Câu chuyện thương mại của các Tuần lễ thời trang và cả những khoảnh khắc “viral” đằng sau đó
Ngày đăng: 29/09/24
Lợi tức đầu tư (ROI) thực sự mà các thương hiệu tham gia trình diễn ở các Tuần lễ thời trang là bao nhiêu?
Các tuần lễ thời trang là sự kiện thường niên trong làng mốt. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, cho đến thời điểm hiện nay guồng quay của ngành công nghiệp thời trang đã có những thay đổi lớn. Theo sự phát triển của mạng xã hội, các show diễn thời trang – từng được diễn ra âm thầm trong giới – chỉ quy tụ một nhóm khán giả thưởng thức bao gồm khách hàng của thương hiệu, các nhà buôn, nhóm phóng viên và các nhân vật đặc biệt thân cận của nhà mốt, giờ đây đã trở thành một sự kiện đại chúng.
Thông qua những khoảnh khắc được phổ biến rộng khắp trên mạng xã hội, ai ai cũng có thể bắt kịp những dấu ấn tiêu biểu xung quanh show diễn, từ dàn khách mời đình đám tham dự cho đến một món phụ kiện độc đáo nào đó. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thương hiệu đã đầu tư bao nhiêu cho một show diễn đình đám và họ sẽ thu được gì sau đó? Sự quy đổi đó được tính toán thế nào và giá trị mang về cho thương hiệu được các nhà điều hành cân đo đong đếm ra sao?
Từ một khoản đầu tư lớn nằm trong chiến lược
Tổ chức một buổi trình diễn thời trang là một khoản đầu tư lớn vào một dự án truyền thông rủi ro. Theo một nghiên cứu gần đây của Institut Français de la Mode (IFM), chi phí cho một buổi trình diễn thời trang xa xỉ có thể dao động từ 500.000 đến 5.000.000 euro. Mặc dù số tiền này có vẻ cao, nhưng nó bao gồm rất nhiều khoản chi phí thiết yếu cho địa điểm, nhân sự và hậu cầu.
Đầu tiên phải kể đến chi phí thuê địa điểm. Với những địa điểm mang tính biểu tượng như Grand Palais hay Louvre có thể tốn từ 100.000 đến 1.000.000 euro cho vài giờ, tùy thuộc vào thời điểm diễn ra sự kiện. Một số thương hiệu, như Chanel, đã đầu tư trực tiếp vào việc tôn tạo các địa điểm có tính lịch sử để đổi lấy quyền lợi được diễn show tại đấy. Ví dụ, Chanel đã đầu tư 25 triệu euro vào việc cải tạo Grand Palais vào năm ngoái để chuẩn bị cho show diễn năm nay sắp tới đây.
Một khoản chi phí khác là phần trang trí cho không gian trình diễn theo concept của nhà mốt, thường do các nghệ sĩ hoặc thợ thủ công thực hiện, có thể tốn hàng trăm nghìn euro. Đối với các hãng thời trang như Dior hay Louis Vuitton, phần trang trí là yếu tố quan trọng của việc dàn dựng và có thể chiếm một phần đáng kể trong tổng ngân sách.
Sau đó là khâu sản xuất trang phục. Mỗi bộ trang phục được trình diễn tại một buổi trình diễn thời trang đều là kết quả của nghề thủ công đặc biệt và việc sử dụng các nguyên phụ liệu cao cấp. Do đó, chi phí sản xuất có thể tăng vọt và cao hơn từ 20 đến 50 lần so với hàng may sẵn, tùy thuộc vào độ phức tạp của thiết kế.
Tuỳ vào khả năng và các mối quan hệ, các thương hiệu sẽ chọn các người mẫu có danh tiếng để tham gia show diễn. Những người mẫu hàng đầu như Gigi Hadid hay Kendall Jenner có giá khoảng 10.000 đến 50.000 euro cho mỗi buổi biểu diễn.
Ngoài ra việc mời những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, nhà báo và người trong ngành cũng kéo theo chi phí hậu cần đáng kể, đặc biệt là chi phí đi lại và chỗ ở, có thể dễ dàng lên tới từ 200.000 đến 500.000 euro. Tuỳ theo tiềm năng về tài chính, đôi khi một số thương hiệu có thể mời các nhà tài trợ để giảm bớt gánh nặng.
Cuối cùng là ngân sách cho truyền thông và marketing. Việc quảng bá một buổi trình diễn thời trang là vô cùng quan trọng. Không ai muốn việc tổ chức một show diễn hoành tráng lại không được biết đến, điều này đòi hỏi các chiến dịch quảng cáo quy mô lớn, quan hệ báo chí chặt chẽ và các hoạt động truyền thông xã hội trước và sau show. Để có thể tối đa hóa phạm vi tiếp cận của sự kiện và củng cố hình ảnh thương hiệu, mục tiêu hàng đầu của show diễn, đội ngũ PR & Marketing của thương hiệu phải làm việc cật lực vào thời điểm trước, trong và sau show diễn. Đối với một thương hiệu xa xỉ, một chiến dịch truyền thông có thể tốn từ 100.000 đến 1.000.000 euro, tùy thuộc vào quy mô hoạt động và mức độ hiển thị mong muốn.
Lợi ích thu về đằng sau mỗi show diễn là gì?
Theo ước tính của IFM (Institut français de la mode), sáu tuần của Tuần lễ thời trang Paris có thể tạo ra doanh thu 10 tỷ euro. Các khoản đầu tư lớn vào Tuần lễ thời trang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như tăng cường nhận thức của đại chúng về thương hiệu và từ đó tiếp cận được công chúng.
Show diễn thời trang là nơi thương hiệu có thể thể hiện chất riêng thiết kế của mình, giá trị đằng sau thương hiệu một cách trực quan, nghệ thuật và sáng tạo nhất. Ví dụ, buổi trình diễn thời trang Louis Vuitton trên Pont-Neuf đã tạo ra hơn 2 tỷ lượt hiển thị trên phương tiện truyền thông vào năm ngoái. Bên cạnh đó, show diễn có thể khiến thương hiệu vụt sáng thành “sao” chỉ bằng vài khoảnh khắc viral trên mạng xã hội, như Coperni đã làm được với chiếc váy xịt sơn trên người của Bella Hadid. Những bức ảnh và video được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, đồng thời giúp Coperni được biết đến nhiều hơn kể cả với những người không thường theo dõi thời trang hay nghệ thuật.
Việc củng cố hình ảnh thương hiệu cũng đóng một vai trò quan trọng, vì các buổi trình diễn thời trang cho phép các thương hiệu kể một câu chuyện và tạo ra trải nghiệm khó quên cho khán giả của họ. Điều này giúp củng cố hình ảnh thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng. Và tất nhiên, các thương hiệu mong đợi về việc gia tăng doanh số.
Theo các nghiên cứu trong ngành, các bộ sưu tập được trình diễn trong Tuần lễ thời trang được cho là chiếm từ 30 đến 50% doanh số bán hàng hàng năm của các thương hiệu.
Tuy nhiên, để có thể tổ chức một show diễn đòi hỏi ngân sách không nhỏ, điều này khiến cho điều kiện tài chính trở thành một rào cản với các nhà thiết kế trẻ hay các thương hiệu độc lập. Và để đạt được mục tiêu kinh doanh, họ có thể chọn hình thức trình diễn khác như trunkshow hay minishow để ra mắt bộ sưu tập nhằm tối ưu hoá mức đầu tư cho marketing trong thời điểm hiện nay.
Thực hiện: K.
Theo Fashion Network