9 chiến lược giúp thương hiệu thời trang vực dậy doanh thu nửa cuối năm 2024

Ngày đăng: 19/07/24

Nếu thường xuyên theo dõi tin tức, có thể bạn sẽ nghĩ rằng các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang đang đến lúc hạ màn. Hàng loạt bài viết về việc đóng cửa các cửa hàng hoặc các thương hiệu phá sản mang đến bầu không khí không mấy lạc quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những tin tức tiêu cực, vẫn có những câu chuyện thành công, cũng như nhiều thương hiệu đang trên đà phát triển. Ngành công nghiệp này vẫn tồn tại và tiến lên cùng với nhiều thay đổi. Những chuyển biến này mang lại nhiều khó khăn vì nó ảnh hưởng không đồng đều đến các doanh nghiệp, ngay cả những cái tên thành công nhất.

Một trong những thách thức chính khi điều hành một thương hiệu thời trang ở bất kỳ quy mô nào là duy trì được cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp trong khi vừa phải ưu tiên những nhu cầu cần thiết. Đây là một bất lợi khi làm việc trong một ngành công nghiệp có nhịp độ nhanh. Các chủ thương hiệu thường bị cuốn vào áp lực hàng ngày. Thỉnh thoảng bạn cần lùi lại một bước để nhìn vào những lỗ hổng trong doanh nghiệp của mình và bắt đầu một dự án nhằm giải quyết vấn đề và tăng lợi nhuận.

Giải pháp phổ biến là tạo áp lực để tăng doanh số. Mặc dù điều này quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng cần doanh thu để tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp thời trang thường có nhiều cách để tăng biên lợi nhuận gộp hoặc biên lợi nhuận ròng. Sau đây là 9 gợi ý mà bất kỳ công ty thời trang nào cũng có thể thực hiện:

1. Kết nối lại với các khách hàng cũ và cung cấp những gì họ thực sự mong muốn

Bạn giao tiếp với khách hàng của mình thế nào? Chỉ liên hệ khi họ cần mua hoặc thanh toán? Khách hàng chỉ được thông báo khi đợt giảm giá bắt đầu?

Nếu bạn thực sự muốn có một chỗ đứng trong tâm trí khách hàng, các tin nhắn và email bạn gửi nên hướng tới mục tiêu cải thiện cuộc sống và công việc kinh doanh của họ một cách thực sự hữu ích, thay vì liên tục quảng cáo sản phẩm.

Lời khuyên: Đánh vào cảm xúc của khách hàng

Không gì hơn một thương hiệu biết quan tâm để đưa ra đúng lời khuyên mà khách hàng đang cần. Nếu thương hiệu của bạn kinh doanh đồ bơi, các bài blog về lợi ích và tác hại khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và cách chăm sóc da sau khi phơi nắng là một ý tưởng tuyệt vời.

Nếu thương hiệu của bạn bán đồ dạo phố, nội dung về những góc check-in ngoài trời đẹp chắc chắn sẽ được yêu thích.

Còn nếu bạn có một thương hiệu đồ thể thao, bài viết gợi ý các tuyến đường đạp xe, chạy bộ sẽ là lựa chọn phù hợp.

Bạn có thể chèn quảng cáo sản phẩm ở vài chỗ trong bài, nhưng mục tiêu ở đây là khơi gợi sự quan tâm và cảm giác thân thuộc. Sản phẩm có thể xuất hiện trong phần hình ảnh để điểm đến hoặc chủ đề luôn gắn liền với phong cách sống của thương hiệu.

2. Tìm nguồn cung tốt hơn cho các sản phẩm hiện tại

Nếu những sản phẩm chủ chốt của thương hiệu không thành công như mong đợi do giá tương đối cao hoặc mang lại lợi nhuận thấp so với thị trường, bạn nên xem xét kỹ lưỡng về việc thay thế chất liệu đầu vào hoặc chỉnh sửa lại thiết kế đó.

3. Ra mắt một thương hiệu con mới

Giày Thể Thao Nam Biti's Hunter Street x VietMax | Bloomin' Central D
Biti’s Hunter – Thương hiệu con đình đám của Biti’s

Khi nói đến cấu trúc bộ sưu tập và bản sắc thương hiệu, việc lùi lại một bước và nhìn vào bức tranh toàn cảnh cũng rất hữu ích. Liệu thương hiệu có thể bổ sung hoặc phát triển điều gì để có vị thế tốt hơn trong việc thu hút thêm nhiều khách hàng mới trong khoảng một năm tới không?

Hãy cân nhắc việc ra mắt một thương hiệu con bình dân hơn thay vì liên tục giảm giá. Những sự hợp tác hoặc phiên bản giới hạn, hoặc thậm chí là mang lại lợi ích cho một mục tiêu cụ thể hoặc tổ chức từ thiện sẽ giúp thu hút khách hàng mới mà không làm mất lòng hoặc mất đi những khách hàng hiện tại.

4. Trưng bày sản phẩm và chú trọng bán hàng trên các nền tảng online

@tingoan_store

Người mua luôn mong đợi sự tiện lợi và trải nghiệm liền mạch trong suốt quá trình mua hàng. Hãy bắt đầu bằng hệ thống đặt hàng online cung cấp đầy đủ thông tin về thương hiệu và sản phẩm, cho phép người mua dễ dàng xem, bỏ vào giỏ và thêm sản phẩm bất kỳ lúc nào.

5. Phân phối sản phẩm đến các thị trường mới

FanCì Club - Thương hiệu Việt được Jennie “chọn mặt gửi vàng” lăng xê trào lưu Balletcore trong MV “You & Me” - Style-Republik.com | Thời Trang, sáng tạo và kinh doanh
Local brand Việt FanCì Club in dấu chân trên khắp bản đồ thế giới.

Khi một thương hiệu mở rộng sang thị trường mới, họ thường thiếu hụt cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ như ở thị trường chính trong nước. Tuy nhiên, nếu có những khách hàng nước ngoài quan tâm đến sản phẩm của bạn, hãy cân nhắc đầu tư vào thị trường đó.

Trong trường hợp này, việc tìm kiếm một đối tác, nhà phân phối hoặc đại lý uy tín sẽ giúp bạn xây dựng thương hiệu đạt đến tiềm năng tối đa tại thị trường mới. Chìa khóa là hãy đối xử với thị trường mới với sự quan tâm và chăm sóc giống như bạn dành cho thị trường trong nước, và dựa vào một đối tác địa phương để làm tai mắt của bạn.

6. Khiến khách hàng phải mua lại nhiều lần

Một phiếu giảm giá có thể đổi trực tuyến để nhận quà tặng là một chiếc khăn? Hay khi khách hàng mua giày, hãy khuyến khích họ đăng ký thành viên để trải nghiệm chương trình vệ sinh giày miễn phí.

Quà tặng không nhất thiết phải tốn kém và thậm chí không mất tiền, chẳng hạn như khách hàng có thể nhận tạp chí thời trang trong 6 tháng mà bạn đã thương lượng miễn phí vì giám đốc marketing của tạp chí muốn quảng cáo cho ấn phẩm của họ.

Thương hiệu cũng có thể tổ chức các cuộc thi phù hợp với khách hàng mục tiêu và tặng cho những người tham gia phiếu giảm giá khi đến mua sắm tại cửa hàng. Điều này sẽ khuyến khích mọi người đổi phiếu giảm giá bằng cách mua các mặt hàng trả phí. Chi phí marketing có thể được tính vào giá thành sản phẩm và trong hầu hết trường hợp, thương hiệu vẫn có lợi nhuận trên tổng số tiền.

7. Phát triển kênh bán hàng riêng của thương hiệu

Bán trực tiếp cho khách hàng thường đem lại lợi nhuận cao hơn so với thông qua các nhà bán lẻ và phân phối. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần các nhà bán lẻ, vì họ vẫn có thể tiếp cận một lượng lớn khách hàng.

Vậy, làm thế nào để tăng doanh số bán hàng từ kênh trực tiếp của thương hiệu? Sau đây là một vài gợi ý:

  • Thu hút sự chú ý thông qua các sản phẩm mũi nhọn: Phát triển và quảng bá các mặt hàng có giá cả, thông điệp phù hợp, sức hấp dẫn lớn và có nhiều khả năng khiến khách hàng tiềm năng phải gật đầu.
  • Tối đa khả năng tiếp cận của kênh: Ví dụ, nếu trang web của thương hiệu chỉ có tiếng Việt, bạn có thể thêm lựa chọn tiếng Anh nếu nhắm đến những người mua hàng ngoại quốc.
  • Hợp tác với KOL/ KOC/ Influencer: Chiến lược này có thể giúp thương hiệu tiếp cận nhiều người hơn so với cùng một ngân sách quảng cáo trên Google Ads hoặc chạy ads trên mạng xã hội.

8. Xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng

Bạn có thể cung cấp chương trình bảo hành sản phẩm để xây dựng lòng tin với khách hàng. Họ sẽ đăng ký thành viên để được bảo hành sản phẩm miễn phí, đổi lại bạn sẽ có được thông tin để tiếp cận các khách hàng cũ khi BST mới ra mắt.

9. Tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất hoạt động của thương hiệu

Behind the Marketing Department of A Fashion Company

Điều này giúp giảm số giờ dành cho việc xử lý đơn hàng của cả nhân viên bán hàng và bộ phận hậu cần. Giảm chi phí đồng nghĩa với lợi nhuận cao hơn.

Mặt khác, nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho các công việc hành chính lặp đi lặp lại như tìm kiếm thông tin, tạo báo cáo hoặc thu thập thông tin cho đơn đặt hàng, gửi email cho nhà cung cấp và khách hàng, sắp xếp lịch làm việc của nhân sự… Hãy thử dùng các phần mềm quản lý để công việc trơn tru và tiết kiệm thời gian hơn.

Phần mềm quản lý sẽ nhắc nhở các nhiệm vụ phải hoàn thành và cảnh báo nếu có gì đó không đáp ứng được thời hạn dự kiến. Từ đó, cả doanh nghiệp và sản phẩm đều được hưởng lợi, và những sai lầm tốn kém hoặc chi phí không cần thiết có thể được loại bỏ từ đầu.

Chuyển ngữ: Thanh Mai

Theo Conceptable

Ảnh bìa: Chautfifth