25 năm cống hiến kết thúc, Pierpaolo Piccioli giã từ vương triều Valentino
Ngày đăng: 23/03/24
Kỷ nguyên rực rỡ kéo dài 8 năm, 25 năm đóng góp tâm sức, một phần tư cuộc đời “sống” ở Valentino, Pierpaolo Piccioli tự mình kết thúc tất cả, để chào đón một làn gió sáng tạo dẫn dắt mới.
Chỉ trong một tuần, thế giới thời trang đã phải chứng kiến hai màn chia tay tiếc nuối của hai nhà thiết kế huyền thoại tại hai vương triều sáng tạo đình đám mà họ đang dẫn dắt. Dries Van Noten rời khỏi thương hiệu của chính mình, nhường chiếc ghế giám đốc sáng tạo cho người kế vị mới sau 38 dẫn dắt đầy huy hoàng. Tiếp đến, tối thứ sáu vừa qua (theo giờ Việt Nam), Pierpaolo Piccioli – giám đốc sáng tạo của Valentino trong suốt 8 năm dài đã chính thức tuyên bố kết thúc kỷ nguyên rực rỡ của mình tại nhà mốt Ý. Sau nhiều màn chia tay nối tiếp nhau của các GĐST lâu năm với các nhà mốt đình đám, có lẽ địa hạt thời trang đang xoay chuyển, sắp sửa bước sang một thời kỳ mới với sự dẫn dắt của những “vị vua” trẻ.
“25 năm tôi sống, làm việc ở Valentino, và trong 25 năm đó tôi đã cùng những người nghệ nhân trung thành, tài giỏi dệt nên câu chuyện đẹp đẽ của chính tôi và của chúng ta.” Pierpaolo Piccioli bộ bạch trong lá thư chia tay. Piccioli gia nhập nhà mốt Ý vào năm 1999 với tư cách là nhà thiết kế phụ kiện cùng với Maria Grazia Chiuri. Cặp đôi này được bổ nhiệm làm đồng giám đốc sáng tạo vào năm 2008, thay thế Alessandra Facchinetti, người đã đảm nhận vai trò này một năm trước đó sau khi người sáng lập Valentino Garavani nghỉ hưu.
Kể từ năm 2016, Piccioli chính thức đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo duy nhất của Valentino, sau khi người bạn đồng hành – Maria Grazia Chiuri chính thức rời hãng và về Dior chịu trách nhiệm cho vị trí cao nhất thương hiệu.
Trong khoảng thời gian, cặp đôi GĐST đấy oanh tạc khắp sàn diễn Valentino, nhiều người thường nghĩ rằng vẻ đẹp lãng mạn khó diễn tả trong ngôn ngữ thiết kế ở nhà mốt Ý đến từ lăng kính duy mỹ của Chiuri, kết hợp với sự sắc bén, góc cạnh từ ông Piccioli. Tuy nhiên, khi hai người “đường ai nấy đi”, làng mốt mới nhận ra rằng bản thân Piccioli lại là người mơ mộng hơn cả. Trong suốt thời gian làm việc tại Valentino, Piccioli vẫn trung thành với kho di sản mà người sáng lập để lại – sự sang trọng đầy trang nhã của Valentino Garavani, đồng thời đưa thương hiệu bước sang một kỷ nguyên mới. Trải qua hàng loạt show diễn, Piccioli được cả làng mốt công nhận là người đã cứu sống nhà mốt Ý trước bờ vực thẳm, định nghĩa lại Valentino rực rỡ hơn quá khứ lộng lẫy một thời.
Tham dự các show diễn của Piccioli, chúng ta sẽ có cơ hội đắm chìm trong một thế giới âm u nhưng đượm chất thơ. Đó là nơi của những người “họa sĩ” có tâm hồn lãng mạn, mơ mộng. Họ mang đến những bức họa lộng lẫy với những bảng màu bất ngờ cùng những đường nét tuyệt đẹp, tinh xảo hoàn chỉnh với những chiếc mũ lông đà điểu rung rinh như những con hải quỳ trong gió. Không chỉ khiến thế giới thời trang xao xuyến bởi tay nghề may đo tuyệt mỹ, Piccioli còn mở rộng độ nhận diện thương hiệu bằng hàng loạt phương cách marketing khác nhau. Cố giám đốc sáng tạo tập trung vào tính toàn diện, mở rộng sự đa dạng cho Valentino, sự ra đời của một nhóm đại sứ thương hiệu mới là một minh chứng. Vận động viên đua xe Lewis Hamilton trở thành đại sứ đầu tiên cho Valentino Menswear; trong khi đó, người mẫu da màu Adut Akech chính là gương mặt đại diện cho Valentino Beauty.
Bên cạnh đó, sàn diễn của Piccioli còn quy tụ dàn người mẫu với mọi lứa tuổi, chủng tộc và kích cỡ. Ở buổi trình diễn thời trang couture Thu Đông 2022 diễn ra trên Bậc thang Tây Ban Nha ở Rome, người mẫu da màu Alaato Jazyper đến từ Nam Sudan đã là gương mặt mở màn. “Tôi thực sự muốn có những người mẫu đó là tấm gương cho những thay đổi lớn trong xã hội, những người mà 30 năm trước có thể không được phép bước trên sàn diễn,” ông chia sẻ với W Magazine vào năm 2022. “Valentino Couture Fall 2022 có những chàng trai mặc váy nữ tính và hơn 40 người mẫu là người da màu. Ở Rome, một thành phố mang tính biểu tượng như vậy của Ý, show diễn đó như một lời kháng cự dành cho làn sóng bài ngoại và kỳ thị người đồng tính. Nó rất cổ điển, rất haute couture, với diềm xếp nếp và nơ, rất giống DNA thiết kế của Valentino; nhưng thực ra, đó là một lại là sự “bài trừ” đối với kiểu đẹp truyền thống, đối với tất cả quy chuẩn của chủ nghĩa bảo thủ.” Đúng vậy, dưới triều đại của mình tại Valentino, Piccioli đã tạo ra những người phụ nữ kiêu kỳ, nữ tính, quyến rũ dưới những chiếc váy bồng bềnh, điểm xuyết bằng các đường cắt tinh xảo, nhưng cũng đầy gai góc, hiện đại dưới một chiếc quần jeans mặc cùng sơ mi trắng, và sở hữu cho mình một tinh thần dám đối đầu với mọi định kiến cũ kỹ của xã hội.
Pierpaolo Piccioli còn biết cách khiến kho di sản lâu đời của Valentino được giới trẻ tiếp cận nhiều hơn bằng những màu sắc đặc trưng. Vào năm 2022, Piccioli tạo ra một màu hồng nóng bỏng dẫn đầu đường đua xu thế, được gọi là “Pink PP” theo tên viết tắt của anh ấy. Trong bộ sưu tập RTW gần đây nhất, cố GĐST tài năng biến màu đen huyền bí trở nên quyến rũ và dịu dàng hơn hết. Tất cả đều là những phương thức marketing hiệu quả. Kể từ đó, Valentino trở thành cái tên được thế giới thời trang bàn luận sôi nổi. Những tuyệt tác của nhà mốt Ý trở thành gợi ý lý tưởng cho tủ quần áo thời trang thảm đỏ của hàng loạt ngôi sao. Dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế, Valentino đã trở thành một thương hiệu trị giá hàng tỷ đô la, có thể nhờ sự chú trọng của Piccioli vào danh mục thời trang đường phố ngày càng phát triển.
Song song với việc đẩy mạnh doanh thu cho Valentino, Piccioli vẫn không quên khai thác triệt để kỹ thuật may đo tinh xảo đặc trưng của nhà mốt, được diễn giải trọn vẹn trong hàng loạt bộ sưu tập couture tráng lệ. “Đối với tôi, thời trang haute couture là một công cụ mạnh mẽ hơn để nói về những gì tôi tin tưởng, những gì tôi đại diện. Couture thuần túy là một quá trình, là một cách tiếp cận. Vì vậy khi bạn thu hút sự chú ý bằng haute couture, nó có thể có tác động lớn hơn so với các phương tiện biểu đạt khác”. Và trong khi nhiều nhà thiết kế vui vẻ nhận công lao duy nhất đằng sau những sáng tạo nghệ thuật của họ, Piccioli luôn tôn vinh những bàn tay khéo léo của đội ngũ nghệ nhân phía sau, bằng cách đưa họ ra sàn diễn vào cuối mỗi buổi trình diễn.
“Cảm ơn ông Valentino và Giancarlo Giammetti (người đồng sáng lập), người đã ban phước cho tôi bằng sự tin tưởng của họ, cảm ơn từng người đã biến giấc mơ của tôi thành hiện thực bằng cách này hay cách khác. Thật là một đặc ân và vinh dự khi được chia sẻ hành trình và ước mơ của tôi với các bạn.” Piccioli kết thúc tâm thư chia tay bằng lời cảm ơn đầy chân thành. Người đồng sáng lập Valentino, Giancarlo Giammetti cũng cảm ơn nhà thiết kế trên tài khoản Instagram cá nhân: “Cảm ơn PP, vì hơn 20 năm bên nhau và cầu mong con đường của bạn sẽ tiếp tục với tư thế ngẩng cao đầu, thành công vì bạn xứng đáng nhận được điều đó”.
Giám đốc điều hành, Valentino Jacopo Venturini chia sẻ: “Tôi biết ơn Pierpaolo vì vai trò giám đốc sáng tạo cũng như tầm nhìn, sự cam kết và sự sáng tạo của ông đã đưa thương hiệu Valentino đạt được như ngày nay”. Chủ tịch Valentino Rachid Mohamed Rachid nói thêm: “Chúng tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Pierpaolo Piccioli vì đã viết nên một chương quan trọng trong lịch sử của Valentino. Sự đóng góp của ông ấy trong 25 năm qua sẽ để lại dấu ấn không thể phai mờ”.
Những tin đồn về màn chia tay giữa Piccioli và Valentino đã bắt đầu được lan truyền từ tháng 9. Tin tức về sự ra đi của ông Piccioli đã dẫn đến những đồn đoán xung quanh hàng loạt vụ chấn động của tập đoàn mẹ. Valentino được mua lại với giá khoảng 700 triệu euro vào năm 2012 bởi Mayhoola, một quỹ đầu tư được hỗ trợ bởi tiểu vương Qatar, đồng thời sở hữu hãng thời trang Pháp Balmain. Năm ngoái, Mayhoola đã bán 30% cổ phần của Valentino với giá 1,87 tỷ USD cho tập đoàn hàng xa xỉ Kering, chủ sở hữu các thương hiệu như Gucci và Saint Laurent.
Kering vẫn giữ quyền lựa chọn mua số cổ phần còn lại trước năm 2028 và Mayhoola cho biết có thể có nhiều thỏa thuận hơn để củng cố liên minh. Có lẽ, người “nghệ sĩ” có một tâm hồn mộng mơ như Pierpaolo Piccioli đã không thể chịu được sự kiểm soát nghiêm ngặt của các tập đoàn lớn. “Tiền đã thắng,” ông chia sẻ với tờ New York Times trước buổi trình diễn thời trang haute couture vào tháng Giêng. Ông nói: “Các nhà producers mạnh hơn các nhạc sĩ truyền thống. Các phòng trưng bày mạnh hơn những người họa sĩ độc lập. Và các tập đoàn xa xỉ lại lớn mạnh hơn các nhà thiết kế.”
Hiện tại, Valentino chưa có bất cứ thông tin gì về người kế vị tiếp theo. Bên cạnh đó là những giả định về các vị giám đốc sáng tạo mới, Alessandro Michele được cho là một trong những ứng cử viên “nặng ký” nhất; trong khi đó, Maria Grazia Chiuri cũng được dự đoán có thể quay trở lại cai quản kho di sản.
Thực hiện Dory
Theo Vogue, The New York Times, W Magazine