Phân biệt các nhãn mỹ phẩm: Hữu cơ, thuần chay, tự nhiên, sạch nghĩa là gì?

Ngày đăng: 09/04/19

Là một tín đồ thời trang và làm đẹp, bạn sẵn sàng săn lùng và sở hữu ngay một món đồ trang điểm vừa mới được tung ra thị trường, tuy nhiên bạn đã nắm rõ cách phân biệt các dòng miêu tả nguồn gốc thành phần của từng loại mỹ phẩm?

Trên thị trường hiện nay, các loại nhãn mác dành cho mỹ phẩm, không chỉ là về công dụng mà còn chỉ về nguồn gốc. Bạn đã nắm rõ cách phân biệt mỹ phẩm thuần chay, mỹ phẩm hữu cơ, mỹ phẩm tự nhiên, mỹ phẩm sạch cũng như phân biệt các loại sản phẩm này trên thị trường hiện nay?

Natural Products

Sản phẩm tự nhiên (Natural Products) là dòng miêu tả được dùng phổ biến nhất trên các loại bao bì mỹ phẩm. Tuy nhiên, một sản phẩm dù chỉ có 1% thành phần phần tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật hay khoáng chất, cũng được đề dòng chữ sản phẩm tự nhiên. Cách để biết rõ hơn về sản phẩm là bạn nên kiểm tra danh sách thành phần (ingredients). Các chiết xuất tự nhiên thường được đặt theo tên khoa học hoặc tiếng Latin, nếu không nắm rõ bạn có thể tra từ điển mỹ phẩm (cosmetic dictionary).

Một điều cần lưu ý là các sản phẩm tự nhiên 100% sẽ có hạn sử dụng rất ngắn, nên các nhà sản xuất thường bổ sung thành phần tổng hợp vào trong sản phẩm.

Organic

Tương tự như sản phẩm tự nhiên, với nhãn mác hữu cơ (Organic) chỉ cần một chút thành phần trong sản phẩm là đủ để gắn mác trên bao bì sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm hữu cơ thực sự, để được chứng nhận, sản phẩm phải có nguồn gốc và được sản xuất bằng các thành phần bền vững, được trồng hữu cơ và không qua thử nghiệm trên động vật, không chứa hóa chất khắc nghiệt, hạt nano, paraben, thuốc nhuộm tổng hợp và nước hoa nhân tạo. Lưu ý rằng thành phần như nước, muối và đất sét sẽ không được công nhận là thành phần hữu cơ.

Bạn có thể tìm mua sản phẩm hữu cơ thông qua sản phẩm kèm logo của các tổ chức uy tín như Soil Association Organic, COSMOS (Cosmetic Organic Standard), BDIH (Đức), Cosmebio và Ecocert (Pháp), ICEA (Ý).

Vegan Beauty

Mỹ phẩm thuần chay (Vegan Beauty) sẽ không chứa các chiết xuất từ động vật trong thành phần sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm không qua quá trình thử nghiệm trên động vật. Logo Leaping Bunny – đã được quốc tế công nhận, là dấu hiệu nhận biết sản phẩm không qua thử nghiệm trên động vật trong quá trình phát triển sản phẩm. Trong khi luật EU có quy định nghiêm ngặt về việc thử nghiệm trên động vật, thì ở Trung Quốc luật pháp lại bắt buộc. Lưu ý là một số sản phẩm có mác “thuần chay” có vẫn có thể có thành phần có nguồn gốc từ động vật, các thành phần này có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm.

Một số thành phần phổ biến trong mỹ phẩm có nguồn gốc từ động vật bao gồm glycerin, collagen, gelatine, retinol. Nếu muốn sử dụng mỹ phẩm thuần chay bạn nên tránh các thành phần như ngọc trai, gel ốc sên, protein, cochineal (E120), mỡ động vật, lanolin.

Clean 

Các sản phẩm ‘sạch’ là không chứa các thành phần như sunfat, silicones, phthalates, paraben, thuốc trừ sâu, dẫn xuất dầu mỏ, màu nhân tạo và hương liệu tổng hợp. Tại châu Âu, sản phẩm phải liệt kê trên nhãn bất kỳ thành phần nào có khả năng gây dị ứng với cơ thể nhạy cảm. Những thành phần này thường được in nghiêng ở cuối của danh sách thành phần sản phẩm.

Fair trade

Nếu trên sản phẩm có đề chữ trao đổi công bằng (Fair trade), điều này chứng tỏ trong sản phẩm có thành phần nguyên liệu (như dừa, argan, mơ…) được nhà sản xuất thu mua để chiết xuất với mức giá hợp lý, đảm bảo đủ mức sống cho nông dân địa phương. Cũng như thương hiệu hỗ trợ có cho các dự án cộng đồng như tạo nguồn nước sạch, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.

*Bài viết có tham khảo nội dung từ Glamour Magazine.

Bài: Hoàng Khôi