Năm 2024 là năm khó khăn hay triển vọng cho các thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam?

Ngày đăng: 18/09/24

Mặc dù suy thoái, tuy nhiên theo báo cáo quý 4/2023, thị trường bán lẻ cao cấp tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến năm 2028. 

Thời trang được dự báo sẽ là phân khúc lớn nhất với giá trị dự kiến đạt 298,6 triệu USD vào cuối năm 2024.

Chanel dẫn đầu bảng xếp hạng doanh số tại Việt Nam 2023

Theo công bố của Vietdata trong Báo cáo về ngành hàng xa xỉ năm 2023, Louis Vuitton, sau hai năm dẫn đầu thị trường xa xỉ Việt Nam (2021-2022), đã bị Chanel vượt mặt vào năm ngoái với doanh thu giảm 22,5%. Năm 2023, doanh thu của Louis Vuitton đạt khoảng 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 38%.

Chanel đã đạt doanh thu gần 1.900 tỷ đồng, giành lại vị trí số một nhưng vẫn giảm 13,6% so với năm 2022, với lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 51%.

Christian Dior, đứng thứ ba trong bảng xếp hạng doanh thu, ghi nhận doanh thu 1.500 tỷ đồng, giảm 9,5% so với năm trước. Tuy nhiên, thương hiệu này đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất trong nhóm nhờ quản lý chi phí hiệu quả, mặc dù vẫn giảm khoảng 30%.

Gucci, với doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng vào năm 2022, bị giảm mạnh 30% trong năm 2023, còn khoảng 750 tỷ đồng.

Sự sụt giảm doanh số của các công ty phân phối hàng hóa xa xỉ

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa xa xỉ cũng có sụt giảm về mặt doanh số. Năm 2023, doanh thu của Tam Sơn (đại diện phân phối cho 31 thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent, Kenzo, Boss, Hugo, Marc Jacobs, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard, Bang & Olufsen, Bernardaud, Lalique, Rimowa, Alessi, Hanoia… ) vẫn tăng 6,5%, và tiếp tục dẫn đầu ngành phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam. Tuy nhiên, lợi nhuận của Tam Sơn vẫn giảm 25% theo xu hướng chung của toàn ngành.

Công ty ACFC (phân phối 26 thương hiệu quốc tế như Mango, Levi’s, Gap, Old Navy, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, Mothercare, OVS…) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với năm 2022, khi doanh thu chỉ đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 5,6%.  Và lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm 39%.

DAFC (phân phối như Rolex, Versace, Montblanc, DOLCE&GABBANA, Jimmy Choo, Burberry, TIFFANY&CO… ) giảm 16,5% doanh số 2023 so với năm 2022 (đạt 1.800 tỷ đồng). DAFC ghi nhận khoản lỗ gần trăm tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lợi nhuận hơn 135 tỷ đồng của năm trước đó.

Sự gia tăng của nhóm siêu giàu tại Việt Nam

Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận doanh thu chủ yếu đến từ các sản phẩm như nước hoa và mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da cũng như đồng hồ và trang sức xa xỉ. Dự kiến, ngành hàng này sẽ thu về 992,20 triệu USD vào năm 2024.

Các thương hiệu xa xỉ vẫn mở rộng bất chấp nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái suy thoái, tuy nhiên sự mở rộng có chọn lọc. Trong đó, số người giàu và siêu giàu tại Việt Nam vẫn không ngừng tăng mỗi năm, dự kiến đến năm 2028, dân số siêu giàu* (cá nhân sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên) Việt Nam sẽ đạt 978 người, tăng khoảng 30% so với năm 2023, theo Knight Frank. 

Điều đáng lưu ý là tốc độ gia tăng số người siêu giàu tại Việt Nam sẽ thuộc hàng nhanh top đầu thế giới và đứng thứ 5 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ xếp sau Ấn Độ (50,1%), Trung Quốc (47%), Thổ Nhĩ Kỳ (42,9%), Malaysia (34,6%), dẫn trước cả Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore. 

Tăng trưởng nhưng vẫn đầy thách thức

Trên thực tế, đối tượng khách hàng của phân khúc cao cấp không chỉ có nhóm giàu và siêu giàu, mà trong đó tầng lớp trung thu với thu nhập từ 22,5 triệu – 60 triệu/tháng cũng đóng góp đáng kể. Cũng theo báo cáo của Statista, dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu người.

Thách thức của các thương hiệu xa xỉ là chinh phục được nhóm khách hàng này để phát triển doanh số. Trên thế giới hiện nay, trong năm 2024, chứng kiến cảnh các ông lớn của ngành thời trang xa xỉ như LVMH (chủ sở hữu các thương hiệu danh tiếng như Louis Vuitton, Dior, Fendi) đối diện với tốc độ tăng trưởng chậm lại, các đối trọng thời trang nhanh như Inditex (chủ sở hữu Zara, Massimo Dutti, Bershka) lại đang ghi nhận những kết quả kinh doanh vượt trội. Vì thế, năm 2024 cũng được dự đoán là một năm đầy khó khăn và siêu cạnh tranh trong lĩnh vực xa xỉ.

Thực hiện: K.