinh tế phi chính thức vượt qua giai đoạn khó khăn này.

DO IT

Hãy giúp đỡ #whomadeourclothes, những người đã cố gắng sống lay lắt trên chuẩn nghèo không bị hạ thấp hơn mức đó. Hãy kêu gọi & hành động theo cách của bạn. 

##whomadeourclothes #Kilomet109: Trong bức ảnh là NTK Vũ Thảo cùng những nghệ nhân chất liệu người Nùng An ở Cao Bằng, chụp bởi nhiếp ảnh gia Nic Shonfeld vào năm 2017.
# #whomadeourclothes #Kilomet109: Trong bức ảnh là NTK Vũ Thảo cùng những nghệ nhân chất liệu người Nùng An ở Cao Bằng, chụp bởi nhiếp ảnh gia Nic Shonfeld vào năm 2017. Đây là thời gian diễn ra Fashion Revolution Week, 20 – 26/4/2020, bức ảnh được Kilomet109 đăng tải để tôn vinh thợ chế tác, nghệ nhân, những người thực hành thủ công, những người làm ra trang phục của Kilomet109. 

Chú thích: 

(*1) Từ 2014 – 2018, hashtag #whomademyclothes (hay #whomadeourclothes) đã trở thành xu hướng toàn cầu no.1 trên Twitter, kêu gọi hàng triệu người trên thế giới yêu cầu các thương hiệu trả lời câu hỏi “Who made my clothes?”. 

(*2) The Artisan Alliance là một nền tảng kết nối mạng, nơi các thành viên dọc theo chuỗi giá trị nghệ nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp thủ công, doanh nghiệp xã hội, NGO’s, cơ quan chính phủ… có thể xây dựng mối quan hệ, học hỏi, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Mạng lưới này được thành lập bởi cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và có quan hệ đối tác với Viện Aspen, Kiva and U.S. Department of State’s Office of Global Women’s Issues. 

(*3) Tháng 4/2017, Fashion Revolution cho ra mắt một phim thời trang ngắn Loved Clothes Last, châm biếm sâu sắc vào vấn đề tiêu thụ hàng loạt và cuộc khủng hoảng chất thải chưa từng có, tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu và những khía cạnh đạo đức khác. #whomademyclothes, #lovedclotheslast là những phong trào toàn cầu kêu gọi nâng cao sự minh bạch, bền vững và đạo đức trong ngành công nghiệp thời trang. 

(*4) Research report “Abandoned? – Tác động của Covid-19 đối với người lao động và các doanh nghiệp ở cuối chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu”, xuất bản ngày 27/3/2020, thực hiện bởi Tiến sĩ Mark Anner, giám đốc của Center for Global Workers’ Rights, thuộc Liên hiệp các Hiệp hội về quyền của người lao động. 

(*5) Industry advocacy: vượt ra khỏi vai trò “business leader” truyền thống, “industry advocate” đảm nhận công việc vận động và thiết lập sự đổi mới, định hình các xu hướng, thủ tục và luật pháp có tính hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp trong tương lai.

Featured image

Ảnh chụp một nhà máy may mặc ở Chittagong, Bangladesh. Photo by photographer Ismail Ferdous, for The Wall Street Journal – wsj.com

Main resources

The impact of covid-19 on …who make our clothes  – Fashionrevolution.org

Live-blog: How the Coronavirus affects garment workers… – Cleanclothes.org

Fashion brands cancellations of 24bn orders …bangladesh – Theguardian.com

Clothing makers in Asia give stark coronavirus warning – BBC.com

Bangladesh urges global partners to honour terms… – Thedailystar.net

Det may gong minh trong bao dich covid19 – Forbesvietnam.com.vn

Khủng hoảng corona ở Ấn Độ: “Không ai ăn được sỏi đá cả” – Tiasang.com.vn

Xu