5 lời khuyên dành cho bạn trẻ bắt đầu bước chân vào lĩnh vực thời trang

Ngày đăng: 16/10/18

Dù bạn là tân sinh viên ngành thiết kế thời trang hay bạn muốn bước chân vào lĩnh vực này, những lời khuyên sau đây, từ những nhà thiết kế thời trang trẻ trong nước như Lệ Quyên, Tom Trandt, Ly Trương hay tân thủ khoa học viện Istituto Marangoni – Trần Thanh Long cùng Stylist Khuất Năng Vĩnh sẽ vô cùng hữu ích.
 
Dưới đây là 5 lời khuyên dành cho bạn trẻ bắt đầu bước chân vào con đường thiết kế thời trang từ những đàn anh, đàn chị đi trước, được đúc kết từ kinh nghiệm của chính bản thân họ.

NTK Lệ Quyên, Founder Arica Couture

NTK Lệ Quyên, Founder Arica Couture

Hai điều mà các bạn chắc chắn phải có để đi trên con đường này: đó là lòng đam mê và sự kiên trì. Chúng ta sẽ chẳng thể sáng tạo nếu chẳng thể mê mẩn và thích thú, chỉ có sự tự do và độc lập mới là mảnh đất cho những ý tưởng được giải phóng. Hãy chăm chút cho niềm đam mê như việc chăm một cái cây vậy, hãy tưới nước đều đặn mỗi ngày và bón phân, tỉa tót cho chúng.

Một tâm hồn hoàn thiện là một tâm hồn chứa đầy tri thức và đạo đức. Đảm bảo rằng trong đam mê của bạn, mang lại được giá trị cho người khác. Tất cả mọi điều giá trị đều cần thời gian, không có thành công qua đêm. Hãy kiên định với con đường bạn đã chọn, nếu nó có sai với bạn, thì ngay lập tức bạn hãy sửa cho mình đúng, để đi tiếp cùng nó.

Biên tập viên & Stylist Khuất Năng Vĩnh

Biên tập viên & Stylist Khuất Năng Vĩnh

Là người làm thời trang, trước tiên, bạn phải có tâm hồn đẹp và yêu việc làm mọi thứ xung quanh trở nên đẹp đẽ hơn. Người stylist cũng như vậy, bạn phải đam mê và thật sự hiểu nghề. Stylist không đơn thuần chỉ là chuẩn bị cái quần, cái áo thôi là đủ, đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lệch. Chính danh nói lên tất cả, stylist hay còn gọi là người tạo phong cách, bạn phải hiểu những định nghĩa cản bản nhất của phong cách thời trang, nhạy bén với xu hướng và có con mắt quan sát. Cảm hứng sáng tạo không khó kiếm, mà luôn hiện hữu xung quanh bạn, ngoại cảnh và con người. Ngoài ra, thái độ là cực kỳ quan trọng. Khi bạn thực hiện mọi thứ chỉn chu, tức khắc khách hàng sẽ tự tìm đến bạn. Hãy dành thời gian tìm tòi, xem và đọc nhiều hơn, chắc chắn kỹ năng chuyên môn của bạn sẽ tự động được cải thiện.

NTK Tom Trandt, Founder Môi-Điên

NTK Tom Trandt, founder Môi-Điên

Portfolio là công cụ để hiểu về một nhà thiết kế khi nhà thiết kế vắng mặt. Theo tôi một portfolio tốt phải truyền tải được cá tính và các thế mạnh của nhà thiết kế thông qua việc lựa chọn đề tài, sự nghiêm túc trong các bước phát triển ý tưởng và sự kỹ tính trong khâu trình bày. Trong khoảng thời gian cho phép, một NTK nên phân bổ thời gian để đầu tư cho cả 3 yếu tố kể trên.

Trần Thanh Long, tân thủ khoa học viện Istituto Marangoni

Trần Thanh Long, tân thủ khoa học viện Istituto Marangoni

Thời trang là một vòng tuần hoàn nó sẽ lặp đi lặp lại và đó là một bài toán khó để làm mới cái cũ. Các bạn bắt đầu làm quen với thời trang là đừng bao giờ áp đặt mình phải tạo ra BST chạy theo xu hướng đang thịnh hành, hãy sáng tạo bằng chất xám của mình và tìm cho mình được chất riêng vì chính bạn là người tạo ra xu hướng của riêng mình.

Để apply thành công vào bất kì ngôi trường nào việc đầu tiên bạn phải biết dòng sản phẩm sau này bạn muốn theo đuổi, sau đó tìm hiểu về hướng đi mà mỗi trường định hướng cho sinh viên là gì. Bước tiếp theo bạn cần làm là chuẩn bị một portfolio thật ấn tượng, phù hợp với tiêu chí của từng trường và dòng sản phẩm mình muốn theo đuổi. Đừng vội vàng sẽ không có được kết quả như mong đợi, hãy bình tĩnh và chuẩn bị thật kĩ cho mình một portfolio có dấu ấn riêng và tự tin trả lời được bất kì câu hỏi nào từ phía trường.

Ly Trương, Founder ODJECTS

Ly Trương, Founder ODJECTS

Nếu bạn là người trẻ mới ra trường và mới hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, với một số thành tích nào đó, rất có thể sẽ có một hãng nào đó khá lớn sẽ đề nghị một dự án với bạn, hứa hẹn sẽ trả công sức bằng kinh nghiệm thay vì tiền. Hấp dẫn thật đấy, nhưng tôi nghĩ trước khi quyết định hãy suy nghĩ một cách tỉnh táo xem bạn đang làm vì điều gì? Ít hay nhiều không phải là vấn đề, nhưng tại sao một hãng lớn lại không có ngân sách? Hãng đó trong điều kiện bình thường có khả năng chi trả cho một dự án như vậy hay không? Nếu câu trả lời là dư sức thì tôi khuyên bạn đừng nhận dự án đó, nếu không có thù lao. Vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn ảnh hưởng đến tất cả những người khác.

Chỉ khi ai cũng mặc định là làm việc chăm chỉ thì xứng đáng được trả lương công bằng, thì những công việc sáng tạo mới bắt đầu được coi trọng và chi trả một cách xứng đáng. Cũng như tất cả mọi việc khác, công việc nào cũng cần được trả công. Còn về đổi lấy kinh nghiệm, thì nếu bạn có khả năng, nếu bạn làm việc chăm chỉ, hiệu quả và đúng hẹn thì tôi tin là tiếng lành đồn xa thôi.

Bài viết được thực hiện bởi F.A.C.E Fashion Workshop