20 điều bí mật về người đàn ông bí ẩn nhất trong giới thời trang Martin Margiela
Ngày đăng: 18/12/21
Năm 2009, nhà thiết kế người Bỉ Martin Margiela đã từ giã ngành thời trang và từ bỏ Maison Martin Margiela vào lúc đang ở đỉnh cao thành công. Trong suốt hành trình mình, danh tính của Martin Margiela là một bí ẩn đối với công chúng.
Mặc dù Maison Margiela vẫn tiếp tục phát triển nhưng những người hâm mộ thời trang vẫn khao khát được biết về người sáng lập ra nó. Người đã tạo nên tiếng vang trong ngành thời trang mà âm vọng vẫn còn phảng phất cho đến ngày nay. Suốt hai mươi năm, kể từ khi ngôi nhà thời trang của mình được thành lập cho đến khi ông ra đi, Martin luôn cứ duy trì danh tính bí ẩn. Người ngoài giới không biết chút gì về ông, ngoài những thông tin hiếm hoi và nhỏ giọt trên truyền thông khó khăn lắm mới được tiết lộ. Cho đến năm 2019, bộ phim tài liệu “Martin Margiela: In His Own Words” được ra mắt, bật mí khá nhiều về nhà thiết kế huyền thoại này, người cứ luôn “để trang phục nói thay mình tất cả”.
Cũng đã đến lúc một bức chân dung rõ ràng và hoàn chỉnh về Martin Margiela được hé lộ, cùng Style-Repubik khám phá 20 điều bí mật về người đàn bí ẩn nhất trong giới thời trang qua bài viết sau đây.
1. Martin Margiela sinh năm 1957, tại thành phố Genk của Bỉ. Sau khi hoàn thành khóa học nghệ thuật Dự bị, ông tiếp tục theo học thời trang tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia danh tiếng Antwerp, từ năm 1977 đến năm 1980. Chính học viện nổi tiếng này cũng đã đào tạo ra những nhà thiết kế thời trang mới như Dries Van Noten, Walter Van Beirendonck , Bernhard Willhelm và Ann Demeulemeester…
2. Martin Margiela lần đầu tiên biết đến thời trang khi còn nhỏ, khi xem một chương trình truyền hình có sự tham gia của các nhà thiết kế Andre Courreges và Paco Rabanne, những người có tầm ảnh hưởng lớn vào những năm 1960. Trong cuộc phỏng vấn có lẽ là duy nhất của ông, từ đầu những năm 80, trước khi ông trở nên nổi tiếng, Martin đã hồi tưởng lại những gì mình nhìn thấy trên truyền hình với tạp chí Sphere: “Ngay khi tôi nhìn thấy thiết kế của họ, tôi đã nghĩ: Thật tuyệt vời, mọi người đang làm những việc mà tôi muốn làm.”
3. Khi còn là một thiếu niên, Martin Margiela thích lục lọi ở các khu chợ trời và rất giỏi trong việc kết hợp quần áo cũ lại với nhau để tạo ra một tổng thể sành điệu. Niềm yêu thích tái chế quần áo cũ này đã được ông đưa vào ngôi nhà thời trang của mình thông qua các thiết kế đặc biệt và trở thành một trong những dấu ấn thời trang của ông.
4. Martin Margiela đã trò chuyện không ngừng về quần áo và phong cách ở thời niên thiếu với người bạn có cùng niềm đam mê thời trang với mình, Inge Grognard. Inge nhiều năm sau đó trở thành nghệ sĩ trang điểm cho tất cả các show diễn của ông.
5. Martin Margiela không bao giờ bị gò bó vào các quan niệm truyền thống về cái đẹp – chẳng hạn, ngay từ khi còn trẻ, ông đã ngưỡng mộ những người phụ nữ có mũi to. Và ông luôn hỗ trợ cho những người mẫu có ngoại hình khác biệt với chuẩn mực phổ biến của cái đẹp trở thành người mẫu tại các buổi trình diễn của ông.
6. Martin Margiela đã đảm nhận công việc trợ lý thiết kế cho Jean Paul Gaultier ở Paris, vào năm 1985, cho đến năm 1987. Sau đó, ông thành lập Maison Martin Margiela, vào năm 1988, với sự giúp đỡ của người bạn thân thiết và cũng là đối tác kinh doanh Jenny Meirens.
7. Martin Margiela không bao giờ chiều lòng giới truyền thông bằng bất kỳ cuộc phỏng vấn trực tiếp hay qua điện thoại nào. Ông và nhóm của mình thích trả lời với tư cách tập thể các câu hỏi của các nhà báo (‘Chúng tôi’ hơn là ‘Tôi’). Trước đó câu trả lời của họ đã được đánh máy và gửi qua máy fax MMM (Maison Martin Margiela) và sau đó là email.
8. Vì kiên trì ẩn danh, Martin Margiela bị đồn đãi rất nhiều lời kỳ lạ trong thời kỳ ông làm trong ngành thời trang. Một số người trong giới thời trang tuyên bố đã gặp ông và kể ằng ông trông giống như Chúa Giê-su. Những người khác tin rằng người PR nội bộ của Margiela, tên là Patrick, thực ra chính là Martin. Những giả thuyết cực đoan hơn bao gồm một niềm tin – được Vogue đăng tải vào thời điểm đó – rằng ông thực tế là một phụ nữ. Tin đồn thất thiệt nhất là ông hoàn toàn không tồn tại (!).
9. Martin Margiela tránh sử dụng các địa điểm sang trọng cho các buổi trình diễn của Maison (điều mà sau này nhiều nhà thiết kế khác cũng áp dụng theo). Thay vào đó, các tín đồ thời trang sẽ phải đi bộ đến những khu vực vô cùng hoang sơ của thành phố Paris để xem các bộ sưu tập MMM mới nhất, các địa điểm được sử dụng có sân chơi trẻ em, nhà kho vô chủ, tàu điện ngầm bỏ hoang, cầu thang của một khu nhà hoang và thậm chí là một chiếc xe buýt hai tầng, có đầy đủ người mẫu và được ‘phụ trợ’ bởi một ban nhạc kèn đồng của Bỉ, chuyên biểu diễn nhạc phim.
10. Martin Margiela, mặc dù bận rộn với nhãn hiệu riêng của mình, cũng đã đảm nhận vai trò Giám đốc sáng tạo trang phục nữ tại nhà mốt Pháp Hermès vào năm 1998. Sự hợp tác này đã rất thành công, bất chấp việc ban đầu những nhà phê bình tỏ ra ngờ vực khả năng của Martin và có những khách hàng lớn tuổi của Hermès cho rằng tác phẩm của Martin quá kỳ quặc.
11. Martin Margiela là nguồn cảm hứng lớn lao cho rất nhiều nhà thiết kế nổi tiếng khác. Marc Jacobs từng nói với Women’s Wear Daily rằng: “Bất kỳ ai nhận thức được cuộc sống trong thế giới đương đại là gì đều bị ảnh hưởng bởi Margiela.” Nicholas Ghesquiere, Giám đốc Sáng tạo của Louis Vuitton, cũng là người đánh giá cao Margiela và Alexander McQueen. Ông từng say sưa kể trong cuộc phỏng vấn với The Independent: “Tất nhiên là tôi thích Martin Margiela. Hiện giờ tôi đang vận đồ của ông. Trang phục của ông đặc biệt vì sự chú ý đến từng chi tiết. Ông nghĩ về mọi thứ, cổ tay áo khoác, cấu tạo của nách áo, chiều cao của vai.”
“Bất kỳ ai nhận thức được cuộc sống trong thế giới đương đại là gì đều bị ảnh hưởng bởi Margiela.” – Marc Jacobs
12. Martin Margiela đã truyền cảm hứng cho Raf Simons đến mức anh đã chuyển nguyện vọng nghề nghiệp của mình từ một nhà thiết kế nội thất sang theo đuổi thiết kế thời trang. Bước ngoặt đột ngột này xảy ra sau khi Simons xem buổi biểu diễn Xuân-Hè 1990, dù nó hơi lộn xộn nhưng có sức ảnh hưởng lớn của Margiela, được tổ chức tại một sân chơi dành cho trẻ em ở ngoại ô Paris. Raf sau đó nhớ lại sự kiện này: “Ba cô gái bước ra. Chỉ trong tích tắc – tôi biết mình muốn làm thời trang”. Simons sau đó đã tôn vinh bộ sưu tập Thu Đông 1997 của Margiela bằng cách tham khảo các khía cạnh của nó trong bộ sưu tập dành cho nam mùa Thu/ Đông 2016 của chính anh.
13. Martin Margiela cũng là người có ảnh hưởng lớn đến Demna Gvasalia. Gvasalia từng làm việc trong nhóm thiết kế của Maison Martin Margiela ngày trước, và trước đó đã học thời trang tại cùng trường đại học với Martin. Tương tự như Maison Martin Margiela, Vetements thường xuyên sử dụng những địa điểm độc đáo, lạ mắt để trưng bày các bộ sưu tập mới của họ ở Paris, được trình diễn bởi các người mẫu khác biệt và lạ mắt. Và bộ sưu tập của Vetements mùa Thu Đông 2018 rõ ràng đã tôn vinh các tác phẩm của Martin với thiết kế áo khoác mặc từ trong ra ngoài, quần áo nhàu có chủ đích và những đôi bốt – dấu ấn thiết kế đã trở thành biểu tượng của Margiela ‘Tabi’.
14. Kanye West là người hâm mô của Martin Margiela. Anh đã chọn Margiela trong ca khúc Ni** vào năm 2011 và vài năm sau, Maison Margiela chế tác trang phục và mặt nạ trên sân khấu cho chuyến lưu diễn Yeezus (2013) của Kanye. Năm 2016, Kanye bất ngờ lấp đầy Instagram của mình với 99 hình ảnh lưu trữ từ Maison Martin Margiela. Anh cũng không giấu việc được truyền cảm hứng từ những thiết kế cũ của Martin (cũng như tác phẩm của các nhà thiết kế có ảnh hưởng khác) trong các bộ sưu tập Yeezy của riêng mình.
15. Người ta cho rằng Martin Margiela thường ngồi làm khán giả tại các buổi biểu diễn của mình bằng cách ngụy trang, ông đội một chiếc mũ bóng chày màu đen và mặc một chiếc áo liền quần màu be không mấy thú vị để không gây chú ý.
16. Martin Margiela là một trong những nhà thiết kế đầu tiên áp dụng cách thức tiếp cận bền vững trong thiết kế thời trang thông qua việc tái sử dụng và sửa đổi các sản phẩm may mặc hiện có thành những sáng tạo mới. Ông và nhóm của mình đã tạo ra những bộ sưu tập thủ công Artisanal, trong đó tận dụng các chất liệu như găng tay hoặc cà vạt cũ… Ông cũng được ghi nhận là người tiên phong trong phong cách thời trang ‘tái cấu trúc’, bằng cách để hở các đường viền và các đường khâu thô có thể nhìn thấy rõ ràng trong một số trang phục của mình, một số mang chất “grunge” và một số thiết kế để tôn vinh nét đẹp từ sự không hoàn hảo.
17. Martin Margiela cũng thích sử dụng các vật liệu rẻ tiền và đôi khi là lạ lùng trong các thiết kế của Maison Martin Margiela, ví dụ như là áo khoác làm từ tóc giả hay khăn quàng cổ được làm từ kim tuyến trang trí Giáng sinh.
18. Martin Margiela cũng rất giỏi trong việc biến rác thải thành tác phẩm nghệ thuật theo nhiều cách khác nhau. Có một lần, một thành viên trong nhóm nhắc ông gửi quà cảm ơn đến biên tập viên tờ tạp chí thời trang lớn. Ông đã nhanh chóng lấy ra một chiếc túi nhựa cũ từ trong thùng rác và khéo léo biến nó thành tụi đựng quà mới toanh và lạ mắt.
19. Martin Margiela không thích mạng xã hội, việc mạng xã hội ngày càng phổ biến càng khiến ông nản lòng với ngành thời trang. Vào năm 2018, khi được vinh danh Thành tựu trọn đời tại Lễ trao giải Thời trang Bỉ 2018, ông đã đưa ra lý do về việc giải nghệ của mình ở một thập kỷ trước: “Tôi cảm thấy rằng tôi không thể đối phó với áp lực ngày càng tăng trên toàn cầu và thương mại phát triển quá mức. Tôi cũng lấy làm tiếc về việc đăng tải thông tin quá nhiều trên mạng xã hội, nó phá hủy ‘cảm giác hồi hộp khi chờ đợi’ và làm mất đi cảm giác ngạc nhiên, mà những điều đó lại quá đỗi cần thiết đối với tôi. “
20. Martin Margiela đã dành phần lớn thời gian kể từ khi nghỉ hưu để tận hưởng những kỳ nghỉ ở những nơi xa xôi như Brazil và khiến bản thân bận rộn bằng cách tạo ảnh ghép và các tác phẩm nghệ thuật khác.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Nguồn ID Vice