10 niềm tin làm đẹp sai lầm có thể bạn biết rồi, nhưng vẫn mắc phải
Ngày đăng: 21/03/25
Với giá trị 4,2 nghìn tỷ USD, ngành công nghiệp sức khỏe không chỉ chăm sóc con người mà còn khai thác nỗi bất an về cơ thể để trục lợi. Đã đến lúc “vạch trần” những quan niệm làm đẹp sai lầm này, một lần và mãi mãi.
Thông tin về sức khỏe tràn ngập trên mạng xã hội, nơi lời khuyên về sức khỏe “một nửa sự thật” được chia sẻ rộng rãi. Từ đường là kẻ thù của mọi nhà, nước uống detox giúp đẹp dáng-sáng da,… được lan truyền và chinh phục niềm tin số đông về công dụng làm đẹp thần kỳ.
Với giá trị lên đến 4,2 nghìn tỷ USD, ngành công nghiệp sức khỏe không chỉ đơn thuần là một lĩnh vực chăm sóc con người, mà còn là một cỗ máy khổng lồ vận hành nhờ vào những nỗi bất an về cơ thể. Những trào lưu thiếu căn cứ vẫn không ngừng nở rộ, không phải vì chúng mang lại lợi ích thực sự, mà bởi chúng tạo ra thị trường béo bở để khai thác niềm tin của chúng ta. Đã đến lúc bóc tách những quan niệm sai lầm này, một lần và mãi mãi. Bởi lẽ, dù vô tình hay hữu ý, chúng ta không nên để mình bị cuốn theo những “âm mưu” trục lợi được ngụy trang dưới vỏ bọc của khoa học và sức khỏe.
Chế độ ăn kiêng gluten
Chế độ ăn không gluten là bắt buộc với người mắc bệnh celiac. Nhưng xu hướng “loại bỏ gluten” dần được định vị như thói quen lành mạnh, đặc biệt ở phương Tây. Hiện tại, khoảng 10% người Mỹ đang tránh hoặc hạn chế gluten dù không có bất kỳ chẩn đoán y khoa nào.
Theo nghiên cứu đăng trên British Medical Journal 2017, việc cắt giảm gluten theo dòng xu hướng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, do mất đi những lợi ích từ ngũ cốc nguyên cám – nguồn cung cấp chất xơ quan trọng.
Ngành công nghiệp thực phẩm không gluten vì thế mà phát triển, với giá trị thị trường ước tính đạt 7,59 tỷ USD vào năm 2020. Thực phẩm dán nhãn “gluten-free” có thể đắt hơn đến 242% so với sản phẩm thông thường. Các tuyên bố như “giúp giảm cân”, “cải thiện tiêu hóa” hay “tăng cường năng lượng” là chiêu trò nhằm thúc đẩy doanh số, dựa trên chiến lược tiếp thị và sức ảnh hưởng người nổi tiếng.
Detox bằng nước ép
Detox bằng nước ép đã trở thành ngành công nghiệp khổng lồ, với 5.861 doanh nghiệp nước ép và sinh tố hoạt động tại Hoa Kỳ, cùng dự báo thị trường đạt 250 tỷ USD vào 2025. Được quảng bá rầm rộ bởi những người nổi tiếng, với công dụng giúp “thanh lọc cơ thể”, da-dáng đẹp và cải thiện sức khỏe. Hiện không có nghiên cứu xác nhận rằng uống nước ép có thể loại bỏ độc tố hay giúp cơ thể khỏe mạnh. Trên thực tế, gan và thận đã đảm nhiệm vai trò này tự nhiên và hiệu quả. Trừ khi bạn tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc chất cồn với liều lượng lớn, cơ thể không cần liệu trình thanh lọc.
Một nghiên cứu đăng trên American Journal of Medicine năm 2013 chỉ ra rằng chế độ detox bằng nước ép gây hại cho thận, đặc biệt ở người có nguy cơ mắc bệnh thận do lượng oxalate trong rau xanh và trái cây. Nếu bạn muốn giảm cân, nước ép detox có thể giúp bạn giảm lượng calo tạm thời, nhưng giảm chủ yếu là nước và cân nặng sẽ nhanh chóng trở lại khi bạn quay về chế độ ăn bình thường. Một cách “thanh lọc” tốt hơn là giảm tiêu thụ rượu, thực phẩm chế biến sẵn và các chất phụ gia có hại, thay vì áp dụng chế độ nước ép detox không có cơ sở.
Uống đủ 8 ly nước mỗi ngày
Quan niệm uống đủ 8 ly nước mỗi ngày vẫn là niềm tin phổ biến dù vô số nghiên cứu khoa học bác bỏ. Niềm tin này bắt nguồn từ một bài báo năm 1945 của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia. Bài báo đề cập lượng nước phù hợp cho người lớn là 2,5 lít/ngày, nhấn mạnh rằng phần lớn lượng nước này đến từ thực phẩm – chi tiết quan trọng nhưng bị bỏ qua.
Hãy để bài viết này một lần và mãi mãi chấm dứt niềm tin sai lầm này. Nước quan trọng cho sự sống, nhưng nhu cầu nước hàng ngày của mỗi người sẽ khác nhau tùy vào tuổi tác, cân nặng, môi trường sống và mức độ hoạt động.
Hãy uống nước khi cảm thấy khát – đó là dấu hiệu tự nhiên giúp bạn duy trì trạng thái đủ nước.
Ăn nhiều tinh bột khiến tăng cân
Cắt giảm carbohydrate giúp giảm cân, nhưng không có nghĩa carb là nguyên nhân khiến bạn béo. Niềm tin này dựa trên tính chất bắc cầu, nhưng sai hoàn toàn. Trên thực tế, khoảng 77% cân nặng quyết định bởi yếu tố di truyền, tương đương với chiều cao.
Quan niệm này đã tạo ra loạt chế độ ăn kiêng ít carb. Nghiên cứu năm 2015 của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã bác bỏ niềm tin này: việc tăng cân chủ yếu xảy ra khi lượng calo tiêu thụ vượt quá lượng calo đốt cháy.
Chế độ ăn ít carb có hiệu quả không phải vì carb gây béo, mà vì ta vô tình cắt lượng calo tổng thể bằng cách hạn chế thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, pizza, bánh ngọt. Trong khi đó, carbohydrate là nguồn năng lượng chính, và một số loại còn giúp giảm cân, giảm mỡ và hỗ trợ tăng trưởng cơ bắp.
Theo nghiên cứu gần đây từ Tạp chí Y tế Công cộng Lancet và Viện Y tế Quốc gia chứng minh rằng chế độ ăn không carbohydrate lẫn quá nhiều carbohydrate đều không lý tưởng cho sức khỏe lâu dài. Chìa khóa nằm ở sự cân bằng – kết hợp carbohydrate hợp lý là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe và cân nặng ổn định.
Đường là kẻ thù
Là “kẻ thù của mọi nhà”, đường được xem là “thủ phạm” gây béo phì hay ung thư. Nhưng khoa học chưa chứng minh điều này. Mọi loại carbohydrate từ yến mạch, chuối đến khoai lang đều phân hủy thành glucose (đường) – nguồn năng lượng thiết yếu cho cơ thể.
Cơ thể xử lý mọi loại đường theo cách tương tự. Dù mật ong, xi-rô cây phong chứa chất dinh dưỡng hơn đường trắng, nhưng lượng đường nhỏ trong chúng khó tác động đến sức khỏe. Quan trọng là kiểm soát lượng đường tiêu thụ, đặc biệt từ đồ uống có đường hay thực phẩm chế biến sẵn.
Dùng vitamin tổng hợp
Nếu ăn đầy đủ dinh dưỡng, điều này có thể không cần thiết. Cơ thể cần 13 loại vitamin và hầu hết có thể hấp thụ từ thực phẩm. Thiếu hụt vitamin có triệu chứng rõ ràng, như thiếu vitamin B12 gây mệt mỏi, tê tay chân, hoặc mất trí nhớ. Theo chuyên gia dinh dưỡng Rumsey, trừ khi bạn ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc có vấn đề về hấp thụ, viên vitamin là không cần thiết.
Một số đối tượng cần bổ sung vitamin:
- Người trên 60 tuổi nên uống viên đa sinh tố.
- Người ăn chay trường cần bổ sung B12.
- Phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai cần axit folic.
- Người sống ở vùng ít nắng vào mùa đông có thể cần vitamin D.
Nếu không nằm trong nhóm này, bạn nên nạp vitamin từ thực phẩm và đừng phụ thuộc nhiều vào chúng.
Thông qua bài tập để “đốt mỡ xây cơ”
Quan niệm mỡ chuyển thành cơ là niềm tin phổ biến nhưng sai lầm. Mỡ và cơ là hai loại mô khác nhau với chức năng riêng biệt: mỡ nằm dưới da, quanh nội tạng, còn cơ trải khắp cơ thể.
Hiểu lầm này khiến nhiều người nghĩ chỉ cần đốt mỡ sẽ phát triển cơ. Thực tế, giảm mỡ xảy ra khi cơ thể đốt cháy chất béo do thâm hụt calo, còn cơ bắp phát triển khi được sử dụng. Tuy vậy, hai quá trình này có liên quan: người có nhiều cơ hơn đốt cháy nhiều calo hơn, giúp thúc đẩy quá trình giảm mỡ hiệu quả hơn.
Nước chanh nóng để bắt đầu ngày mới
Thói quen uống nước chanh nóng vào buổi sáng là quan niệm “thâm căn cố đế” với loạt lợi ích như kích thích tiêu hóa, giảm cân và thải độc. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận. Nước chanh nóng không “thần kỳ” như được “thổi phồng”. Nước chanh có tính axit, có thể làm mòn men răng, đặc biệt là khi uống vào sáng sớm.
Chế độ ăn giàu đạm
Niềm tin này ban đầu phổ biến trong giới thể hình, và đã lan rộng khắp mạng xã hội, tạp chí, siêu thị và nhà hàng – từ thanh sô cô la đến bánh mì đều được bổ sung protein.
Protein cần thiết cho sự phát triển, phục hồi của cơ thể và sức khỏe tổng thể. Tiêu thụ quá nhiều có thể gây tác động tiêu cực. Một số nghiên cứu cho thấy lượng protein dư thừa làm tăng hao mòn canxi, ảnh hưởng xấu đến thai kỳ và gây độc cho những người mắc bệnh thận hoặc gan. Chế độ ăn giàu protein có thể giúp giảm cân ban đầu, nhưng 90-95% những người giảm cân bằng chế độ ăn này sẽ tăng cân trở lại, thậm chí hai phần ba trong số đó còn tăng cân nhiều hơn trước.
Sự thật về tập luyện giảm mỡ tại chỗ
Gập bụng giúp giảm mỡ bụng, tập tay giúp săn chắc bắp tay. Nếu bạn có những niềm tin này, yên tâm, bạn không phải duy nhất. Tập luyện tại chỗ được tin rằng có thể đốt cháy chất béo ở một vùng nhất định. Đây là quan niệm sai lầm.
Các nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã chỉ ra cơ thể không thể chọn lọc vùng mỡ để giảm. Bạn có thể nhắm đến một cơ nhất định và tập tại chỗ để tăng sức mạnh, nhưng không thể đốt cháy chất béo vùng cụ thể. Việc giảm mỡ chỉ diễn ra trên toàn bộ cơ thể.
Các bài tập giảm mỡ tại chỗ chỉ tác động đến nhóm cơ nhỏ, không giúp tiêu hao calo hay tăng cường sức mạnh. Thay vào đó, để giảm mỡ hiệu quả, bạn cần kết hợp chế độ ăn và bài tập toàn thân (như HIIT, cardio, tập tạ).
Thực hiện: Mỹ Tâm