50 năm hoà bình: Các thế hệ tiên phong thời trang Việt
Ngày đăng: 27/04/25
Từ năm 1975 cho đến nay, từ các biển hiệu “nhà may” cho đến “thương hiệu”, hay cũng lược bỏ chỉ còn tên gọi, 50 năm hoà bình đất nước chứng kiến sự chuyển dịch của thời trang Việt với từng thế hệ dẫn đầu khác nhau.
Nếu ở thập niên 50, thời trang thế giới đang say mê với vẻ ngoài New Look của nhà mốt Dior, thì ở Việt Nam, bức tranh thời trang vẫn chưa được hoàn thiện. Cuộc sống khó khăn, chiến tranh nổ ra ở khắp nơi, dân ta lúc bấy giờ còn đang chật vật lo cho cái ăn, cái mặc. Định nghĩa thời trang lúc bấy giờ chỉ tồn tại trong tầng lớp thượng lưu, xoay quanh gấm vóc, lụa là xa xỉ. Đời thực khắc nghiệt đã đánh chết giấc mộng thời trang hào nhoáng.
Cho đến khi hoà bình đến với nước ta, vào năm 1975 hai miền Nam, Bắc được thống nhất, bình minh mới bắt đầu ló dạng ở thời trang Việt. Xuất phát điểm chậm nhưng hành trình phát triển của thời trang Việt là một câu chuyện về sự kiên cường.
Xuyên suốt 50 năm hoà bình, “bộ máy vận hành” của thời trang Việt được truyền cho từng thế hệ dẫn đầu, từ các nhà may, công ty may mặc, thương hiệu riêng của các nhà thiết kế, cho đến những local brands.
Cột mốc 1975 và màn trao quyền cho các thương hiệu may mặc
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển, ngành thời trang bắt đầu định hình; lúc bấy giờ các nhà may áo dài, âu phục phổ biến suốt thập niên 50 và 60 như Thiết Lập, Thiện Thưởng bị thay thế bởi những công ty, thương hiệu may mặc quy mô tầm cỡ. Nổi bật trong số đó chắc chắn phải nhắc đến thương hiệu thời trang công sở Việt Tiến và May 10.
Trước khi được biết như một thương hiệu thời trang nổi bật của Việt Nam, tiền thân của Việt Tiến là một xí nghiệp may mặc. Vào tháng 11 năm 1975, bà Nguyễn Thị Hạnh được Nhà nước giao nhiệm vụ tiếp quản công ty Thái Bình Dương kỹ nghệ, vốn là một nhà máy tư nhân của người Hoa trước đây. Một năm sau đó, công ty được đổi tên thành Xí nghiệp may Việt Tiến với ý nghĩa “Việt Nam tiến lên.” Đội ngũ công nhân lúc bấy giờ chưa nhiều.
Bà Hạnh, giám đốc đầu tiên của Việt Tiến, đã mạnh dạn sử dụng nguồn lực lao động là lực lượng bộ đội vừa trở về từ chiến trường, để “chiến đấu” trên mặt trận sản xuất. Ban đầu, xí nghiệp may Việt Tiến chuyên sản xuất các mặt hàng bảo hộ cho thị trường nội địa. Các sản phẩm làm ra được Cộng hòa Liên bang Xô viết đánh giá rất cao. Trải qua nhiều thăng trầm, và không ít biến cố và đổi thời từ thời cuộc, Việt Tiến liên tục đổi mới chiến lược kinh doanh lẫn nâng cấp, cải tiến chất lượng cũng như nguồn lực để phát triển bền vững trên thị trường nội địa, lẫn định vị bản sắc trên bản đồ thế giới.
Sự khởi nguồn và quá trình phát triển của những chiếc áo sơ mi mang thương hiệu “Việt Tiến” ngày ấy đã tạo nên uy tín và danh tiếng cho thương hiệu ngày hôm nay. Đến nay, với sự thâm nhập của nhiều nhãn hiệu nước ngoài hay sự thay đổi của thị hiếu khách hàng trẻ, Việt Tiến vẫn là cái tên quen thuộc. Để làm được điều đó, một thương hiệu có bề dày phát triển lâu đời như Việt Tiến đã vượt qua mọi áp lực từ thị trường nhờ phần lớn vào thái độ luôn cởi mở và không ngại thay đổi.
Bên cạnh Việt Tiến, một trong những thương hiệu may mặc có tiếng ở thị trường nội địa là May 10. Từ khi mới thành lập năm 1946 cho đến năm 1975, May 10 chuyên sản xuất quân trang phục vụ bộ đội trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau khi đất nước thống nhất, May 10 chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu. Trong đó, năm 1976, Xí nghiệp May 10 làm hàng gia công xuất khẩu với thị trường là các nước Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Đông Âu. Đến năm 1991, khi thị trường Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, May 10 đánh dấu cột mốc mới ở thị trường xuất khẩu sở hữu quy trình kiểm duyệt khắt khe như ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và tiến hành thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 1997.
Năm 2004, May 10 mở ra một kỷ nguyên mới của thương hiệu, với bước tiến vào mặt hàng veston – sản phẩm cao cấp trong ngành hàng may mặc. Sản phẩm veston mang cái mác thương hiệu May 10 có mặt ở tất cả các thị trường khó tính trên thế giới như ở Nhật, châu Âu và Mỹ. Từ đó nhiều nhãn hiệu veston cao cấp nhất trên toàn cầu đã hợp tác cùng May 10 như: Hugo Boss, Brooks Brothers, Mark & Spencer, Next, Massimo Dutti…Đến nay, May 10 đã là đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn thời trang cao cấp nổi tiếng toàn cầu như: Zara, DKNY, Marks & Spencer, Express, GAP, Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Ralph Lauren.
Không chỉ vươn tầm quốc tế, ở thị trường nội địa, May 10 cũng không quên nhiệm vụ, luôn chú trọng và luôn tìm giải pháp để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt. Trong kỷ nguyên số hoá, May 10 tích hợp và đa dạng các hình thức bán hàng, đặc biệt là sàn thương mại điện tử, để đạt được mục tiêu tiếp cận, đưa sản phẩm từ nhà máy đến người tiêu dùng cuối cùng nhanh nhất và đa dạng nhất. May 10 tự hào khi sở hữu chuỗi sản phẩm đa dạng, không chỉ có veston, sơ mi nam/ nữ, váy, đầm, đồ trẻ em, áo phông, quần… Không chỉ sở hữu dòng thời trang cao cấp, May 10 còn có cả dòng thời trang phổ thông.
Từ cửa hàng giới thiệu sản phẩm đầu tiên vào năm 1993 với các nhãn hiệu thuộc dòng M10 Series, cho đến nay, May 10 đã có trên 50 cửa hàng trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý tại trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam với quy chuẩn thống nhất về hình ảnh và nhận diện. Trải qua quá trình gần tám thập kỷ liên tục phát triển và đổi mới, May 10 đã khẳng định vị thế mạnh mẽ của mình trong ngành dệt may Việt Nam lẫn quốc tế.
Những năm 1990s với những bộ veston cao cấp
Cột mốc Đổi Mới kinh tế năm 1986 đã đặt nền móng cho giai đoạn bùng nổ của ngành may mặc Việt Nam trong thập niên 90. Việc mở cửa nền kinh tế, khuyến khích kinh doanh tư nhân và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện cho các thương hiệu tư nhân đầu tiên xuất hiện, bên cạnh các xí nghiệp quốc doanh. Đây là thời kỳ thị trường bắt đầu định hình những nhu cầu đa dạng hơn về thời trang, không còn chỉ dừng lại ở tính công năng.
Lúc này, thời trang Việt chứng kiến cuộc du nhập của văn hoá Tây Âu, với những bộ veston may đo tinh xảo. Không chỉ có phái nam, phụ nữ lúc bấy giờ cũng bắt đầu ưa chuộng những bộ vest thanh lịch, để diện đi làm hoặc tham dự các sự kiện trang trọng.
Bên cạnh áo dài, dịch vụ may đo veston, comple cao cấp trở thành một hiện tượng vô cùng thịnh hành ở thời điểm này. Trong những nhà may veston nổi tiếng lúc bấy giờ ở thị trường nội địa, Hồng Ngọc là cái tên nổi bật nhất.
Vào năm 1990, thương hiệu Veston Hồng Ngọc của ông Nguyễn Ngọc Chất ra đời. Trong suốt miền ký ức của thế hệ 8x, 9x, Vest Hồng Ngọc để lại dấu ấn khó phai bằng các sản phẩm may đo tinh xảo, cũng như các đoạn clip quảng cáo trên truyền hình. Ở miền Bắc, áo dài và veston Hồng Ngọc được xem là nhãn hiệu thời trang cao cấp, có phần xa xỉ. Trước khi buộc phải đóng cửa nhiều chi nhánh ở hai miền Nam, Bắc, ở thời kỳ hoàng kim của mình, Veston Hồng Ngọc đã “bành trướng” khắp Hà Nội như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học và các tỉnh thành lớn trong cả nước. Veston Hồng Ngọc hiện chỉ còn 1 cửa hàng tại 137 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội.
Giai đoạn 2000-2010 và dấu ấn của thế hệ nhà thiết kế đầu tiên
Cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix đã là điểm xuất phát của thế hệ nhà thiết kế thời trang Việt Nam đầu tiên. Trong thời khắc bước sang kỷ nguyên công nghệ, các nhà thiết kế Việt ôm theo giấc mộng theo đuổi thời trang của riêng mình để hiện thực hoá ở sân chơi nội địa và vươn tầm thế giới.
Hành trình của họ bắt đầu từ “đứa con tinh thần”, thương hiệu thời trang được thành lập bởi các nhà thiết kế “tốt nghiệp” từ những cuộc thi tìm kiếm tài năng hoặc ngôi trường đào tạo chuyên nghiệp. Đứng ở ranh giới giữa kỷ nguyên cũ và mới, đây là thời điểm các nhà may truyền thống, cũng như công ty sản xuất quần áo hàng loạt nhường lại “hào quang” cho các thương hiệu có bản sắc mạnh của các nhà thiết kế độc lập.
Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí đã ra mắt thương hiệu mang tên mình – Cong Tri vào năm 2002, với sứ mệnh là thương hiệu thời trang cao cấp đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2007, NTK Đỗ Mạnh Cường ra mắt bộ sưu tập đầu tiên “Cô Đơn”, lấy cảm hứng từ nỗi cô đơn của người nghệ sĩ sau ánh hào quang sân khấu.
Một năm sau, Đỗ Mạnh Cường quyết định về nước và thành lập thương hiệu thời trang riêng mang tên “DMC”. Thương hiệu Thuy Design House của nhà thiết kế Thủy Nguyễn sáng lập vào năm 2011. Bên cạnh những thương hiệu của các nhà thiết kế độc lập, thị trường thời trang Việt đương thời có trở nên sôi động bởi sự ra mắt của nhiều thương hiệu vĩ mô như White Plan, Canifa, Ninomaxx, K&K Fashion,…Họ mở rộng định nghĩa khái niệm thời trang từ các thiết kế may đo mang tính trình diễn cao sang trang phục mang tính ứng dụng cao hơn.
2010s và kỷ nguyên của streetwear
Bức tranh thời trang những năm 2010s chứng kiến sự xuất hiện của làn sóng xu hướng streetwear. Ở thị trường nội địa, phong cách thời trang đường phố bước vào thời kỳ hoàng kim với hàng loạt thương hiệu streetwear “mọc” lên như nấm. BOBUI, 5THEWAY, SWE, hay DirtyCoins,…những thương hiệu streetwear “made in Vietnam” đầu tiên từng là “cánh cửa” để nhiều tín đồ thời trang Việt chạm ngõ, làm quen với cách ăn mặc mang đậm hơi thở của đường phố đang thịnh hành trên thế giới. Không chỉ đơn thuần là mối quan hệ mua bán giữa thương hiệu và khách hàng, các thương hiệu streetwear ngày đấy còn định hình nên một cộng đồng cùng một phong cách sống đặc trưng, thay vì chỉ bán ra một cái áo thun in hình graphic.

2020s: khi thời trang Việt thoát khỏi hình dáng chiếc áo phông
Vực dậy khỏi giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, thời trang Việt được “reset” với nhiều “mất mát”. Nhiều thương hiệu đình đám một thời phải “đóng cửa” trước sự tiếc nuối. Chỗ trống đó được lắp đầy bởi những hy vọng của các thương hiệu mới.
Khi trở lại cuộc sống “bình thường mới”, cuộc đua thời trang nội địa cũng quay về điểm xuất phát. Lúc bấy giờ, sân chơi thời trang streetwear cũng mất nhiệt. Thay vào đó, sức hút được chuyển giao cho các thế hệ local brands mới. Ở thời khắc chuyển giao, các thương hiệu nội địa ra đời với nỗ lực thoát khỏi cái mác “đồ gia công” hay chỉ đơn thuần là bán áo thun thêu chữ, in hình graphic.
Thời đại tôn vinh bản sắc riêng đã cho ra đời nhiều thương hiệu có bộ mã DNA thiết kế vững vàng. Thiết kế của họ vượt xa khỏi những món quần áo “vô hồn”, mà mang theo câu chuyện truyền cảm hứng của thương hiệu lẫn các thông điệp cụ thể về văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc,…
Và khi bước vào kỷ nguyên số hoá, nhất là khi trí tuệ nhân tạo đe doạ trí óc sáng tạo của con người, nhiệm vụ tồn tại vững chắc trên thị trường nội địa, và vươn ra thế giới của các local brand thế hệ mới càng trở nên khó khăn hơn. Trong hành trình gian nan đó, đã có không ít thương hiệu thành công như FANCì Club, Lsoul, Bupbes, PHAN DANG HOANG, THAI HUY, PHAN HUY…Với tư duy sáng tạo cởi mở và đầy bứt phá của thế hệ mới, giờ đây thời trang Việt có thể tự tin xếp ngang hàng với các “đối thủ” trên thế giới.
Xem bài viết này trên Instagram
Thực hiện Dory